Đi xe buýt, taxi… mùa Covid-19 cần lưu ý 8 điều này
Trước những diễn biễn ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Y tế vừa ban hành khuyến cáo cho hành khách đi phương tiện giao thông công cộng và phương tiện sử dụng ứng dụng kết nối.
Ảnh: Lê Hồng Hạnh
Theo Bộ Y tế, việc ban hành này nhằm đưa ra các khuyến cáo chi tiết cho từng nhóm đối tượng cụ thể để giúp cộng đồng có đầy đủ kiến thức, chủ động thực hành các hành vi có lợi cho sức khỏe để phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, hành khách đi phương tiện giao thông công cộng và phương tiện sử dụng ứng dụng kết nối cần thực hiện 8 điều sau để phòng tránh lây nhiễm bệnh Covid-19:
1. Khi có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở nên hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
2. Sử dụng khẩu trang đúng cách khi bị sốt, ho, đau họng, khó thở.
3. Che kín miệng, mũi bằng khăn giấy, khăn vải hoặc khuỷu tay khi ho, hắt hơi. Bỏ khăn giấy đã sử dụng vào túi đựng rác kín để vứt vào thùng rác đúng nơi quy định.
4. Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng (nếu có) hoặc bằng dung dịch sát khuẩn tay có chứa trên 60% nồng độ cồn đặc biệt sau khi: ho, hắt hơi; thải bỏ khăn giấy; rời khỏi phương tiện giao thông.
5. Không chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Hạn chế ăn uống, nói chuyện ở trên phương tiện giao thông.
6. Không khạc nhổ trên phương tiện giao thông và nơi công cộng (ga tàu, bến xe, sân bay, nhà ga…).
7. Nếu thấy bản thân hoặc hành khách cùng đi có một trong các biểu hiện sốt, ho, khó thở nên thông báo ngay cho người quản lý phương tiện để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Tránh tiếp xúc gần với người có biểu hiện ho hoặc sốt, khó thở đi cùng phương tiện giao thông.
Video đang HOT
8. Khi kết thúc chuyến đi, nếu có xuất hiện một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở: Liên hệ đường dây nóng của Bộ Y tế (19009095 hoặc 19003228) để được tư vấn và cung cấp thông tin liên quan đến phương tiện giao thông bạn đã đi. Đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời.
Trước đó, Bộ Y tế cũng đã ban hành Khuyến cáo cho người điều khiển phương tiện giao thông công cộng và phương tiện sử dụng ứng dụng kết nối.
Theo đó, trước khi làm việc, người điều khiển phương tiện giao thông công cộng phải tự theo dõi sức khỏe bản thân. Nếu xuất hiện các biểu hiện như sốt, ho, khó thở, mệt mỏi phải đến ngay các cơ sở y tế để khám, tư vấn, điều trị, đồng thời, chủ động cách ly tại nhà; không được đi làm trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế; chuẩn bị các trang bị cần thiết đủ cho thời gian làm việc.
Trong khi làm việc, người điều khiển phương tiện giao thông công cộng phải sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc, trao đổi với hành khách. Chủ động thực hiện và hướng dẫn hành khách đeo khẩu trang đúng cách, che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp.
Cùng với đó, người điều khiển phương tiện giao thông cần sử dụng găng tay phù hợp để giảm tiếp xúc không cần thiết, không đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh, không khạc, nhổ bừa bãi; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 30 giây khi có điều kiện hoặc sử dụng sản phẩm vệ sinh tay. Chủ động giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng.
Trong quá trình làm việc, nếu người điều khiển phương tiện hoặc hành khách có biểu hiện sốt, ho, khó thở cần thông báo với đơn vị quản lý, đến cơ sở y tế gần nhất để khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Sau khi trả khách phải khử khuẩn và vệ sinh cá nhân.
Theo Thanh niên
Công thức sử dụng nước rửa tay khô trong dịch Covid-19: Xịt ra một lượng 3 ml bằng đồng xu, xoa trong 30 giây
Đừng tiết kiệm, bạn phải dùng một lượng đủ để làm bất hoạt virus đang có mặt trên tay.
Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay có chứa cồn là một biện pháp hiệu quả để phòng ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2 và dịch Covid-19 mà nó đang gây ra.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, hãy thường xuyên rửa tay khi đến những khu vực có nguy cơ cao như phương tiện giao thông công cộng, nơi tập trung đông người, bệnh viện, chợ buôn bán động vật, các sản phẩm động vật...
Tuy nhiên, tâm lý khi sử dụng nước rửa tay khô của đa số mọi người, nhất là trong thời điểm khan hiếm hàng và giá thành cao như hiện nay là: tiết kiệm. Thật không may, điều đó lại trở thành cơ hội cho các mầm bệnh tiếp tục tồn tại và giữ được hoạt tính lây nhiễm trên tay bạn.
Vậy chính xác thì bạn cần xịt ra tay mình bao nhiêu nước rửa tay khô, và xoa tay trong ít nhất bao nhiêu giây để làm bất hoạt virus bám trên đó?
Công thức sử dụng nước rửa tay khô cho dịch Covid-19: Xịt một lượng 3 ml bằng đồng xu và xoa trong 30 giây
Trong thành phần của các loại nước rửa tay chứa cồn thường có isopropanol, ethanol, n-propanol hoặc kết hợp 2 trong số các sản phẩm này. Hoạt tính kháng vi sinh vật của cồn đến từ khả năng biến tính và đông tụ protein. Các tế bào của vi sinh vật sau đó bị ly giải và quá trình trao đổi chất của chúng bị phá vỡ.
Đối với virus corona mới, nó có một điểm yếu " chết người" để có thể bị bất hoạt khi tiếp xúc với các chất cồn. Đó là vỏ bọc nhân. Cồn có thể phá vỡ vỏ bọc này, phơi bày vật liệu di truyền của virus và khiến nó bị bất hoạt khi không còn được bảo vệ và không còn các thụ thể để lây nhiễm tế bào.
Hiệu ứng này khiến cồn trở thành một chất bất hoạt mầm bệnh hiệu quả để đối phó với họ virus corona, bao gồm cả virus SARS-CoV gây ra dịch SARS năm 2003 và virus MERS gây ra Hội chứng hô hấp Trung Đông vào năm 2015.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Infectious Diseases xác nhận các loại nước rửa tay khô chứa cồn (ethanol và isopropanol) rất hiệu quả để chống lại các virus có màng bọc như virus Ebola, virus Zika, SARS và MERS.
Cồn phá vỡ vỏ bọc của virus và khiến nó bị bất hoạt khi không còn còn các thụ thể để lây nhiễm tế bào.
Nước rửa tay chứa cồn tỏ ra hiệu quả nhất với thành phần ethanol (trong khoảng 60% đến 85%), isopropanol (trong khoảng 60% đến 80%), và n -propanol (trong khoảng 60% đến 80%). Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nguyên lý sử dụng nước rửa tay khô là bạn phải xịt đủ ra một lượng để thoa ướt hoàn toàn lòng bàn tay và mu bàn tay.
Mayo Clinic Hoa Kỳ khuyến cáo bạn phải chà nước rửa tay khô trên hai tay trong ít nhất 25 giây, hoặc cho đến khi chúng bay hơi hết.
Một nghiên cứu năm 2016 đăng trên tạp chí American Journal of Infection Control đã khảo sát lượng nước rửa tay khô và thời gian rửa tay cần thiết để làm sạch các bàn tay có kích cỡ khác nhau.
Họ sử dụng một máy tia cực tím để phát hiện các vùng tay chưa được chà xát trong khoảng thời gian đó.
Kết quả cho thấy nếu chỉ sử dụng 1 ml, nước rửa tay khô chỉ bao phủ được trung bình 71% lòng bàn tay và 30% mu bàn tay, và đó đã là những người có bàn tay nhỏ nhất.
Sử dụng 2 ml nước rửa tay khô có thể bao phủ trung bình 95% lòng bàn tay, nhưng chỉ khoảng 74% mu bàn tay. Phải sử dụng lên tới 3 ml, nước rửa tay khô mới phủ được 97% lòng bàn tay và 95% mu bàn tay của những người có tay nhỏ nhất và 87% mu bàn tay của những người có tay lớn nhất.
Kết quả này phù hợp với European Norm 1500, tiêu chuẩn Châu Âu áp dụng cho biện pháp rửa tay hợp vệ sinh. Theo đó, bạn phải đổ ra tay ít nhất 3 ml nước rửa tay khô và chà xát chúng trong ít nhất 30 giây để bao phủ toàn bộ lòng và mu bàn tay hiệu quả.
Dưới con mắt trực quan, 3 ml tương đương hơn một nửa muỗng cà phê, hoặc khi đổ ra tay, nó có kích thước cỡ một đồng xu. Một cách nữa để ước tính xem bạn có xịt ra tay đủ nước rửa tay chưa là đếm số lần bạn dùng hết một chai 60 ml. Nếu bạn rửa được trên 20 lần, thì đó là bạn chưa xịt đủ.
Ngoài ra, có một số điều bạn cần lưu ý về nước rửa tay khô. Đó là nước rửa tay khô tỏ ra kém hiệu quả khi bàn tay bị nhiễm chất nhầy.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh dịch Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo bạn nên sử dụng xà phòng thay cho nước rửa tay khô chứa cồn trong trường hợp tay có dính dầu mỡ, chất nhày hoặc chất nhờn, chẳng hạn sau khi chế biến thực phẩm, chơi thể thao, làm vườn hoặc câu cá...
Xà phòng cũng là biện pháp bắt buộc khi tay bạn bị nhiễm các hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu hoặc kim loại nặng. Nước rửa tay khô không có hiệu quả trong trường hợp này.
Theo toquoc
Tại sao các trường hợp nghi mắc F2, F3... có thể cách ly tại nhà? Với những trường hợp cách ly tại nhà, nếu mắc Covid-19, nguy cơ lây nhiễm ra môi trường xung quanh là rất thấp nếu không có sự tiếp xúc gần. Theo quy định của Bộ Y tế, các trường hợp mắc Covid-19 được coi là F0, những người tiếp xúc gần, tiếp xúc trực tiếp với người mắc được gọi là F1. Tiếp...