Dịch COVID-19: Đức đặt mục tiêu tiêm chủng cho tất cả người dân vào cuối mùa Hè tới
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 21/1 cho rằng các loại vaccine hiện nay có thể thích ứng để phòng ngừa các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, do đó Đức cần tiêm chủng cho toàn bộ người dân vào cuối mùa Hè tới để có thể chấm dứt dịch bệnh này.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Aachen, Đức ngày 10/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Merkel cho biết Chính phủ Đức sẽ làm mọi cách có thể nhằm bảo vệ các chuỗi cung ứng vaccine, ngay cả khi nước này không kiểm soát hoạt động sản xuất. Theo bà, trong khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang gây ra mối quan ngại lớn, những loại vaccine ngừa COVID-19 đang được phát triển có thể thích ứng tương đối nhanh để bảo vệ con người khỏi các biến thể.
Cùng ngày 21/1, Bộ trưởng Giáo dục Anh Gavin Williamson cho biết ông hy vọng đội ngũ giáo viên sẽ nằm trong danh sách ưu tiên được chủng ngừa vaccine ngừa COVID-19 sau khi đợt tiêm chủng đầu tiên hoàn tất.
Anh đặt mục tiêu tiêm chủng cho 15 triệu người đến giữa tháng 2 tới, trong đó những đối tượng được tiêm chủng trước tiên là người cao tuổi, những đối tượng dễ bị tổn thương và nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch. Và hiện có những lời kêu gọi đưa các đối tượng như giáo viên và cảnh sát vào danh sách được ưu tiên trong đợt tiêm chủng tiếp theo.
Liên quan đến hoạt động bào chế vaccine ngừa COVID-19, Wockhardt – đối tác sản xuất vaccine Oxford/AstraZeneca – ngày 21/1 cho biết tình trạng lũ lụt xảy ra đêm qua gần một nhà máy ở xứ Wales không làm ảnh hưởng đến hoạt động bào chế vaccine tại đây. Nhà máy này hiện vẫn hoạt động bình thường, theo đó chuỗi cung ứng vaccine ngừa COVID-19 Oxford/AstraZeneca không bị gián đoạn.
Nhà máy sản xuất vaccine ngừa COVID-19 Oxford/AstraZeneca củaWockhardt tại Anh thực hiện công đoạn cuối cùng là đưa vaccine vào lọ hoặc ống tiêm, sau đó đóng gói chúng, và đảm bảo chuỗi cung ứng tại Anh. Hãng dược AstraZeneca cho biết đã nhất trí cung cấp cho Anh 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 mà hãng này phối hợp với đại học Oxford phát triển.
Nghiên cứu về nguy cơ tái nhiễm virus SARS-CoV-2 ở các nhân viên y tế
Một nghiên cứu của Anh cho thấy phần lớn các nhân viên y tế hồi phục sau khi mắc COVID-19 sẽ có khả năng miễn nhiễm với virus SARS-CoV-2 trong vòng ít nhất 5 tháng. Tuy nhiên, nghiên cứu cảnh báo một số người vẫn có thể mang virus trong người và lây bệnh cho người khác.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Aachen, Đức. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế là một trong những nhóm có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao nhất khi hầu hết các nước trên thế giới liên tiếp hứng chịu các làn sóng dịch bệnh mới trong năm qua.
Trong nghiên cứu mới, nhóm chuyên gia Đánh giá Khả năng miễn dịch và tái nhiễm virus SARS-CoV-2 (SIREN) của Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) đã mời 20.800 nhân viên y tế tham gia, bao gồm cả các nhân viên tuyến đầu. SIREN tiến hành xét nghiệm thường xuyên và theo dõi xem họ có nhiễm virus hoặc xuất hiện kháng thể hay không. Kết quả chỉ ra trong số 6.614 người từng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 5 tháng, từ tháng 6-11/2020, thì có 44 trường hợp tái nhiễm. Theo các tác giả nghiên cứu, điều này có thể hiểu rằng rằng khả năng miễn nhiễm với virus trong nhóm nhân viên y tế từng mắc bệnh là 83%.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo mặc dù các kháng thể có thể bảo vệ những người này khỏi nguy cơ tái nhiễm, song các bằng chứng mới ghi nhận trong giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu cho thấy lượng virus SARS-CoV-2 trong cơ thể một số người vẫn ở mức cao và có thể tiếp tục lây nhiễm cho người khác. Tác giả chính của nghiên cứu, chuyên gia tư vấn y tế Susan Hopkins tại PHE, đánh giá nghiên cứu đã mang lại bức tranh rõ ràng nhất từ trước tới nay về đặc điểm của kháng thể COVID-19. Tuy nhiên, bà lưu ý cần phải hiểu đúng về những phát hiện bước đầu này, rằng đây mới chỉ là bằng chứng cho thấy hầu hết những người từng nhiễm bệnh và sản sinh kháng thể đều được bảo vệ trước nguy cơ tái nhiễm. Kết quả trên chưa phải là tất cả vì vẫn chưa biết khả năng bảo vệ này sẽ kéo dài trong bao lâu và điều quan trọng cần ghi nhớ là những người từng nhiễm vẫn có khả năng lây bệnh.
Tháng 12/2020, một nghiên cứu được công bố trên New England Journal of Medicine cho thấy hầu hết các nhân viên y tế học tại Oxford, từng có kết quả xét nghiệm dương tính với kháng thể COVID-19, được bảo vệ trước nguy cơ tái nhiễm trong vòng ít nhất 6 tháng.
Ca nCoV toàn cầu vượt 97 triệu, hơn 60 nước xuất hiện biến chủng mới Toàn cầu ghi nhận hơn 97 triệu ca nCoV, hơn 2 triệu người chết, trong khi biến chủng virus gây lo ngại từ Anh xuất hiện ở hơn 60 nước. Thế giới ghi nhận 97.246.135 ca nhiễm và 2.080.636 người chết do Covid-19, tăng lần lượt 687.793 và 17.407 ca trong 24 giờ qua. 69.791.796 người đã bình phục, theo trang cập nhật...