Đi XKLĐ “chui”: Trở về chỉ nắm tro tàn
Chỉ trong vài tháng, lao động quê Nghệ An liên tiếp tử vong tại Angola. Những vùng quê nghèo xao xác. Nỗi đau buốt lòng. Vành tang trắng thêm nặng trĩu bởi nỗi lo nợ nần của thân nhân người quá cố.
Đi trai tráng, về trong quan tài!
Như những thước phim đẫm nước mắt, chiếu chậm tại các làng quê nghèo xứ Nghệ, nhân vật chính là những ông bố, bà mẹ thẫn thờ ngóng con, người vợ trẻ ngơ ngác đợi đón thi thể chồng,… sau khi đau đớn nhận “tin báo tử”.
Xin bắt đầu từ gia cảnh người vợ góa Hoàng Thị Hiền (phường Nghi Hòa, TX. Cửa Lò, Nghệ An).
Hơn một năm trước, chồng chị là anh Nguyễn Công Nguyên theo một đường dây “chui” xuất khẩu sang Angola, để lại niềm hi vọng đổi đời của bố mẹ già, vợ trẻ con thơ.
Một năm, mộng ước đổi đời đột ngột sụp đổ trong nước mắt. Gia đình bàng hoàng khi nhận được tin báo từ Angola cho biết anh Nguyên đã tử vong sau khoảng thời gian ngắn chống chọi bệnh sốt xuất huyết.
Đến gia đình anh, thấy bà cố nội gần 90 tuổi khóc cháu trên giường, ông bố lụi hụi dựng tạm bàn thờ cho đứa con trai độc nhất. Chị Hiền ngơ ngác trước bàn thờ, nhìn di ảnh chồng như muốn tự an ủi rằng chồng mình vẫn sống!
“Tội lắm anh ơi! Ở nhà thì khỏe mạnh, chẳng bệnh tật gì. Em đã dặn cố gắng giữ gìn sức khỏe, làm việc vừa sức thôi mà… ” – không có tiếng khóc nào xót xa hơn nước mắt của góa phụ trẻ.
Người mẹ của lao động xấu số Nguyễn Đức Cao khóc òa trước di ảnh con trai
Cách đó không xa, gia đình ông Nguyễn Sỹ Đại (xóm 7, Nghi Kim, TP. Vinh) cũng chìm trong tang thương, khi người con trai là Nguyễn Đức Cao (SN 1988) tử vong tại Angola vì sốt rét.
Cao vừa sang Angola chưa được 3 tháng, công việc chưa đâu vào đâu. Nỗi đau của gia đình ông Đại càng lớn gấp bội khi trước đó, đứa con trai cả của ông bà cũng tử vong trong khi đi làm thuê ở miền Nam, chưa đoạn khăn tang.
Đến ngày 5/4, thi thể của 2 lao động xấu số này lần lượt được di chuyển về nhà.
Video đang HOT
Người ra đi, nợ nần ở lại
Ông Nguyễn Công Hợp, bố lao động Nguyễn Công Nguyên cho biết, con trai ông đi xuất khẩu lao động đi Angola theo đường du lịch từ hơn 1 năm trước với chi phí 6.000 USD.
“Nó là con trai duy nhất của tôi. Vừa cưới vợ được mấy tháng thì nó đi xuất khẩu. Nó chết mà chưa một lần được nhìn mặt đứa con đầu” – ông Hợp khóc bên bàn thờ con.
Theo thông tin từ gia đình, anh Nguyên đi Angola theo một đường dây trong xã. Lời hứa ban đầu là sẽ có thu nhập 800 – 1.000 USD/1 tháng.
Tuy nhiên, sau 6 tháng làm việc, anh chỉ được trả 3.000 USD nên chuyển ra làm cho một chủ thầu xây dựng khác.
Dịp Tết vừa rồi, gia đình hoang mang khi có tin từ Angola thông báo anh Nguyên bị sốt xuất huyết nặng phải nhập viện điều trị.
Gia đình tất bật ngược xuôi vay được 6.000 USD gửi sang để trả viện phí với hi vọng anh chóng khỏi để về nước.
Tuy nhiên, đến ngày 9/3, gia đình sững sờ đón nhận hung tin. Anh Nguyên đã không thể qua khỏi.
Đau đớn hơn, thi thể anh sẽ chỉ được đưa khỏi bệnh viện nếu thanh toán đủ số tiền viện phí 153.000 USD (xấp xỉ 3,5 tỷ đồng).
Nhờ sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng người Việt tại Angola, sự can thiệp của sứ quán Việt Nam, thi thể anh Nguyên đã được đưa về nước.
Số tiền vay lúc xuất khẩu lao động trở thành món nợ khổng lồ với gia đình.
Chị Nguyễn Thị Mai và 2 đứa con, cùng người thân đau đớn trước cái chết của anh Phan Văn Sơn
Cùng chung số phận, ngày 12/4, chị Nguyễn Thị Mai (SN 1977, Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An) cùng 2 đứa con nhỏ chết lặng khi nhận được hung tin anh Phan Văn Sơn, chồng, cha của 3 mẹ con vừa tử nạn tại Angola.
Căn nhà cấp 4 tuềnh toàng nghi ngút khói hương và những lời khóc than não nề.
Anh Sơn sang Angola được hơn 1 năm với chi phí 6.000 USD vay mượn, số tiền gửi về chưa đủ để vợ con trả nợ. Chị Mai rụng rời khi được biết số tiền để đưa thi thể chồng về lên đến hơn 500 triệu đồng!
Nghệ An kiểm tra, rà soát số lao động đi Angola
Ngày 8/4, ông Bùi Nguyên Lân, Giám đốc Sở LĐTB&XH Nghệ An đã ký văn bản gửi các phòng LĐTBXH cấp huyện, thị, thành phố trực thuộc, yêu cầu kiểm tra, thống kê tổng số lao động đi Angola bất hợp pháp trên địa bàn.
Trước đó, UBND tỉnh Nghệ An cũng có văn bản yêu cầu UBND các cấp quản lý chặt chẽ việc XKLĐ trên địa bàn, tăng cường kiểm tra, xử lý các đối tượng, đường dây tổ chức đưa lao động đi Angola trái phép.
Cơ quan chức năng cho biết, trước nay việc quản lý, khống chế việc xuất khẩu “chui” đi Angola thường là bất khả thi do diễn biến quá phức tạp, người dân nghèo tại các làng quê vốn biết rất ít về thông tin nên dễ dàng gật đầu đi theo các đường dây lừa đảo.
Thông tin từ người Việt tại Angola báo về, vừa đặt chân xuống sân bay nước bạn các lao động đã phải tự xoay sở.
Nhiều người đã bị bắt ngay và trục xuất về nước.
Ước tính, có khoảng 1 vạn lao động Nghệ An đang mưu sinh tại Angola.
Theo 24h
LĐ tử nạn tại Angola: Gia cảnh bần hàn
Mơ ước đổi đời đã khiến cho nhiều gia đình lâm vào cảnh bi thương mất con, mất chồng, nợ nần chồng chất... PV đã tìm về gia đình các nạn nhân người Nghệ An là lao động "chui" ở Angola chẳng may tử nạn, để chia sẻ nỗi đau tột cùng của những số phận đang "ngồi trên đống nợ".
Đón con về trong chiếc quan tài
Ông Nguyễn Đăng Dương, Trưởng phòng Lao động - Việc làm - Tiền lương (Sở LĐ,TB&XH Nghệ An) khẳng định: Hiện chưa có bất cứ đơn vị nào được cấp phép để xuất khẩu lao động sang thị trường Angola. Hầu hết đều đi theo đường dây lao động "chui" và phải chịu một khoản phí đắt đỏ. Vì thế, người lao động cần thận trọng, tránh bị "cò mồi" lừa đảo khiến "tiền mất, tật mang".
Chúng tôi đến xóm 5, xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) khi mà chị Thảo, vợ anh Chu Văn Toản (SN 1982, tử vong tại Angola) không còn nước mắt để khóc nữa. Gần 100 ngày trôi qua kể từ khi anh tử nạn ở Angola, nỗi đau dường như vẫn còn nguyên vẹn trong chị và đứa con trai hơn 1 tuổi. Chị Thảo là người Kỳ Anh (Hà Tĩnh) - nơi có nhiều người đi xuất khẩu lao động và cũng có nhiều người trở nên khấm khá sau khi về. Anh Toản lúc đó không có việc làm, nhà chỉ dựa vào mấy sào ruộng ăn còn không đủ thì nói gì chuyện tích cóp để nuôi dạy con cái. Thế nên, vợ chồng chị mới tính vay tiền đi xuất khẩu lao động ở Angola với ước mơ đổi đời. Tháng 12/2011, vợ chồng chị đã phải nộp cho người môi giới 5.500USD. Đây là số tiền vay mượn từ anh em, họ hàng. Đầu tháng 12/2012, từ Angola anh Toản điện thoại về cho biết, khí hậu bên đó khắc nghiệt khiến anh bị sốt rét và ốm đau suốt nên đang thu xếp để về Việt Nam. Ai ngờ anh Toản chưa kịp về thì xảy ra cơ sự. Sáng hôm định mệnh đó, khi đang đi làm (chị là công nhân doanh nghiệp sản xuất đồ điện tử - PV) thì chị nhận được điện thoại của bạn trọ cùng phòng với chồng báo tin rằng anh Toản đã mất...
Bà Nguyễn Thị Thủy (mẹ nạn nhân Cao) đau xót kể chuyện với PV
Cùng cảnh ngộ với gia đình chị Thảo, mấy hôm nay ngôi nhà nhỏ của gia đình bà Cao Thị Thủy - ở xóm 7, xã Nghi Kim, huyện Nghi Lộc không lúc nào ngớt người vào ra thăm hỏi. Con trai bà Thủy là anh Nguyễn Đức Cao (26 tuổi) đi lao động tại Angola, bị tử nạn hôm 1/3, Hơn một tháng sau ngày anh Cao mất, đến tận 5/4 vừa rồi thi thể anh mới được đưa về quê an táng. Việc chờ đợi thi thể con trai trở về đã khiến cho bà Thủy kiệt sức. Nước mắt giàn giụa, bà vừa nấc vừa kể, cuối năm 2012 anh Cao sang Angola bằng đường du lịch do một người quen ở quê giới thiệu với chi phí gần 140 triệu đồng. Mức lương được hứa hẹn ban đầu là 1.000 USD/tháng. Sang đó, nghe nói anh Cao bị sốt rét liên miên và đến ngày 1/3 thì tử vong. Xoay xở đủ đường cho con đi lao động, bà Thủy không ngờ, có ngày phải đón con về trong một chiếc áo quan lạnh lẽo.
"Ban đầu, anh em bên đó thông báo chi phí đưa thi thể Cao về quê hết khoảng 20.000 USD. Số tiền đó đối với gia đình tôi lúc này là không thể! Sau đó gia đình tôi đã liên lạc với bên công ty đưa Cao đi. Nghe nói, phía công ty đã sang bên đó để phối hợp các cơ quan chức năng, cộng đồng người Việt và Đại sứ quán Việt Nam tại Angola can thiệp mới làm được thủ tục đưa thi thể Cao về nước. Thôi thì đưa được nó nguyên vẹn về quê an táng, còn là cái may mắn nhất của gia đình!" - bà Thủy nói như để động viên, an ủi chính mình - "Nghe nói, nhiều trường hợp lực bất tòng tâm, con chết nhưng không làm sao đưa được xác con về...".
Nỗi tuyệt vọng của bà mẹ 70 tuổi
Đúng như lời bà Thủy, trường hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Kính, 70 tuổi (mẹ nạn nhân Phan Văn Sơn, người vừa tử nạn vào ngày 12/4 vừa qua ở Angola) có thể chẳng được gặp mặt con lần cuối nữa. Người thân gia đình cho biết, anh Sơn đi Angola vào cuối năm 2011 bằng con đường du lịch của một đường dây lao động với chi phí gần 140 triệu đồng. Mức lương hứa hẹn ban đầu là 1.000 USD/tháng. Tuy nhiên lúc sang đến nơi, anh Sơn chỉ làm công nhân xây dựng và mức lương không được như lời hứa ban đầu. Hơn một năm làm việc ở Angola nhưng tiền lương anh gửi về chưa đủ để trả tiền chi phí bỏ ra. Anh Sơn đột ngột ra đi, cũng có nghĩa là gia đình mất đi trụ cột, chỗ dựa vững chắc nhất, bởi từ nay trong ngôi nhà nhỏ bé ở quê nhà chỉ còn lại vợ anh, 2 đứa con bé bỏng và bố mẹ già. Từ khi nhận được điện thoại của anh em làm việc bên đó báo về rằng anh Sơn đột tử khi đang ngủ, ở quê nhà cũng chỉ biết lập vội bàn thờ để thắp hương. Còn việc đưa thi thể anh về nước thì gia đình cũng chưa biết thế nào.
"Anh em bên đó điện về nói, chi phí đưa thi thể Sơn về hết khoảng hơn 600 triệu đồng. Số tiền này quá lớn, gia đình tôi có bán hết gia tài cũng chưa đủ..." - bà Kính nói trong nước mắt - "Bây giờ gia đình cũng chỉ biết trông chờ vào sự can thiệp của Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và cộng đồng người Việt Nam tại Angola thì may ra thi thể con trai tôi mới có thể về mai táng ở quê nhà".
Chị Nguyễn Thị Thảo, vợ của nạn nhân Chu Văn Toản bên bàn thờ chồng
Nợ nần chồng chất
Khi tai họa rơi xuống đúng gia đình mình, chị Nguyễn Thị Mai - vợ nạn nhân Sơn dường như ngã qụy. Bởi hơn ai hết, chị hiểu rõ từ nay cuộc đời mẹ con chị sẽ càng khó khăn, vất vả. Ngoài nuôi 2 con thơ tuổi ăn, tuổi học, còn có bố mẹ già và cả món nợ lo cho anh Sơn đi còn trả chưa hết. Cũng như gia đình chị Mai, hầu hết các gia đình có người đi xuất khẩu lao động "chui" ở Angola mà chúng tôi đến, đều trong tình cảnh nghèo khó, túng quẫn. Có lẽ đó cũng chính là lý do đã đưa bước chân họ tìm đến "miền đất hứa". Theo tìm hiểu của chúng tôi, để được sang lao động ở Angola nhiều gia đình đã không ngần ngại cắm số đỏ, vay nặng lãi để có từ 5.500- 6.500 USD nộp cho môi giới. Đã thế hầu như không có hợp đồng nên không ai nhớ rõ tên công ty môi giới nào cụ thể.
Ông Trần Thanh Phong, xóm trưởng xóm 7, xã Nghi Kim cho biết: "Hiện tại ngoài anh Cao thì ở xóm 7 còn có 5 người đang đi xuất khẩu lao động ở Angola. Hầu như những gia đình này đều phải vay mượn, cầm cố ngân hàng cho con đi. Nghe người nhà nói là lao động bên đó khổ lắm, rất nhiều trường hợp bị cướp bóc, đánh đập... Sau khi liên tiếp có người lao động bị tử nạn ở Angola thì nhiều gia đình có con đang ở bên đó cũng vô cùng hoang mang, lo lắng...".
Trước vụ việc liên tiếp người lao động tử nạn ở Angola, Sở LĐ,TB&XH Nghệ An đã có văn bản gửi về các huyện, thành thị để cảnh báo rộng rãi việc các đường dây chui đưa người đi xuất khẩu lao động. Để đảm bảo an toàn, người đi xuất khẩu lao động cần theo các kênh chính thống qua đơn vị Trung tâm Lao động việc làm của Sở LĐ,TB&XHNghệ An.
Theo 24h
LĐ "chui" ở Angola: "Sống chết mặc bay" Chỉ trong thời gian rất ngắn, đã có đến 6 người quê Nghệ An, Hà Tĩnh bị thiệt mạng ở Angola. Người chết do sốt rét, người chết không rõ nguyên nhân và có cả người chết do bị sát hại... Và những người trở về đã rùng mình kể lại những câu chuyện hãi hùng. Thế nhưng, người ở nhà vẫn cứ...