Dịch Covid-19 phơi bày nguy cơ của các thành phố đông dân
Các thành phố có mật độ dân cư quá đông được cho là môi trường lý tưởng để lây lan các dịch bệnh chết người như dịch viêm phổi do virus corona hiện nay.
Thành phố Vũ Hán của Trung Quốc được cho là tâm dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra. Sự việc cũng biến Vũ Hán trở thành đô thị lớn mới nhất phải đối mặt với dịch bệnh chết người. Điều này khiến các nhà hoạch định và chuyên gia y tế đầu ngành phải lên tiếng cảnh báo những đô thị lớn với mật độ dân cư dày đặc.
Các thành phố có mật độ dân cư quá đông được cho là môi trường lý tưởng để lây lan các dịch bệnh. Ảnh minh họa: Getty.
Vũ Hán – thành phố có số dân khoảng 11 triệu người đã bị phong tỏa trong hơn 3 tuần qua. Ủy ban y tế Hồ Bắc ngày 17/2 cho biết, tổng số trường hợp nhiễm bệnh trong tỉnh đã lên tới 58.182 vào tối 16/2, với 1.696 người chết. Vũ Hán chiếm 71% tổng số ca nhiễm và 77% số ca tử vong của tỉnh.
Sự bùng phát của dịch bệnh do virus corona mới ( Covid-19) khiến nhiều người liên tưởng đến dịch do Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) từng làm 770 người tử vong trong khoảng thời gian từ năm 2002-2003. Tâm chấn của dịch bệnh khi đó là một khu nhà tại Hong Kong – một trong những đô thị đông dân và có sự phân hóa rõ nét nhất trên thế giới.
Với hơn 2/3 dân số toàn cầu được dự báo sẽ sống ở khu vực thành thị vào năm 2050, các thành phố cần phải được quy hoạch thiết kế lại để có thể bảo đảm sức khỏe tốt nhất cho người dân, bà Sreeja Nair – nhà nghiên cứu chính sách tại Trung tâm Sáng tạo thành phố Lee Kuan Yew (LKYCIC) tại Singapore cho biết.
Bà Sreeja Nair nói: “Trong khi cuộc sống đô thị mang đến triển vọng về cơ hội kinh tế và cơ sở hạ tầng tốt hơn, bao gồm cả các cơ sở chăm sóc sức khỏe thì cách các thành phố mở rộng và phát triển là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến việc lây lan các bệnh truyền nhiễm”.
Sự mất cân đối giàu – nghèo ở các thành phố cũng có ảnh hưởng đến tính dễ bị tổn thương và năng lực của các thành phố này trong việc chuẩn bị đối phó và phản ứng với dịch bệnh, Nair nói với Reuters.
“Sự chênh lệch về điều kiện kinh tế xã hội và quản trị khiến một bộ phận dân cư có nguy cơ cao hơn”, bao gồm cả những cá nhân thiếu điều kiện tiếp cận nhà ở, chăm sóc sức khỏe và các tiện ích cơ bản khác như nước sạch, vệ sinh…, Sreeja Nair nói.
Video đang HOT
Các thành phố lớn từ lâu đã luôn được ví như những “thanh nam châm” thu hút người dân tìm kiếm cơ hội việc làm, cải thiện kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhưng những khu vực có đông người sống gần nhau cũng tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan nhanh hơn, nếu nhìn lại quá khứ từ bệnh dịch hạch thời Trung cổ cho đến dịch cúm gia cầm, SARS và mới nhất là Covid-19.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mặc dù người dân thành thị thường được chăm sóc sức khỏe tốt hơn cư dân nông thôn nhưng rủi ro được phân bổ không đều, với phần lớn gánh nặng rơi vào bộ phận dễ bị tổn thương như dân cư trong các khu ổ chuột.
Hành vi của con người
WHO đã xác định đô thị hóa là một trong những thách thức chính đối với sức khỏe cộng đồng trong thế kỷ 21, ngay cả khi giới chức các thành phố thường thực hiện các chính sách y tế trước khi giới chức quốc gia có chỉ đạo trong những trường hợp khẩn cấp.
Môi trường đô thị có liên quan đến số lượng lớn các bệnh không lây nhiễm như béo phì, bệnh tim, bệnh phổi cũng như các bệnh truyền nhiễm như bệnh lao do dân cư đông, độ thoáng khí kém và các bệnh lây truyền qua đường nước, bệnh truyền nhiễm cấp tính như sốt xuất huyết.
Giáo sư David Heymann tại Trường y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London cho rằng, các khu vực đô thị cũng có nhiều điểm rủi ro hơn do sự tiếp xúc giữa con người và động vật. Điều đó bao gồm các khu vực có động vật gặm nhấm, chợ buôn bán động vật hoang dã…
“Các khu vực thành thị phải phát triển các giải pháp bổ sung bên cạnh các hệ thống phát hiện và ứng phó bệnh dịch để có thể nhanh chóng kiểm soát những bệnh truyền nhiễm mới phát sinh”, giáo sư Heymann khuyến nghị.
Sự gia tăng của các loại vi khuẩn kháng thuốc và vô số các cơ chế lây truyền có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả những thành phố sạch nhất và giàu có nhất.
Singapore – một trong những quốc gia được quy hoạch tốt nhất nhưng cũng chính là điểm kết nối hàng đầu trên thế giới, đã báo cáo có hơn 70 trường hợp nhiễm Covid-19 – là một trong những nơi ghi nhận số ca nhiễm cao nhất nhì bên ngoài Trung Quốc.
Các thành phố hiện đại có khả năng tận dụng công nghệ tốt hơn để tăng cường giám sát các trường hợp nhiễm bệnh cũng như những trường hợp có nguy cơ cao, đồng thời tạo ra kênh liên lạc mạnh mẽ xây dựng nhận thức và tránh sự hoảng loạn trong cư dân, bà Nair nói.
Ông Matt Benson, Giám đốc chương trình Think City – một cơ quan cải tạo, chỉnh trang đô thị được Chính phủ Malaysia hỗ trợ cho rằng, các thành phố vẫn cần phải được thiết kế để có cơ sở hạ tầng tốt.
“Điều quan trọng hơn cả mật độ dân cư – yếu tố tạo điều kiện cho sự lây lan của bệnh dịch ở các thành phố chính là hành vi của con người. Bạn có thể có một khu dân cư với mật độ thưa thớt nhưng nếu chất thải không được xử lý thì điều đó có thể dẫn đến dịch sốt xuất huyết”, ông Benson nói.
Theo ông Benson, các nhà hoạch định nên tập trung vào việc xây dựng “các thành phố 20 phút” hoặc các khu làng trong thành phố, nơi cư dân có thể đến nơi làm việc, đi khám bác sĩ hoặc đi thăm bạn bè của họ chỉ trong vòng 20 phút.
Melbourne, Australia đã thử nghiệm các khu phố như vậy, nơi hầu hết các nhu cầu hàng ngày của người dân có thể được đáp ứng trong vòng 20 phút đi bộ, đạp xe hoặc di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng.
Thị trưởng Paris Anne Hidalgo cũng đang nhắm đến “thành phố nửa giờ” để giảm ô nhiễm và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Những khu vực có mật độ cao tạo ra sự gắn kết xã hội lớn hơn và mang lại nhiều lợi ích kinh tế và môi trường hơn, bà Anjali Mahendra, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Ross của Viện Tài nguyên Thế giới về các thành phố bền vững ở Washington cho biết.
Theo bà Mahendra, nếu muốn ngăn các khu vực dân cư đông đúc trở nên dễ lây truyền bệnh dịch thì phải đảm bảo sự sẵn có của cơ sở hạ tầng chất lượng tốt với các tiêu chuẩn quy hoạch nâng cao điều kiện sinh hoạt cho tất cả mọi người. Tuy vậy, các khu dân cư tại các thành phố ở các nước đang phát triển vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc tiếp cận các dịch vụ như vậy.
“Các thành phố hiện đại là bộ mặt của những nơi đổi mới, tiện nghi và nhiều cơ hội, vì vậy chúng ta tiếp tục chứng kiến các thành phố phát triển. Nhưng các cơ quan quản lý đô thị nên hoạt động sao cho lợi ích kinh tế của các thành phố và giá trị được tạo ra phải được chia sẻ công bằng hơn”, bà Mahendra nhận xét./.
Hùng Cường/VOV.VN (biên dịch)
Nguồn: Straits Times
7 người mắc Covid-19 ở Vĩnh Phúc đã âm tính
Đó là khẳng định của ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc tối 16/2. Hai bệnh nhân tiếp theo dự kiến được ra viện vào ngày mai.
Trao đổi với Zing,vn, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Thanh Hải vừa cho biết trên địa bàn Vĩnh Phúc ghi nhận 11 ca mắc Covid-19. 7 ca đã được điều trị, kết quả xét nghiệm âm tính trở lại. Trong đó có 5 người đã âm tính lần 2. "Theo quy định của Bộ Y tế, khi người bệnh không còn triệu chứng và cho kết quả âm tính với Covid-19 lần 2 thì là khỏi bệnh, được trở về cộng đồng. Như vậy, 5 người âm tính lần 2 này đã khỏi bệnh", ông Hải nói.
Trong 5 ca này, ngoài 3 ca đã được xuất viện sau khi điều trị khỏi ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, hai ca còn lại được điều trị tại địa phương, dự kiến xuất viện vào ngày mai.
Hai bệnh nhân này đang cách ly ở Phòng khám đa khoa Quang Hà, là P.T.B. (42 tuổi, dì của bệnh nhân N.T.D.) và N.T.N. (thành viên trong đoàn 8 người Công ty Nihon Plast về từ Vũ Hán, Trung Quốc, cùng đoàn với bệnh nhân N.T.D.).
11 người Vĩnh Phúc dương tính với Covid-19. Đồ họa: Minh Hồng.
Bệnh nhân N.T.D. (23 tuổi) đã lây bệnh sang 6 người. Bố của D. là bệnh nhân mới nhất nhiễm Covid-19, ca thứ 11 ở Vĩnh Phúc và là ca thứ 16 tại Việt Nam, ngày 16/2 vẫn còn dương tính với virus này.
Ông Hải cho biết thêm hai người còn lại trong nhóm 8 người công ty Nihon, đến hôm nay cũng có kết quả xét nghiệm âm tính. Như vậy, đoàn 8 người thì có 6 người dương tính với Covid-19. Huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, đang trong tâm dịch, vậy nên cả hai trường hợp này vẫn đang được cách ly tại Tam Đảo.
Xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc là nơi có nhiều ca mắc Covid-19 nhất (6 ca). Từ sáng 13/2, địa phương bắt đầu cho phong tỏa toàn bộ xã Sơn Lôi trong 20 ngày (13/2 đến 3/3) để khoanh vùng, dập dịch Covid-19.
Xã Sơn Lôi có khoảng trên 2.800 hộ dân với gần 11.000 nhân khẩu (bao gồm cả dân số cơ học đến địa bàn sinh sống, làm ăn). Trong khoảng thời gian này, công an tỉnh sẽ bố trí lực lượng ngăn chặn người dân từ trong xã đi ra và người từ ngoài vào xã.
Theo Zing
Dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu tiến gần đỉnh Giới chuyên gia cảnh báo dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) có thể diễn biến tồi tệ hơn rất nhiều và lây nhiễm 2/3 dân số thế giới Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm 14-2 cho biết số ca nhiễm Covid-19 tại quốc gia này một ngày trước đó đã tăng thêm 5.090 người, trong...