Đi xe gắn máy qua hầm Thủ Thiêm: Vì sao phải đội mũ kín tai?
Kể từ sau khi hầm Thủ Thiêm được thông xe chính thức (21.11) cho đến nay, lượng xe gắn máy lưu thông qua hầm rất đông. Có những thời điểm đã xảy ra ùn xe bên trong hầm.
Theo cảm nhận của PV Thanh Niên và nhiều người, tiếng ồn bên trong đường hầm không gây khó chịu lắm, có thể chấp nhận được, chỉ hơi ồn ở khu vực lắp đặt quạt thông gió. Có lẽ như vậy mà phần đông người đi xe máy vẫn vô tư đi qua hầm, bất chấp khuyến cáo của Sở GTVT là nên sử dụng loại mũ bảo hiểm chụp kín tai để giảm ảnh hưởng của tiếng ồn. Sở này còn có khuyến cáo người dân hạn chế chở trẻ em qua hầm bằng xe máy; nếu cho trẻ em lưu thông qua hầm cần có dụng cụ bịt tai để giảm ảnh hưởng của tiếng ồn, đặc biệt khi xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông trong hầm. Thế nhưng, theo quan sát của Thanh Niên, nhiều phụ huynh vẫn chở con qua hầm với đầu trần hoặc mũ vải, không có mũ bảo hiểm và tất nhiên là chẳng có dụng cụ bịt tai.
Phần đông người đi xe gắn máy không sử dụng mũ có chụp kín tai qua hầm Thủ Thiêm – Ảnh: Mai Vọng
Đại diện đơn vị tư vấn Oriental (Nhật Bản) cho biết tiếng ồn xuất phát từ hệ thống quạt thông gió (mỗi chiều có 6 quạt) với độ ồn tối đa 95 dexiben là khá lớn. Ngoài ra còn có tiếng ồn từ xe chạy trong đường hầm. Đó là lý do cần khuyến cáo người đi xe gắn máy phải sử dụng mũ có chụp kín tai và hạn chế cho trẻ em đi qua hầm. Ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Trung tâm quản lý hầm Thủ Thiêm cũng chia sẻ thêm, qua hơn 10 ngày đi vào hoạt động, có những thời điểm lượng xe nhiều, dồn ứ, lúc đó khói thải rất nhiều nên hệ thống quạt đều phải tăng công suất tối đa, nghĩa là độ ồn cũng tăng lên. Qua đo đạc thực tế tại đường hầm Thủ Thiêm, đã có lúc độ ồn lên đến 90-95 dexiben. Đối với trẻ em, nếu thường xuyên chịu đựng độ ồn từ 80-90 dexiben trở lên thì có thể ảnh hưởng đến thính lực.
Những lưu ý
1. Tốc độ và khoảng cách: – Đối với ô tô: Tốc độ tối đa cho phép: 60 km/giờ; Tốc độ tối thiểu cho phép: 30 km/giờ; Khoảng cách tối thiểu giữa các xe trên cùng làn xe: 30m.
- Đối với xe mô tô, xe gắn máy: Tốc độ tối đa cho phép: 40 km/giờ.
Video đang HOT
2. Các hành vi nghiêm cấm: Bấm còi; Bật đèn ưu tiên (trừ những xe ưu tiên theo quy định); Bật đèn ở chế độ chiếu xa và các loại đèn có ánh sáng mạnh khác; Dừng, đỗ xe.
3. Trách nhiệm của người lái xe:- Bật đèn ở chế độ chiếu gần – đèn cốt; Mở radio sóng AM các tần số: 655 KHz hoặc 610KHz hoặc 588KHz.
4. Khi xảy ra cháy nổ :
Tắt máy, để lại chìa khóa trên xe; Nhấn nút báo cháy; Dùng bình chữa cháy tại hộp chữa cháy để dập tắt đám cháy (nếu có thể); Nhanh chóng vào lối thoát hiểm; Báo sự cố về trung tâm bằng điện thoại khẩn cấp trong lối thoát hiểm; Nghe hướng dẫn thoát hiểm trên loa phát thanh.
Theo Thanh Niên
Không bật đèn trong hầm Thủ Thiêm bị phạt tới 2 triệu đồng
Do mức độ nguy hiểm khi xảy ra tai nạn trong hầm cao hơn rất nhiều so với khu vực khác nên những vi phạm trong hầm Thủ Thiêm sẽ bị phạt nặng.
Từ ngày 26/11, CSGT bắt đầu phạt "nóng" những người vi phạm khi lưu thông qua hầm Thủ Thiêm ngay khi vừa ra khỏi hầm. Nhiều người bị lập biên bản đã "giật mình" vì mức xử phạt quá cao.
"Do đèn trong hầm sáng quá nên tôi quên bật đèn, khi ra khỏi CSGT kêu dừng xe và lập biên bản xử phạt với mức 750.000 đồng. Tôi tưởng mình nghe nhầm vì trước đây đâu biết mức phạt cao đến vậy", anh Hoàng, người bị xử phạt vì lỗi không bật đèn trong hầm tối 27/11, cho biết.
CSGT túc trực trước hầm Thủ Thiêm để xử phạt các trường hợp vi phạm khi lưu thông qua hầm. Ảnh: H.C.
Tương tự, với ôtô nếu vi phạm lỗi này sẽ bị xử phạt 1,4-2 triệu đồng và bị giam bằng lái trong 30 ngày. Điều này cũng khiến khá nhiều người lái ôtô ngạc nhiên khi nhận biên bản xử phạt.
Song, theo lý giải của CSGT, do nhiều người dân chưa biết Luật đường bộ và Nghị định 34 của Chính phủ quy định mức xử phạt vi phạm giao thông khi qua hầm sẽ cao hơn đường bộ bởi lần đầu TP HCM có hầm.
"Hầm Thủ Thiêm nằm trong khu vực nội thành, thuộc phạm vi thí điểm áp dụng mức phạt nặng hơn so với quy định chung. Do vậy mức phạt với một số lỗi có thể lên đến 1,7 triệu đồng", trung tá Đỗ Tiến Dũng, Phó đội trưởng Đội CSGT Bến Thành giải thích.
Theo Nghị định 34, ôtô chạy trong hầm không sử dụng đủ đèn chiếu sáng; lùi xe, quay đầu trong hầm; dừng, đỗ xe, vượt xe trong hầm không đúng quy định hoặc chạy quá tốc độ từ 10 đến 20 km/giờ sẽ bị phạt từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng. Tuy nhiên, những vi phạm này nếu xảy ra trong "khu vực thí điểm" thì sẽ phải chịu phạt từ 1,4-2 triệu đồng.
Chẳng hạn đối với ôtô, hành vi không sử dụng đèn chiếu sáng, vượt trái phép ở ngoài hầm chỉ bị phạt 700.000 đồng (cả trong và ngoài phạm vi thí điểm phạt nặng). Còn xe máy chạy ngoài hầm quên bật đèn; dừng, đỗ sai quy định chỉ bị phạt 90.000 đồng nhưng lại phải bị phạt 750.000 đồng nếu ở trong hầm. Đồng thời người vi phạm còn có thể bị giữ bằng lái đến 30 ngày.
CSGT xử phạt một ôtô vi phạm khi đi qua hầm Thủ Thiêm. Ảnh: CTV.
Theo trung tá Nguyễn Ngọc Loan, Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông Bến Thành, đơn vị này chịu trách nhiệm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiểm tra và xử lý các vi phạm ở cả hai chiều hầm Thủ Thiêm từ đại lộ Võ Văn Kiệt (quận 1) đến trạm thu phí hầm Thủ Thiêm (quận 2). Qua 2 ngày bắt đầu phạt "nóng", Đội CSGT Bến Thành đã xử phạt 32 vụ vi phạm trong đường hầm, chủ yếu là các lỗi không bật đèn, quay đầu xe trước hầm.
Lý giải về việc xử phạt các vi phạm trong hầm Thủ Thiêm ngay sau khi thông xe chưa được một tuần, trung tá Phạm Công Danh, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt công an TP HCM cho rằng: "Phạt nóng tại chỗ nhằm nâng cao ý thức người dân khi qua hầm Thủ Thiêm. Chúng tôi đề nghị người dân cần tự giác tuân thủ luật giao thông nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong hầm".
Theo thống kê, mỗi ngày có khoảng 20.000 lượt phương tiện qua hầm Thủ Thiêm. Dù trước khi thông xe, quy định khi qua hầm đã được phổ biến rất nhiều, mỗi ngày Trung tâm quản lý hầm đều mở loa thông báo về những quy định khi qua hầm nhưng vẫn còn rất nhiều trường hợp vi phạm.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, do hầm Thủ Thiêm nằm sâu dưới lòng sông Sài Gòn (cách mặt nước hơn 20 m, chỗ sâu nhất đến 27 m) nếu xảy ra sự cố hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng nên việc bảo đảm an toàn bên trong hầm được đặc biệt quan tâm. Yêu cầu cao nhất đối với người lái xe qua hầm là phải tuân thủ những quy định của Trung tâm quản lý hầm cũng như Luật giao thông đường bộ để tránh gây ra những sự cố đáng tiếc, ảnh hưởng đến rất nhiều người. Vì vậy, luật đường bộ cũng như Nghị định 34 của Chính phủ xử lý rất nặng những lỗi vi phạm bên trong đường hầm.
Theo VNExpress
Đề nghị cấm xe máy lưu thông qua hầm Thủ Thiêm Chưa có một quốc gia nào cho xe máy (kể cả mô tô phân khối lớn) đi qua hầm, nếu có sự cố xảy ra ùn tắc thì hậu quả của những người đi xe máy ở trong hầm là rất cao như: thiếu oxi, ngạt thở do khói, hỗn loạn người chạy thoát... Hầm Thủ Thiêm đi vào hoạt động mở ra...