Dịch COVID-19: Hiệp hội y khoa Nhật Bản phản đối tổ chức Olympic Tokyo
Hiệp hội y khoa Nhật Bản ngày 13/5 đã bày tỏ ý kiến phản đối tổ chức Olympic Tokyo vì cho rằng việc tổ chức sự kiện thể thao lớn này được an toàn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục đà lây lan như hiện nay là không thể.
Biểu tượng của thế vận hội Olympic tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuyên bố của Hiệp hội nêu rõ: “Chúng tôi phản đối việc tổ chức Olympic Tokyo tại thời điểm khi mà người dân trên khắp thế giới đang phải chống chọi với virus SARS-CoV-2″. Tuyên bố nêu rõ không thể tổ chức kỳ đại hội thể thao olympic an toàn và đảm bảo trong thời kỳ dịch bệnh và không thể loại trừ mối nguy hiểm nhiều loại biến thể của SARS-CoV-2 từ khắp nơi trên thế giới sẽ “đến” Nhật Bản.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản đang ứng phó với làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 4 tại nước này. Nhiều địa phương, trong đó có thủ đô Tokyo được đặt trong tình trạng khẩn cấp.
Video đang HOT
Số ca nhiễm mới tăng đã gia tăng áp lực lên hệ thống chăm sóc y tế của nước này. Các chuyên gia y tế nhiều lần cũng đã cảnh báo về tình trạng thiếu thốn trang thiết bị, vật tư y tế trong khi lực lượng y bác sĩ đang dần cạn kiệt sức lực ứng phó với dịch bệnh.
Trong vài ngày gần đây, người đứng đầu một số tỉnh cho biết họ sẽ không cấp giường bệnh cho các vận động viên trong trường hợp họ phải nhập viện điều trị.
Tại thời điểm chỉ còn hơn 10 tuần trước khi sự kiện thể thao lớn nhất thế giới nói trên khai mạc, dư luận Nhật Bản vẫn có nhiều ý kiến phản đối tổ chức sự kiện, bên cạnh các ý kiến hoãn hoặc hủy sự thể thao này. Tuy nhiên, Ban tổ chức khẳng định họ có thể tổ chức các sự kiện thể thao nói trên một cách an toàn nhờ các biện pháp ứng phó và các cuộc diễn tập gần đây về đảm vảo an toàn cho các vận động viên nước ngoài.
Theo kế hoạch, Olympic Tokyo sẽ diễn ra từ ngày 23/7 đến ngày 8/8, sau đó là Paralympic từ ngày 24/8 đến ngày 5/9. Các nhà tổ chức Olympic Tokyo thông báo đã nhất trí với Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đơn giản hóa khâu tổ chức nhằm đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ dịch COVID-19 lây lan, cũng như giảm bớt tác động tài chính khi sự kiện thể thao lớn nhất thế giới này phải hoãn lại một năm và không có khán giả nước ngoài được phép vào các địa điểm thi đấu để theo dõi các cuộc tranh tài .
Thủ tướng Nhật Bản: Không coi việc tổ chức Olympic là ưu tiên hàng đầu
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide ngày 10/5 khẳng định ông không bao giờ "đặt vấn đề đăng cai Olympic làm ưu tiên hàng đầu". Tuyên bố của ông Suga được đưa ra trong bối cảnh kết quả một cuộc thăm dò dư luận công bố cùng ngày cho thấy gần 60% người dân Nhật Bản muốn hủy tổ chức Olympic Tokyo.
Linh vật Olympic 2020 Miraitowa (phải) và biểu tượng Olympic tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: THX/TTXVN
Khi được hỏi về khả năng tổ chức Olympic Tokyo nếu số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Nhật Bản gia tăng đột biến, Thủ tướng Suga nêu rõ: "Tôi chưa bao giờ đặt Olympic lên hàng đầu. Ưu tiên của tôi là bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của người dân Nhật Bản. Trước tiên, chúng ta phải ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh".
Mặc dù vậy, Thủ tướng Suga cũng một lần nữa nhắc lại rằng Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) sẽ là nơi đưa ra quyết định cuối cùng về số phận của Olympic Tokyo và nhiệm vụ của Chính phủ Nhật Bản là thực hiện các bước để sự kiện này có thể được tổ chức một cách an toàn.
Nhật Bản đã gia hạn tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo cho đến cuối tháng này, đồng thời đang vật lộn để kìm hãm sự gia tăng các trường hợp mắc COVID-19, qua đó làm dấy lên quan ngại về việc liệu có nên tổ chức Olympic hay không. Tỷ lệ tiêm chủng tại Nhật Bản hiện thấp nhất trong số các quốc gia phát triển.
Giới chức IOC, Ủy ban Olympic Nhật Bản và bản thân Thủ tướng Suga khẳng định Olympic Tokyo sẽ được tổ chức một cách "an toàn và an ninh". Các nhà tổ chức hồi tháng trước đã ban hành sách hướng dẫn (playbook) với các quy định phòng dịch COVID-19 khắt khe hơn. Tuy nhiên, kết quả cuộc khảo sát dư luận do nhật báo Yomiuri Shimbun thực hiện trong 3 ngày từ 7-9/5 cho thấy có tới 59% số người được hỏi mong muốn hủy tổ chức Olympic, trong khi chỉ có 39% ý kiến ủng hộ sự kiện này diễn ra.
Một cuộc thăm dò khác do TBS News tiến hành vào cuối tuần qua cho thấy 65% số người được hỏi muốn Olympic Tokyo bị hủy hoặc hoãn lại, với 37% số người được hỏi cho rằng nên hủy bỏ sự kiện hoàn toàn và 28% kêu gọi hoãn tổ chức. Chỉ trong vòng 5 ngày, hơn 300.000 người đã cùng ký tên vào đơn yêu cầu hủy bỏ Olympic Tokyo.
Olympic Tokyo dự kiến khai mạc vào cuối tháng 7 tới sau một năm trì hoãn vì dịch bệnh. Hãng truyền thông Fuji News Network ngày 5/10 đưa tin chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch IOC Thomas Bach sẽ được lùi lại tới tháng 6, thay vì diễn ra vào tháng 5 theo như kế hoạch ban đầu.
Trước đó, truyền thông Nhật Bản cho biết ông Bach sẽ tham dự sự kiện rước đuốc ở thành phố Hiroshima vào ngày 17/5. Theo Fuji News Network, nguyên nhân dẫn đến sự trì hoãn trên là do Nhật Bản đang áp đặt tình trạng khẩn cấp để kìm hãm sự lây lan của của đại dịch COVID-19.
Chủ tịch IOC ủng hộ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach ngày 22/4 bày tỏ ủng hộ kế hoạch của Chính phủ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp mới tại thủ đô Tokyo, đồng thời khẳng định quyết định này không ảnh hưởng đến Thế vận hội Olympic sắp đến gần. Biểu tượng Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 tại Tokyo,...