‘Địa ngục’ bị lãng quên sau quả bom nguyên tử Hiroshima
Khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima vào 68 năm trước, rất nhiều nạn nhân khi đó là công nhân lao động người Hàn Quốc. Họ lâm vào cảnh vô vàn khốn khó.
Một nóc tòa nhà ở Hiroshima sau khi bị ném bom nguyên tử.
Địa ngục trần gian
68 năm sau, sức nóng từ quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới vẫn làm da của Jongkeun Lee khô quắt lại và thiêu rụi tóc trên đầu ông. Khi cả thành phố xung quanh ông biến thành đống tro tàn, ông mới 17 tuổi.
“Ban đầu, đó là một ánh sáng màu vàng mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Sau đó, mọi thứ biến thành màu đen, tối tăm mù mịt” – ông Lee kể lại.
Một mình đi xuyên qua cảnh tượng rùng rợn đó, ông Lee trở về nhà trên người gần như trần trụi. Ông nhìn thấy trong bóng tối những người đã chết và cả những người đang nằm chờ chết. Những thân xác khô quắt và không còn nguyên vẹn, nhưng vẫn còn sống và cầu xin nước. Trước mắt Lee là rất nhiều người hấp hối và chết dần.
Khi về nhà, Lee phải theo dõi các vết thương mưng mủ, thối rữa và bốc mùi từ lưng, cổ và mặt. Ruồi thậm chí còn đẻ trứng lên những vùng da thịt bị chết.
“Tôi nói với mẹ rằng: ‘Mẹ ơi, cho con được chết” – Lee nói. “Mẹ tôi khóc rất nhiều khi gắp những con giòi ra khỏi lưng tôi. Tôi vẫn còn cảm thấy rõ những giọt nước mắt của mẹ rơi trên da mình”.
Lee chỉ là một trong số hơn 80.000 người Hàn Quốc sống ở Hiroshima vào ngày 6/8/1945. Hầu hết những người này bị buộc rời khỏi quê hương khi đó đang là thuộc địa của Nhật để làm công nhân từ trước và suốt Thế chiến II.
Quả bom đã cướp đi sinh mạng của hơn 20.000 Hàn Quốc – tức là cứ 5 nạn nhân thì có 1 người Hàn Quốc.
Sau chiến tranh, Hiroshima được xây dựng lại từ đống tro tàn, nhưng những người còn sống sau vụ thả bom thì phải sống phần còn lại cuộc đời mình với nhức nhối khôn nguôi.
Video đang HOT
Bệnh tật do quả bom gây nên đã buộc chính phủ Nhật phải xây dựng một chương trình chăm sóc sức khỏe trọn đời cho những người còn sống sót. Các chứng nhận hợp lệ được cấp cho bất kỳ ai sống ở Nhật chứng minh được rằng họ sống sót sau thảm họa này.
Tuy nhiên, hoàn cảnh khi đó lại ngăn trở những người Hàn Quốc được hưởng ưu đãi này.
Thực phẩm và việc làm khan hiếm sau chiến tranh càng làm cho tình trạng bài ngoại trở nên tồi tệ hơn. Rất nhiều người sống sót phải trở về Hàn Quốc để trốn cảnh cơ hàn và phân biệt chủng tộc ở Nhật.
Đến năm 2003, những người này được đền bù phần nào khi một bộ luật mở rộng dịch vụ chăm sóc.
Giờ đây, ông Lee vẫn ở Nhật và không thay tên đổi họ. Ông hối thúc những người còn sống hiện đang ở Hàn Quốc nộp đơn để được đền bù. Ông Lee nói giống như ông, họ thường ngại tìm kiếm trợ giúp vì đã từng chịu cảnh sống trong bệnh tật và phân biệt.
Những nỗi đau
Lee là một trong số ít những người may mắn có được viện trợ của chính phủ Nhật để trang trải cho bệnh tình của mình.
Tuy vậy, cuộc sống của ông vẫn rất gieo neo vì ông là người còn sống sót sau vụ thả bom, và là một người Hàn Quốc bị xa lánh ở Nhật Bản.
Ở Nhật, những người còn sống sau vụ thả bom được gọi là ‘hibakusha’. Ban đầu, từ này mang hàm nghĩa xấu, là một sự miệt thị vì rất nhiều người Nhật sợ sẽ bị lây nhiễm phóng xạ và những hậu quả về mặt di truyền.
Vì lo sợ rằng những người sống sót đã bị nhiễm xạ và gây ra các vấn đề về mặt di truyền, nhiều gia đình đã không cho họ kết hôn. Các chủ doanh nghiệp đã gạt các ứng viên là ‘hibakusha’ vì sợ họ rơi vào trạng thái hôn mê.
Đằng sau những lo ngại này là một số sự thật. Không chỉ bị bỏng, quả bom còn khiến Lee bị nhiễm xạ và gây nên hiện tượng hôn mê và tiêu chảy mãn tính, những triệu chứng cấp tính kéo dài hàng tháng trời. Giờ đây, ở tuổi 86, Lee nói rằng ông vẫn cảm nhận thấy tình trạng này, và khiến cho các cơ quan trong cơ thể gặp thêm nhiều vấn đề do hậu quả của quả bom.
Gia đình Lee tránh được sự kỳ thị nhờ công việc kinh doanh than củi của gia đình. Những năm 1940, gia đình Lee (- khi đó còn là cậu bé) đã mua được một ngôi nhà ở khu vực gồm toàn người Hàn Quốc sinh sống. Họ tưởng rằng ở đó sẽ yên ổn hơn.
Rồi sau đó, quả bom hạt nhân thả xuống.
Nhiều thập kỷ sau đó, họ mới nhận được cứu trợ.
Khi Lee nhận được chăm sóc y tế miễn phí cho nạn nhân vụ thả bom, những nạn nhân khác sống ở Hàn Quốc suốt nhiều thập kỷ không hề có một đồng trợ cấp nào. Đến năm 2003, một nhóm những người còn sống sau vụ thả bom là Hiệp hội các công dân ủng hộ các nạn nhân bom nguyên tử người Hàn Quốc đã giúp một người Hàn Quốc thưa kiện thành công chính quyền Nhật và nhận được đền bù.
Nạn nhân này được bồi thường một khoản tiền hàng năm là 1 triệu Yên Nhật (khoảng 10.000 USD). Chính phủ Nhật đã đặt ra một tiền lệ. Từ đó, những nạn nhân người nước ngoài có thể nhận được chứng chỉ miễn phí chăm sóc sức khỏe và nhận được các khoản bồi thường khác.
Lúc này, ông Lee đang làm việc với hiệp hội để đảm bảo có được các chứng nhận từ phía chính phủ Nhật Bản, và khuyến khích những nạn nhân khác nộp đơn để được đền bù xứng đáng.
Theo VNN
Nạn nhân bom nguyên tử kể ký ức đau buồn
"Chúng tôi chỉ tìm thấy những mảnh xương từ thi thể của cha, gói ghém lại và khóc trên suốt đường về nhà", một cụ ông 84 tuổi, người còn sống sót trong vụ ném bom hạt nhân ở thành phố Hiroshima năm 1945 kể lại.
Ông Hirai bên bức ảnh duy nhất chụp lại cả gia đình. Ảnh: The Atlantic
Shoso Hirai cẩn thận mở túi, lấy ra một tấm ảnh đen trắng cũ kỹ và nhẹ nhàng đặt nó lên chiếc bàn đối diện. Ông chậm rãi chỉ vào gương mặt của từng người trong bức hình.
"Cha tôi đứng ngoài cùng", cụ ông nói. "Còn đây là mẹ tôi. Cậu bé không đeo kính là em trai tôi, và người còn lại là tôi", Hirai nói, để mặc cho những ký ức đau thương ùa về.
Hirai, người năm nay đã 84 tuổi, cho biết tấm ảnh này được chụp từ năm 1943, hai năm trước khi xảy ra sự kiện Hiroshima và Nagasaki, ngày 6 và 9/8/1945.
"Đây là kỷ niệm duy nhất về em trai mà tôi còn lưu giữ được", Hirai nói trong cuộc phỏng vấn với tờ The Atlantic. "Cho tới tận hôm nay, chúng tôi vẫn không thể tìm thấy thi thể của em."
Ở cái tuổi ngoài bát thập, có thể chỉ trong vài năm tới, chúng ta sẽ không bao giờ còn được nghe Hirai chia sẻ câu chuyện này. Tuy nhiên, nhờ một dự án mang tên "Tiếng nói của những người sống sót ở Hiroshima và Nagasaki", nhằm lưu giữ các hình ảnh, số liệu về hai vụ ném bom dưới dạng dữ liệu số, những ký ức của ông cùng nhiều nhân chứng khác sẽ tiếp tục được bảo tồn cho hậu thế.
Xuất phát từ ý tưởng của một số tờ báo lớn như Chugoku Shimbun và Asahi Shimbun, dự án này được thực hiện bởi rất nhiều các nghệ sĩ, lập trình viên và nhà báo. Công việc không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng các thành viên của dự án phải không ngừng cố gắng bởi họ mong muốn những câu chuyện đã xảy ra từ 70 năm trước không bị chìm vào quên lãng.
Bức ảnh chụp các thành viên trong gia đình ông Hirai. Ảnh: The Atlantic
Theo chính phủ Nhật Bản, các nhân chứng trẻ nhất trong vụ ném bom nay cũng đã hơn 70 tuổi, và ký ức của những người như ông Hirai chính là một phần của lịch sử.
Sinh năm 1929, Hirai cho biết hồi ức của ông về cái ngày quả bom bị ném xuống Hiroshima vẫn rất rõ ràng. Đó là một ngày thứ hai, và khi đó ông đang ở nhà một người bạn, cách trung tâm của vụ nổ gần 4 km.
"Chính xác là 8h15 sáng. Khi ấy tôi đang ở lối vào nhà một người bạn. Thành phố vẫn rất yên bình, rồi bỗng có một âm thanh kinh hoàng", Hirai cho biết, nói thêm rằng ông không thể nhận thức được chuyện gì đã xảy ra.
"Người ta lao ra khỏi nhà và gào thét, rằng 'Chuyện gì đã xảy ra?'. Xung quanh tôi đầy những tiếng kêu khóc, 'Cháy!', 'Cháy!'", ông kể lại.
Sau buổi sáng định mệnh ấy, Hirai cùng mẹ tới văn phòng của cha ông, và tất cả những gì họ tìm thấy chỉ là những mảnh xương vỡ vụn.
"Chúng tôi thu gom rồi đem phần còn lại của thi thể cha về nhà", Hirai nói, "vừa đi vừa khóc".
Vụ ném bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki, xảy ra lần lượt vào hai ngày 6 và 9/8/1945, do quân đội Mỹ thực hiện. Ước tính hơn 200.000 người, chủ yếu là thường dân Nhật Bản, thiệt mạng sau hai vụ tấn công. Trong khi Mỹ tin rằng hai quả bom đã góp phần chấm dứt Thế chiến thứ hai sớm hơn dự kiến, dư luận Nhật Bản vẫn cho rằng hành động này là không cần thiết và vô đạo đức. Hôm nay người dân, lãnh đạo Nhật Bản và các quan khách đã tề tựu ở Công viên Hòa bình của Hiroshima để tưởng niệm những người thiệt mạng trong các vụ ném bom nguyên tử tàn khốc 68 năm trước.
Theo VNE
Lời cảnh báo thế kỷ Thảm họa Hiroshima cách đây 67 năm vẫn là nỗi đau đến hôm nay - Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon nhắc nhở để cảnh báo, đồng thời kêu gọi nhân loại nỗ lực hành động để xoá bỏ mối đe dọa của vũ khí hạt nhân. Người dân Nhật Bản thắp đèn tối 6-8-2012 để tưởng nhớ hàng trăm nghìn nạn nhân...