Dịch COVID-19 đẩy kinh tế thế giới rơi vào suy thoái nghiêm trọng
Các biện pháp được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang đẩy kinh tế thế giới rơi vào một cuộc suy thoái sâu rộng và nghiêm trọng hơn so với dự báo ban đầu.
Thực tế này được phản ánh qua những số liệu báo cáo kinh tế mà một loạt nền kinh tế hàng đầu thế giới công bố vào thời điểm một tuần trước khi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cập nhật dự báo về kinh tế toàn cầu, trong đó tính toán những tổn hại ban đầu kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc đầu năm nay.
Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại Paris, Pháp ngày 6/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN
Ngân hàng Trung ương Pháp ngày 8/4 ước tính kinh tế nước này sụt giảm khoảng 6% trong 3 tháng đầu năm 2020 – mức yếu kém nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Trong khi đó, các tổ chức kinh tế hàng đầu tại Đức nhận định nền kinh tế đầu tàu châu Âu này có thể sụt giảm tới gần 10% trong quý II/2020, tức là gấp đôi mức sụt giảm năm 2009 – thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động mạnh tới Đức. Quý II/2020 cũng sẽ trở thành giai đoạn kinh tế Đức khó khăn nhất kể từ khi các tổ chức kinh tế ở Đức bắt đầu thống kê số liệu vào năm 1970.
Nhà kinh tế Philippe Waechter thuộc Cơ quan quản lý tài sản Ostrum, nhận định: “Trong 2 quý đầu năm 2020, các nền kinh tế phương Tây suy sụp”.
Mỹ ở một mức độ nào đó đi sau châu Âu trong việc triển khai biện pháp đóng cửa hoạt động kinh doanh để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, do đó quý I dường như không bị ảnh hưởng, nhưng quý II có thể sẽ cảm nhận tác động.
Ông Waechter nhấn mạnh: “Không thể hình dung Mỹ có thể thoát tình trạng suy thoái sâu mà các nơi khác đang hứng chịu”. Thực tế là cả bang California của Mỹ – với quy mô kinh tế lớn thứ 5 thế giới, trước cả Anh và Pháp – cũng như trung tâm tài chính New York đều đang triển khai các biện pháp gắt gao để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của Mỹ.
Trong khi đó, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) dự báo giao dịch thương mại toàn cầu năm nay sẽ giảm từ 13% đến 32%. Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo nhận định thế giới đang đối mặt với “cuộc suy thoái kinh tế sâu nhất hoặc sự sa sút của đời sống người dân”.
Thực tế cho thấy những dự báo đưa ra vài tuần trước đây đã lỗi thời. Giữa tháng 3, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody dự báo các mức suy thoái vừa phải trong năm nay – khoảng 2% đối với kinh tế Mỹ và 2,2% đối với khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu.
Tuy nhiên, sau đó, hầu hết các nước châu Âu triển khai các biện pháp phong tỏa tương tự Italy và Tây Ban Nha, cũng như Mỹ, khiến cả sản xuất và tiêu thụ đều chững lại.
Một nhà hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại Paris, Pháp ngày 15/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Nhà kinh tế trưởng của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Laurence Boone cho biết mỗi tháng phong tỏa sẽ khiến GDP hằng năm giảm 2%. Để chứng minh cho nhận định này, bà cho biết sản xuất theo đơn đặt hàng đã giảm từ 25 đến 30% ở tất cả các nước trong khối OECD.
Video đang HOT
Đáng lo ngại là tình trạng suy thoái có thể kéo dài hơn những dự báo từ trước đến nay, và dự kiến không một quốc gia, vùng lãnh thổ nào nằm ngoài vòng xoáy suy thoái.
Ông Waechter cho rằng trong năm 2021, thế giới có thể hy vọng đạt mức tăng trưởng trở lại, song không thể chắc chắn về điều này.
Một trong những câu hỏi lớn đặt ra hiện nay là liệu thế giới có thể nhanh chóng điều chế được vaccine phòng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 để tránh một đợt lây nhiễm mới và liệu các nhà máy có thể sớm khôi phục sản xuất hay không.
Theo nhà phân tích tại công ty giao dịch ngoại tệ trực tuyến OANDA Edward Moya, nhìn vào tốc độ kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm hiện nay, khó có thể đưa ra nhận định các nền kinh tế Mỹ và châu Âu sẽ phục hồi nhanh chóng.
Trong khi đó, bà Boone cho rằng việc dự báo tình hình đã trở nên rất khó khăn. Thế giới có thể phần nào thoát khỏi tình trạng phong tỏa, song có thể đối mặt với một làn sóng lây nhiễm mới virus SARS-CoV-2 với một giai đoạn phong tỏa mới nếu miễn dịch của người dân trên toàn thế giới suy yếu.
Lan Phương
Covid-19 là thử thách lớn nhất trong đời làm chính trị của ông Trump?
Tổng thống Mỹ - ông Donald Trump, đang phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng nguy hiểm nhất trong sự nghiệp chính trị của mình khi dịch Covid-19 bùng phát khó kiểm soát và thêm vào đó là kinh tế Mỹ có nguy cơ suy thoái.
Đến ngày 6.4, Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 338.999 ca nhiễm Covid-19 với gần 10.000 người tử vong. Ít nhất 10 triệu người Mỹ đã mất việc làm và nhiều chỉ số cho thấy nước này có thể đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế.
Thực tế có phần nghiệt ngã này đang thử thách khả năng lãnh đạo và kỹ năng chính trị của ông Trump hơn bất cứ thời điểm nào khác. Ông Trump đã bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của mình với quá nhiều sóng gió, từ cáo buộc gian lận bầu cử đến nguy cơ bị luận tội và vô số lùm xùm to nhỏ khác.
Giờ đây, hơn lúc nào hết, ông Trump nhận thức rõ ràng rằng sự nghiệp chính trị của mình gắn chặt với kết quả xử lý dịch bệnh. Ông Trump đang là nhân vật trung tâm trong cuộc khủng hoảng Covid-19 tại Mỹ và trái với thường lệ, ông không thể tìm được bất cứ ai để đổ lỗi.
Theo giới chuyên gia chính trị và một số quan chức giấu tên tại Nhà Trắng, ông Trump đã làm hết sức có thể để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Tổng thống Mỹ - ông Donald Trump (ảnh: SCMP)
Chính quyền của vị Tổng thống với xuất thân tỷ phú đã ban hành các hướng dẫn về hạn chế tiếp xúc xã hội, nhiều doanh nghiệp không thiết yếu đã phải đóng cửa, một gói tài chính chưa từng có trong lịch sử để đối phó với dịch bệnh đã được thông qua và đạo luật sản xuất quốc phòng đã được kích hoạt.
Phản ứng với dịch bệnh tại Mỹ hiện được ông Trump giao trọng trách cho chính quyền các tiểu bang. Tuy nhiên, mỗi bang tại Mỹ lại có các biện pháp chống dịch khác nhau và sự không nhất quán này khiến ông Trump bị một số quan chức thuộc đảng đối lập chỉ trích là muốn thoái thác trách nhiệm đối với cuộc khủng hoảng Covid-19.
Không thể phủ nhận nỗ lực của Tổng thống Trump trong việc hối thúc quốc hội Mỹ thông qua gói tài chính 2.200 tỷ đô la để đối phó với dịch bệnh. Thời gian gần đây, ông Trump cũng thể hiện sự thay đổi về thái độ đối với mối nguy Covid-19 khi gia hạn thêm 1 tháng khuyến nghị hạn chế tiếp xúc xã hội, kêu gọi người có bệnh nền, người già nên ở nhà.
Một nhân viên y tế Mỹ đang nghỉ ngơi vì quá mệt mỏi trong dịch Covid-19 (ảnh: AP)
Ông Trump cũng sử dụng quyền lực của mình để buộc các công ty sản xuất máy thở và cấm xuất khẩu thiết bị y tế ra nước ngoài theo đạo luật sản xuất quốc phòng. 3M - công ty cung ứng sản phẩm y tế hàng đầu của Mỹ, cũng bị ông Trump đe dọa "sẽ trả giá đắt" nếu vi phạm lệnh cấm.
"Chúng tôi không hài lòng với 3M. Tất cả những người đang làm việc với 3M cũng không vui vẻ gì với công ty này. Chúng ta cần các vật tư, thiết bị y tế để sử dụng trong nước", ông Donald Trump nói trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng.
Tuy nhiên, ông Trump vẫn đang đối mặt với nhiều chỉ trích vì cho rằng chính quyền của ông đã phản ứng quá chậm chạp và bỏ lỡ nhiều thời gian có thể ngăn dịch bệnh bùng phát hay tích trữ thêm vật tư.
"Thật lòng tôi nghĩ ông Trump đã làm mọi thứ có thể. Tôi không nghĩ ông ấy có thể làm thêm điều gì khác", ông Jerry Falwell, hiệu trưởng trường Đại học Liberty (Mỹ) nhận xét.
Các vị Thống đốc toàn nước Mỹ, kể cả là người cùng đảng với ông Trump vẫn đang hàng ngày phàn nàn và yêu cầu thêm hỗ trợ từ chính phủ. Họ cảnh báo về sự thiếu hụt thiết bị y tế, về mối nguy đối với y bác sĩ ở tuyến đầu và về những chiếc máy thở.
Tàu bệnh viện hải quân Mỹ tại cảng New York (ảnh: AP)
Trong tình cảnh này, nhiều người đang lo ngại cho khả năng đắc cử thêm một nhiệm kỳ Tổng thống nữa của ông Trump. Nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến theo xu hướng tồi tệ hơn, chính quyền của ông Trump sẽ đối mặt với nhiều nguy hiểm khi chỉ trích đến từ dư luận ngày càng tăng.
Tổng thống Trump vẫn đang thể hiện sự vững vàng trước công chúng. Ông cho rằng mình đã làm tốt trước dịch bệnh và điều đó đã cứu ít nhất 2 triệu sinh mạng của người Mỹ.
Cuộc thăm dò dư luận mới nhất được thực hiện gần đây cho thấy, có tới 44% người Mỹ đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của ông Trump trong đại dịch. Ông Trump đang phải nỗ lực hết sức mình vì thời điểm đến ngày bầu cử cho nhiệm kỳ Tổng thống mới chỉ còn cách hơn 6 tháng nữa và đối thủ của ông - cựu Phó Tổng thống Joe Biden, đang chiếm không ít ưu thế.
Nhiều người đang so sánh tình cảnh của ông Trump với ông Herbert Hoover - Tổng thống thứ 31 của Mỹ.
Ông Herbert Hoover - một người của đảng Cộng hòa đã không thể lèo lái nước Mỹ vượt qua cuộc Đại khủng hoảng năm 1929 và phải hứng chịu trận thua "lở đất" trước Franklin D. Roosevelt, Tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ hai.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:
- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.
- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.
Vương Nam
Thủ tướng Australia cảnh báo nguy cơ đại khủng hoảng Thủ tướng Morrison cảnh báo Covid-19 có thể gây ra khủng hoảng kinh tế như Đại suy thoái những năm 1930, khi hàng chục nghìn người Australia mất việc. "Australia đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có kể từ sau Đại suy thoái. Hàng chục nghìn người đang xếp hàng tại các văn phòng Centrelink (phụ trách...