Địa chỉ cuối tuần: quán kem trứng ba thập kỷ ở Hà Nội
Mở cửa từ năm 1988, quán kem trứng trên phố Hai Bà Trưng nay vẫn rất đông khách với thực đơn 8 vị khác nhau.
Quán kem trứng bà Khanh mở cửa từ năm 1988. Ảnh: Nguyên Chi
Trứng đánh kem hay kem trứng là món ăn gắn liền với tuổi thơ nhiều người Hà Nội. Món quà giản dị, chẳng đắt tiền nhưng từng là mơ ước từ thưở nhỏ của bao người. Thời đó, những món quà vặt hấp dẫn chưa có nhiều nên món ăn ngầy ngậy, mềm mịn, chỉ làm từ trứng và đường chấm cùng bánh mì này có thể coi là “cao lương mĩ vị” không gì sánh bằng.
Ở Hà Nội, hiện không còn nhiều quán làm món ăn này bởi sự bão hoà của những thức quà theo xu hướng. Trong đó, đông khách nhất là quán kem trứng trên phố Hai Bà Trưng có tuổi đời hơn 30 năm. Bắt đầu mở cửa từ năm 1988, quán bà Khanh đã tiếp đón nhiều thế hệ người Hà Nội và không ít du khách phương xa. Chị em ca sĩ Yến Trang – Yến Nhi mới đây trong chuyến foodtour Hà Nội cũng đã check in đúng địa chỉ này theo chỉ dẫn của bạn bè.
Quán toạ lạc trên khu vực vỉa hè tương đối rộng rãi, dưới tán cây mát mẻ. Khách phần lớn ngồi ở phía ngoài và ngắm phố xá. Thực đơn quán có tới 8 loại kem trứng, nhiều vị nhất trong các hàng kem trứng tại Hà Nội. Để làm món ăn này, quán trang bị dàn máy đánh trứng chuyên nghiệp để phục vụ lượng khách đông đảo. Vị truyền thống gồm hai lòng đỏ trứng, một ít đường, sau đó, máy sẽ đánh đều cho tới khi bông mịn, tơi xốp. Ngoài vị truyền thống, thực khách còn có thể chọn các vị cacao, cà phê, mật ong, matcha, vani, đậu xanh, thậm chí là cả vị bia.
Quán sử dụng loại cốc thuỷ tinh có rãnh quen thuộc thời bao cấp. Ảnh: Nguyên Chi
Mỗi hương vị có đặc trưng riêng, kết hợp khá ổn mà không bị “lệch pha”. Trứng đánh kem vị cacao hay cà phê không khác vị truyền thống nhiều nhưng dậy mùi và đậm vị hơn. Vani béo ngậy, đậu xanh bùi bùi, matcha thơm. Vị bia độc đáo, có mùi bia nhưng không có vị cay nồng, đáng để thử. Tuy nhiên, nhiều người vẫn mê nhất là trứng đánh kem “nguyên thuỷ” vì có thể cảm nhận rõ vị trứng bông mềm.
Kem trứng ngon nhất là khi vừa đánh xong vì càng để lâu, nhất là trong thời tiết mùa thu ở Hà Nội thì trứng sẽ nhanh nguội và bị tanh. Khi ăn, đừng quên bẻ một miếng bánh mì nóng giòn, chấm vào cốc kem trứng ngầy ngậy, thơm thơm. Vị ngọt dịu vừa phải, ăn kèm bánh mì, tuy hương vị không quá xuất sắc hay ấn tượng nhưng là món ăn vặt hợp lý cho bữa xế chiều.
Biển hiệu nổi bật trên phố Hai Bà Trưng. Ảnh: Nguyên Chi
Những ai là fan của cà phê, cacao trứng Hà Nội cũng có thể thưởng thức ngay tại đây. Thành phần không khác so với kem trứng, chỉ thêm phần cà phê và cacao nóng ở phía dưới. Ngoài ra, quán còn có sữa chua trân châu Hạ Long với 9 vị khác nhau. Đồ uống đi kèm cũng toàn thức uống quen thuộc một thời như nước mơ, mận, sấu, me… chua chua ngọt ngọt, dùng kèm kem trứng cho đỡ ngấy.
Giá cả món ăn hoài cổ này cũng khá dễ chịu, đồng giá 25.000 đồng/cốc, bánh mì 5.000 đồng/chiếc. Các loại cà phê cacao trứng giá 30.000 đồng/cốc, sữa chua cũng đồng giá 25.000 đồng, trong khi các đồ uống thì giá khoảng 20.000 đồng. Mức giá khá bình dân so với vị trí trung tâm, thuận tiện đi lại và để xe. Quán mở cả ngày tại địa chỉ 55 Quang Trung, Hà Nội.
Địa chỉ cuối tuần: Hai quán Hong Kong nườm nượp khách
Hấp thủy nhiệt hay mì sườn Hong Kong là gợi ý không tồi dành cho gia đình, nhóm bạn muốn đổi vị cuối tuần.
Hấp thủy nhiệt Hong Kong
Hấp cách thủy không còn xa lạ. Bạn có thể dễ dàng chế biến ở nhà với xửng hấp bằng tre hoặc inox. Nhưng nếu muốn đổi vị, gợi ý dành cho bạn là nhà hàng Chang Kang Kung với các món hấp thủy nhiệt theo kiểu Hong Kong. Đa phần món hấp thủy nhiệt hạn chế sử dụng gia vị, giúp món ăn thanh đạm, giữ được nhiều chất dinh dưỡng nên nhiều người ưa chuộng. Nhà hàng khá hút các gia đình vào giờ cơm bởi món ăn hợp với cả người lớn lẫn trẻ em. Bạn phải đặt chỗ trước nếu muốn dùng bữa tại các địa chỉ nằm trong trung tâm thương mại.
Hải sản, rau củ, dimsum... hấp thủy nhiệt. Video Vi Yến
Thực đơn phong phú, gồm đủ loại rau củ, hải sản, thịt gà, bò... ướp thật ít gia vị, thường chỉ thêm vài loại cơ bản như muối, tiêu, dầu hào... để không làm thay đổi hương vị vốn có của nguyên liệu sau khi hấp. Ưu điểm của phương pháp hấp này là không sử dụng dầu mỡ, thích hợp dành cho người ăn kiêng. Khách tự pha nước chấm, kết hợp nước tương đặc biệt, hành lá, ngò, ớt xắt... theo sở thích. Muối ớt xanh pha sẵn dùng để chấm hải sản hấp.
Mỗi lần hấp từ 2 đến 6 phút, tùy vào từng loại nguyên liệu mà canh chỉnh nhiệt độ, thời gian khác nhau. Rau củ thì hấp nhanh còn cá, thịt, nghêu... sẽ tốn thời gian hơn. Bạn chấm đồ hấp với chút nước tương vị hơi ngọt, lẫn cay the của ớt. Sau khi hấp, chất dinh dưỡng tiết ra từ thức ăn không bị đổ đi mà nhỏ xuống nồi gạo phía dưới, nấu thành cháo ăn ấm bụng. Chất cháo loãng, đậm đà và bạn không cần nêm nếm thêm gì. Rắc một chút tiêu, hành lá lên trên chén cháo là chuẩn cho một buổi chiều cuối tuần. Giá món ăn không rẻ. Mỗi người lớn phải chi khoảng 400.000 đồng thì mới no nê. Đi nhóm đông sẽ thưởng thức được nhiều món hơn.
Địa chỉ: 128C Phan Đăng Lưu, phường 3, quận Phú Nhuận.
Mì sườn Hong Kong
Mì sườn là một trong những món đặc trưng của ẩm thực Hong Kong mà bạn không nên bỏ lỡ khi có dịp du lịch xứ cảng thơm. Hiện món này đã phổ biến tại Sài Gòn. Bạn dễ dàng thưởng thức mì sườn trong các nhà hàng lớn, tiệm ăn lâu đời khu người Hoa hay quán ăn thích hợp dành cho dân văn phòng lẫn giới trẻ hẹn nhau cuối tuần như Tiểu Nha Đầu ở quận 3. Quán decor theo phong cách kiếm hiệp, phía trước treo lồng đèn đỏ, lợp mái ngói giả cổ và tính tiền theo đơn vị "quan" như phim cổ trang. 1 quan tương đương 10.000 đồng.
Mì sườn tiểu nha đầu. Ảnh Kawaii.food
Thực đơn 4 món: cơm đậu hũ mè cay, xôi, mì lụ cúng và mì sườn tiểu nha đầu - món đinh của quán. Phần xôi gồm hai miếng nếp dẻo hương dứa kẹp ở giữa là miếng thịt kho và một chút mỡ hành, cảm giác hơi giống ăn bánh chưng. Bên trên xôi rắc thêm đậu phộng giã nát, bùi bùi. Cơm đậu hũ mè cay nhưng không quá cay như các món Tứ Xuyên. Đậu hũ xào với thịt bằm trong nước sốt sền sệt, hơi nhiều váng dầu ăn chung với cơm trắng.
Món mì có cái tên khá lạ "lụ cúng" khiến không ít người tò mò. Đây là mì khô ăn với thịt heo xá xíu thái mỏng, rau cải và chén nước súp. Sợi mì dai, trộn đều tay. Nước súp bông cúc đậm đà, lạ miệng. Còn mì sườn tiểu nha đầu là mì nước, ghi điểm với khách hàng nhờ nước dùng sậm màu, thơm mừng mùi hoa hồi. Sợi mì tươi vừa ăn. Ngoài miếng sườn mềm rục ra, bạn gọi thêm xiên chả phô mai. Giá món ăn dao động từ 50.000 đến 61.000 đồng/phần. Điểm trừ là không gian quán hơi nhỏ, bàn ghế san sát lại thường xuyên đông khách nên ồn ào. Vị trí quán hơi khó tìm do nằm khuất trong hẻm.
Địa chỉ: 8/3 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1.
Địa chỉ cuối tuần: Nhà hàng Nhật sang chảnh ở Hà Nội Cuối tuần, bạn có thể đổi món cho gia đình hoặc hẹn hò cùng người ấy ở các nhà hàng Nhật, dù giá cao nhưng chất lượng 'miễn chê'. Khách sạn JW Marriott Hanoi được biết đến với một số nhà hàng, quán bar được nhận xét tích cực. Đây cũng là điểm hẹn cho những ai muốn đổi món cuối tuần với...