Đi xe buýt, đừng nói suông!
Để cuộc vận động cán bộ công chức ngành GTVT đi xe buýt lan rộng ra toàn xã hội, hạ tầng giao thông phải được cải thiện, chất lượng xe buýt tốt hơn, thái độ phục vụ văn minh và lịch sự hơn.
Cán bộ đi làm việc bằng xe buýt sẽ ngày càng nhiều? Ảnh: Thế Dũng
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tại công văn hỏa tốc mới đây, cán bộ, nhân viên ngành giao thông tại Hà Nội và TPHCM phải sử dụng xe buýt tối thiểu 1 ngày/tuần. Yêu cầu trên đang được hai địa phương quán triệt, triển khai sâu rộng trong toàn thể cán bộ, nhân viên toàn ngành.
Video đang HOT
Tạo thói quen
Một lãnh đạo Vụ An toàn giao thông – Bộ GTVT cho biết trước khi bộ trưởng chỉ đạo, đã có khoảng 15%-20% nhân viên của bộ đi xe buýt tới cơ quan làm việc. Trong khi đó, theo ông Trần Ngọc Thành, Vụ trưởng Vụ Vận tải – Bộ GTVT, 100% nhân viên của Vụ Vận tải đã đi xe buýt hơn 1 lần/tuần.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cũng khẳng định không phải đợi đến khi bộ trưởng có chỉ đạo mà từ khi tỉnh Hà Tây nhập vào Hà Nội và trụ sở của Sở GTVT Hà Nội chuyển xuống quận Hà Đông – cách trung tâm TP khoảng 10km từ một năm qua – sở đã khuyến khích nhân viên đi xe buýt.
Trong khi đó, theo ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, việc vận động cán bộ, nhân viên ngành GTVT làm gương trong việc đi xe buýt đã được Sở GTVT TPHCM triển khai hơn một năm trước. Theo đó, mỗi cán bộ, nhân viên của Sở GTVT trên tinh thần tự nguyện, tự thấy ích lợi mà đi xe buýt 1 lần/tuần. Đến nay, kế hoạch trên vẫn được triển khai đều đặn, cứ thứ sáu hằng tuần, toàn thể cán bộ, nhân viên Sở GTVT đi xe buýt đến cơ quan. Những cán bộ, nhân viên không chấp hành sẽ bị khiển trách hoặc kiểm điểm, tùy hoàn cảnh, lý do.
Ngoài vận động cán bộ, nhân viên thuộc Sở GTVT đi xe buýt, đầu năm 2011, UBND TPHCM đã có kế hoạch giao Sở GTVT chủ trì cuộc vận động người dân toàn TP đi lại bằng xe buýt ít nhất một ngày trong tuần, trong đó nhắm tới đối tượng chính là học sinh, sinh viên và cán bộ, nhân viên các sở, ngành khác. Cuộc vận động hoàn toàn trên nguyên tắc tự nguyện, người dân thấy cái lợi cho bản thân, gia đình và xã hội mà hưởng ứng.
Sẽ giám sát
Thực ra, sau khi Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu cán bộ, nhân viên ngành giao thông phải gương mẫu thực hiện đi xe buýt ít nhất 1 lần/tuần, đã có nhiều lo ngại rằng đây sẽ là cách làm theo phong trào “đánh trống bỏ dùi”. Đó là chưa kể một số cán bộ, nhân viên tuy không sử dụng phương tiện cá nhân nhưng có thể đi taxi, xe ôm để lách quy định.
Về việc này, ông Nguyễn Hoàng Linh lập luận: “Không quá khó để giám sát việc đi xe buýt của cán bộ, nhân viên. Khi đã có quy chế cụ thể thì sẽ có những cách khác nhau để giám sát. Còn theo ông Trần Ngọc Thành, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã giao cho Vụ Vận tải tổng hợp, báo cáo về tình hình thực hiện đi xe buýt đối với cán bộ, nhân viên ngành giao thông. Trên cơ sở báo cáo, bộ trưởng sẽ quyết định chế tài như thế nào đối với cán bộ, nhân viên không thực hiện nghiêm túc nội dung công văn chỉ đạo của mình. Ông Thành đề xuất: “Nên xem việc đi xe buýt là một tiêu chí để xem xét trong các kỳ bình bầu, khen thưởng cuối năm”. Ông Nguyễn Hoàng Linh đồng tình: “Về lâu dài nên xem đây là tiêu chí để xét thi đua, khen thưởng trong tất cả các cơ quan, không chỉ ở ngành GTVT”.
Vấn đề mà ngành GTVT phải giải quyết đó là làm thế nào để loại phương tiện vận tải công cộng này được mọi người dân, cán bộ, nhân viên ở các cơ quan, ngành nghề và cả doanh nghiệp tham gia thường xuyên, lâu dài. Ông Nguyễn Hoàng Linh cho rằng thời gian qua, chính thái độ phục vụ thiếu văn hóa, thậm chí đánh cả hành khách của không ít tài xế xe buýt đã khiến nhiều người dân ngoảnh mặt với loại hình giao thông công cộng này. Do vậy, sở vừa yêu cầu tất cả doanh nghiệp vận tải xe buýt phải cho nhân viên đi học nhằm nâng cao chuyên môn cũng như tác phong phục vụ, cử chỉ, thái độ với hành khách. Ngoài ra, sở cũng thành lập các tổ, đội thanh tra mặc thường phục thường xuyên đi xe buýt để giám sát hoạt động này.
Tiết kiệm hơn 3.880 tỉ đồng Theo thống kê của Sở GTVT TPHCM, hiện TP có khoảng 500.000 ô tô các loại và 5 triệu xe máy. Nếu chuyển từ xe máy sang sử dụng xe buýt sẽ tiết kiệm ít nhất 150.000 đồng/người/tháng. Nếu TP có thêm 1 triệu người chuyển sang đi xe buýt sẽ tiết kiệm 500.000 lít xăng/ngày, tương đương 10,65 tỉ đồng/ngày, 3.887,25 tỉ đồng/năm. Với con số trên, theo ông Lê Trung Tính, Trưởng Phòng Quản lý Vận tải Đường bộ – Sở GTVT TPHCM, ngoài lợi ích kinh tế, còn tiết kiệm được 15 km diện tích mặt đường dành cho xe lưu thông, giảm ùn tắc giao thông.
Theo Người Lao Động