Dịch covid-19 là “sửa chữa tự nhiên” dành cho các gia đình
Nửa tháng qua, chỉ thị cách ly xã hội được công bố, đường sá trở nên vắng vẻ hơn, những thành phố sôi động như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng cũng tĩnh lặng.
Mọi người bị hạn chế về không gian, nhưng rộng rãi về thời gian. Bởi lẽ, đây là lúc để các gia đình Việt dành nhiều thời gian cho nhau, cùng sống chậm và yêu thương nhiều hơn.
Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của đất nước, trường học thì đóng cửa, nhiều người mất việc làm, số ca dương tính ngày một tăng… Nhưng nhìn ở khía cạnh khác, chính lúc khó khăn này, nhiều gia đình thay vì những suy nghĩ tiêu cực, hoang mang thì họ hướng về tổ ấm của mình, dành sự quan tâm cho nhau, chăm sóc nhau về sức khoẻ và tinh thần.
Họ xem dịch bệnh là “sửa chữa tự nhiên” giúp các thành viên nhận ra các giá trị gia đình mà bấy lâu nay bị bỏ quên do chạy theo cơm áo gạo tiền. Từ đó, mọi người bù đắp yêu thương để cùng nắm tay vượt qua mùa Covid-19 an toàn.
Các gia đình Việt có nhiều thời gian dành cho nhau, cùng sống chậm và yêu thương nhiều hơn
Chị Đỗ Thị Lan Vy (Thủ Đức, TPHCM) cho biết, vợ chồng chị cưới nhau được gần 4 năm, nhưng số lần ăn cơm tối cùng nhau là rất ít. Bởi vì chồng chị làm bên lĩnh vực kinh doanh và giới thiệu bia nên làm ca từ 17h-23h. Từ khi có lệnh cách ly xã hội, các quán nhậu cũng đóng cửa nên chồng được nghỉ và có nhiều thời gian dành cho con hơn.
“Về kinh tế thì lương chồng tôi có giảm, nhưng đổi lại đây là thời gian chúng tôi quan tâm nhau nhiều hơn, chơi với con nhiều hơn. Vợ chồng hay nấu các món ăn yêu thích hoặc cùng con xem hoạt hình, bù đắp cho con những điều ít làm trước đây. Tranh thủ lúc rảnh, anh ấy còn phụ tôi làm hoa giấy để bán online. Giờ kinh tế khó khăn thì ai cũng bị ảnh hưởng cả, nhưng nhìn lạc quan thì sẽ thấy vui hơn”.
Còn chị Nguyễn Thị Ngọc Linh – Chủ tịch Hội LHPN phường 13, quận 6, TPHCM cho biết, không khí gia đình 3 thế hệ ở chung một nhà của chị những ngày này sum vầy hơn cả ngày Tết. Mọi người gặp mặt nhau thường xuyên cũng có lúc tranh luận về các vấn đề nhưng cũng dành cho nhau nhiều sự quan tâm hơn. Gia đình không còn cảnh “mạnh ai nấy lo”, có nhiều hoạt động chung nên gần gũi nhau hơn. Cho dù đang khá lo lắng vì dịch, việc làm, thu nhập nhưng cuộc sống đã bớt bon chen, xô bồ.
“Bình thường, sáng sớm mạnh ai người ấy đi làm, buổi tối thì lâu lâu cả nhà mới ngồi ăn cơm chung. Từ khi có chỉ thị cách ly xã hội, một số thành viên trong gia đình tạm thời ở nhà làm việc. Thời gian ở cạnh nhau nhiều hơn nên cũng có cự cãi, tranh luận nhưng cãi xong thì bỏ qua và vui cười trở lại. Cuộc sống phải có lúc này lúc kia ấy mà. So với ngày Tết mọi người cũng ở nhà nhiều nhưng thời gian bị phân bổ, các thành viên chia nhau đi chúc Tết với các mối quan hệ bên ngoài. Còn dịch bệnh mọi người ở nhà hết, tự phân công nhau công việc, biết nghĩ cho nhau hơn, ai đi ra ngoài là nhắc đeo khẩu trang, nhắc cẩn thận. Không phải gia đình riêng của tôi mà nhiều nhà ở Sài Gòn bận rộn này cũng vậy, mọi người tự biết sống chậm hơn yêu thương nhiều hơn”, chị Linh cho hay.
Một mẹ trẻ khoe khoảng thời gian hạnh phúc bên gia đình “thời Covid”
Video đang HOT
Còn trên thế giới ảo, có không ít chị em tranh thủ đăng lên dòng thời gian khoảnh khắc hạnh phúc bên gia đình nhỏ trong mùa dịch với các nội dung như: “Trổ tài khéo làm món ăn cho con”; “Khoảnh khắc vui chơi cùng cả gia đình”; “Góc hài hước của bố và con”; “Lớp của “Cô giáo ngoại” mùa Covid …văn thể mỹ đầy đủ cả”; “Nhật ký cách ly 14 ngày bên gia đình”…
Có thể thấy, mùa dịch sẽ tạo ra 2 khía cạnh trong góc độ tình cảm của gia đình người Việt. Khía cạnh thứ nhất, nhờ mùa dịch mà các gia đình gắn kết nhau nhiều hơn. Người ta thấy mọi thứ thật sự là vô thường, “sống nay, chết mai” không biết đâu mà lần nên người ta trân trọng nhau hơn. Nhiều người không còn quá quan trọng chuyện tiền bạc. Trong lúc này, mọi người thấy tình người mới là quan trọng. Thậm chí có những gia đình đang có mâu thuẫn nhưng nhờ mùa dịch mà họ hóa giải và tha thứ cho nhau.
Khía cạnh thứ 2, một số cặp vợ chồng đã “cơm không lành canh không ngọt” từ trước đó thì bây giờ ở nhà nhiều nên khó chịu, giữa họ dễ phát sinh xung đột, căng thẳng hơn.
Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy
Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy, nhận định: “Tôi thấy khía cạnh thứ nhất vẫn nhiều hơn khía cạnh thứ 2. Bởi lẽ, nhờ hạn chế ra đường mà phụ huynh ở nhà với con nhiều hơn. Bố mẹ cùng nấu cơm, chơi cùng con, dạy con được nhiều hơn. Vợ chồng thì gắn kết với nhau hơn. Ví dụ như gia đình tôi, từ khi có dịch bệnh vợ chồng tôi cũng hạn chế đi ra ngoài. Mỗi buổi sáng thì chúng tôi pha cà phê và cùng thưởng thức, lúc trước làm gì có thời gian để làm điều này hoặc chồng hay chọn cà phê với bạn. Rõ ràng là nhìn theo hướng tích cực, thì dịch bệnh sẽ giúp các gia đình gắn kết hơn”.
Mùa dịch bệnh, cuộc sống gia đình có nhiều xáo trộn và bí bách vì ở nhà. Nhiều phụ huynh lúng túng trong việc gửi con, lo lắng trước các khoản thu nhập bị giảm sút nghiêm trọng hoặc họ phải thay đổi thói quen trong thời gian ngắn.
Nhưng có sao đâu, khi chúng ta còn được ở trong mái ấm của mình, còn có thể ôm ôm những người thân yêu, kể cho nhau nghe về những kỷ niệm, nói với nhau về những kế hoạch tương lai… Bên ngoài, đường sá vắng vẻ nhưng đổi lại bên trong ô cửa sổ của mỗi gia đình lại rộn ràng của tiếng cười trẻ thơ, là bù đắp cho nhau những yêu thương vốn bị lãng quên trước đó.
Hoài Thương
Bí quyết "du lịch" xuyên Việt tiết kiệm mùa Covid-19 của đôi vợ chồng trẻ Hà Nội "gây sốt"
Ở nhà tránh dịch sẽ không bao giờ là nhàm chán, nếu bạn biết tận dụng khoảng thời gian hiếm có này để thực hiện những ý tưởng thú vị.
Ở nhà thực hiện lệnh giãn cách xã hội, đây là cơ hội hiếm có để mỗi người sống chậm hơn, dành nhiều thời gian bên gia đình, người thân.
Mạng xã hội những ngày này trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết với vô vàn câu chuyện thú vị được dân tình chia sẻ khi ở nhà chống dịch.
Có người bỗng phát hiện ra mình là một đầu bếp khéo tay, làm được bao nhiêu món ngon đãi gia đình; có người thú nhận cảm thấy thấu hiểu bố mẹ, con cái hơn khi dành nhiều thời gian ở nhà.
Không ít dân mạng thì rần rần khoe những trò vui khi tận dụng óc sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú trong những ngày nhàn rỗi này.
Vợ chồng trẻ Hà thành khiến dân mạng một phen "cười bò" với bộ ảnh du lịch tiết kiệm mùa Covid.
Đôi vợ chồng trẻ Việt Hoàng (25 tuổi) và Hương Giang (23 tuổi) là một ví dụ. Ở nhà suốt gần 2 tuần nhưng họ không hề cảm thấy nhàm chán. Ngược lại, nhờ sự sáng tạo cộng với khiếu hài hước, cặp đôi Hà thành đã nghĩ ra nhiều cách để có quãng thời gian vui vẻ cùng nhau.
Mới đây nhất, Việt Hoàng khiến dân mạng xôn xao khi chia sẻ lên trang cá nhân bí quyết để đi du lịch không tốn kém mùa Covid.
Bộ ảnh hài hước nhận được hàng nghìn lượt likes, share của cộng đồng mạng, khi Việt Hoàng khoe những khoảnh khắc anh check-in ở nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng suốt dọc chiều dài dải đất hình chữ S.
Ở nhà tránh dịch vẫn check-in đây đó ầm ầm!
Theo đó, vì chỉ được ở nhà, không đi ra ngoài nên anh chàng bèn tưởng tượng chiếc vòi hoa sen đang đổ nước xối xả...là thác Dải Yếm (Mộc Châu), chiếc quạt máy ở nhà là cánh đồng quạt gió (Đắk Lắk), hay khi leo cầu thang bộ thì đích thị là leo núi Fansipan... và say sưa chụp ảnh check-in trong những bộ trang phục đi "phượt" cực chất.
Được biết, ý tưởng cho concept hài hước này là do vợ của Việt Hoàng - chị Hương Giang, vốn là một cô giáo mầm non đảm nhiệm.
Anh Việt Hoàng kể: "Vợ mình là giáo viên mầm non nên sáng tạo và vui tính lắm. Đợt này hai đứa ở nhà tránh dịch không đi đâu nên cô ấy nghĩ ra nhiều trò vui để đỡ nhàm chán.
Hôm trước thì cosplay theo concept hậu cung, biến mình thành soái ca vạn người mê. Hôm nay lại cho chồng vi vu xuyên Việt qua bộ ảnh này. Đạo cụ có sẵn ở nhà hết, hai đứa mày mò chụp ảnh vui lắm".
Theo cô giáo mầm non Hương Giang, vì ở nhà lâu không đi dạy nên cô rất nhớ nghề. Tận dụng thời gian rảnh rỗi liền soạn ra nhiều ý tưởng và nhờ chồng làm mẫu chụp hình.
"Được cái chồng mình cũng vui tính, chiều vợ, sẵn sàng làm mẫu cho những bộ ảnh độc đáo của vợ nên hai đứa kết hợp rất ăn ý, cho ra đời nhiều bộ ảnh vui nhộn".
Bộ ảnh du lịch tiết kiệm mùa Covid vẫn đang nhận được nhiều lời khen ngợi của dân mạng bởi độ sáng tạo và hài hước.
Ngân Hà
Những hình ảnh truyền năng lượng tích cực từ các khu cách ly vì Covid-19 Được ăn uống theo tiêu chuẩn, xem tivi, truy cập internet, tự do chơi thể thao..., các công dân về từ các vùng dịch Covid-19 được cách ly tại các khu cách ly tập trung trên cả nước đa phần cảm thấy thoải mái, không quá tù túng như họ từng nghĩ trước khi vào đây. "Sống chậm" tại các khu cách ly...