Đi xin việc, nam sinh nhẹ dạ mất 7 triệu đồng
Vì những lời nói đường mật, Quang – sinh viên năm 2 trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã mang hết giấy tờ đi cắm ở tiệm cầm đồ.
Với những sinh viên trẻ từng sống và học tập lâu dài ở Hà Nội sẽ không còn xa lạ khi nghe nói tới bán hàng đa cấp hay kinh doanh theo mạng. Không ít bạn trẻ đã đi theo con đường đó. Người thì vì ước mơ làm giàu nhanh chóng, người lại hứng thú với một môi trường làm việc năng động, một số là vì tò mò. Nhưng có lẽ 10 người vào chỉ có 1 người tiếp tục theo đuổi vì hầu hết họ đều nhận ra tính chất công việc không hề đơn giản và dễ dàng.
Thời gian gần đây, Quang ăn không ngon ngủ không yên vì liền một lúc bị mất 7 triệu đồng. Số tiền đó với Quang cũng như gia đình mình là một con số không hề nhỏ.
Ngồi trầm ngâm, Quang kể lại câu chuyện bị bạn lừa của mình cho tôi nghe sau khi nhận được 2 triệu đồng mẹ gửi từ quê lên cho để trả nợ bạn bè. “Em không biết gì, nếu biết trước nó dẫn em tới đấy thì không bao giờ em đi”- đó là câu nói mà Quang chia sẻ khi được tôi hỏi thăm về vụ đi xin việc mất 7 triệu đồng.
Cơ hội làm giàu
Một ngày đẹp trời, Quang rủ C. – người bạn cùng phòng trọ cũ của mình đi chơi. Không hề tỏ ra khó khăn, ngược lại C còn tỏ ra khá nhiệt tình khi nhắc nhở Quang khi đi nhớ mang theo cả chứng minh thư và thẻ sinh viên để được giảm giá vé vào. Chưa tới địa điểm cần đến, C. bảo Quang xuống xe vào đây với mình một lát có chút việc, xong việc rồi đi.
Tưởng rằng có việc gì cần thiết, Quang theo chân C. lên một tòa nhà khá cao nằm trên đường Định Công. Vừa lên tới nơi, Quang thấy rất đông người qua lại, đó toàn là những người khá trẻ tuổi, năng động và sự tò mò cũng tăng dần. Rồi ngay lập tức, Quang được bạn và một anh lạ mặt dẫn vào ngồi trong một hội trường để nghe thuyết trình, chia sẻ của những người được cho là thành đạt giới thiệu về công việc này. Mất thời gian ngồi nghe khoảng 2 tiếng mà chẳng hiểu gì nhiều, cuối cùng Quang cũng được ra khỏi căn phòng ấy.
Đang mừng thầm vì tưởng rằng bây giờ sẽ được đi chơi, nào ngờ, Quang lại tiếp tục bị đưa đẩy hết từ người này sang người kia để nghe thuyết giảng. Các anh, các chị được gọi là tuyến trên của C. bắt đầu công cuộc “khai thông tư tưởng” làm giàu cho Quang. Lần lượt từng người một đến gặp riêng Quang để nói, phân tích, chia sẻ những kinh nghiệm của mình về công việc này chỉ nhằm hướng tới một mục đích cuối cùng là thuyết phục em tham gia vào mạng lưới kinh doanh theo mạng của một công ty bán hàng đa cấp. Những lời nói phát ra từ những anh chị chuyên viên kinh doanh này như rót mật vào tai Quang.
Từng bước … vào tròng
Anh tuyến trên lần lượt đưa ra các phương án giúp Quang “huy động vốn” từ người thân, bạn bè. Bắt đầu liệt kê danh sách những người có khả năng vay được tiền, sau đó gọi điện cho từng người với những cách nói chuyện khác nhau sao cho họ tin những lời mình nói là thật.
Với bố mẹ thì anh ta khuyên Quang: “Em cứ gọi nói là bố mẹ gửi lên cho con 3 triệu để con đóng tiền học chứng chỉ tiếng Anh và tin học”, còn với bạn bè thì: “Em phải nói giọng gấp gáp và dứt khoát vào, bảo mày cho tao vay vài trăm, tao đang có việc rất gấp, tao sẽ trả mày nhanh thôi, mày bạn thân của tao phải tin tao chứ…”. Nhưng vì Quang không dám làm liên lụy tới mọi người đặc biệt là gia đình nên Quang quyết định không gọi.
Lúc này, anh ta trên chỉ còn cách bảo Quang mang cầm chiếc thẻ sinh viên và chứng minh nhân dân của Quang. Anh ta bảo có thể cầm được 6,5 triệu đồng,.
Rất nhanh chóng, anh ta dẫn theo Quang và C. tới một quán cầm đồ đã được bắt mối trước để cắm thẻ, chứng minh rồi lại quay trở về công ty để hoàn tất hồ sơ. Vậy là 6,5 triệu vừa cầm được trên tay đã nhanh chóng chuyển sang tay người khác để cuối cùng đổi lại chỉ là một tấm thẻ với vài tờ giấy. Cảm giác tiếc nuối bắt đầu hình thành, nhưng đã quá muộn, tiền đã trao tay, hồ sơ đã hoàn thành.
Mô hình bán hàng đa cấp.
Cầu cứu người thân, bạn bè
Ngay hôm sau, Quang lên công ty gặp lại người hôm qua đã nhiệt tình hướng dẫn mình, nói rằng em muốn rút lại hồ sơ, lấy lại tiền nhưng đã qua muộn. Nỗi buồn cứ thế dâng lên, Quang lại lật đật bắt xe về và bắt đầu gọi điện liên hệ với bạn bè hỏi vay tiền để chuộc lại giấy tờ đã cắm với lãi là 1%/ngày tương đương 65.000 đồng/ngày.
Video đang HOT
Sau một tuần, Quang mới huy động được đủ số tiền phải trả để chuộc giấy tờ lại, cả gốc cả lãi cũng 7 triệu. Cầm được giấy tờ của mình trong tay, Quang cũng cảm thấy yên tâm phần nào. Quang bảo: “Giờ em mới thực sự hiểu rõ rằng không có một công việc nào quá dễ dàng mà lại có khả năng đem lại nhiều tiền”.
Là thành viên của mạng lưới, khi tham gia chương trình này, Quang được nhận một sản phẩm là máy khử độc Ozone nhưng cậu không lên lấy.Lúc đầu thì Quang nghĩ rằng phấn đấu làm việc một thời gian ngắn, mời được nhiều bạn bè tới là sẽ lấy lại được tiền nhanh chóng. Anh chị tuyến trên còn không ngừng hướng dẫn cho Quang cách nói dối để hẹn bạn tới công ty giống như cách mà C đã dùng với mình. Chỉ cần đưa được bạn tới, phần còn lại các anh chị sẽ lo. Nhưng rồi ngồi nghĩ lại, Quang cảm thấy công việc mình vừa theo mang tính chất như lừa bịp người khác vậy. Đặc biệt, đó lại đều là bạn bè, người thân của mình nên sẽ rất dễ dàng làm mất đi tình cảm bạn bè tốt đẹp. Vì vậy mà Quang quyết định bỏ luôn, coi như một lần “mất tiền ngu” để khôn ra khi sống ở nơi đầy rẫy những trò lừa tinh vi này.
THANH GIANG
Theo Infonet
Người Việt trẻ làm toán ở Mỹ rất triển vọng
Giáo sư Vũ Hà Văn cho biết, mặc dù còn chưa nhiều nhà toán học người Việt nhận được những giải thưởng quốc tế, nhưng người trẻ Việt làm toán ở Mỹ rất triển vọng.
Giáo sư (GS) Vũ Hà Văn về nước dự hội nghị toán học tại Huế đúng dịp ở Berlin (Đức), một giải thưởng quốc tế lớn về toán học xướng tên anh - giải Fulkerson.
GS Vũ Hà Văn (ngoài cùng bên tay trái) cùng bố - nhà thơ Vũ Quần Phương, mẹ và vợ.
Trao đổi với Tiền Phong, GS Vũ Hà Văn cho biết, mặc dù còn chưa nhiều nhà toán học người Việt nhận được những giải thưởng quốc tế, nhưng người trẻ Việt làm toán ở Mỹ rất triển vọng...
Nói về công trình mang đến giải thưởng Fulkerson cho mình, GS Vũ Hà Văn chia sẻ:
Bài toán mà tôi tham gia giải quyết được gọi là giả thuyết Shamir, do nhà toán học Israel Shamir nêu ra năm 1983, tổng quát hoá một mệnh đề của hai nhà toán học Hungary Erdos và Renyi từ năm 1966 và là một vấn đề trung tâm của lý thuyết đồ thị ngẫu nhiên.
Rất nhiều nhà toán học trong lĩnh vực toán rời rạc đã tấn công bài toán Shamir nhưng kết quả đạt được vẫn còn tương đối xa giả thiết tối ưu.
Cách đây chừng 10 năm thì GS Johansson (Thụy Điển) viết một bài báo về một trường hợp con của giả thuyết Shamir. Nhưng bài đó không ai hiểu, và có một số vấn đề chưa đươc giải quyết thoả đáng nên chưa được công bố.
Tôi mất nhiều tháng giải mã công trình này, và có cảm giác ý tưởng chung, nếu được trình bày bằng một phương pháp khác chính xác hơn, thì những vấn đề trên có khả năng giải quyết được.
Cùng với GS Kahn (một trong những nhà toán học xuất sắc nhất trong lĩnh vực toán rời rạc), khi đó là đồng nghiệp cùng trường Rutgers, bước đầu chúng tôi thành công trong việc hoàn thiện kết quả của Johansson.
Sau đó chúng tôi nhận thấy phương pháp của mình có thể mở rộng ra trường hợp tổng quát của giả thuyết Shamir.
Mặc khác nhờ áp dụng một số kết quả mới trong lý thuyết xác suất, chúng tôi có thể chứng minh giả thuyết này ở dạng mạnh hơn và đồng thời giải quyết hai bài toán liên quan được đặt ra bởi Erdos và Alon-Yuster.
Sau khi hoàn thành công trình dưới dạng tổng quát nhất có thể, chúng tôi đề nghị GS Johansson đứng tên chung, với nhan đề "Factors in Random Graphs". Công trình này được xuất bản năm 2008.
Sau công trình này tôi bắt tay vào nghiên cứu những đề tài khác. Bỗng tháng 6 vừa rồi tôi nhận được thư từ hội đồng xét tặng giải thưởng Fulkerson, thông báo bài của chúng tôi được đánh giá là một trong những công trình xuất sắc nhất những năm gần đây (tính từ 6 năm trước ngày nhận giải).
Thời điểm đó tôi không biết những công trình nào khác sẽ đoạt giải. Nhưng hôm qua khi cập nhật thông tin lễ trao giải tôi được biết thầy giáo cũ của tôi, GS Lovász, cũng được tặng giải này qua một công trình làm chung với một nhà toán học trẻ Hungary.
Trước đây đã bao giờ anh nghĩ sẽ nhận được giải này chưa? Khi nghe tin mình được giải, cảm xúc của anh thế nào?
Cách đây 15 năm, hồi đó còn là nghiên cứu sinh, tôi có làm việc với một giáo sư trẻ (chỉ hơn tôi 6,7 tuổi) người Hàn Quốc tên là Jeong Han Kim.
Khi nghe tin anh ấy được giải Fulkersson năm 1997, tôi thấy rất ngưỡng mộ và tự hỏi, mình rồi có bao giờ được như anh ấy không nhỉ? Khi biết mình được giải tôi cũng lâng lâng và tự cho mình thư giãn vài ngày.
Theo anh, nếu thay vì sang Mỹ, anh ở lại Hungary sau khi tốt nghiệp ĐH thì liệu có được giải thưởng Polya hay Fulkerson?
Môi trường nghiên cứu khoa học ở Hungary cũng tương đối tốt. Nhưng nếu so với VN hay Thái Lan chẳng hạn thì sẽ rất khác nhau. Môi trường làm việc có ý nghĩa rất lớn.
Trong trường hợp của chúng tôi, văn phòng GS Kahn và tôi cách nhau có mấy bước chân. Khi có chủ đề cả hai cùng ưa thích thì gần như tuần nào, thậm chí ngày nào chúng tôi cũng có thể trao đổi trực tiếp.
Sự thuận lợi đó khiến cho công việc được thúc đẩy nhanh hơn. Nếu phải đến một nước khác qua một hành trình mệt mỏi, rồi chờ đợi mới gặp được một đồng nghiệp cùng chí hướng thì năng suất chắc sẽ giảm đi nhiều.
Ở Mỹ, nếu gặp nhau, khi hỏi về nơi anh làm việc thì người ta thường hỏi anh làm việc với ai. Một lý do quan trọng để người ta quyết định làm chỗ này hay chỗ khác là vì được làm việc với những con người rất cụ thể.
Môi trường làm việc tốt chính là nơi mà anh có đồng nghiệp giỏi, cùng hướng nghiên cứu, cùng niềm say mê.
VN hay một số nước khác chưa có nhiều môi trường làm việc tốt không phải chỉ vì điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn mà còn là vì ta còn chưa có nhiều những nhà khoa học tầm cỡ.
Chủ động thu hút các nhà khoa học gốc Việt
Vậy cộng đồng toán học người Việt ở Mỹ thì sao, thưa anh?
Theo tôi, cộng đồng này ngày càng đông hơn. Thế hệ trước tôi có một vài người nổi tiếng. Thế hệ tôi có chừng 10 người, trong đó tất nhiên nổi bật nhất là GS Châu.
Thế hệ 30 tuổi khá đông, và tôi nghĩ trong số họ có nhiều người sẽ rất khá. Ví dụ một học trò làm tiến sĩ với tôi ở trường Rutgers là anh Nguyễn Hữu Hội. Anh Hội mới có bằng tiến sĩ hai năm nay nhưng bây giờ đã được nhận làm GS trợ giảng của trường OhioState, Columbus (khoa toán ở đây nằm trong tốp 25 của Mỹ).
Bình thường làm xong tiến sĩ cũng phải sau chừng 4 năm mới có được vị trí đó. Hoặc mới đây có GS trẻ Nguyễn Hoài Minh mới ở Pháp sang cũng làm việc rất tốt. Mỗi năm tôi tính phải có chừng 4,5 em ở tầm tuổi này tốt nghiệp nhận bằng tiến sĩ và tiếp tục làm việc ở các trung tâm lớn.
Nghĩa là trong tương lai chúng ta sẽ tiếp tục được nhìn thấy nhiều người Việt nữa có mặt trong những giải quốc tế uy tín?
Tôi tin như vậy. Các bạn thế hệ trẻ hơn chúng tôi khoảng 10 tuổi được đào tạo tốt hơn thế hệ chúng tôi, và cũng rất nhiệt huyết, đầy lòng say mê. Chắc chắn họ sẽ tạo nên một đội ngũ đông và mạnh hơn chúng tôi.
Theo anh thì làm thế nào để họ sẽ là những nhân tố tác động ngược trở lại một cách tích cực vào môi trường nghiên cứu khoa học và đào tạo trong nước?
Từ trước đến nay, rất nhiều nhà khoa học về VN hàng năm và tham gia các hoạt động khoa học trong nước với tư cách cá nhân.
Tuy nhiên, nếu trong nước ngày càng chủ động tổ chức các hoạt động để lôi kéo các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài về tham gia cùng cộng đồng khoa học trong nước thì hiệu quả rõ ràng hơn. Việc thành lập Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán là một ví dụ.
Như ta đã biết, chất lượng trường ĐH phụ thuộc phần lớn vào chất lượng của người thầy. Đáng tiếc, hiện chất lượng giáo viên toán nói riêng ở đại học Việt Nam còn khiêm tốn, nhiều trường phải dùng sinh viên mới tốt nghiệp vài năm để đứng lớp, rất ít giáo sư còn tham gia nghiên cứu một cách tích cực.
Vì vậy cả về kiến thức và phương pháp tiếp cận vấn đề khó được cập nhật. Việc tạo cơ hội cho giảng viên ĐH, nhất là các bạn trẻ được cọ xát với môi trường nghiên cứu quốc tế như ở Viện Nghiên cứu Cao cấp là một việc làm có ý nghĩa và có thể có ảnh hưởng lâu dài.
Được biết lễ trao giải diễn ra tại một hội nghị toán học tổ chức ở Đức từ 18 đến 24-8 nhưng đó cũng là lúc GS đã có mặt ở VN. Tại sao GS lại không dự lễ nhận giải?
Lễ trao giải được tổ chức rất trang trọng trong khuôn khổ cuộc khai mạc của đại hội toán tối ưu thế giới (tổ chức ba năm một lần) tại nhà hát lớnBerlin, và quả thật tôi cũng hơi tiếc là mình không có mặt tại đó.
Trong quãng thời gian đó, qua lời mời của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, tôi về tham dự phiên họp toàn thể hội nghị toán học phối hợp Việt-Pháp ở Huế từ 20 đến 24/8 vừa qua.
Đây là một hội nghị lớn của toán học VN và là dịp gặp gỡ nhiều đồng nghiệp, nhất là các bạn trẻ đang chuẩn bị dấn thân vào một con đường nhiều chông gai.
Sự có mặt của tôi ở đây có lẽ có chút ý nghĩa thiết thực hơn. Rất vui là thay vì lễ trao giải diễn ra ở Âu châu thì tôi được tham dự một cuộc giao lưu với các em học sinh yêu toán tại Huế, trong đó có rất nhiều em bé còn quàng khăn đỏ và mang vở dán nhãn gấu bông.
Cảm ơn giáo sư Vũ Hà Văn.
GS Vũ Hà Văn sinh năm 1970, là con trai của nhà thơ Vũ Quần Phương. Những năm gần đây Vũ Hà Văn nổi danh trong giới làm toán VN bởi anh là một trong số rất ít tài năng toán học người Việt được cộng đồng toán học quốc tế công nhận (thông qua các giải thưởng lớn có uy tín). Vũ Hà Văn vốn là cựu học sinh chuyên toán của Hà Nội và học ĐH ở Hungary. Năm 1998 anh nhận học vị tiến sĩ tại ĐH Yale. Từ đó đến nay anh từng làm việc tại nhiều ĐH và viện nghiên cứu của Mỹ như IAS, Microsoft Research, ĐH UC Sandiego, ĐHRutgers. Từ mùa thu năm 2011, anh trở thành giáo sư của ĐH Yale. Năm 2008 anh được tặng giải Polya, một giải thưởng lớn của Hội Toán học Công nghiệp và Ứng dụng Mỹ lập ra từ năm 1969. Từ năm 2011, anh là thành viên của Hội đồng Khoa học của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán, nơi GS Ngô Bảo Châu hiện làm lãnh đạo.
Theo Quý Hiên
Tiền Phong
Giáo viên Nam Định phập phồng trước quyết định mới Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định vừa ký quyết định gửi các trường THPT công lập, Trung tâm GDTX nêu rõ: trong năm học 2012-2013, mỗi đơn vị chọn cử ít nhất 2 người để điều chuyển công tác. Đối tượng, lý do, nơi giáo viên và cán bộ quản lý (CBQL) "bị" điều chuyển được sở quy định như sau: điều chuyển...