Dịch Covid-19 làm bạn trẻ ’sống khác’
Gần 3 tháng sống trong bối cảnh dịch Covid-19 lan khắp toàn cầu, hơn nửa tháng ‘ở yên một chỗ’ thực hiện cách ly xã hội, nhiều bạn trẻ đã nhận ra mình đang dần thay đổi cách suy nghĩ, đang dần ’sống khác’.
Các bạn trẻ cúi đầu cảm ơn chú bộ đội (mặc đồ bảo hộ) tại khu cách ly – THÚY HUYỀN
Biết lo xa và tiết kiệm hơn
Là một cô gái hiện đại, lại đang làm việc tại một tập đoàn quốc tế về giáo dục có trụ sở tại TP.HCM với thu nhập hằng tháng khá cao nên Hoàng Mai Anh cũng có nhu cầu tương đối cao trong cuộc sống. Sở thích của Mai Anh là mua sắm, ăn uống và đi du lịch. Mỗi năm Mai Anh đi ít nhất một chuyến du lịch nước ngoài và vài chuyến đi biển trong nước. Số tiền dành cho việc “xê dịch” và shopping, ăn uống ở nhà hàng của Mai Anh hằng năm không dưới 200 triệu đồng.
“Thế nhưng 3 tháng qua mọi hoạt động, trong đó có giáo dục, bị ngưng trệ và ảnh hưởng lớn đến doanh thu. Cũng chưa biết khi nào mọi thứ mới bình thường trở lại như trước. Hơn 3 tuần làm việc tại nhà, đọc tin tức về dịch bệnh trong nước và thế giới cùng với sự tác động lớn lao của nó đến kinh tế, giáo dục…, mình chợt nhận ra thời gian qua mình sống hơi “vội”. Kiếm được bao nhiêu tiền mình chỉ thích đi mua sắm, đi chơi và nghĩ rằng tuổi trẻ phải vậy, tiêu hết thì còn sức trẻ mình lại kiếm ra thôi mà. Hôm trước ngồi kiểm tra lại tài khoản, giật mình tính toán, nếu dịch bệnh kéo dài, thu nhập giảm, thậm chí tình huống xấu nhất là thất nghiệp, mình sẽ sống kiểu gì đây”, Mai Anh chia sẻ.
Những ngày đầu làm việc ở nhà, Mai Anh cảm thấy khá bứt rứt khi những nhu cầu quen thuộc không được thỏa mãn. Tuy nhiên, sau một tuần cô cảm thấy dần thích nghi. Mai Anh kể: “Mình nhận thấy, hóa ra không đi du lịch, không ăn uống ở nhà hàng, không mặc quần áo đẹp thì mình cũng vẫn… sống được đó thôi. Không những thế, mình còn cảm thấy may mắn vì còn có sức khỏe và một công việc để duy trì. Nghĩ đến những người thiếu may mắn hơn khi bị thất nghiệp, thời gian dài không có thu nhập trong khi dịch bệnh không thể kiếm việc, mình thấy cần phải sống khác đi. Sau này có lẽ mình sẽ sử dụng đồng tiền một cách hợp lý hơn, nghĩ xa hơn”.
Những ngày này, Lê Mộc Miên (làm việc tại Tập đoàn Navigos tại TP.HCM) cũng suy nghĩ đến việc thay đổi “cách tiêu tiền”. Miên bày tỏ: “Dịch Covid-19 làm ngưng trệ mọi hoạt động. Chưa bao giờ tình huống người có chuyên môn cao hay sự nghiệp tốt cũng bị đe dọa đến tài chính, thu nhập như hiện nay. Hầu như mọi người đều lo lắng không biết khi nào đến lượt công ty mình sẽ giảm nhân sự hay cắt giảm lương nếu dịch kéo dài. Mấy ngày qua, em đã hiểu vì sao ba mẹ vẫn dặn con cái phải chuẩn bị cho các tình huống như thất nghiệp, đau ốm… Hồi xưa em vẫn nghĩ tiền tiêu hết thì lại kiếm ra. Còn nếu bị nghỉ việc thì mình sẽ làm bất cứ việc nào khác để nuôi sống bản thân. Nhưng trải nghiệm về Covid-19 khiến em thay đổi. Phải có tài chính an toàn thì mới dễ dàng vượt qua được các tình huống xấu như dịch bệnh, đau ốm, thất nghiệp. Vì thế, từ nay chắc em sẽ phải tiết kiệm thôi”.
Các y bác sĩ, các anh bộ đội, công an, tình nguyện viên đang vất vả ngày đêm ở các bệnh viện, khu cách ly để chữa khỏi cho hàng trăm ca bệnh và giảm rất nhiều ca nhiễm mới. Mình nên biết trân trọng, sẻ chia và sống tích cực hơn
Nguyễn Hoàng Nam, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn
Miên cho biết sau này khi có con, Miên sẽ dạy con phải tiết kiệm vì khi vững vàng về tài chính mới có thể chủ động hoàn toàn trong cuộc sống.
Sống tích cực và biết trân trọng, sẻ chia
Từng có những lúc thấy chán nản, bức bối vì phải ở nhà suốt thời gian dài, Nguyễn Hoàng Nam, sinh viên năm cuối Trường ĐH Sài Gòn, thổ lộ: “Cách ly xã hội khiến mình phải dừng lại một số thói quen, nên mấy ngày đầu cảm thấy rất khó chịu. Nhưng rồi đọc báo thấy có những quốc gia có số tử vong vì dịch Covid-19 lên tới hàng ngàn người, trong khi ở Việt Nam, mọi thứ vẫn đang trong tầm kiểm soát. Các y bác sĩ, các anh bộ đội, công an, tình nguyện viên cũng đang vất vả ngày đêm ở các bệnh viện, khu cách ly để chữa khỏi cho hàng trăm ca bệnh và giảm rất nhiều ca nhiễm mới. Rõ ràng mình đang thụ hưởng những ngày bình an, thoải mái hơn rất nhiều người khác, thì đúng ra nên biết trân trọng, sẻ chia và sống tích cực hơn mới phải”.
Nam nhận ra chỉ cần có sức khỏe là có thể làm được mọi thứ dù khó khăn thế nào. “Trước đây mình nghĩ cứ phải chạy một vòng ở công viên mới là tập thể dục, đến trung tâm gym mới là tập gym. Những ngày cách ly xã hội, mình đã… chạy vòng quanh nhà, chỉ là chạy làm nhiều lần, cũng là tập thể dục vậy. Thay vì nâng tạ, mình đã nâng… em trai của mình, cũng là tập gym vậy. Không gặp gỡ được bạn bè, thì thường xuyên kết nối qua mạng, gọi điện, nhắn tin chia sẻ mọi chuyện. Mọi thứ đều có thể thực hiện và chẳng có gì khó khăn nếu luôn suy nghĩ tích cực và lạc quan”, Nam chia sẻ.
Còn Nguyễn Thu Hương, quê Đắk Lắk, sinh viên năm cuối Khoa Luật kinh tế, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cũng cho rằng dịch Covid-19 cũng làm mình “nhận ra một vài thứ” mà thứ quan trọng nhất là muốn sống khỏe, sống tốt thì trước tiên mọi suy nghĩ, tư duy phải tích cực. Hương tập làm quen với việc mỗi sáng thay vì dậy sớm chuẩn bị đến trường, đi làm thêm, thì nay dậy sớm để học trên mạng những bài tập mới và làm công việc tại nhà. Thời gian này Hương thích ngồi viết những dòng cảm nhận về cuộc sống, thấy mình quan sát và cảm nhận được nhiều hơn.
“Em cũng tập quen với việc mỗi ngày tập thể dục trên sân thượng thay vì ra công viên hay phòng gym, không có đủ dụng cụ thì tập những bài tập không cần dụng cụ. Em còn lên kế hoạch cho những ngày sắp tới khi không còn cách ly xã hội, như triển khai dự án mới, gặp gỡ bạn bè, về nhà thăm ba mẹ…”, Hương cho biết thêm.
Đối với Lê Mộc Miên, việc “ở yên một chỗ” vừa rồi khiến cô cảm thấy trân trọng hơn những giây phút mà người thân, bạn bè, đồng nghiệp, ở bên nhau.
“Thông thường khi gặp nhau quá dễ dàng, chỉ cần nhắn một tiếng là có thể tụ tập, thì người ta lại không thấy trân trọng những cuộc gặp đó. Ngồi với nhau mà ai cũng ôm một chiếc điện thoại mà chẳng chịu giao tiếp. Chỉ đến khi muốn gặp nhau cũng không thể gặp như thời gian cách ly xã hội do dịch Covid-19, mới thấy trân quý hơn sự hiện diện của nhau trong mỗi lần gặp gỡ. Vì thế khi có cơ hội ở bên nhau, chúng ta hãy nói chuyện, giao tiếp, chia sẻ với nhau một cách tích cực hơn”, Mộc Miên nêu cảm nhận.
Mỹ Quyên
Thầy giáo mỹ thuật nghỉ việc vì quá mê mô hình: 'Nhiều lúc nhớ lũ trẻ'
Tô Quốc Nghi trở thành giáo viên theo định hướng của ba mẹ, tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi sau khi anh có quyết định táo bạo: trở thành nhà sưu tập mô hình.
Quyết định nghỉ dạy học, anh chứng minh cho gia đình thấy việc yêu thích các mô hình không chỉ là một thú chơi mà nó còn là một nghề nghiệp nghiêm túc để anh theo đuổi - Lê Nam
Tô Quốc Nghi, 31 tuổi, được mọi người biết đến với vai trò là một nhà sưu tập mô hình đồ chơi với số lượng thuộc "hàng khủng" tại Sài Gòn. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, anh từng là một thầy giáo đứng trên bục giảng, ngày ngày dạy dỗ, uốn nắn từng nét vẽ cho các em nhỏ.
Thầy giáo mỹ thuật nghỉ việc vì quá mê mô hình
Hành trình trở thành nhà sưu tập
Nói về thú chơi sưu tập mô hình, anh nói sở thích này đã có từ khi còn rất nhỏ. "Ai cũng thích Doreamon, rồi Năm anh em siêu nhân. Nghi nhớ năm mình 1, 2 tuổi đã mê siêu nhân lắm rồi. Những năm 2006-2007, Việt Nam ít người chơi mô hình lắm, mình đi khắp các chợ trong thành phố đều không kiếm được mấy, phải lân la các trang mạng nước ngoài để đặt mua về", anh nhớ lại.
Tự nhận mình là người có sẵn máu sưu tập mô hình trong người, nhưng ngày nhỏ chỉ biết gọi nó là đồ chơi. Anh nói ở Việt Nam vẫn còn tồn tại quan niệm hơi cổ hủ là chỉ có con nít mới chơi đồ chơi. "Nhiều anh lớn hơn Nghi cũng chơi, thậm chí là các chú các bác, những người lớn tuổi hơn nữa cũng chơi. Nghĩ đơn giản, sưu tập mô hình cũng giống như việc sưu tập tem hay tiền xu. Những mô hình này giống như một món quà quý giá mà ngày còn nhỏ ao ước không có được", anh Nghi lý giải.
Tô Quốc Nghi là một trong những nhà sưu tập có bộ sưu tập mô hình "khủng" nhất Sài Gòn - Lê Nam
Tuy nhiên, từ sở thích đến nhà sưu tập mô hình là cả một hành trình khẳng định. Anh nhớ như in những ngày đầu phải lặn lội kiếm từng mô hình từ nước ngoài để về ngắm nghía, sau đó xây dựng hội nhóm và tự tổ chức các sự kiện quy mô nhỏ để mọi người biết đến thú chơi này nhiều hơn.
"Cả người bán lẫn nguồn hàng đều ít. Các công ty nước ngoài sản xuất cũng hạn chế chứ không nhiều như bây giờ. Mình nhớ ngày trước dòng siêu nhân của Nhật Bản có tên gọi là Kamen Rider hoặc Super Sentai thường rất hiếm, và mỗi khi mua được các mô hình này là vài chục anh em trong hội lại tập hợp để ngồi chiêm ngưỡng, so sánh hay bình luận về vẻ đẹp của nó", anh cười.
Anh có hàng chục, thậm chí hàng trăm bộ sưu tập khác nhau nhưng nhiều nhất vẫn là dòng siêu anh hùng. Còn lại, miễn nó đẹp và có giá trị riêng, anh đều cố gắng mua về.
Từng làm nghề gõ đầu trẻ
Đam mê mô hình nhưng chưa bao giờ anh nghĩ nó là một nghề. Bố là cán bộ trong ngành GTVT, mẹ là cựu giáo viên Trường THCS Trưng Vương, toàn bộ kỳ vọng của gia đình đều hướng vào cậu con trai duy nhất. Anh kỳ vọng sẽ nối nghiệp gia đình và trở thành một nhà giáo. Sau khi tốt nghiệp Khoa sư phạm mỹ thuật, Trường ĐH Sài Gòn, anh trở thành thầy giáo của một trường tiểu học trong thành phố.
Những ngày đứng lớp, anh nhớ như in nét mặt ngây thơ, dễ thương của tụi học trò. "Dạy học cấp 1 nhàn hơn cấp 2, cấp 3 nhưng thỉnh thoảng tụi học sinh cũng quậy phá dữ lắm", anh kể tiếp: "Lúc còn công tác tại trường, mình cũng được các thầy cô trong trường yêu thương, tạo điều kiện để đứng lớp. Các thầy cô còn cho mình chủ động sắp xếp giờ dạy rất linh hoạt...". Anh kể mức lương lúc đó từ 3-6 triệu đồng, so với bạn bè đồng niên, đây là một công việc đáng mong ước. Vừa dạy học vừa sưu tầm mô hình, có nhiều đêm soạn bài, tâm trí vẫn nghĩ đến những mô hình còn chưa tìm được. "Dạy học được khoảng 3 năm thì Nghi xin nghỉ để tập trung cho niềm đam mê sưu tập mô hình".
Trước khi trở thành nhà sưu tập mô hình, Nghi là giáo viên tiểu học. Anh cũng từng tham gia nhiều lớp viết kịch bản để phát triển các dự án cá nhân - NVCC
Trước quyết định táo bạo của con trai, gia đình không khỏi ngạc nhiên. Tuy nhiên, anh cảm thấy may mắn vì bố mẹ không cấm cản khi anh bảy tỏ nguyện vọng. "Nghi cảm thấy may mắn khi bố mẹ mình khá cởi mở, miễn là nó không xấu thì họ sẽ ủng hộ", anh nói.
Đến thời điểm hiện tại, anh vẫn không hối hận vì từng trở thành nhà giáo theo định hướng của bố mẹ. "Nhiều khi cũng nhớ trường, nhớ lớp. Việc học mỹ thuật cũng bổ trợ cho mình nhiều về mặt thẩm mỹ, giúp mình có thể đánh giá được mẫu nào đẹp, mẫu nào chưa đẹp trong công việc sưu tập của mình".
Khởi nghiệp với 5 triệu đồng
Từ nhu cầu tạo ra sân chơi cho cộng đồng yêu mô hình, anh có ý tưởng mở một quán cà phê kết hợp kinh doanh mô hình với các sản phẩm độc lạ mà mình sưu tập được. Vay mẹ 5 triệu đồng để làm vốn, anh tích góp tiền chi tiêu mỗi ngày để mở ra "shop mô hình" đầu tiên với quy mô 2 tầng ở đường Sư Vạn Hạnh, Q.10, TP.HCM. Hiện nay, cửa hàng chuyển ra đường Hòa Hảo, Q.10 với quy mô 5 tầng, mỗi tầng là một không gian riêng biệt khác nhau.
"Lúc bắt đầu mình làm tất cả các khâu từ bán hàng, tư vấn cho đến quản lý. Mỗi ngày đều làm từ 14-16 tiếng trong vài năm trời như vậy. Khi có lượng khách ổn định, mình mới kêu gọi anh em vào làm phụ cùng".
Hiện anh có 10 nhân viên và cộng sự, với tinh thần làm việc như một gia đình - Lê Nam
"Hồi trước anh em cứ đi kiếm một chỗ ngồi để họp hành, giao lưu những mô hình thường phải tìm đến những quán cà phê. Người ta nhìn hơi kỳ, mọi người hay nói 'lớn đầu rồi còn chơi đồ chơi', vì thế Nghi muốn làm quán cà phê riêng để anh em vào ngồi cùng trao đổi sẽ dễ dàng hơn", anh nói về ý tưởng của dự án.
Hiện nay, mỗi tháng thu nhập của anh cao gấp nhiều lần so với công việc cũ. Bố mẹ cũng yên tâm vì ngoài việc tự lập, anh còn hỗ trợ phần lớn kinh tế gia đình. "Bố mẹ đã nghỉ hưu nhưng chi tiêu bây giờ không phải suy nghĩ, một năm mình có thể đưa bố mẹ đi du lịch vài lần", Nghi chia sẻ. Dự định tương lai, cựu thầy giáo mỹ thuật ấp ủ muốn làm một bộ phim thể loại giả tưởng có chủ đề siêu anh hùng, lấy cảm hứng từ các vị tướng tài ba của lịch sử Việt Nam để giới thiệu với bạn bè quốc tế.
Theo Thanh niên
Thưởng tết giáo viên, niềm riêng khó nói... Những ngày cuối năm, dõi theo thông tin thưởng tết trên báo đài, nhà giáo chúng tôi không khỏi ước ao và trĩu nặng tâm tư. Đại biểu tham dự hội thảo ngày 27-12. Một câu hỏi được đặt ra tại hội thảo: Một cử nhân mới ra trường có lương gần 2,8 triệu đồng/tháng, làm sao ngành giáo dục thu hút được...