Địa chỉ cuối tuần: Ba quán kem lâu đời
Những tiệm kem có tuổi đời hàng chục năm, mang hương vị quen thuộc không chỉ giúp bạn giải khát giữa những ngày Sài Gòn nóng nực mà còn gợi nhớ tuổi thơ.
Kem Bố Già
Bố Già (tên tiếng Anh: The Godfather) là thương hiệu kem được sáng lập từ năm 1975, và là một trong những điểm hẹn quen thuộc của dân Sài thành khi muốn tìm chút không khí Sài Gòn xưa. Nay quán đã phát triển thành một nhà hàng kem và cà phê, thực đơn thêm nhiều món ăn Á – Âu, nhưng đa phần thực khách ghé quán vì menu kem hấp dẫn. Quán gồm hai lầu, nằm trong một con hẻm nhưng khá dễ tìm. Không gian bên trong hơi chật, bàn ghế kê sát, trang trí đậm chất cổ điển theo tông đỏ, đen. Tường giả gạch, treo đầy tranh cùng ánh đèn vàng tạo cảm giác ấm cúng.
Kem Bố Già – món đặc trưng của quán – với vị béo của sữa dừa kết hợp với vị ngọt thanh của đào, vải, thạch dừa và cocktail trái cây. Ảnh Kem Bố già
Thực đơn kem của quán được lòng nhiều người vì khá đa dạng, mà hương vị không đổi sau 45 năm kinh doanh. Kem sữa dừa béo ngọt, ăn kèm bánh mouse chocolate dành cho các tín đồ món béo. Còn kem trái cây mát lạnh, khá thích hợp để thưởng thức vào ngày hè nóng nực.
Bên cạnh đó, quán còn có hương vị kem mang hơi hướng cổ điển như kem cà phê sữa, kem rượu rhum thơm nhẹ với chất kem mịn, ăn kèm trái cây tươi, bánh quế, dừa khô… Ly kem thường trang trí theo chủ đề như “love story” dành cho các đôi tình nhân, “chocolate delight” dành cho người mê chocolate hay “the godfather happy birthday” khi bạn muốn chúc mừng sinh nhật bằng ly kem có cắm nến. Giá kem dao động 30.000 – 160.000 đồng/phần.
Địa chỉ: 290/3 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3.
Kem Bạch Đằng
Nhắc đến kem Sài Gòn thì không thể bỏ qua tiệm kem tọa lạc ngay một trong những ngã tư sầm uất nhất quận 1. Quán kem hoạt động từ năm 1983 đến nay, trở thành điểm hẹn yêu thích của giới 8X. Ngồi đây, bạn có thể ngắm phố xá đông đúc, những tòa nhà cao tầng giữa trung tâm thành phố. Thậm chí, không ít người cho rằng du khách chưa ăn kem Bạch Đằng là vẫn chưa đến Sài Gòn. Những năm gần đây, trục đường này đang rào lô cốt để xây dựng tàu điện (metro) nên lượng khách giảm so với trước kia.
Video đang HOT
Kem trái dừa – món chủ đạo của kem Bạch Đằng. Ảnh Kem Bạch Đằng
Khách của quán chủ yếu là khách quen từ hàng chục năm, yêu mến hương vị đã trở nên gần gũi. Nhiều người hơn 30 tuổi chia sẻ, dù giá cả ngày càng tăng theo thị trường, nhưng họ vẫn ghé quán mỗi khi nhớ hương vị ưa thích của tuổi thơ.
Món đinh của quán là kem trái dừa với giá 140.000 đồng/phần, không hề rẻ so với mặt bằng chung, vừa đủ cho hai người thưởng thức. Kem ngọt vừa, trang trí trong một quả dừa tươi mang không khí nhiệt đới. Sau nhiều năm, chất lượng kem vẫn ổn, mềm mịn kèm vị béo thơm. Kem trái dừa ăn kèm vài loại trái cây như dưa hấu, nhãn, bên trên thêm kem sữa tươi (whipping cream). Phần mứt thơm ăn kèm vị hơi ngọt, dễ gây ngán. Nếu không thích ngọt, bạn có thể bỏ bớt ra. Giá 85.000 – 140.000 đồng/phần.
Địa chỉ: 47 Lê Lợi, quận 1.
Kem ký Hải Thượng Lãn Ông
Đây là một trong những quán đầu tiên bán món kem ký ở Sài Gòn. Không ai nhớ quán đã tồn tại bao lâu, nhưng hàng chục năm nay, quán kem bình dân này là địa chỉ ăn vặt về đêm ưa chuộng của giới trẻ. Quán lề đường, thực khách ngồi trên bàn ghế nhựa đơn giản, vừa thưởng thức kem, vừa hóng gió. Ưu điểm của quán là giá thành hợp túi tiền với học sinh – sinh viên nên luôn hút khách vào buổi tối.
Một phần kem ký ở quán. Ảnh samlacareview
Thay vì trình bày trong ly, thố đẹp đẽ thì đặc trưng của món kem ký là từng mảng kem đặt trong đĩa nhựa. Sở dĩ có tên gọi “kem ký” vì kem được bán theo đơn vị kg (kilogram). Đủ loại kem vị sầu riêng, dâu, vani, chocolate được xắn thành từng miếng vuông vức, xếp chồng lên nhau trông bắt mắt. Bạn có thể tùy ý lựa hương vị yêu thích. Kem ăn kèm với đậu phộng bùi, dừa tươi bào sợi, nhiều loại mứt và si rô. Nếu thích, bạn gọi thêm miếng bánh xốp ăn cho bớt vị ngọt. Giá dao động từ 8.000 đến 40.000 đồng/phần tùy loại.
Địa chỉ: 177 Hải Thượng Lãn Ông, quận 5.
Địa chỉ cuối tuần: 4 tiệm bánh tráng trộn 'đắt xắt ra miếng'
Bốn tiệm bánh tráng trộn có tiếng ở Sài Gòn giá từ 20.000 đồng/phần, hương vị truyền thống và biến tấu, là địa chỉ ăn vặt của bạn trẻ.
Bánh tráng là món ăn vặt rất phổ biến ở Sài Gòn, thường có giá rẻ, phù hợp với túi tiền của học sinh - sinh viên. Hiện những gánh bánh tráng gần khu trường ĐH Sư Phạm, đường Phan Xích Long, làng ĐH Thủ Đức... có giá trung bình từ 10.000 đến 15.000 đồng/bịch, riêng bánh tráng muối tắc có giá khoảng 3.000 đồng/bịch nhỏ. Tuy nhiên vẫn có những tiệm hay xe đẩy lề đường bán món ăn vặt này với giá cao hơn, từ 20.000 đồng/phần nhưng vẫn hút khách nhờ hương vị món ăn có thể làm hài lòng nhiều người.
Dì Hồng
Đây là một trong những địa chỉ ăn vặt quen thuộc với giới trẻ Sài thành suốt nhiều năm. Quán bánh tráng nằm trên "con đường bánh tráng" ở quận 4, nhưng luôn đông khách ghé ăn nhờ gia vị đậm đà và cách trộn của dì Hồng không thay đổi qua nhiều năm. Quán khá đông vào chiều tối mỗi ngày, đôi khi bạn phải xếp hàng chờ đến lượt, nhưng chất lượng rất ổn.
Khác với bánh tráng trộn truyền thống, thực đơn của dì Hồng biến tấu phong phú, kết hợp nhiều nguyên liệu nên ăn lạ miệng, như 5 loại bánh tráng trộn pa tê thịt bằm, trộn bơ tỏi, trộn phô mai, trộn bơ đường và trộn phô mai pa tê. Trong đó, món phô mai pa tê được nhiều bạn trẻ gọi là "bánh tráng trộn cao cấp" với từng miếng bánh tráng tẩm phô mai vừa mặn vừa béo, kết hợp với topping pa tê lại rất thích hợp. Bánh tráng đựng trong bát nhôm, đầy ụ có giá 20.000 đồng/phần.
Ngoài ra, quán còn có nhiều loại cuốn chấm với nước me. Cuốn bánh tráng mềm, tròn, quyện với nước mẹ đặc sánh, đậm vị chua ngọt, thêm sốt bơ béo nhưng ăn hoài không thấy ngán. Món này ngon hơn khi ăn tại chỗ.
Địa chỉ: 23 đường số 11, quận 4.
Chú Viên
Bánh tráng trộn chú Viên là một trong những tiệm nổi tiếng ở Sài Gòn. Trước kia, quán chỉ là một xe đẩy bên lề đường, nhưng nhờ hương vị đặc trưng, không lẫn với tiệm khác, lượng khách ở đây đông đến nỗi bạn phải gọi điện đặt hàng nếu không muốn chờ 30 phút mới có đồ ăn. Hiện quán đã có cửa tiệm nho nhỏ, tuy vẫn không đủ chỗ cho khách ngồi ăn, nhưng bạn không phải chờ lâu, cũng không cần phải gọi điện trước. Mọi thứ đã chuẩn bị sẵn thành từng bịch, nước sốt để riêng, có khách đến thì nhanh chóng giao hàng là xong. Phần bình thường có giá 20.000 đồng, phần đặc biệt 35.000 đồng, có thể đủ cho hai người ăn.
Một bịch bánh tráng loại thường được trộn từ nhiều nguyên liệu như khô mực, tôm khô, trứng cút, xoài bào sợi, khô bò, gan xào, đậu phộng, rau răm... Tất cả cho vào bịch bánh tráng dẻo, trộn đều bằng máy. Ưu điểm ở đây là sợi bánh tráng không bị dính thành cục khi rưới nước sốt vào nên khá dễ ăn. Trứng cút luộc và trứng cút chiên có lớp vỏ vàng nhưng không bị ngấy. Nước sốt bò thấm vị, mùi na ná thuốc bắc, không bị nồng, vị vừa miệng, dễ ăn. Vì quán chủ yếu bán mang đi nên nước sốt để bao riêng, khi ăn thì bạn rưới lên trên, trộn đều là có thể thưởng thức.
Địa chỉ: 38 Nguyễn Thượng Hiền, quận 3.
Chị Chảnh
Từng khá nổi trong giới mê đồ ăn vặt ở Sài Gòn, xe bánh tráng trộn ngay hồ Con Rùa của "chị Mai Chảnh" luôn hút khách không chỉ bởi cái tên độc lạ, mà nhờ hương vị khiến nhiều người phải tấm tắc khen ngon ngay khi nếm thử. Chị Mai bán bánh tráng đã hơn 10 năm nay, nhưng từ khi xe đông khách, một mình chị phục vụ không xuể, khó làm hài lòng thực khách nên đôi lúc chị mắng cả khách. Từ đó mọi người gọi chị là "Chảnh" vì cho rằng đến khách chị cũng không cần. Lâu dần, cái tên "Chị Chảnh" trở thành thương hiệu, và nhiều người là khách quen của quán vì thực chất chị rất vui tính, không hề chảnh.
Ảnh alongwalker
Bánh tráng ở đây được trộn theo kiểu truyền thống, gồm xoài, trứng cút, khô bò đen, khô bò đỏ, sa tế, rau răm, muối tôm, đậu phộng... vắt thêm tí tắc tạo độ chua nhẹ, kèm nước bò ăn mãi không thấy ngán. Bịch bánh tráng có giá khoảng 20.000 đồng, thêm nem chua thì thêm tiền. Dù giá cả không hề rẻ so với bánh tráng lề đường, nhưng quán không khi nào ngơi khách. Bánh tráng mềm vừa ăn, được trộn trong thau cho đều trước khi đựng trọng bịch nylon. Nếu để lâu, bánh sẽ bị dính thành chùm, bạn nên ăn ngay để thưởng thức trọn vẹn vị ngon. Ngày mưa khá bất tiện vì không có dù che.
Địa chỉ: Vòng xoay Công trường Quốc tế, quận 3.
Hòa Hảo
Đây là một trong những tiệm bánh tráng trộn lâu năm được lòng dân Sài Gòn. Giá một phần 20.000 đồng, khá hút khách nên nếu đến quán vào tầm chiều, bạn có thể xếp hàng lâu mới đến lượt. Quán không có địa chỉ cụ thể, đặc điểm nhận dạng là hai anh em đứng bán, cùng thau mỡ hành to - nguyên liệu khiến bánh tráng ở đây trở nên hấp dẫn hơn.
Ảnh alongwalker
Sợi bánh tráng cắt nhỏ, mỏng, ăn vừa miệng, rưới nước sốt thấm vị, thơm đậm đà. Bánh trộn chung với mỡ hành cho vị béo, tăng thêm vị thơm và độ mềm cho bánh tráng. Bạn có thể yêu cầu trộn nhiều mỡ hành hay ít tùy thích. Quán bán mua mang đi, nước sốt để riêng. Khi ăn, bạn đổ tất cả nguyên liệu vào, nước sốt quyện với sa tế cay the, khô bò, tôm khô, đậu phộng bùi... ăn đã miệng. Nếu muốn ăn bánh tráng cứng thì bạn có thể thưởng thức ngay sau khi trộn, còn nếu thích bánh tráng mềm thì để một lát hãy ăn.
Địa chỉ: Trước Lô S chung cư Ngô Gia Tự, đường Hòa Hảo, quận 10.
Địa chỉ cuối tuần: 4 quán vịt nướng ngon ở Hà Nội Bốn quán vịt nướng thơm nức mũi là địa điểm gây thương nhớ trong suốt thời gian giãn cách xã hội của nhiều người. Vịt Duy Tân Vịt nướng hấp dẫn trên phố Duy Tân. Ảnh: Nguyên Chi Duy Tân vốn dĩ không phải con phố ẩm thực nhưng nhờ có sự quy tụ của nhiều tòa nhà văn phòng san sát nên...