Dịch Corona: Vũ Hán siết ‘vòng kim cô’
Khi Phó thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan đến Vũ Hán ngày 6/2, bà nhấn mạnh thành phố đang trong một cuộc chiến và không được có người đào ngũ.
Chính quyền Trung Quốc từ ngày 6/2 áp dụng các biện pháp ngày càng quyết liệt ở Vũ Hán để ngăn chặn sự lây lan của chủng virus họ corona mới (nCoV), gồm kiểm tra từng nhà, tập trung người bệnh và đưa họ vào các trung tâm cách ly lớn là những bệnh viện dã chiến. Bà Tôn yêu cầu nhân viên y tế đến từng nhà ở Vũ Hán, kiểm tra thân nhiệt của từng người và tìm hiểu tất cả những người đã tiếp xúc gần bệnh nhân nhiễm nCoV.
Trung tâm triển lãm ở Vũ Hán được chuyển đổi thành bệnh viện dã chiến ngày 5/2. Ảnh: AFP.
Giới chức Vũ Hán đã bắt đầu đưa bệnh nhân đến các bệnh viện dã chiến được cải tạo từ một sân vận động, một trung tâm triển lãm và một khu tổ hợp. Khi thị sát bệnh viện dã chiến được thiết lập tại sân vận động Hồng Sơn, bà Tôn nói rằng bất cứ ai cần điều trị nên được tập trung lại và buộc phải cách ly. “Phải chặt đứt đường lây lan của virus”, bà nói.
Những động thái cấp bách, dường như được ứng biến này diễn ra khi tỷ lệ tử vong do dịch nCoV ở thành phố 11 triệu dân vào ngày 6/2 là 4,1%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ ở những khu vực còn lại là 0,17%. Với việc người bệnh bị dồn vào các trại cách ly với chăm sóc y tế hạn chế, người dân ở Vũ Hán ngày càng cảm thấy bị bỏ rơi.
Những biện pháp mới gây liên tưởng đến các biện pháp thực hiện để chống lại đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 đã giết hàng chục triệu người trên toàn thế giới. Tuy nhiên, không chắc những biện pháp này sẽ thành công.
Không rõ các bệnh viện dã chiến mới có được trang bị đầy đủ thiết bị hoặc có đủ nhân sự để chăm sóc cơ bản cho bệnh nhân và ngăn virus lây lan hay không. Những bức ảnh chụp bên trong sân vận động cho thấy những dãy giường nằm gần nhau, chỉ cách nhau bằng bàn, ghế thường được sử dụng trong lớp học.
Vũ Hán đã bị phong tỏa từ ngày 23/1. Hạn chế giao thông cũng được áp đặt với các thành phố khác trong tỉnh Hồ Bắc, ảnh hưởng đến hơn 50 triệu người. Tại Trung Quốc đại lục, 636 người đã thiệt mạng, 31.161 người nhiễm bệnh. 638 người tử vong và 31.481 người nhiễm trên toàn thế giới.
Báo đảng People’s Daily tuần này mô tả việc ngăn dịch là “cuộc chiến của nhân dân”. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy lệnh hạn chế ra vào tỉnh Hồ Bắc đang làm chậm việc cung cấp thuốc, khẩu trang và các nhu yếu phẩm khác, bất chấp các cam kết của Bắc Kinh cùng các công ty tư nhân và các tổ chức từ thiện rằng hàng viện trợ đang tới. Các chuyên gia đang đặt câu hỏi liệu các biện pháp của chính phủ có gây khó khăn quá mức cho người dân hay không, trong khi chúng dường như không có hiệu quả lớn trong công tác phòng dịch vì số ca nhiễm đều tăng hàng nghìn mỗi ngày.
“Tình hình gần như một thảm họa nhân đạo vì không có đủ nguồn cung y tế”, Willy Wo-Lap Lam, từ Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Trung văn Hong Kong, nói. “ Người dân Vũ Hán dường như bị bỏ rơi”.
William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt ở Nashville, cho biết những thách thức mà các cơ quan y tế Trung Quốc phải đối mặt rất lớn. “Khi cả nhân lực và cơ sở vật chất đều chịu áp lực quá lớn, những điều đáng tiếc sẽ xảy ra và sẽ có người qua đời”, ông nói. “Không thể xử lý lượng bệnh nhân tăng đột biến như vậy trong một thời gian dài”.
Video đang HOT
Tuy nhiên, Schaffner cũng đặt câu hỏi về các biện pháp mới, bao gồm rủi ro đối với các bệnh nhân nCoV và người những người chăm sóc họ trong các trung tâm cách ly. “Chuyện gì xảy ra với những người bị bệnh? Họ có được chăm sóc không và ở mức độ nào? Còn cả những người chăm sóc cho bệnh nhân nữa, tại sân vận động hay hội trường trường học, liệu họ có thể chăm sóc hiệu quả và giữ an toàn cho bản thân không?”.
Các chuyên gia khác cho rằng việc tập trung số lượng lớn người bệnh trong các cơ sở giống như nhà ở tập thể có nguy cơ vô tình tạo ra điều kiện để lây lan một loạt bệnh truyền nhiễm. “Nhiều người trong số này vốn có những vấn đề sức khỏe khác”, Thomas M. File Jr., chủ tịch Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm Mỹ nói. “Bạn đặt họ ở gần nhau thì họ có nguy cơ truyền nhiễm những bệnh khác thậm chí còn dễ lây hơn nCoV như bệnh lao, có thể lây truyền qua không khí”.
Wang Chen, chuyên gia về bệnh đường hô hấp là chủ tịch của Viện Khoa học Y khoa Trung Quốc, cho biết các bệnh viện dã chiến được thiết lập nhằm ngăn lây nhiễm nCoV trong các hộ gia đình và khu vực lân cận. “Nếu một lượng lớn bệnh nhân có triệu chứng nhẹ ở nhà hoặc vẫn tiếp xúc với cộng đồng thì họ sẽ trở thành nguồn lây lan virus chính”, ông nói.
Tuy nhiên, một bài đăng ngày 6/2 được chia sẻ rộng rãi trên Weibo nói rằng điều kiện tại trung tâm triển lãm Vũ Hán, nơi được chuyển đổi thành bệnh viện dã chiến, rất kém. Người viết kể rằng các sự cố về điện và vấn đề với hệ thống sưởi khiến mọi người “rét run khi đi ngủ”.
Người này cũng cho biết ở đây dường như thiếu nhân viên và thiết bị. “Các bác sĩ và y tá không ghi chép triệu chứng và phát thuốc, thiếu thiết bị oxy nghiêm trọng”.
Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc đang thắt chặt quản lý các hãng tin và mạng xã hội sau một thời gian thả lỏng, không kiểm duyệt những lời chỉ trích về phản ứng ban đầu của chính phủ.
China Media Project, nhóm hợp tác với Đại học Hong Kong, đăng một chỉ thị từ Cục Quản lý Mạng Trung Quốc, cáo buộc một số công ty mạng xã hội “tham gia bất hợp pháp vào việc đưa tin liên quan đến dịch bệnh”.
Họ nói rằng những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc, bao gồm Sina Weibo, Tencent và ByteDance, sẽ bị giám sát đặc biệt nhằm đảm bảo “một môi trường mạng thuận lợi để chiến thắng trong cuộc chiến chống lại dịch”.
Theo Phương Vũ (VNE)
Mất ý niệm thời gian giữa Vũ Hán
Mắc kẹt ở Vũ Hán suốt hai tuần qua vì dịch viêm phổi, Yang Dechao không còn biết rõ khái niệm về ngày tháng.
Thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc những sáng gần đây yên ắng đến mức có thể nghe thấy tiếng chim hót trên con phố từng hối hả, nhộn nhịp. Một vài con chó hoang chạy trên cao tốc vắng tanh. Cư dân thành phố đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, chỉ để lộ đôi mắt đong đầy nỗi lo lắng.
Một người dân Vũ Hán đi bộ trên con phố vắng tanh hôm 3/2. Ảnh: NY Times.
Họ xếp hàng tại bệnh viện chật cứng do lo sợ bị nhiễm loại virus mà hầu hết mọi người chưa từng nghe thấy vài tuần trước. Họ xếp hàng bên ngoài hiệu thuốc dù có thông báo dán cửa rằng khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn, găng tay và nhiệt kế đều hết hàng. Họ xếp hàng mua gạo và rau quả từ cửa hàng thực phẩm còn hoạt động, trong khi gần như tất cả nơi khác đều đóng cửa.
Sau đó, họ nhốt mình trong nhà, chờ đợi lệnh phong tỏa kết thúc. Họ còn may mắn hơn rất nhiều so với những người đang phải nằm nhà hoặc bệnh viện do nhiễm chủng virus corona mới (nCoV), có thể bị cướp đi tính mạng bất cứ lúc nào vì viêm phổi.
"Tôi chưa từng nghe về thứ được gọi là virus corona trước đó. Nhưng giờ đây, mỗi khi thức giấc tôi lại nghĩ tới nó", Sun Ansheng, người đàn ông ngoài 50 tuổi ngồi ở bậc cửa bên ngoài bệnh viện Hán Khẩu ở Vũ Hán, nơi người vợ bị nghi nhiễm virus corona đang điều trị, cho hay. Ông thêm rằng bệnh viện này không có đủ giường và bác sĩ cho bệnh nhân tới điều trị.
Vũ Hán, thành phố công nghiệp rộng lớn ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc và là tâm dịch viêm phổi ảnh hưởng tới hơn 20 quốc gia, bị phong tỏa suốt hai tuần qua. Người dân thành phố và khắp tỉnh Vũ Hán là đối tượng thử nghiệm tính hiệu quả của chiến dịch y tế lớn mà chính quyền Trung Quốc đang thực hiện: Liệu có thể ngăn dịch bằng cách đóng cửa hoàn toàn một thành phố hàng triệu dân hay không.
Sự lây lan chóng mặt của virus corona và lệnh phong tỏa của chính phủ Trung Quốc khiến Vũ Hán, đô thị 11 triệu dân nằm cạnh sông Trường Giang, giống thành phố ma. Nhiều cư dân cho biết cuộc sống mới một tháng trước còn an toàn giờ bị đảo lộn và tương lai trở nên bấp bênh.
Vài cư dân khác kiên quyết duy trì cuộc sống bình thường như trước: chạy bộ, đi dạo bên bờ sông, đưa con cái ra ngoài hít thở không khí trong lành. Nhiều người cảm thấy bị mắc kẹt trong nỗi buồn chán và sợ hãi.
" Tôi bắt đầu quên mất ngày tháng. Hôm nay là Chủ nhật hay thứ Hai? Bạn sẽ lãng quên bởi tất cả hoạt động thường ngày đều tạm dừng. Giờ đây mọi người chỉ biết đến gia đình và chiếc điện thoại của họ", Yang Dechao, công nhân nhà máy 34 tuổi bị mắc kẹt ở Vũ Hán, cho biết.
Yang buồn rầu cho biết anh tới Vũ Hán kiểm tra sức khỏe vào sáng 23/1 và rồi biết tin chính phủ cấm tất cả mọi người rời thành phố. Giờ anh chỉ có thể trò chuyện với bố mẹ già ở ngôi làng ngoại ô thành phố qua tin nhắn thoại ngắn gọn, để hỏi thăm sức khỏe và kiểm tra nguồn cung cấp thực phẩm ngày một cạn dần của họ.
"Tôi có họ hàng ở đây nhưng không dám tới thăm họ. Mọi người đều sợ gặp người khác vào lúc này. Nhiều người cảm thấy lạc lõng ở đây và tôi cũng vậy", Yang nói.
"Tôi không thể chịu nổi việc ở mãi đây. Mọi người đều thấy bực bội và lo lắng", Zhang Biao, đầu bếp 52 tuổi ngồi ăn bánh trên băng ghế bên đường, cho hay.
Người Vũ Hán đi mua thực phẩm dự trữ giữa đợt dịch. Ảnh: AFP.
Chính phủ Trung Quốc đã huy động tổ dân phố hỗ trợ cư dân và giúp họ nâng cao tinh thần. Những thông điệp với giọng đọc nhẹ nhàng trên loa phát thanh rằng chính phủ quan tâm, động viên người dân đeo khẩu trang và hạn chế ra ngoài. Những băng rôn đỏ được treo trên tường và rào chắn đường khuyên nhủ người dân không nghe theo tin đồn về phương thuốc chữa bệnh thần kỳ.
"Đừng hoảng loạn. Đừng để tin đồn làm rối loạn mọi thứ", một băng rôn viết. Nhưng sau khi quan chức Vũ Hán thừa nhận không công bố từ sớm về dịch bùng phát và xem đó như tin đồn nhảm, nhiều cư dân hoài nghi về thông điệp trấn an của chính quyền.
"Điều đầu tiên chúng tôi cần lúc này là sự trung thực và minh bạch. Ai là người chịu trách nhiệm, ai phải chịu trừng phạt là điều phải làm rõ nhưng ngay lúc này chúng tôi chỉ muốn sống sót qua đợt dịch", Mao Shuo, công nhân kỹ thuật 26 tuổi nói trong khi bỏ khẩu trang để hút thuốc. "Khẩu trang y tế biến đâu hết rồi? Họ cất giấu chúng ở đâu? Đó là điều tôi muốn biết nhất", cô nói.
Bên ngoài chợ bán thịt cá và hải sản, nơi được xem là nguồn khởi phát nCoV, cảnh sát và nhân viên an ninh có mặt khắp nơi, yêu cầu người đi đường tránh xa nơi này. Cách đó một dãy nhà là hàng loạt cửa hàng mới như Starbucks, cửa hàng điện thoại di động và khu chung cư của tầng lớp trung lưu. Dịch bệnh này không bắt nguồn từ khu ổ chuột, mà từ một thành phố hiện đại.
Phía dưới con phố, hàng chục con chó rên rỉ khi bị nhốt trong tiệm chăm sóc thú cưng. Có vẻ như không có người bên trong và không rõ chúng có được chăm sóc hay không. Trên nhiều con phố khác, vài con chó nhỏ bị bỏ rơi do chủ đang nằm viện hoặc lo lắng vì tin đồn virus có thể lây truyền từ thú cưng.
Nhiều cư dân giờ không còn sức để nghĩ về những điều như vậy. Phần lớn những người cần kiểm tra sức khỏe do bị ho và sốt phải xếp hàng dài để được bác sĩ thăm khám và chờ kê đơn, thường là truyền nước.
Bệnh viện lớn là một trong số ít nơi tập trung đông người ở thành phố. Tại Bệnh viện Công đoàn Vũ Hán, bệnh nhân, chủ yếu là người già, vây xung quanh bác sĩ mặc đồ bảo hộ.
"Chúng tôi nghe tin có người trong khu phố chết vì viêm phổi. Mỗi tiếng ho đều thật đáng sợ. Nhưng ngồi chờ hàng giờ ở bệnh viện đáng sợ không kém. Bạn nghĩ tôi nên làm gì đây?", Liu Xiaoong, một người nghỉ hưu, cho hay. Bà Liu tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe nhưng bỏ cuộc vì sợ rằng sẽ đi bộ về nhà muộn nếu đợi khám xong.
Nhiều người xếp hàng ngồi chờ khám tại bệnh viện Hội Chữ thập đỏ Vũ Hán cuối tháng trước. Ảnh: AFP.
Thanh Tâm (Theo NY Times)
Theo vnexpress.net
Chuyên gia nói không có bằng chứng virus corona được tạo ra từ phòng thí nghiệm Sự xuất hiện của một loại virus corona mới ở Trung Quốc đã làm nảy sinh nhiều giả thuyết về nguồn gốc của nó, nhưng không có bằng chứng nao về nguồn gốc nhân tạo, ông Ben Cowling, người đứng đầu Khoa Dịch tễ học và Sinh học tại Đại học Hồng Kông cho biết. "Không có bằng chứng nào cho thấy loại...