Đi xem ‘Captain Marvel’ chớ quên ’soi’ 13 Easter Egg thú vị thần sầu nhất sau đây!
Trong đó, vai diễn cameo của Stan Lee chính là điều khiến người xem phải mỉm cười hạnh phúc.
Bài viết có tiết lộ nội dung, độc giả cần cân nhắc trước khi đọc
Captain Marvel đã chính thức công chiếu vào ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, qua đó được dự đoán sẽ tiếp tục mang về doanh thu khủng cho MCU, mặc cho nhiều lùm xùm xoay quanh phim từ trước và vẫn chưa ngừng lại ở thời điểm hiện tại. Dù chỉ dừng lại ở mức tạm được, nhưng Marvel vẫn luôn khiến các fan thích thú khi lồng ghép nhiều chi tiết Easter Egg nhằm thử tài “lẹ mắt nhanh trí” của người xem. Vậy, đâu là những Easter Egg thú vị nhất xuất hiện trong Captain Marvel?
Starforce
Trong phim, Carol Danvers (khi này còn được gọi là Vers) là thành viên của nhóm chiến binh ngân hà Kree mang tên Starforce. Nhóm anh hùng “Vì sao” này được tái hiện phỏng theo nguyên tác truyện tranh, trong đó có một số thành viên được giữ nguyên hoàn toàn so với bản gốc như Minn-Erva (Gemma Chan) và Korath (Djimon Hounsou).
Yon-Rogg
Hoàn toàn có lý do khi Marvel quyết tâm giữ kín mọi thông tin về vai diễn của Jude Law trong tựa phim lần này, thậm chí ngay cả tên nhân vật cũng không hề tiết lộ. Đó là vì nếu chỉ cần cái tên được công bố thôi, thì các fan cứng của vũ trụ truyện tranh sẽ phần nhiều đoán ra được một phần nội dung của Captain Marvel. Cụ thể, Yon-Rogg do Law thủ vai là kẻ thù sinh tử của Mar-Vell, và hắn luôn bị ám ảnh bởi việc phải lấy mạng Mar-Vell để có thể hẹn hò hú hí với em gái Una của vị siêu anh hùng.
Carol có trong tay “đúng thứ”
Khi Carol lao xuống một cửa hàng cho thuê phim bom tấn trên Trái Đất, cô đã tranh thủ ra ngoài ngay, nhưng trước đó cũng dừng chân vài giây chỉ để nghía qua một cuốn phim mang tên The Right Stuff. Đây là bộ phim xoay quanh một nhóm phi công thuộc lực lượng Không quân Hoa Kỳ sau đó trở thành những phi hành gia quốc dân, nghe qua khá giống với hành trình của Carol từ một tay lái máy bay chiến đấu đến khi lưu lạc xa xôi ngoài vũ trụ.
Dự án Pegasus
Trong Captain Marvel, Carol và bạn thân của cô Maria Rambeau làm việc tại một trạm khoa học tuyệt mật mang tên Dự án Pegasus nhằm nghiên cứu chế tạo một loại động cơ với tốc độ ánh sáng. Đó hoàn toàn được phỏng dựng từ truyện tranh, nhưng các fan của MCU cũng có thể nhận ra đây chính là nơi mà Nick Fury sử dụng để nghiên cứu khối Tesseract trong đoạn đầu bom tấn The Avengers.
Photon
Tương tự với Maverick của Tom Cruise hay Goose của Anthony Edwards trong Top Gun, các phi công của Captain Marvel cũng có các biệt danh độc đáo. Với cô bạn Maria Rambeau của Carol thì đó là Photon, và đây cũng là “tên trong nghề” của con gái cô Monica Rambeau trong phiên bản truyện tranh.
Cú twist của chủng tộc Kree
Cốt truyện chính của Captain Marvel lần này nhấn mạnh về sự bí ẩn có phần nguy hiểm của tộc Kree, đồng thời cho thấy sự sai lầm của Carol trong việc chọn phe và cả sứ mệnh xâm lăng Trái Đất. Nội dung này từng xuất hiện trong bộ truyện Captain Marvel đầu tiên ra mắt vào cuối thập niên 60 thế kỉ 20, nhưng khi ấy nhân vật chính là Mar-Vell chứ không phải là “đại úy” Carol như bản điện ảnh.
Tiến sĩ Lawson
Bên cạnh vai diễn của Jude Law, thì nhân vật do Annette Bening thủ vai cũng được Marvel giấu kín. Tuy nhiên, sau đó thì các fan cũng biết được Bening vào vai tiến sĩ Wendy Lawson – nhà khoa học mang dòng máu Kree nhưng sống trên Trái Đất để nghiên cứu. Chuyện đời nhân vật này cũng lấy cảm hứng từ Mar-Vell trong bộ truyện năm 60, khi anh cũng từng lấy tên là Walter Lawson trong những ngày tháng làm việc cho quân đội trên hành tinh xanh.
Vai cameo cuối cùng và… đầu tiên của Stan Lee
Sự ra đi của huyền thoại Stan Lee đã để lại niềm tiếc thương cho hàng triệu fan khắp thế giới, và Marvel cũng không quên dành một món quà đặc biệt dành tặng ông và khán giả ngay trong Captain Marvel. Khi Carol đang săn lùng một tên Skrull trên tàu điện, cô đi ngang qua Stan đang ngồi kế cửa sổ xem một cuốn kịch bản với nhan đề phim Mallrats. Thú vị hơn là tựa phim sản xuất năm 1995 này đã đánh dấu một trong những vai diễn cameo đầu tiên trong sự nghiệp của ông.
Hồ sơ về Kevin LaRosa
Trong khi đang tìm kiếm hồ sơ về tiến sĩ Lawson cùng Nick Fury, Carol lúc ấy đang quay lưng về hướng một chiếc kệ có gắn nhãn “Kevin LaRosa”. Đây là một cái tên khá lạ lẫm, nhưng lại vô cùng đặc biệt và quan trọng với MCU. Kevin LaRosa giữ vai trò đóng thế, phi công và xử lí những pha hành động trên không trong các tựa phim của Marvel, phải kể đến như Spider-Man: Homecoming, Ant-Man and the Wasp, và còn gì tuyệt hơn khi vinh danh người “anh hùng bay” đáng kính trong một tựa phim bay lượn vô số kể như Captain Marvel.
Flerken
Đừng hoang mang khi nhìn thấy mèo Goose đáng yêu có thể nuốt chửng dễ dàng khối Tesseract chứa Viên đá Vô cực như vậy. “Hoàng thượng” của Carol thực chất là một loài sinh vật ngoài hành tinh có tên Flerken với những chiếc xúc tu màu tím ghê rợn. Nhân vật này cũng đã ra mắt lần đầu ngay trên những trang truyện của Captain Marvel.
Bộ đấu phục Captain Marvel nguyên gốc
Khi Carol cùng bé Monica đang chọn trang phục chiến đấu chính thức, cô đã tua qua một loạt các bộ suit lạ mắt và độc đáo. Trước khi chọn bộ trang phục xanh đỏ thần thánh, Carol ngay trước đó có thử qua một bộ với phong nền xanh lá với kí hiệu hành tinh to đùng ở giữa ngực. Đây chính là trang phục được tái dựng từ bản gốc của Mar-Vell khi anh vẫn còn làm việc trong quân đội Kree.
Captain Marvel tương lai?
Ở cuối phim, cô bé Monica – con gái của Maria đã chạy theo Carol đang bay lên trời cao, mong ước bản thân sau này cũng có thể được như cô. Trước đó, cô bé được khuyên rằng điều đó sẽ trở thành hiện thực “chỉ khi con có thể phát sáng như dì Carol”. Điều này thực chất không khiến các fan của Marvel bất ngờ vì trong truyện, Monica đúng là có thể phát sáng, thậm chí sở hữu siêu năng lực và có một thời gian được biết đến như Captain Marvel.
Dự án “Protector”
Cảnh cuối của phim là một món quà ý nghĩa dành tặng cho các fan của The Avengers, khi Nick Fury nhận ra bản thân phải thành lập một nhóm gồm những siêu anh hùng tuyệt vời như Carol để bảo vệ Trái Đất. Trước khi dự án được đặt tên là “Avenger” (lấy cảm hứng từ biệt danh không quân của Carol) thì trên màn hình máy tính cái tên ban đầu lại là “Protector”. Chi tiết này khiến nhiều fan liên tưởng ngay đến một cá nhân khác cũng từng chiến đấu dưới bí danh Captain Marvel là Noh-Varr, và anh chàng này cũng từng chiến đấu với biệt hiệu khác là The Protector.
Captain Marvel chính thức công chiếu vào ngày 8/3/2019.
Theo saostar
"Captain Marvel": Bom tấn mang tính giải trí cao nhưng "lừa người xem" hơi nhiều!
Hãy quên hết những gì bạn tưởng tượng khi xem trailer đi vì "Captain Marvel" chẳng giống bất cứ thứ gì bạn nghĩ đâu, cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Với tư cách là bộ phim thứ 21 của MCU (Vũ trụ Điện ảnh Marvel), Captain Marvel(Đại Úy Marvel) được cho là lãnh sự mệnh quan trọng trong việc chuyển giao hai thế hệ siêu anh hùng. Ít nhất, về điểm này thì bộ phim đã làm tốt nhiệm vụ của mình.
Trailer "Captain Marvel"
Bản lề của cánh cửa MCU đầy những "cú lừa"
Có những hình ảnh sẽ chẳng có trong phim đâu, đừng tìm!
Captain Marvel, Vers hay Carol Danvers (Brie Larson) là nhân vật đã được Marvel Studios thai nghén trong suốt một năm qua, kể từ đoạn after-credit của bom tấn Avengers: Infinity Wars. Được giới thiệu như một chiến binh Hybrid (lai giữa con người và Kree), Carol Denvers sau đó đã trở thành Captain Marvel và gánh trên vai nhiều sứ mệnh nặng nề, tương xứng với sức mạnh vĩ đại mà cô được trao cho.
Cốt truyện nhân vật Captain Marvel do đó đã được các fan ôn lại kỹ càng trước giờ G, và Marvel Studios cũng đã thành công trong việc tặng cho fan cú lừa thành công đầu tiên về nguồn gốc nhân vật. Tuyến truyện của nhân vật Carol Denvers diễn biến không quá phức tạp, khó đoán. Thế nhưng, với cách làm phim hài hước và duyên dáng thì hãng đã thành công trong việc khắc họa hành trình của cô trên con đường trở thành một trong những siêu anh hùng quyền năng nhất của MCU.
Hành trình của cô nàng tương đối dễ dàng.
Tuy nhiên, hành trình đó thực sự có thể được mô tả bằng cụm từ "đầy ắp những cú lừa". Có những chi tiết khá thú vị thể hiện rõ nét sự sáng tạo của đội ngũ đứng sau bộ phim, nhưng cũng có những chi tiết thật sự dìm hàng bộ phim khi mà nhân vật chính, phụ rồi phản diện cứ liên tiếp "lừa đảo" nhau, đẩy những người xem công tâm rơi vào trạng thái:"Có thế thôi à?"
Chủ nghĩa nữ quyền được giương cao
Bộ phim mang tính nữ quyền cao.
Vào năm ngoái, thông điệp đa sắc tộc được Black Panther quảng bá đã đem về thành công lớn và dường như chiêu bài này đang được Marvel Studios tái sử dụng bằng "chủ nghĩa nữ quyền". Dĩ nhiên chúng ta đã có Black Widow (Scarlett Johansson), Scarlet Witch (Elizabeth Olsen), Nebula (Karen Gillan) hay Gamora (Zoe Saldana), nhưng chính sức mạnh khủng bố và tư cách siêu anh hùng chiếu trên mới là tiềm năng khiến MCU quyết định đầu tư vào Captain Marvel.
Bộ phim tràn ngập những biểu tượng nữ quyền mạnh mẽ. Một cô gái liên tục bị người ta khuyên từ bỏ khỏi những trò chơi nam tính, từ bỏ khỏi nghiệp phi công, từ bỏ lý tưởng của mình dần làm nên chuyện. Một cô gái khoác áo da, lái xe mô tô phân khối lớn băm nát mặt đường; ngay cả đến những nhân vật phụ trong phim cũng tỏ ra tràn đầy lý tưởng nữ quyền và thể hiện sức mạnh tinh thần cũng như thể chất.
Trên phim thì cũng hay, còn về tổng thể, bộ phim này sẽ khiến Captain Marvel có màu sắc gì đó rất giống "Captain Disney" Mulan (Hoa Mộc Lan). Tuy nhiên, hình tượng Captain Marvel mạnh mẽ và quyền uy chắc chắn sẽ ghi điểm lớn cho Brie Larson giữa những lùm xùm ở thời điểm hiện tại. Đồng thời đặt một chân kiềng vững chắc cho nữ "siêu anh hùng cao quý" này trong tương lai vũ trụ điện ảnh Marvel.
Cốt truyện và kịch bản cũng như các phim Marvel trước mà thôi
Kịch bản phim không quá ấn tượng.
Đây thực sự là một bom tấn điển hình kiểu Marvel, với hành động mãn nhãn và cốt truyện chiều fan. Captain Marvel chiều fan ở mọi ngóc ngách với nhiều Easter Eggs (Trứng Phục sinh) cực kỳ rõ ràng và nhiều hơn một màn tưởng niệm ngài Stan Lee đáng kính. Nhiều chi tiết diễn ra từ trước thời điểm Captain America: The First Avenger cũng được đưa vào và trực tiếp hoàn thiện timeline khổng lồ và liền mạch của vũ trụ điện ảnh Marvel, khép lại nửa đầu đầy biến động của MCU và trực tiếp mở đường tiến vào Avengers: Endgame.
Tuy nhiên, việc không có điểm gì bứt phá khỏi các phim Marvel khác có lẽ cũng sẽ khiến nhiều người cảm thấy lo lắng cho tương lai của vũ trụ điện ảnh Marvel. Vào năm 2008, Iron Man mở màn rực rỡ cho MCU với phong cách hành động nghẹt thở nhưng tươi sáng, thú vị, và 11 năm sau, Captain Marvel vẫn sử dụng y đúc mọi ưu điểm cũng như nhược điểm của người tiền nhiệm.
Cốt truyện đơn giản, dễ đoán và còn nhiều lỗ hổng; phản diện của phần phim thiếu chiều sâu tới mức người ta sẽ quên tức khắc tên của y khi bước ra khỏi rạp, và nếu người xem chỉ trông chờ những trận chiến long trời lở đất thì may thay, công lý cho phe chính nghĩa vẫn chiến thắng như thường, CGI và mảng âm thanh kèm theo soundtrack của bộ phim vẫn rất tốt, và hai after credit của bộ phim vẫn rất thú vị.
Bất chấp mọi nhược điểm kể trên, đây vẫn là một bộ phim nên xem
Với fan của MCU, dĩ nhiên rồi, ai lại bỏ qua một bộ phim nói về nhân vật hùng mạnh được kỳ vọng là sẽ cho Thanos (Josh Brolin) phải đền tội. Còn với non-fan, đây là một bom tấn có chất lượng giải trí rất cao, đặc biệt là khi thưởng thức ở định dạng 3D trong các rạp iMax. Hài hước và duyên dáng, hành động mãn nhãn, đẹp mắt, Captain Marvel là bộ phim bạn phải xem nếu không muốn trở thành người tối cổ trong tháng 3 rực lửa này.
Theo trí thức trẻ
10 sự thật không nên bỏ qua về Captain Marvel - Nữ nhân vật chính đầu tiên của vũ trụ Marvel Hãy cùng điểm qua những sự thật thú vị về Carol Danvers/Captain Marvel - nữ siêu anh hùng đang làm mưa làm gió tại các rạp chiếu toàn thế giới. Vậy là bom tấn đầu tiên trong năm 2019 của hãng phim siêu anh hùng đình đám Marvel Studios đã chính thức trình làng - Captain Marvel ( Đại Úy Marvel). Là bộ...