Dịch bệnh ẩn chứa trong món ăn ưa thích của người Việt
Tiết canh, lòng lợn, nem chua… là những món ăn được rất nhiều người yêu thích nhưng dễ lây nhiễm bệnh tật.
Tàn phế, tử vong vì… tiết canh
Một bát tiết canh là một ổ bệnh với trên dưới 10 loại vi khuẩn gây hại cho con người có trong máu động vật. Chưa kể, động vật giết thịt bị nhiễm bệnh thì con số này sẽ tăng gấp bội. Người ăn có thể nhiễm ấu trùng giun xoắn nếu trong tiết canh có chứa ấu trùng giun.
Ăn phải tiết canh của lợn nhiễm dịch tai xanh thì hai bệnh lý hay gặp nhất là viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết. Bệnh màng não mủ là bệnh lý nặng, có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng điếc tai cho người bệnh.
Một bệnh nhân hoại tử chân tay do nhiễm liên cầu lợn
Nhiễm trùng máu là bệnh lý cực kì trầm trọng, có thể tử vong nhanh chóng. Nhiều bệnh nhân cấp tính, diễn biến thành sốc, suy sụp đa phủ tạng, hoại tử trên da, tại các đầu chi. Nếu được chữa khỏi thì vẫn còn nhiều bệnh nhân vẫn bị hoại tử chân tay, phải cắt cụt ngón chân, tay trở thành người tàn phế.
Mắc giun xoắn vì ăn nem chua
Những người thường xuyên ăn nem chua, ăn gỏi dễ mắc bệnh giun xoắn. Đây là một bệnh truyền nhiễm do ấu trùng giun xoắn truyền từ lợn, hoặc chuột sang người, chủ yếu qua đường tiêu hóa.
Nhiễm giun xoắn là một quá trình nhiễm độc gây viêm dị ứng các mao mạch, gây hoại tử cơ và gây thiếu ôxy tổ chức. Bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tiêu hóa nhẹ như đau âm ỉ vùng thượng vị, táo bón hoặc tiêu chảy, kèm theo nôn, có khi chỉ có cảm giác buồn nôn.
Video đang HOT
Khoảng vài tuần sau, bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau cơ đặc biệt là các nhóm cơ ở tay, chân nên bệnh nhân vận động rất khó khăn.
Ngoài các triệu chứng điển hình như đã nêu, bệnh nhân có thể bị nổi ban dị ứng trên da, hoặc có những đốm xuất huyết. Những trường hợp nhiễm giun xoắn nặng, dấu hiệu thiếu ôxy tổ chức khá rõ rệt biểu hiện bởi rối loạn tâm thần như cuồng sảng hoặc ngủ gà, huyết áp hạ, mạch nhanh nhỏ…
Mắc bệnh vì ăn nội tạng động vật
Món phủ tạng động vật trong đó có phủ tạng lợn dù có bổ dưỡng nhưng nguy cơ gây ngộ độc cho người dùng cũng rất lớn. Ví dụ: gan lợn là nơi chứa toàn bộ chất độc khi con vật bị bệnh, khi ăn phải loại gan này vô tình chúng ta đã đưa chất độc vào cơ thể.
Mặt khác, vấn đề đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi ở nước ta còn rất kém nên con vật thường bị nhiễm khuẩn, dễ nhìn thấy nhất là ấu trùng sán thường tập chung nhiều ở lòng lợn. Đã có không ít trường hợp bị sán chui lên não đều cho biết thường xuyên “xơi” lòng lợn.
Ăn mắm tôm sống dễ bị tiêu chảy
Đối với mắm tôm, khi ở dạng nguyên chất rất mặn và đặc, khó có vi khuẩn nào sống được ở môi trường đó nhưng khi đã được pha thêm nước chẳng hạn, nó sẽ chuyển thành môi trường khác và tạo điều kiện rất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và dễ dàng.
Khi ăn phải mắn tôm nhiễm khuẩn thì bạn dễ bị nhiễm các bệnh về đường ruột, dịch tả…
Lời kết:
Nên ăn chín, uống sôi và hạn chế ăn thức ăn tươi sống để giữ gìn sức khỏe cho bản thân. Đặc biệt những món ăn có nguy cơ truyền bệnh cao thì nên loại trừ ra khỏi thực đơn của gia đình
Theo vietbao
5 bệnh nhân liên cầu lợn nhập viện trong một tháng
Thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, chỉ riêng trong tháng 5/2012 đã có 5 bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn phải nhập viện. Một bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn nặng cũng vừa được chuyển tới bệnh viện hôm 14/6.
Một bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết do mắc liên cầu lợn điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư. (Ảnh: H.Hải)
Vừa nhiễm trùng huyết, vừa viêm màng não
Ngày 14/6, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư tiếp nhận nam bệnh nhân N.T.N (Hải Phòng) trong tình trạng vật vã, loạn thần, có ban hoại tử trên da. Bệnh nhân này cũng đã được BV Đa khoa Hải Phòng chẩn đoán mắc liên cầu lợn. Tuy nhiên vì biểu hiện nặng nề, lại kèm theo cả tình trạng sản rượu nên đã chuyển lên tuyến trên để điều trị.
BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Điều trị tích cực cho biết, bị nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có thể mắc một trong ba thể bệnh, đó là thể viêm màng não giống như các viêm màng não mủ khác, thể nhiễm trùng huyết và thể thứ 3 là kết hợp cả hai. Trường hợp bệnh nhân này mắc bệnh liên cầu lợn ở thể thứ 3, đó là bị kết hợp cả nhiễm trùng huyết và viêm màng não nên tình trạng bệnh nặng nề hơn, điều trị cũng kéo dài hơn.
Trải qua 5 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân đã đỡ hơn nhưng vẫn phải nằm viện theo dõi điều trị ít nhất 2 tuần nữa. Bệnh nhân này có tiền sử nghiện rượu, vì thế, khi bị bệnh này nhiễm bệnh, cơ thể đột nhiên phải "cai rượu" gây ra tình trạng sản rượu. Vì thế, ngoài các biểu hiện của bệnh liên cầu lợn khiến bệnh nhân sốt, đau đầu, nôn, buồn nôn, tri giác lơ mơ dần dẫn đến hôn mê (do viêm màng não) và bị sốt cao, nhiễm trùng nặng (do nhiễm trùng huyết), bệnh nhân này còn có thêm biểu hiện sảng rượu, gây ra tình trạng vật vã, loạn thần.
Trước đó, trong tháng 5 cũng có 5 bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn phải nhập viện và điều trị là bệnh nhân N.M.Hùng (38 tuổi), L.V.Doanh (23 tuổi), N.V.Dụng (53 tuổi), T.T. Dương (54 tuổi), K.H.Thông (44 tuổi).
Một bát tiết canh = vài chục triệu đồng
"Căn bệnh này còn có tính chất lây dễ dàng qua đường tiêu hóa (ăn phải thịt lợn, nem chạo, tiết canh chưa được nấu chín) mà còn lây qua đường tiếp xúc. Vì thế, nguy cơ lây nhiễm bệnh xuất phát ngay từ quá trình chế biến, thái, rửa thịt lợn (vì chân tay có thể có những xước xát không phát hiện và vi khuẩn liên cầu lợn có thể xâm nhập vào cơ thể qua những vết tổn thương này). Hầu như các bệnh nhân bị nhiễm căn bệnh này đều có tiếp xúc với lợn", BS Cấp nói.
Một bát tiết canh bán chỉ khoảng 10 - 15 ngàn đồng nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe, trong đó có bệnh liên cầu khuẩn lợn. (Ảnh: H.Hải)
Một nghiên cứu do Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư tiến hành năm 2010 cho thấy, trong tổng số 55 ca mắc liên cầu nặng phải nhập viện này điều trị ở miền Bắc cho thấy, hầu hết các bệnh nhân có ăn hoặc tiếp xúc trực tiếp với lợn/thịt lợn trong vòng 7 ngày trước khi khởi phát. Số bệnh nhân đã giết mổ lợn/ăn thịt lợn tái/tiết canh là 31 trường hợp (chiếm 64,58%). Riêng ăn lợn tái/tiết canh lợn chiếm tỷ lệ nhiều nhất (58,33%). Ngoài ra còn có một số yếu tố khác đều liên quan đến lợn như chăm sóc, chăn nuôi lợn ốm, ăn thịt lợn ốm/chết. Số tử vong xảy ra chủ yếu ở những bệnh nhân có cả 2 yếu tố ăn thịt lợn tái/tiết canh và giết mổ lợn (6/7 trường hợp).
"Trong khi đó, một bệnh nhân bị bệnh liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần, có những bệnh nhân nhiễn khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng, với chi phí hàng trăm triệu, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không trầm trọng. Một bát tiết canh tính phí lúc này tới hàng vài chục, thậm chí cả trăm triệu đồng. Chưa kể, nó còn đe dọa tính mạng người bệnh, khiến gia đình người bệnh phải tốn kém, vất vả chăm sóc", BS Cấp nói.
Thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho thấy, thực tế các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn rải rác tất cả các tháng trong năm. Từ đầu năm tới nay tại viện đã 20 trường hợp nhập viện, trong đó, 80% số bệnh nhân nhập viện đều trong tình trạng bệnh nặng hoặc đã bị biến chứng. Trong số đó có nhiều ca viêm màng não nặng, sốc, hoại tử, suy đa phủ tạng.
Thêm một điểm cần lưu ý là đã từng bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, người bệnh vẫn hoàn toàn có thể mắc lại lần sau. Vì căn bệnh này giống như nhiễm trùng liên cầu bình thường, không để lại miễn dịch lâu dài cho cơ thể. Vì thế, để phòng bệnh, cần phải bỏ thói quen, sở thích ăn tiết canh, ăn đồ tái chưa nấu kỹ. Bình thường, nấu chín thức ăn ở nhiệt độ 100 độ C vi khuẩn liên cầu lợn sẽ bị tiêu diệt. Còn với đồ ăn tái, sống (tiết canh, nem chạo), nếu thịt lợn có vi khuẩn liên cầu cơ thể người sẽ hấp thu một lượng lớn vi khuẩn liên cầu lợn còn sống vào cơ thể người ăn, có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.
BS Cấp cho biết, bình thường vi khuẩn này vẫn cư trú ở họng một số con lợn mà không gây bệnh. Nhưng khi con lợn bệnh, sức miễn dịch bị suy giảm khiến vi khuẩn liên cầu phát triển mạnh, gây bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết cho lợn. Trong khi đó, người nông dân cứ thấy con lợn có biểu hiện ốm là vội vàng bán thịt. Vì thế, rất khó nhận biết thịt con lợn bị viêm phổi, nhiễm trùng huyết do khuẩn liên cầu, do trên da lợn cũng chưa có biểu hiện xuất huyết. Vì thế, việc ăn chín, uống sôi, có đồ bảo hộ lao động trong chăn nuôi lợn, trong giết mổ là vô cùng quan trọng.
Theo vietbao
Bẩn ghê người cảnh giết mổ gia cầm tại chợ Tại khu vực giết mổ, máu, nội tạng gia cầm chảy lênh láng hòa lẫn trong nước thải. Gia cầm chưa và đã được giết mổ nằm lẫn lộn, la liệt từ trong ra ngoài. Điểm giết mổ gia cầm ở ngay phía sau khu chợ trung tâm thị trấn Vĩnh Điện (huyện Điện Bàn) đã hoạt động từ hơn 10 năm nay....