Dịch COVID-19 ngăn chủ nhân Nobel Hòa bình 2020 tới Oslo nhận giải
Ngày 18/11, Viện Nobel Na Uy thông báo Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc (LHQ) sẽ không tới thủ đô Oslo của Na Uy để nhận giải Nobel Hòa bình 2020 vào tháng 12 tới do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Giám đốc điều hành Chương trình lương thực thế giới (WFP) David Beasley. Ảnh: Hữu Thanh/PV TTXVN tại New York, Hoa Kỳ
Thông báo của Viện Nobel Na Uy nêu rõ: “Chúng tôi hiện đang tính tới khả năng tổ chức lễ trao giải trực tuyến để tặng huy chương và bằng chứng nhận cho WFP”. Viện dẫn những biện pháp hạn chế chống dịch đang được triển khai tại Oslo, Viện trên thừa nhận sẽ không thể tổ chức lễ trao giải “một cách tốt đẹp và trang trọng” như những buổi lễ trước đây. Bữa tiệc truyền thống thường được tổ chức vào đêm trao giải nhằm vinh danh chủ nhân giải thưởng cũng sẽ bị hủy.
Theo truyền thống, lễ trao giải Nobel Hòa bình được tổ chức tại Oslo vào ngày 10/12 để tưởng nhớ ngày mất của người sáng lập Nobel – nhà bác học Alfred Nobel. Một buổi lễ trao giải riêng rẽ dành cho các chủ nhân giải thưởng Nobel Y học, Vật lý, Hóa học, Văn học và Kinh tế cũng được tổ chức cùng ngày tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển. Tuy nhiên, Quỹ Nobel hồi tháng 9 thông báo lần đầu tiên kể từ năm 1944, lễ trao giải Nobel truyền thống ở Stockholm không thể diễn ra như đã định mà được tổ chức qua truyền hình do dịch COVID-19. Theo đó, hình ảnh những người đoạt giải nhận huy chương và bằng chứng nhận tại quê nhà sẽ được phát sóng trên truyền hình.
Video đang HOT
Được thành lập năm 1961, WFP là tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới, giải quyết nạn đói và thúc đẩy an ninh lương thực. Ủy ban Nobel Na Uy tại Oslo đã quyết định trao giải Nobel Hòa bình 2020 cho WFP vì những nỗ lực chống nạn đói, cũng như những đóng góp trong việc thúc đẩy hòa bình trên thế giới. Ủy ban đánh giá WFP xứng đáng được vinh danh giải Nobel Hòa bình 2020 vì những nỗ lực không ngừng nghỉ của tổ chức quốc tế này nhằm đảm bảo an ninh lương thực, giảm tình trạng thiếu lương thực và nạn đói trên thế giới. Các nỗ lực của WFP không chỉ giúp giảm đói nghèo trên thế giới, đặc biệt là tại châu Phi, mà còn đóng góp cho sự ổn định và an ninh toàn cầu.
Nobel 2020: Khép lại một mùa giải thành công
Nobel Kinh tế là giải thưởng thứ 6 và cũng là giải thưởng cuối cùng, khép lại mủa giải Nobel 2020.
Trước đó, các giải Nobel Hóa học, Nobel Vật lý, Nobel Y học, Nobel Văn học và Nobel Hòa bình 2020 cũng đã lần lượt được công bố trong tuần trước. Tất cả những nhân vật và tổ chức được vinh danh trong mùa Nobel năm nay đều được đánh giá là xứng đáng và không gây tranh cãi.
Chân dung các nhà khoa học đoạt giải Nobel Y học 2020 (trên màn hình, từ trái sang) Harvey Alter (Mỹ), Michael Houghton (Anh) và Charles Rice (Mỹ) trong cuộc họp báo công bố về giải thưởng ở Viện Karolinska, thủ đô Stockholm (Thụy Điển), ngày 5/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Giải Nobel đầu tiên của mùa giải năm nay là giải thưởng trong lĩnh vực y học được trao cho 3 nhà khoa học Harvey J. Alter, Michael Houghton và Charles M.Rice với công trình nghiên cứu về virus viêm gan C. Công trình đã có đóng góp quyết định trong cuộc chiến chống bệnh viêm gan lây truyền qua đường máu, một vấn đề sức khỏe toàn cầu gây ra xơ gan và ung thư gan ở nhiều người dân trên thế giới. Trước đó, việc phát hiện ra virus viêm gan A và B đã mang đến những bước tiến quan trọng, song giới khoa học chưa giải thích được nguyên nhân đa số các ca mắc bệnh viêm gan truyền qua máu. Việc phát hiện ra virus viêm gan C đã làm sáng tỏ nguyên nhân các ca mắc bệnh viêm gan mạn tính còn lại, từ đó giúp tìm ra phương pháp xét nghiệm máu và loại thuốc kháng virus mới đem lại hy vọng sống cho hàng triệu người.
Trong khi đó, ở lĩnh vực Vật lý, 3 nhà khoa học Roger Penrose (người Anh), Reinhard Genzel (người Đức) và Andrea Ghez (người Mỹ) đã được vinh danh với những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực vật lý thiên văn, giúp giải mã những bí ẩn quan trọng trong vũ trụ. Ba nhà khoa học cùng chia sẻ giải Nobel Vật lý 2020 nhờ những phát hiện về một trong những hiện tượng kỳ thú nhất trong vũ trụ - đó là hố đen. Nhà khoa học Roger Penrose đã chứng minh từ thuyết tương đối có thể dự báo sự hình thành của hố đen. Trong khi đó, 2 nhà khoa học Reinhard Genzel và Andrea Ghez phát hiện ra vật thể siêu nặng và không thể quan sát được chi phối các quỹ đạo của các ngôi sao tại trung tâm của dải Ngân hà và cách lý giải duy nhất hiện nay cho vật thể siêu nặng đó chính là một hố đen siêu lớn. Ủy ban Nobel Vật lý gọi những phát hiện của các nhà khoa học đạt giải năm nay đã đặt nền móng cho nghiên cứu về các vật thể đặc và siêu nặng.
Nhà hóa học Pháp Emmanuelle Charpentier (trái) và nhà hóa học Mỹ Jennifer Doudna tại một sự kiện ở Oviedo, Tây Ban Nha ngày 21/10/2015. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Giải Nobel Hóa học năm 2020 thuộc về hai nhà hóa học nữ, gồm Emmanuelle Charpentier (Pháp) và Jennifer Anne Doudna (Mỹ), nhờ phát minh công cụ chỉnh sửa gene di truyền "sắc bén" nhất từ trước tới nay CRISPR/Cas9. Bà Emmanuelle Charpentier, nhà nghiên cứu vi sinh học, gene và hóa sinh học, Giám đốc Viện Sinh học Nhiễm trùng Max Planck ở Berlin (Đức), được biết đến nhiều nhất nhờ vai trò trong việc giải mã các cơ chế phân tử của hệ miễn dịch vi khuẩn CRISPR/Cas9 (enzym từ vi khuẩn kiểm soát khả năng miễn dịch của vi sinh vật) và biến thành công cụ cho việc chỉnh sửa gene. Bà Jennifer Anne Doudna, Giáo sư Khoa Hóa và Khoa Sinh học phân tử và tế bào thuộc Đại học California ở Berkeley (Mỹ), nổi tiếng nhờ công trình tiên phong của bà trong việc chỉnh sửa gene CRISPR. Năm 2012, bà Doudna cùng với bà Charpentier là những người đầu tiên đề xuất rằng CRISPR/Cas9 có thể được sử dụng để chỉnh sửa lập trình gene như "một cây kéo sinh học". Hiện nay, công nghệ CRISPR đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực từ cây trồng, vật nuôi, nông nghiệp, y học... Trong lĩnh vực y học, các nhà khoa học đã ứng dụng công nghệ CRISPR để chữa các bệnh di truyền. Chủ tịch Hội đồng Nobel Hóa học Claes Gustafsson cho biết: "Công cụ gene này có sức mạnh to lớn, tác động tới tất cả chúng ta. Không chỉ cách mạng hóa khoa học cơ bản mà còn dẫn đến sự ra đời của những cây trồng mới và phương pháp điều trị mới mang tính đột phá trong y học".
Giải Nobel Văn học năm nay sẽ được trao cho nữ thi sĩ Louise Gluck, người Mỹ. Với giọng thơ mang bản sắc riêng, không thể nhầm lẫn, với vẻ đẹp đơn sơ, khắc khổ, nữ thi sĩ sinh năm 1943 luôn kiếm tìm cảm hứng từ những mô típ cổ điển. Giọng thơ của bà thẳng thắn và không khoan nhượng, song cũng đầy chất hài hước và dí dỏm. Hiện bà đang giảng dạy tại Yale và làm Chủ tịch Viện Hàn lâm các nhà thơ Mỹ. Đến nay, nữ thi sĩ đang sở hữu 12 tuyển tập thơ và giành nhiều giải thưởng văn chương lớn ở Mỹ, trong đó có Huy chương Nhân văn quốc gia, giải Pulitzer, Giải thưởng Sách quốc gia, Giải thưởng của Hội phê bình sách quốc gia, và giải Bollingen. Năm 2003 và 2004, bà được vinh danh là thi sĩ chính thức đại diện cho nước Mỹ và nền thi ca Mỹ. Những tuyển tập thơ làm nên tên tuổi của bà phải kể đến như Ngôi nhà trên đầm lầy (The House on marshland 1975), Hình hài hư hao (Descending Figure 1980)...
Sau gần 60 năm nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm đảm bảo an ninh lương thực, giảm tình trạng thiếu lương thực và nạn đói trên thế giới, cũng như những đóng góp trong việc thúc đẩy hòa bình trên thế giới, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc (LHQ) đã được vinh danh với giải Nobel Hòa bình 2020. WFP là tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới, giải quyết nạn đói và thúc đẩy an ninh lương thực. Các nỗ lực của WFP không chỉ giúp giảm đói nghèo trên thế giới, đặc biệt là tại châu Phi, mà còn đóng góp cho sự ổn định và an ninh toàn cầu. Trong bối cảnh năm 2020 thế giới bị chi phối bởi xung đột, sự bất ổn và đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người, giải thưởng Nobel Hòa bình mang nhiều ý nghĩa hơn. Đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng số nạn nhân của nạn đói trên thế giới. Đối mặt với đại dịch, WFP đã chứng tỏ năng lực ấn tượng trong việc tăng cường và phát huy vai trò của mình, như tổ chức này từng chia sẻ: "Cho tới ngày chúng ta có được vaccine y tế, lương thực chính là loại vaccine tốt nhất chống lại sự hỗn loạn".
Cuối cùng, giải Nobel Kinh tế năm nay được trao cho 2 nhà kinh tế học người Mỹ gồm Paul R.Milgrom và Robert B.Winson với nghiên cứu về lý thuyết đấu giá và sáng tạo ra các hình thức đấu giá mới. Hai nhà kinh tế R.Milgrom (72 tuổi) và B.Winson (83 tuổi) đã nghiên cứu cách thức hoạt động của các cuộc đấu giá. Họ cũng đã vận dụng những hiểu biết của mình để thiết kế các hình thức đấu giá mới dành cho các loại hàng hóa và dịch vụ gặp khó khăn khi được bán theo cách truyền thống, như tần số vô tuyến. Nghiên cứu của họ đã mang lại lợi ích cho người bán, người mua và những người nộp thuế trên khắp thế giới. Chủ tịch Ủy ban Nobel Kinh tế, Peter Fredricksson đánh giá hai nhà kinh tế đoạt giải Nobel Kinh tế năm nay đã nghiên cứu từ những lý thuyết cơ bản, từ đó vận dụng kết quả thu được trong các ứng dụng thực tế để áp dụng trên quy mô toàn cầu. Ông nhấn mạnh khám phá này của họ mang lại lợi ích to lớn cho xã hội.
Năm nay, mỗi giải thưởng Nobel sẽ được trao 10 triệu krona Thụy Điển (hơn 1.120.000 USD), tăng thêm 1 triệu krona so với năm ngoái. Giải thưởng sẽ được chia đều, nếu có từ hai người trở lên được vinh danh. Do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, lễ trao các giải Nobel y học, vật lý, hóa học, văn học và kinh tế theo truyền thống ở Stockholm không thể diễn ra. Thay vào đó, sự kiện này sẽ được tổ chức qua cầu truyền hình. Trong khi đó, Viện Nobel Na Uy sẽ thu hẹp quy mô lễ trao giải Nobel Hòa bình dự kiến diễn ra tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào tháng 12 tới do tình hình dịch COVID-19.
27 người suýt chết vì bữa tiệc trong hầm ngầm Ít nhất 27 người nhập viện sau khi bị ngộ độc khí CO từ máy phát điện tại một bữa tiệc trong hầm ngầm ở thủ đô Oslo. Khoảng 200 thanh niên 20-30 tuổi đã tụ tập trong một hầm ngầm bỏ hoang ở thủ đô Oslo của Na Uy để tiệc tùng. Họ mang theo hai máy phát điện chạy bằng diesel...