Dịch bệnh Covid-19 sẽ qua mau…
8 giờ sáng, nhóm thanh niên tình nguyện khoảng 30 người cầm những tờ thông tin len lỏi vào hàng quán, quầy, sạp ở chợ Dĩ An ( Bình Dương) để hướng dẫn các tiểu thương, bà con đi chợ về cách phòng tránh dịch Covid-19.
Thanh niên tình nguyện P.Dĩ An, TP.Dĩ An (Bình Dương) vào chợ hướng dẫn người dân cách phòng dịch Covid-19 . Ảnh Lê Thanh
Theo chân anh Hồ Minh Khương, Phó chủ tịch Hội LHTN P.Dĩ An (TP.Dĩ An, Bình Dương), chúng tôi ghé vào sạp bán bún của dì Nguyễn Thị Duyên để tặng tờ thông tin tuyên truyền. Hỏi thăm tình hình buôn bán trong khoảng thời gian này, dì Duyên than: “Ế lắm con ơi. Nhưng mình cũng phải ráng bám trụ để buôn bán mỗi ngày chứ biết làm sao, bởi đây là nghề mưu sinh nào giờ nuôi sống gia đình. Chỉ mong sao dịch Covid-19 qua thật nhanh để chợ búa đông đúc trở lại”.
Nghe dì Duyên than, dì Lương Thị Bông, người bán bánh tráng cạnh bên, cũng góp vào: “Giờ tui bán bánh tráng cả ngày cũng chẳng có được mấy người ghé mua, dịch Covid-19 như thế này không biết khi nào mới hết, buôn bán ế ẩm rầu quá cậu ơi!”.
Vừa tặng tờ thông tin hướng dẫn và nước sát khuẩn, anh Khương động viên: “Các dì cố gắng chung tay cùng cộng đồng để đẩy lùi dịch Covid-19. Ai cũng có ý thức trong việc phòng tránh thì dịch sẽ mau qua”.
Rời chợ Dĩ An, chúng tôi cùng nhóm tình nguyện đến chợ tự phát mà người dân địa phương ở đây gọi là chợ Xóm Vắng (KP.Nhị Đồng, P.Dĩ An). Nhóm sinh viên tình nguyện đã hướng dẫn cho các tiểu thương về cách rửa tay, tặng tờ thông tin tuyên truyền cách phòng dịch. “Nghe mấy đứa thanh niên tình nguyện hôm nay đến tặng sản phẩm y tế và hướng dẫn cách phòng dịch, nhiều tiểu thương ra đây ngồi chờ từ sáng sớm đó”, cô Phan Thị Phương (57 tuổi), chủ quán cà phê, cho biết.
Là người phụ trách một nhóm thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân biết cách phòng dịch Covid-19, anh Nguyễn Khánh Linh, Bí thư Phường đoàn Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một), thông tin: “Riêng điểm thanh niên tình nguyện do tôi phụ trách trong những ngày qua đã phát gần 3.000 khẩu trang, 500 tờ thông tin hướng dẫn cách phòng dịch bệnh. Bên cạnh đó, chúng tôi còn có các đội thanh niên tình nguyện nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng ngừa đến người dân”.
Video đang HOT
Bà Nguyễn Kim Thủy, người dân P.Bình Hòa, TP.Thuận An, nói: “Sống nơi dân cư đông đúc, tôi luôn quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe gia đình trước tình hình dịch Covid-19 hiện nay. Được các cháu thanh niên tình nguyện đến tận nhà hướng dẫn cách phòng dịch bệnh và tặng khẩu trang, tôi thấy yên tâm hơn rất nhiều”.
Không chỉ phát hàng chục ngàn khẩu trang y tế miễn phí, dung dịch sát khuẩn, cẩm nang thông tin tuyên truyền về cách phòng chống dịch Covid-19, thanh niên tình nguyện tỉnh Bình Dương còn tuyên truyền, hướng dẫn mọi người qua việc thực hiện các video: hướng dẫn đeo khẩu trang đúng cách; hướng dẫn bằng bài hát về cách rửa tay…
Theo thanhnien.vn
Những trạm rửa tay miễn phí 'nhìn thấy thương lắm' mùa chống dịch
Chuyện chống dịch tốt không chỉ nằm ở những gói khẩu trang, chai nước sát khuẩn, mà còn trong câu chuyện gần gũi về cuộc sống đời thường của người dân xung quanh các trạm rửa tay công cộng miễn phí.
Trải những ngày nặng gánh âu lo...
Trong những ngày này, lượng người lui tới các bến xe vắng hẳn. Hầu hết ai cũng đeo khẩu trang kín mít. Thế nhưng, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sử dụng khẩu trang phòng dịch là cần thiết nhưng chưa đủ, nếu không kết hợp với việc rửa tay cùng xà phòng sạch khuẩn thường xuyên và đúng cách. Đặc biệt khi đến những khu vực có nguy cơ lây nhiễm lớn như trạm xe buýt, bến xe, bệnh viện, chợ... Tuy nhiên, mọi chuyện không dễ dàng khi những nơi này chưa lắp đặt nơi rửa tay với đầy đủ xà phòng, nước sạch.
Anh T. - tài xế xe ôm tại khu vực Q.1, TP.HCM cho biết: "Ở bến xe, muốn rửa tay thì phải vào nhà vệ sinh công cộng mất phí, đi ra đi vào vài lần là tốn kha khá rồi. Nên mình và anh em thường dùng vòi nước xài tạm đằng kia để tạm rửa", vừa nói anh vừa chỉ vào chỗ "rửa nhanh" của hội - chiếc ống nước màu xanh cũ kỹ bạc màu chằng chịt dây cố định, nằm chổng chơ giữa nền đất không ai buồn vắt lên. Rồi anh cười trừ nói tiếp: "Đợt có dịch, mỗi ngày đi làm nhà mình cũng sợ, nhắc miết chuyện vệ sinh tay chân nhưng điều kiện thì đâu cho phép, mình cũng qua loa chịu vậy thôi".
Cô S. - bán nước tại bến xe công viên vừa dọn hàng sớm vừa chặc lưỡi: "Buôn bán mưu sinh nơi công cộng giữa mùa dịch vậy cô cũng lo lắm, lo cho mình thì ít mà lo cho con cái thì nhiều, lỡ mang mầm bệnh về cho con thì khổ lắm. Nhưng không đi bán thì lấy đâu tiền mà nuôi tụi nhỏ".
Cứ thế, từng ngày của những con người lao động ở các điểm công cộng trôi qua bị đè nặng hơn bởi cuộc đấu tranh giữa trăm mối cơm áo hay nguy cơ lây dịch cao.
... Bỗng một ngày bầu trời xanh rất khác
Như những câu chuyện kể thường kết thúc có hậu, thì đến một ngày, những gương mặt đăm chiêu nghĩ về dịch này cũng giãn ra thành nụ cười, xem chừng phấn khởi lắm khi những trạm rửa tay màu đỏ rực bỗng xuất hiện.
Chỉ cần nán lại các trạm một chút, là dễ thấy cảnh người xếp hàng ra vào rửa tay vui như trẩy hội
Một chú xe ôm tắp xe vào lề, vuốt vội phần mồ hôi như vẻ chú vừa chạy cuốc nào cực lắm, ấy vậy chỉ cần rửa tay, rửa mặt xong là khuôn mặt chú rạng rỡ hẳn, cười hà hà quay qua khoe: "Ngày đầu mới lắp, tụi chú cũng tò mò ngó thử coi sao, nhưng chưa ai lại rửa nhiều do trước giờ đâu có quen đâu. Vậy mà giờ không làm thấy thiếu đó nha, mỗi lần chở khách là chú đều rửa tay hết, ai cũng muốn bản thân mình sạch sẽ mà hen".
Các trạm rửa tay dã chiến ở trạm xe buýt, nhà ga, cung cấp nước sạch, xà phòng sạch khuẩn miễn phí, dự kiến phục vụ được nhu cầu của hơn 1.000 người/ngày/trạm
Mấy chị soát vé đến sau cũng xởi lởi hỏi nhau về chuyến tiếp theo, kể chuyện khách nãy đi xe sao, chuyện nay mấy đứa nhỏ ở nhà làm được gì, mà tay vẫn thoăn thoắt rửa đúng 6 bước chuẩn theo hướng dẫn.
"Không cần có dịch chị vẫn rửa tay thường xuyên đó nha, tại soát vé cầm tiền rồi chạm đủ mọi chỗ trên xe mà. Vừa tốt cho mình, vừa tốt cho người khác thì siêng một chút xá gì. Mà nhờ cái bảng này mới biết đó giờ mình rửa tầm bậy ghê em ha".
Quay về từ chiếc trạm rửa tay màu đỏ, cô S. hào hứng nối tiếp câu chuyện lúc nãy bỏ dở: "Hằng ngày ngồi đây bán, nhiều lúc tay dơ mà cô cũng không đi rửa được vì mất công xa nên không ai coi quán giùm, giờ có trạm đàng hoàng mà còn miễn phí vậy thì phải rửa cho yên tâm chứ. Mà nước rửa tay thơm nên rửa xong thích lắm nhen!". Mắt cô sáng lên niềm vui khó tả.
Nghe bảo mỗi ngày, các trạm đều có người đến vệ sinh và thêm nước rửa tay đầy bình. Vậy mà trạm lúc nào cũng tinh tươm gọn gàng, hỏi ra mới hay mấy chị xung quanh chia nhau ra lau dọn phụ, ai có ý định rửa tay sẵn tiện rửa chén bát trong bồn là bị cản ngay. "Chứ nhìn cái trạm thấy thương lắm bay ơi! Hồi giờ báo đài cứ nói hoài vụ rửa tay thường xuyên mà mình đâu có nghe, đợi khi có dịch rồi mới làm theo. Tính ra mấy nay xà phòng "sốt" quá trời mà Lifebuoy cho dựng trạm miễn phí vậy cũng quá ấm lòng", một chị hồ hởi cho biết.
Rửa tay đúng cách là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để phòng ngừa dịch bệnh lúc này. Đến thời điểm hiện tại, các trạm rửa dã chiến Lifebuoy đã và đang tiếp tục giúp bảo vệ đến 14.000 người mỗi ngày, góp phần giảm bớt nguy cơ do đại dịch lan nhanh, cổ vũ thói quen rửa tay của người dân để bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh ngay cả khi dịch bệnh kết thúc.
Theo Thanh niên
Phòng dịch Covid-19 cho học sinh, chỉ nhà trường thôi chưa đủ! Vấn đề mà nhiều người quan tâm khi học sinh (HS) đi học trở lại sau một thời gian nghỉ học dài ngày để phòng dịch Covid-19 chính là sự an toàn của các em trong thời gian sinh hoạt, học tập tại nhà trường. Để đảm bảo sự an toàn cho HS phải có sự chung tay của gia đình - Song...