Dịch COVID-19: Italy và Tây Ban Nha thiệt hại kinh tế nghiêm trọng
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến hơn 100.000 người ở Italy mất việc làm trong tháng 12/2020, trong khi doanh thu các công ty của Tây Ban Nha dự kiến mất 2,2 tỷ USD/tuần nếu nước này áp đặt phong tỏa.
Cảnh vắng vẻ tại Rome, Italy ngày 24/12/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)
Theo số liệu chính thức của Cơ quan thống kê quốc gia Italy (Istat), hơn 100.000 người ở nước này đã bị mất việc làm trong tháng 12/2020, càng làm trầm trọng thêm nỗi lo về đại dịch COVID-19 gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế nước này.
Cụ thể, số người có việc làm trong tháng 12/2020 đã giảm 101.000 người so với tháng trước đó, xuống còn 22,8 triệu người.
Kết quả này đảo ngược xu thế tích cực trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 11/2020 khi số người có việc làm tăng thêm khoảng 220.000 người.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên tại Italy vào tháng 2/2020, số người mất việc làm tại nước này đã tăng khoảng 426.000 người.
Video đang HOT
Tháng 3/2020, Italy là nước đầu tiên ở châu Âu áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế nước này.
Chính phủ Italy đã nỗ lực bảo vệ người lao động bằng cách triển khai các chương trình trợ cấp cho nhân viên nghỉ phép, cấm chủ lao động sa thải nhân viên.
Tuy nhiên, lệnh cấm sa thải này sắp hết hiệu lực vào ngày 31/3 tới.
Mới đây, Ngân hàng Italy dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này sẽ giảm kỷ lục 9,2% trong năm 2020 và phải đến năm 2023 mới có thể trở về mức trước khi xảy ra đại dịch.
Tại Tây Ban Nha , một nghiên cứu của Liên đoàn các doanh nghiệp vừa và nhỏ (CEPYME) được công bố ngày 1/2 cho thấy các công ty của nước này ước tính sẽ thiệt hại 1,8 tỷ euro (2,2 tỷ USD)/tuần về doanh thu, trong đó các công ty nhỏ và vừa chiếm 60%, nếu Tây Ban Nha áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc.
Theo nghiên cứu trên, khoảng 480.000 việc làm có nguy cơ bị mất nếu Tây Ban Nha áp đặt lệnh phong tỏa giống như lệnh phong tỏa được áp đặt từ tháng 3- 6/2020, theo đó, người dân không được đi ra ngoài và phần lớn các cơ sở kinh doanh không thiết yếu phải đóng cửa.
Khác với Anh, Pháp, Đức và nhiều nước châu Âu khác, Tây Ban Nha đã không áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc trong mùa Thu năm 2020 và đầu năm nay dù rằng nước này đang trải qua làn sóng dịch bệnh thứ ba trong 6 tuần qua.
Thay vào đó, giới chức chính quyền địa phương triển khai lệnh giới nghiêm, rút ngắn thời gian hoạt động của các cơ sở kinh doanh và hạn chế các cuộc tụ tập xã hội.
Vào những tháng cuối năm 2020, CEPYME dự báo các biện pháp ở cấp địa phương đã khiến các công ty thiệt hại khoảng 1,2 tỷ euro/tuần, trong đó những công ty hoạt động trong ngành xây dựng, ăn uống, khách sạn và bán lẻ chịu tác động mạnh nhất.
Do kinh tế suy giảm, số người đăng ký thất nghiệp trong tháng 12/2020 ở Tây Ban Nha đã lên tới 3,89 triệu người, tăng 22% so cùng kỳ năm trước./.
COVID-19 biến các trung tâm du lịch thế giới thành những 'thành phố ma'
Nếu trước đây những danh thắng nổi tiếng thế giới luôn trong trạng thái "chật như nêm" du khách thì với sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, các danh thắng này, từ tàn tích thành cổ Machu Picchu của Peru cho đến những bãi biển xinh đẹp ở Thái Lan, đều đang rơi vào tình cảnh đìu hiu.
Cảnh vắng vẻ tại Rome, Italy ngày 24/12/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN
Cuộc sống của người dân Venice - thành phố nằm dọc theo Biển Adriatic, miền Bắc Italy, vốn được mệnh danh là thánh địa tình yêu, và từng là trung tâm thương mại, nghệ thuật thời kỳ Phục hưng - hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào du lịch. Nghiên cứu của một công ty tư vấn tuyển dụng công bố tháng trước cho thấy lượng du khách đến thăm thành phố này trong 9 tháng đầu năm 2020 đã giảm tới 73,1% và giảm 59,5% tính trên cả năm.
Chủ tịch Công ty Hướng dẫn viên du lịch thành phố Venice, bà Anna Bigai - người mới chỉ dẫn được vỏn vẹn khoảng 12 đoàn khách du lịch trong năm 2020 - chia sẻ cảm giác thật buồn khi đi bộ trên các con phố. Theo bà, việc vắng bóng các du khách khiến Venice chẳng khác nào một "thành phố ma".
Tình cảnh tương tự cũng đang diễn ra ở "kinh đô ánh sáng" Paris - thủ đô của nước Pháp. Thống kê cho thấy lượng khách du lịch đến thành phố này trong năm 2020 đã giảm tới 66%, khiến doanh thu sụt giảm tới 12,1 tỷ euro (14,5 tỷ USD) so với năm 2019. Lượng khách tham quan bảo tàng lớn nhất thế giới Louvre trong năm vừa qua cũng giảm 72% so với năm 2019.
Giám đốc công ty tư vấn du lịch Protourisme, ông Didier Arino, cho biết Paris đang bắt đầu năm 2021 trong bối cảnh các hoạt động bị đình trệ ít nhất 3 tháng, thậm chí còn kéo dài hơn
Trong khi đó, khoảng 80% các công ty du lịch hoạt động ở khu vực thánh địa Machu Picchu, thành cổ trên núi của người Inca ở Peru, vẫn đang trong tình trạng "cửa đóng then cài", khiến kinh tế địa phương, vốn phụ thuộc vào du khách nước ngoài, rơi vào trì trệ. Thị trưởng Darwin Baca cho rằng hoạt động du lịch của thành phố sẽ không thể trở lại bình thường cho đến ít nhất năm 2022, tùy vào sự thành công của các chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Một trong những thành phố du lịch hàng đầu của Tây Ban Nha là Barcelona cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của COVID-19, khi lượng đặt phòng khách sạn tại đây giảm từ mức 8,5 triệu lượt trong năm 2019 xuống còn 1,8 triệu lượt trong năm 2020. Một số khách sạn còn hoạt động đã phải chuyển thành địa điểm lưu trú cho những người làm việc từ xa hoặc giảm giá lưu trú dài hạn cho họ để cạnh tranh với các nhà trọ truyền thống.
Còn tại Thái Lan, giới chức nước này cũng đã phải kích cầu du lịch trong nước nhằm duy trì hoạt động của ngành công nghiệp không khói, thông qua việc tăng số ngày nghỉ lễ, cũng như khuyến khích người dân địa phương đi du lịch nhiều hơn. Chính sách này đã mang lại hiệu quả ở những khu vực bị ảnh hưởng do không có du khách quốc tế, trong đó có vùng Đông Bắc. Ngân hàng Krungsi ước tính nước này có thể phải mất từ 2 - 3 năm mới có thể phục hồi ngành du lịch như trước đại dịch COVID-19.
Trong bối cảnh triển vọng của ngành du lịch trong thời gian tới vẫn khá ảm đạm, giới chuyên gia du lịch và giới chức địa phương hiện chỉ biết đặt hy vọng vào kinh tế phục hồi bởi điều này ít nhiều sẽ giúp các "thành phố ma" sớm hồi sinh.
Nhà ngoại giao Triều Tiên kể hành trình đưa con gái đào tẩu Ryu Hyun-woo, cựu quyền đại sứ Triều Tiên tại Kuwait, giả vờ đưa con gái đến trường, rồi đề nghị cô bé cùng bố mẹ đào tẩu sang Hàn Quốc. Vợ chồng Ryu Hyun-woo, cựu quyền đại sứ Triều Tiên tại Kuwait, đào tẩu tới Hàn Quốc hồi tháng 9/2019, nhưng câu chuyện của họ được giữ bí mật tới tuần trước. Trong...