Đi xem hầu đồng – Sự linh ứng hay trò mê tín dị đoan
Hầu đồng là sinh hoạt văn hóa tâm linh lâu đời, có ý nghĩa tôn vinh các nhân vật lịch sử dưới hình thức nhập hồn và hát văn tuy nhiên đang dần bị biến tướng.
Không ít người cuồng tin vào những màn hầu đồng như thế này. Ảnh minh họa.
Đã là người Việt Nam, hẳn ai cũng từng có ít nhất một lần trong đời đi… xem bói. Cũng có những người đi xem cho vui, nhưng cũng có không ít người bỏ ra rất nhiều tiền ngồi ngay ngắn, nghiêm trang nghe thầy bói phán. Nếu đúng thì tin sái cổ, lỡ có sai thì cũng vẫn cứ ngẫm nghĩ rồi chuốc lấy mối lo ngại vào người.
Thực chất “ hầu đồng” hay còn gọi là “ hầu bóng” là một sinh hoạt văn hóa tâm linh thuộc về văn hóa dân gian có từ lâu đời, có ý nghĩa tôn vinh các nhân vật lịch sử cùng với công trạng của họ dưới hình thức nhập hồn và hát văn. Về nghệ thuật diễn xướng dân gian, đây là tổng hợp nhiều hình thức diễn xướng khác. Có toàn bộ dàn nhạc dân tộc, có nghệ thuật hát chèo, hát văn, có kịch múa, nhảy, hóa trang và nghi lễ. Một người hầu bóng mỗi buổi lễ phải diễn 36 giá đồng, hóa thân thành 36 nhân vật với những tâm trạng diễn xuất khác nhau.
Theo chúng tôi được biết, ngày xưa hầu đồng thường chỉ diễn ra vào ngày lễ của làng. Việc tuyển chọn các cô đồng diễn ra rất nghiêm ngặt và phải do làng họp lại rồi mới quyết định. Thường thì là trẻ em, tuổi lên 6 trở lên và là con nhà tử tế mới được chọn. Cô đồng có ý nghĩa biểu tượng như tuổi thanh xuân và tinh khiết của làng. Cô bé được chọn sẽ được cô đồng đi trước truyền dạy cho tất cả các cách thức múa hát, tế lễ để có thể nhập đồng. Những cô đồng thường chỉ hoạt động đến hết năm 25 tuổi thì giải nghệ, lấy chồng và buộc phải trao lại vinh dự ấy cho cô đồng mới lớn lên, vừa được làng tuyển chọn.
Ngày nay, cái ý nghĩa thiêng liêng đó đã bị phá vỡ. Đội ngũ những người hầu đồng không chỉ là những cô gái đồng trinh nữa mà có cả đàn ông và đàn bà. Thậm chí có cả những kẻ vô công rỗi nghề không biết làm gì, một ngày đẹp trời nào đó liền phao tin mình được “thánh cho ăn lộc” nhằm lôi cuốn những người nhẹ dạ, cả tin để kiếm tiền. Những cô đồng như thế, bây giờ nhan nhản và thậm chí không cần phải đi lễ đình chùa đâu cho xa, cô đồng có thể đến tận nhà “phục vụ tận tình, chu đáo”.
Lên đồng hay còn gọi là hầu đồng chính là nghi lễ phổ biến nhất của đạo Mẫu. Trong nghi lễ này, người ta tin rằng linh hồn của các vị thần sẽ nhập vào người các cô đồng để nghe lời cầu khẩn của các con nhang đệ tử đi lễ. Đạo Mẫu là một tín ngưỡng dân gian Việt Nam thờ các nữ thần (thường gọi là các Thánh Mẫu). Trong tất cả những trò đồng bóng bị các cơ quan quản lý văn hóa coi là mê tín dị đoan cần được dẹp bỏ thì hầu thánh (thực chất là hầu đồng) là trò khiến thân chủ phải móc hầu bao nhiều nhất, khoa trương nhất và dĩ nhiên, cũng tốn kém nhất.
Video đang HOT
Nghi thức hầu đồng thường diễn ra ở các phủ, đền, chùa, trong bầu không khí trang nghiêm đầy màu sắc tâm linh. Các buổi hầu đồng được chuẩn bị rất kỹ càng với các lễ vật cúng thần linh được bày biện đẹp mắt, ánh đèn nến lung linh tạo ra không gian sân khấu huyển ảo, lộng lẫy. Các giá đồng diễn ra trong tiếng đàn, tiếng phách khi trầm khi bổng càng lối cuốn hấp dẫn người tham dự. Về bản chất, nghi thức hầu đồng là việc mượn thân xác của các ông đồng, bà đồng để thần linh nhập vào nhằm cầu xin tài lộc, sức khỏe ban cho con người. Người hầu đồng, gọi chung là Thanh đồng nếu là nam giới thì được trang điểm như nữ giới và gọi là “cậu”, còn nữ giới được gọi là ” cô” hay “bà đồng”.
Thường có từ 2 đến 4 người phụ giúp để chuẩn bị các trang phục lễ lạt cho “cô” đồng, “cậu” đồng. Trong một buổi lên đồng thường có nhiều giá đồng. Mỗi lần thay giá đồng, người ta lại phủ một tấm vải đỏ lên đầu người hầu đồng và mỗi giá đồng phải thay một bộ trang phục, quần áo, khăn chầu, cờ quạt cho tương xứng.
Cho đến nay, nhiều nhà nghiên cứu văn hoá trong nước và quốc tế đều cho rằng: tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ hầu đồng mang giá trị văn hóa tinh thần cao đẹp của Việt Nam, đó là tinh hoa chắt lọc suốt chiều dài lịch sử, đó là biểu tượng cho sức mạnh cộng đồng, cho sự sáng tạo và phát triển không ngừng của dân tộc Việt Nam. Đây là loại hình văn hóa dân gian cần được giữ gìn hay là trò mê tín dị đoan nên xóa bỏ?
Theo xahoi
Giới đồng cốt vào mùa 'tiệc' hầu bóng
Tiếng cung văn đang rên rỉ bất ngờ cao vóng, đổ dài, mõ, trống... khua dồn dập. Cô đang ngồi lắc lư như say sóng, bất ngờ hất tung khăn trùm đầu, hầu vươn người đỡ rất điệu nghệ. Sau mỗi vấn hầu cô lại rút tiền từ ngăn kéo trước mặt từng tờ 50.000, 100.000 đồng kẹp vào kẽ ngón tay ném ra ngoài.
Gã trai ga lăng và sành điệu tên Vinh là viên chức một ngành bảo vệ pháp luật. Đi xe phân khối lớn, tiêu tiền ngoại, uống rượu Tây, tốt nghiệp đại học ở Úc, thích xem phim kinh điển, hát nhạc ngoại và là một cán bộ trẻ có năng lực. Tóm lại, Vinh rất đời, thậm chí "hơi bị" văn minh thời thượng... Cuối tuần, không quần Jean, giày khủng bố mà quần Tây áo sơ mi tóc cắt gọn rất đứng đắn, Vinh bảo: "Hôm nay tôi lên điện hầu đồng. Mời ông đến dự!..".
Dừng xe trước căn nhà mặt phố Hàng Quạt, Vinh đẩy nhẹ cánh cửa khép hờ bên ngách phải. Căn nhà rộng, nhiều cây, rất đông người và vô vàn những bức tượng lớn nhỏ ngoài vườn và tọa trên các bậc điện thờ, chen kín cờ quạt, hương đèn cùng rất nhiều đồ thờ cúng. Đây là điện thờ của ông Thạnh, một chủ nhang (người mở điện) có dinh cơ đồ sộ và thanh thế nhất Hà Nội và cũng có thể là nhất nước.
Điện chia làm năm tòa, có nhiều tầng. Tầng nào cũng rất nhiều tượng sơn đỏ. Hai con rồng kết bằng vải ngũ sắc, mắt rực sáng màu đèn, miệng phun lửa điện tử, uốn lượn ôm cả trần nhà. Xung quanh rất nhiều hương nhang thật và hương nhang chạy điện. Bên chân những bức tượng lớn là voi, ngựa, rắn, thuyền bè, tiền âm phủ, vàng... cùng nhiều hình nhân hàng mã nhưng to gần như thật. Phủ khắp tường điện là bức tranh khổng lồ mô tả thế giới, cuộc sống chốn thần linh. Trước điện là một tấm thảm nền đỏ, riềm ngũ sắc lóng lánh rộng chừng 3m2 để người hầu tế lễ.
Tiếng trống, phách, đàn nhị, thập lục, chuông, mõ... và tiếng hát ầm ĩ phát ra từ bốn chiếc loa lớn do "dàn nhạc sống" gọi là đoàn Cung văn biểu diễn. Họ gồm ba đàn ông gầy đét, môi thâm đen cùng một phụ nữ đầu vấn khăn nhung, rực rỡ son phấn đang thay nhau hát vào hai chiếc micro dựng ngang tầm mặt. Họ ngồi khoanh chân, mặt vô cảm nhưng hát cuồng nhiệt và bền bỉ. Con nhang (người theo thế giới đồng cốt) ngồi vây quanh điện với đủ bộ dạng, lứa tuổi. Những quan chức to béo, complet đĩnh đạc lẫn thanh niên tóc nhuộm đỏ và vài gương mặt cô hồn như tội phạm, cùng thành kính bên những bà già nhai trầu và mấy cô mắt xanh, môi đỏ...
Buổi hầu đồng ở đền Trung Tả. Ảnh: CLB Hát văn.
Kim đồng hồ chỉ 14h, lanh lảnh tiếng vang từ quả chuông làm bằng đuôi quả bom cắt ra. Một người mặc bộ đồ lụa trắng toát lóng lánh, tóc chải bóng mượt, mắt môi xanh đỏ, tay đeo găng, chân mang tất cũng trắng muốt tha thướt đi ra. Dù có giàu tưởng tượng đến mấy cũng không ngờ đây là Vinh "hồi", một tay chơi có hạng.
Vinh ngồi khoanh tròn trước điện, mặt hơi ngửa, hếch mũi nhìn rất khoan thai, tự mãn, ánh mắt lạc thần đang nhìn vào khoảng không vô tận. Bốn người hầu dâng quỳ bốn góc thảm làm nhiệm vụ chăm lo khăn áo mũ giày cho Vinh. Đó là một gã phì nộn, quần áo nhàu nát, hở cúc, lòi cả tảng mỡ núng nính, đầu cắt trọc lởm chởm, mặt to như cái đĩa, đỏ gay và miệng ngoe ngoét nước trầu đỏ.
Tay thứ hai bé như nắm chắt, dúm dó trong bộ quần áo thun dính sát người. Nước da nhợt, nhẵn nhụi bọc lấy cái cơ thể mà bộ phận nào cũng nhọn, dài và sắc. Hắn thoăn thoắt duỗi những móng tay cong vút, đỏ choét vuốt lại xấp áo óng ánh toàn gấm lụa hàng chục màu khác nhau xếp ngay ngắn bên cạnh một chiếc gối bọc nhung thêu thùa rồng phượng. Gã béo khệnh khạng ôm ra một đống những kiếm, đao, truỳ, côn... bằng đồng, thép và gỗ sơn đỏ.
Phía sau là một bà trạc tuổi quá trung niên, mắt lờ đờ như ngái ngủ đặt lên điện mâm lễ vật đầy ngộn những bánh kẹo, hoa quả, nước khoáng, cô ca, nước ngọt, bia lon, thuốc lá, chè, cà phê, bò khô, ô mai... rượu trắng và rượu tây. Bà kia lanh chanh như chủ hàng cá đem ra một khay đựng đầy vòng đeo cổ, đeo tay, trâm, khuyên và các loại chổi, son phấn...
Tiếng trống phách đổ dồn, giọng hát hầu ẽo uột dồn chặt gian phòng, hương nhang nghi ngút cháy. Các con nhang thi nhau vái, lầm rầm khấn khứa. Vinh khoác áo choàng đỏ tươi thêu hình rồng sau lưng. Bốn hầu dâng thoăn thoắt và nhịp nhàng mặc áo, đeo găng, cài trâm, phủ khăn... cho Vinh (lúc này mọi người phải gọi Vinh là cô, vì căn - cái gốc ở cõi âm - của Vinh do một công chúa đời Trần - một trong những người mà thế giới đồng cốt thờ - nắm giữ).
Hai bà già giúp cô thắt đai, kéo cho phẳng áo, gã béo thì đưa hương nhang và đón đỡ đồ lễ khi cô bỏ ra. Trong vòng 20 phút, Vinh đã thành một mệnh quan triều đình mũ áo cân đai oai vệ, trùm khăn đỏ kín mặt. Con hầu, đầy tớ, văn võ bá quan (là bốn hầu dâng và đoàn cung văn) răm rắp hầu hạ. Tiếng cung văn đang rên rỉ bất ngờ cao vóng, đổ dài, mõ, trống, chuông... khua dồn dập. Cô đang ngồi lắc lư như say sóng, bất ngờ hất tung khăn trùm đầu, hầu vươn người đỡ rất điệu nghệ.
Cô lại vỗ gối đánh bộp rồi đứng vụt dậy, đón vũ khí từ tay hầu dâng chống nạnh múa tiến, múa lui, phải trái, dẻo không kém nghệ sĩ thực thụ. Mặt cô hồng rực, mắt long lanh nhìn thẳng mà không trọng tâm, mũi hếch, miệng hé như cười, trông khác hẳn... người trần. Bỏ vũ khí, cô kẹp tám nén nhang rừng rực cháy vào kẽ ngón tay múa tiếp. Múa chừng 10 phút trong tiếng ca riết róng của cung văn ù đặc màng nhĩ thì cô ngồi. Vậy là hết một giá hầu trong 12 giá của một vấn hầu.
Đám hầu dâng thỉnh thoảng đưa nước, rượu, thuốc cho cô thưởng thức. Mỗi lần như thế bọn họ lại phải kín đáo lấy quạt giấy che cho cô dùng và sau lại đưa hai tay đỡ lấy lễ cô ban cũng là những đồ đó và ra sức uống, hút. Sau mỗi vấn hầu cô lại rút tiền từ ngăn kéo trước mặt từng tờ 50.000, 100.000 đồng kẹp vào kẽ ngón tay ném ra ngoài. Hầu dâng nhặt lấy thả vào cái chuông làm bằng đuôi quả bom cho cung văn. Ấy là cô thưởng cho cung văn hát hay, trống phách giòn, lên nhịp...
Cũng sau mỗi giá hầu, lại có người đem những mâm đầy lễ vật chia đều cho tất cả mọi con nhang có mặt, gọi là tán lộc (phát lộc). Liên tục những con nhang lê đầu gối đến gần bỏ tiền (từ 100.000 đồng trở lên) vào một chiếc đĩa, cúi đầu dâng lên cô và ghé tai cô xin những ham vọng cụ thể nào đó dưới trần. Cô nhận lời, lục tiền lẻ trả con nhang đó một ít rồi quay sang người khác.
Vấn hầu kéo dài 5 tiếng. Cung văn không ngừng hát, Vinh uống hết hai chai rượu, hút hết hai bao thuốc và liên tục nhảy múa. Các bà già 70 - 80 tuổi ngồi phục cả buổi đều khỏe mạnh và hoạt bát như thường... Đó là một vấn hầu thành công vì không xảy ra rơi khăn, vỡ chén, tắt nhang hương; cung văn hát trôi chảy và hồn cô Bơ (một công chúa đời Trần) đã nhập vào người hầu...
Các con nhang nói, hầu bóng là làm lễ tế vị thần mà mình mang căn của họ, để xin họ xá tội, giải tai ương, ban phúc lộc. Khi hầu mình được giao lưu trò chuyện với họ, nghe họ dặn dò, chỉ bảo và nhiều khi hồn họ quay về nhập vào mình, nhờ thân xác mình phán bảo những kẻ xung quanh về tội, đức, phúc, họa... Muốn hầu thì phải có điện. Hà Nội hiện có hàng trăm điện, đền, miếu, phủ chuyên dùng cho hầu bóng. Vậy là thành phố không chỉ người trần đua chen quyền chức, đất đai, hộ khẩu, mà các thần thánh cũng cần có rất nhiều những "văn phòng", "trụ sở" để xuống làm việc với nhân gian.
Theo VNE
"Hành trình sự thật" của nước tam giang Bạch Hạc trong can nhựa (2) Nguồn nước sông bình thường bỗng chốc trở thành nước "thánh" do một số người sở tại nói vống sự thật. Tất nhiên, những người đi lấy nước từ ngã 3 sông Bạch Hạc- Việt Trì về đều có mục đích riêng của mỗi người. Tuy nhiên, trong số hàng nghìn người đi lấy nước không phải ai cũng đủ tỉnh táo để...