Đỉa khô dùng để làm gì?
Trong các sách đông y nổi tiếng của Việt Nam đều có dùng đỉa làm thuốc. Tuy nhiên, chúng phải được chế biến rất kỹ càng, nghiêm ngặt.
Đỉa sấy khô nhập lậu từ Campuchia bị phát hiện hôm 14.11 – Ảnh: Giang Phương
Thông tin 72 kg đỉa khô bị chặn bắt trên đường từ biên giới Campuchia – Việt Nam vào Việt Nam tiêu thụ đã khiến rất nhiều người quan tâm. Đỉa khô thực chất có thể dùng để làm gì?
Đỉa khô là bài thuốc
Theo Lương y Đinh Công Bảy, trong đông y, con đỉa được dùng làm thuốc với tên dược liệu là thủy điệt. Có nhiều loại đỉa có thể dùng làm thuốc như: đỉa (Hirudo nipponica), đỉa trâu (Hirudirania manillensis), đỉa xanh lục (Hirudo officinalis), đỉa đui (Whitmania laevis, W. pigra)…thuộc họ đỉa trâu – Hirudinidae.
Trong đó, đỉa khô là loại đỉa được phơi khô hoặc sấy khô bằng lửa nhỏ. Khi dùng làm thuốc, các thầy thuốc đông y thường cắt đỉa khô thành miếng thật nhỏ, đem sao nóng với cát hoặc bột hoạt thạch, đến khi thấy hơi phồng vàng thì lấy ra, rây cho thật sạch bụi cát, đem phơi ở chỗ mát, rồi đựng vào lọ sạch để bảo quản.
Lương y Đinh Công Bảy cho biết thêm, theo đông y, đỉa (thủy điệt) có vị mặn, tính bình, có độc, tác dụng phá huyết, trục ứ, thông kinh, lợi tiểu. Thủy điệt thường được dùng để làm tiêu tích tụ, phá hòn cục, trị phụ nữ kinh bế, máu ứ, đòn ngã tổn thương, mụn nhọt, phong lở, đau mắt đỏ, tiểu tiện khó.
“Hiện nay, đông y không còn dùng đỉa sống cho hút máu ở nơi bị viêm sưng nữa. nhưng vẫn còn dùng đỉa khô đã qua chế biến để làm thuốc, với liều 2 – 4g/ngày, dạng thuốc tán bột, làm viên để uống”, lương y Đinh Công Bảy nói.
Ngoài ra, “trong y học hiện đại, đỉa cũng được dùng làm nguyên liệu chiết men hirudin (chất này có tác dụng làm cho máu không đông) để chế thuốc tiêm, thuốc xoa, chữa những trường hợp máu hay bị đông tắc, tụ máu ở các vết thương, tụ máu nội tạng, trĩ…”, lương y Đinh Công Bảy nói thêm
Video đang HOT
Đỉa khô được bán phổ biến ở phố thuốc đông y
Ghi nhận của PV Thanh Niên, có thể dễ dàng tìm thấy đỉa khô được bán tại khu vực chuyên bán thuốc đông y trên đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5, TP.HCM).
Tuy nhiên, người bán rất dè dặt khi được chúng tôi đặt vấn đề cần mua đỉa khô. Hầu hết những người bán hàng đều hỏi kỹ càng mua về để làm gì, sau đó mới gọi điện thoại cho “mối” hỏi thăm giá và lấy hàng.
Qua một số cửa hàng thuốc đông y thì hầu như đều có thể cung cấp đỉa khô và hàng thường được cất ở kho chứ không bày bán tại cửa hàng.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, giá thủy điệt mà những nhà thuốc đông y tại khu Hải Thượng Lãn Ông này đưa ra dao động từ 3,8 – 4 triệu đồng/kg.
Viên An – Vũ Phượng
Theo Thanhnien
Đi tìm đường dây tiêu thụ đỉa sấy khô giá 3 triệu đồng/kg
Tối 19.11, trong vai người tìm mua đỉa khô về bổ sung đơn thuốc trị bệnh, phóng viên Thanh Niên dễ dàng hỏi mua được loại 'nguyên liệu' này ở các tiệm thuốc đông y tại Tây Ninh với mức giá cao ngất ngưỡng 3 triệu đồng/kg.
Đỉa sấy khô nhập từ biên giới bị phát hiện hôm 14.11 - Ảnh: Giang Phương
"Có tên trong sách đông y nhưng chưa rõ công dụng"
Trao đổi với phóng viên, anh Triều Thanh, chuyên hành nghề bốc thuốc nam ngụ huyện Hòa Thành cho rằng, anh được biết con đỉa có tên trong một số sách đông y về cây thuốc và vị thuốc Nam với tên gọi là thủy điệt, có tác dụng điều trị một số loại bệnh đặc trưng về máu huyết, viêm tấy. Tuy nhiên, hiện bản thân anh không biết công dụng thật sự của nguyên liệu này và cũng chưa từng sử dụng.
Để minh chứng, anh Thanh lật cuốn sách đông y có tựa "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" - cuốn sách được tái bản và bổ sung nhiều lần của tác giả Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi. Theo cuốn sách trên thì đỉa có nhiều loại (chủ yếu đỉa sám, đỉa xanh lục, đỉa trâu...) đều làm thuốc được.
4 con đỉa khô bằng ngón tay được bán ra với giá 65.000 đồng - Ảnh: Giang Phương
Nói về công dụng, cuốn sách ghi, trước đây, đỉa được dùng sống để cho hút máu trong nhiều trường hơp viêm tấy. Cách điều trị này không được dùng cho người già, trẻ em và người có máu khó đông. Tuy nhiên từ lâu đỉa không còn dùng để hút máu trực tiếp nữa vì rất nguy hiểm, có thể truyền những bệnh truyền nhiễm. Gần đây, nhiều người dùng đỉa làm nguyên liệu men hirudin dưới dạng thuốc tiêm, thuốc xoa để chữa những trường hợp máu khay đông tắc, viêm màng bao tim, trĩ, tụ máu ở nội, tạng hoặc các vết thương.
Cuốn sách không khuyến cáo gì thêm, do đó, anh Thanh dặn: "Trong đông y, con đỉa còn có tên là thủy điệt, cứ tìm đến các tiệm thuốc đông y để rõ thực hư".
4 con đỉa khô giá 65.000 đồng
Trong khi tìm hiểu về việc mua bán đỉa tại các tiệm thuốc đông y, phóng viên Thanh Niên tiếp nhận được khá nhiều thông tin.
Tại nhà thuốc đông y T. ở gần khu vực chợ Tây Ninh (thuộc TP.Tây Ninh) , khi nghe phóng viên hỏi mua đỉa khô, chủ tiệm xua tay khẳng định chắc nịch: "Ở đây chẳng có ai dùng đỉa trị bệnh đâu, con đỉa ai dám dùng uống mà làm thuốc, còn đỉa khô thì ở đây không bán".
Thế nhưng, khi đến tiệm thuốc khác tên B. (thuộc xã Ninh Thạnh, TP.Tây Ninh), phóng viên hỏi mua đỉa khô với tên "thủy điệt", anh chủ tiệm hồ hởi nói: "Giá khá cao đó, 3 triệu đồng/kg"
Anh chủ tiệm nói thêm: "Một phần vì giá quá rát nhưng quan trọng nhất là không phải ai cũng dám dùng đỉa khô để điều trị đâu, phải cao tay thì mới dám, không thì hậu quả khó lượng đó".
Anh chủ tiệm thừa nhận: "Chính vì vậy, có lúc, cả năm trời tiệm mới bán được chưa đầy nửa kg đỉa khô"
Một nhân viên tiệm thuốc đông y mang đỉa khô ra bán cho khách - Ảnh: Giang Phương
Chúng tôi tiếp tục tìm đến tiệm thuốc đông y S. tại khu vực thị trấn Hòa Thành, huyện Hòa Thành, khi được hỏi mua "thủy điệt" chị bán thuốc rơm rả nói trước: "Đắt lắm đó nhen, mua lẻ mà dùng đi, hết thì quay lại mua thêm cho tiện"
Phóng viên nói muốn mua 4 con đỉa sấy khô, người bán nhanh nhảu cầm một hủ nhựa trong hộc tủ đựng đầy đỉa khô bốc từng con bỏ lên cân. Nhìn kết quả cân, chị này thông báo "3 chỉ", lập tức một phụ nữ ngồi gần đó nhìn bảng giá rồi nói lớn ra ngoài: 65.000 đồng/ 4 con đỉa. Khi phóng viên hỏi thêm về cách sử dụng và liều lượng thì người này nói không rõ.
Như Thanh Niên đã thông tin, trước đó, ngày 16.11, Chi cục Thủy sản tỉnh Tây Ninh cùng Công an huyện Châu Thành, Công an xã, UBND xã Thành Long tiến hành tiêu hủy 72 kg đỉa sấy khô được vận chuyển từ biên giới Campuchia về Việt Nam (bị lực lượng Công an xã Thành Long bắt rạng sáng 14.11). Đây là lần đầu tiên tỉnh Tây Ninh bắt được đỉa đã sấy khô. Trước đó, Tây Ninh đã bắt 3 vụ khác với tổng trọng lượng trên 600 kg nhưng là đỉa sống.
Giang Phương
Theo Thanhnien
Nuôi lợn bằng... thảo dược Thay vì dùng cám tăng trọng, một nông dân ở H.Yên Mỹ, Hưng Yên trộn cám gạo, cám ngô với các loại thảo dược như thổ phục linh, lá kim ngân, bồ công anh... làm thức ăn cho lợn, giúp hạn chế dịch bệnh, thịt lợn ngon hơn. Cám và các loại thảo dược được trộn cho lợn ăn - Ảnh: T.T Năm...