Địa phương kêu khó cách ly F0, F1 tại nhà
Chuyên gia đề xuất các tỉnh, thành trên toàn quốc thực hiện ngay cách ly F1 và F0 không triệu chứng tại nhà, nhưng một số địa phương cho rằng khó áp dụng.
Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn cách ly F1 tại nhà và giám sát F0 không triệu chứng tại nhà, áp dụng cho tất cả các tỉnh, thành.
Đồng tình với chủ trương trên, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương , nhận định việc này sẽ mở ra thêm một hình thức cách ly an toàn cho F1 và F0 không có triệu chứng. Ông cho rằng, quyết định của Bộ Y tế dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn tại Việt Nam, là 84% ca nhiễm Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Những người này không cần chăm sóc y tế. “Vì vậy, nếu đưa tất cả F0 vào bệnh viện sẽ làm hệ thống y tế quá tải, không còn nguồn lực điều trị bệnh nhân nặng hoặc bệnh khác”, ông nói.
Tuy nhiên, ông lưu ý việc giám sát F0 tại nhà phải đạt được hai tiêu chí. Thứ nhất , đảm bảo an toàn cho F0, bởi một số trường hợp không triệu chứng ban đầu có thể sẽ diễn tiến nặng trong thời gian ngắn. Vì vậy, Bộ Y tế cần hướng dẫn cụ thể để F0 tự theo dõi sức khỏe và thông báo thường xuyên cho cán bộ y tế, khi diễn tiến nặng thì được phát hiện, đưa đi điều trị ngay. Thứ hai , ngành y tế phải đảm bảo F0 thực hiện đúng quy định, không làm lây nhiễm ra cộng đồng. Dù F0 có tải lượng virus thấp, khó lây nhiễm cho người khác, “nhưng không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối”. Để làm được điều này, chính quyền cơ sở cần huy động các tổ Covid-19 cộng đồng giám sát; huy động bác sĩ bệnh viện tư tham gia tư vấn, điều trị, cấp cứu bệnh nhân nếu trở nặng.
Theo ông Nhung, những tỉnh, thành đang bùng phát dịch bệnh trên diện rộng, số ca nhiễm tăng cao mỗi ngày như TP HCM, Bình Dương…, cần thực hiện ngay chủ trương này. “Các tỉnh khác, dù dịch bệnh chưa lan rộng cũng cần thí điểm để kịp thời rút kinh nghiệm, tạo sự chủ động cần thiết”, PGS Nguyễn Viết Nhung nói.
PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viên Phổi trung ương. Ảnh: Giang Huy
PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) , cũng cho rằng các tỉnh, thành trên toàn quốc cần sớm thực hiện cách ly F1 và F0 không triệu chứng tại nhà. “Việc này vừa để tiết kiệm nguồn lực cho các địa phương, vừa là sự chuẩn bị cần thiết để có kế hoạch ứng phó nếu dịch bùng phát diện rộng”, ông Phu nói.
Ông phân tích, gần hai năm chống dịch vừa qua, Việt Nam áp dụng triệt để cách ly tập trung F1 và điều trị F0 tại cơ sở y tế. Chủ trương này phù hợp ở những đợt dịch trước, bởi số ca nhiễm ít, cơ sở y tế và nguồn lực có thể đáp ứng. Tuy nhiên, trong đợt dịch thứ tư, biến thể virus mới lây lan nhanh, liên tiếp ba ngày qua, mỗi ngày cả nước ghi nhận hơn 2.000 ca nhiễm. Một số địa phương là tâm dịch như TP HCM đã quá tải. Hơn nữa, nhiều nước châu Âu, châu Mỹ và một số nước châu Á đã cách ly F1 và F0 triệu chứng nhẹ tại nhà từ lâu.
Video đang HOT
Vì vậy, ông Phu nhìn nhận, hướng dẫn mới đây của Bộ Y tế “là bước đi thận trọng và cần thiết”. F0 vẫn được đưa vào cơ sở y tế, khi có kết quả xét nghiệm, tải lượng virus thấp hoặc âm tính thì mới cho về nhà. Điều này hạn chế nguy cơ lây nhiễm, không gây quá tải cho bệnh viện, vừa tiết kiệm nguồn lực.
“Dù cách ly, điều trị ở đâu thì mỗi người đều phải đề cao trách nhiệm cá nhân với cộng đồng, thực hiện đúng quy định và hướng dẫn của ngành y tế, thì việc chống dịch mới đạt hiệu quả”, ông Phu lưu ý.
Từ góc độ địa phương đang ghi nhận rải rác một vài ca nhiễm mỗi ngày, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội , lại băn khoăn rằng chủ trương nêu trên có những điểm khó khăn.
Theo ông Tuấn, TP HCM đang có số bệnh nhân tăng cao, nên cần áp dụng ngay, để giảm tải cho các bệnh viện. Còn Hà Nội hiện vẫn đáp ứng được chỗ cách ly tập trung cho F1 và nơi điều trị F0 trong bệnh viện. “Vì vậy, chúng tôi sẽ nghiên cứu vấn đề này, đánh giá những điểm thuận lợi, khó khăn, sau đó thí điểm, chứ không áp dụng rộng rãi ngay”, ông Tuấn cho biết.
Phòng điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cơ sở 2, huyện Đông Anh, Hà Nội, tháng 3/2020. Ảnh: Ngọc Thành
Về thuận lợi, ông nói cách ly F1 và F0 không triệu chứng tại nhà sẽ giảm chi phí, kinh tế, tạo tâm lý thoải mái cho người dân. Nhưng khó khăn nhất là nhiều người dân chưa có ý thức chấp hành nghiêm quy định chống dịch. “Đấy là điều tôi lo ngại nhất”, ông bày tỏ. Đồng thời, dù Bộ Y tế đã nới lỏng một số điều kiện, nhưng “không phải tất cả các hộ gia đình có thể đáp ứng được”. Bộ cho phép cách ly ở căn hộ trong khu chung cư, như hiện nay rất nhiều chung cư có sử dụng điều hòa trung tâm, gây nguy cơ lây nhiễm. Vì vậy, nhiều khu chung cư không đáp ứng yêu cầu.
Về việc Bộ Y tế khuyến khích hộ gia đình lắp camera giám sát, ông Tuấn lo ngại, không may có sự cố mất điện hoặc người dân cố ý cắt tín hiệu, trốn ra ngoài thì khó giám sát. Có ý kiến đề xuất khóa cửa ngoài các gia đình đang cách ly tại nhà, nhưng khi có sự cố như cháy nổ thì sẽ không kịp cứu chữa. “Hà Nội chưa xúc tiến thực hiện chủ trương này ngay, sẽ cần nghiên cứu, tính toán thêm”, ông Tuấn nhắc lại quan điểm.
Bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, nơi điều trị cho bệnh nhân mắc Covid từ tháng 3/2020 đến nay, nhận định hướng dẫn mới của Bộ Y tế “là một quyết định đúng”. Chủ trương này nhằm giải quyết tình huống cho TP HCM, khi một ngày lên đến hơn 2.000 ca, cần giảm tải cho các cơ sở điều trị. “Nhưng sẽ khó thực hiện”, ông nói.
Ông Phúc phân tích, khi xét nghiệm cho bệnh nhân phải in ngay biểu đồ xem tải lượng virus cao hay thấp, chứng minh tải lượng virus thấp mới cho về nhà giám sát. Việc này có thể làm được, nếu số lượng các ca bệnh ít. Nhưng sẽ rất khó khăn với số lượng các ca dương tính nhiều như một số địa phương đang đối mặt.
Bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông
“Chúng ta cần thêm những nghiên cứu chắc chắn trước khi áp dụng, vì như ở Bệnh viện Phổi trong quá trình điều trị, rất nhiều bệnh nhân âm tính hai lần, nhưng xét nghiệm lần thứ ba và thứ tư lại dương tính. Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế thì xét nghiệm hai lần âm tính, có thể cho bệnh nhân về được, song nguy cơ lây nhiễm cho những người trong gia đình là rất cao”, bác sĩ Phúc nói.
Ngoài ra, hiện nay có nhiều chùm lây nhiễm cộng đồng chưa rõ nguồn lây, nên nếu đưa F0 từ bệnh viện về cộng đồng thì khó kiểm soát.
“Trong lúc chờ hướng dẫn cụ thể hơn của Bộ và ý kiến của Sở Y tế, Bệnh viện Phổi sẽ không cho xuất viện F0 ngày thứ 10 điều trị có kết quả hai mẫu xét nghiệm âm tính liên tiếp. Một phần vì bệnh viện vẫn còn dư giường, phần khác giữ họ ở lại theo dõi thêm ít ngày, sẽ chắc chắn hơn là đẩy nguy cơ cho cộng đồng”, bác sĩ Phúc nói thêm.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho rằng đây là hướng dẫn các vấn đề chuyên môn, được Bộ Y tế cân nhắc rất kỹ dựa trên những diễn biến thực tế và tham khảo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Do vừa ban hành, ảnh hưởng đến 63 tỉnh, thành nên Bộ cần có hướng dẫn chi tiết thêm để các địa phương thực hiện.
Các tỉnh thành được thí điểm cách ly F1 tại nhà
Ngày 12-7, Chính phủ đã chính thức đồng ý cho phép các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà.
Triển khai xét nghiệm nhanh COVID-19 đến từng khu dân cư để phát hiện nhanh các ca lây nhiễm trong cộng đồng - Ảnh: LAN ANH
Văn phòng Chính phủ thông báo phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Y tế về việc cho phép thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà theo đề nghị của các tỉnh, thành phố.
Theo đó, phó thủ tướng yêu cầu các tỉnh thành phố thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà đảm bảo an toàn. "Căn cứ phản hồi của các tỉnh đang thực hiện, Bộ Y tế rà lại hướng dẫn cho sát với thực tiễn", phó thủ tướng nêu rõ.
Hiện nay, cả nước có 3 địa phương đã triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà là TP.HCM, Bắc Ninh và Bắc Giang. Tuy nhiên, số lượng F1 được cách ly tại nhà hiện còn rất ít.
Trong đó, đối với TP.HCM, bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo công tác cách ly phân ra các khu vực gồm:
Khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa): Các trường hợp F1 thực hiện cách ly tại nhà, không thực hiện cách ly tập trung. Nhà cách ly F1 phải có biển báo bên ngoài, có hàng rào mềm ngăn cách, đảm bảo theo dõi, giám sát chặt chẽ, toàn bộ thành viên trong nhà/gia đình không được phép đi ra ngoài.
Đối với trường hợp có đông F1 lưu trú tại một khu vực phong tỏa, áp dụng thiết chế cách ly y tế tập trung đối với khu vực đó. Trường hợp mật độ người cách ly quá đông thì xem xét đưa bớt ra khu cách ly tập trung.
Với khu vực nguy cơ cao , áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn tại Công văn số 5152/BYT-MT của Bộ Y tế. Trường hợp F1 ở tại các khu tập thể, khu chung cư, nếu có ca F0 tại gia đình thì đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung.
Với các khu vực khác (gồm các khu vực còn lại có nguy cơ thấp hơn), áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn tại Công văn số 5152/BYT-MT của Bộ Y tế.
Trong trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà, đặc biệt người F1 lưu trú tại các gia đình đông người, tại các khu chung cư, tập thể thực hiện cách ly tập trung theo các quy định hiện hành.
TP.HCM kiến nghị mở rộng điều kiện cách ly F1 tại nhà TP.HCM đang triển khai kịch bản cách ly F1 tại nhà, khách sạn trong tình huống có 20.000 trường hợp F0 và 200.000 trường hợp F1 liên quan dịch COVID-19. Sáng 12-7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo TP.HCM về tình hình thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19...