Đi xa để trở về
“…Tết đến rồi, gió xuân thổi nhẹ, Vang bài ca, rộn rã tiếng cười Bao nhiêu năm, suốt một kiếp người Ai cũng nhớ: Tết về bên Mẹ.” (Tử Quyên)
- Bao giờ cậu về? – Ngày mai – Nhà cậu ở đâu? – Hà Nội.Cuối tháng Chạp, nghe đâu đây hơi thở của mùa xuân đang phả vào mặt, thổi vào lòng người những chộn rộn nhớ thương.
Đấy chính là Hà Nội của tôi. Sắp tròn một năm tôi chưa trở về. Ngày này bên Ga Hàng Cỏ chắc là rộn ràng lắm. Mùa xuân đang bắt đầu từ cửa ngõ sân ga, nhà máy. Những chuyến tàu Nam – Bắc ngược xuôi. Những bước chân ngập ngừng nửa muốn ra đi, nửa muốn quay về. Những cái ôm thật chặt. Bất chợt ánh mắt lưu luyến dừng lại sau sân ga. Và chạm vào nỗi nhớ… bàn tay đan lấy bàn tay,…. Bỏ lại sau lưng tất cả, tôi cũng ra đi bằng cách ấy.
Ảnh: Anh Tuấn
Không biết tiết trời nắng nóng, hanh hao thế này hoa đào đã nở chưa. Hà Nội của tôi mỗi độ vào xuân thì đẹp lắm. Khắp phố phường rực rỡ sắc hoa. Những khóm hoa từ khắp nơi tụ về ngập tràn ngõ phố. Đào Nhật Tân, đào phai, đào rừng, Bích đào… Tôi thì thích nhất là đào kép. Những bông hoa to hồng đậm, cánh mỏng nhưng dày, xếp so le thành từng cặp theo xe hàng hoa xuống phố làm tôi có cảm giác như muốn níu giữ mãi khoảnh khắc ấy, ôm trọn cả mùa xuân cho riêng mình.
Giờ này ở nhà có lẽ mẹ đã chuẩn bị xong những vại dưa hành cho ba ngày Tết. Phải nói là với tôi, những củ hành mẹ muối là ngon nhất. Món hành của mẹ đặc biệt lắm. Từng củ hành tươi, già bánh tẻ được chọn lọc kỹ càng đem ngâm vào nước tro bếp cho tróc vỏ, sau đó muối trước gần cả tháng trước Tết mới ngon. Hành khi múc ra bát trắng, giòn, vị chua thanh thanh, ngòn ngọt, không cay chút nào. Chỉ nghĩ đến thôi mà nước miếng cứ chực ứa ra. Món này mà ăn kèm với thịt ba chỉ luộc chấm mắm tiêu ớt thì hấp dẫn vô cùng. Tôi thèm những món ăn của mẹ, tôi thèm gặp mẹ.
Còn cha tôi, ông đang làm gì. Tầm này mọi năm, cha tôi hay ngồi kỳ cụi chẻ ống giang làm lạt, lau từng mặt lá, xếp lại thành bó buộc dưới gốc cột trước hiên nhà một, hai hôm cho se lại để khi gói bánh chưng lá không bị rách. Năm nào cũng vậy, từ khi tôi biết thế nào là không khí Tết, những ngày cuối tháng Chạp Âm lịch, cả nhà tôi lại quây quần bên chiếc mẹt lớn đựng nào lá, nào đậu, nào thịt ….
Mẹ sẽ chuẩn bị trước một cái nồi to, mẹ dùng cối giã nhỏ lá riềng, lọc lấy nước cốt ngâm với gạo nếp để cho gạo thơm đậm và thấm màu xanh. Cha sẽ dạy anh em tôi gói bánh. Những chiếc bánh được gói bằng yêu thương ấm áp, bằng những giọt mồ hôi, những tiếng cười. Chiếc bánh khi luộc xong cắt ra còn nóng hổi, thơm lừng mùi thịt lợn quện hạt tiêu bắc, xanh đều từ trong ra ngoài. Còn chiếc bánh chưng bé được “đặt hàng” riêng cho anh em tôi thì ngon thôi rồi. Đối với tôi, trên đời này, không có nơi nào bánh chưng có vị ngon đặc biệt như những chiếc bánh chưng mà chúng tôi tự tay làm lấy.
Đi xa cũng đã mười mấy năm, nhưng hương vị của những món quà vặt nơi quê nhà thì tôi không thể nào quên nổi. Nhất là vào đợt trời trở lạnh. Khoai nướng, ngô nướng, ốc luộc, chè nóng, bánh trôi tàu… những món ăn yêu thích của tôi mà tôi cá là ai đến với Hà Nội, ăn một lần rồi cũng nhớ. Tuổi thơ tôi gắn với món xôi khúc Quân mà gần như chẳng ngày nào là tôi không ăn sáng, bất kể mùa đông hay mùa hè.
Nhớ vị lá khúc thơm thơm quện vào miếng thịt mỡ ướp tiêu béo ngậy, chấm muối vừng sao mà ngon đến thế. Rét ngọt thế này mà được thưởng thức món nem rán đầu ngõ của bà Hà ngon nức tiếng khu phố, vừa nóng hổi lại thơm giòn rụm (chấm cùng với nước mắm tỏi chua ngọt, ăn kèm dưa góp) thì thật tuyệt đối với những đứa là chúa ăn vặt như tôi. Giá mà tôi có thể gói được tất cả những món ăn này theo mình đi khắp thế gian.
Hà Nội những ngày cuối năm đường phố cũng trở nên tươi vui hơn. Không khí Tết đã tràn về, len lỏi khắp trong từng con ngõ nhỏ. Người dân nhộn nhịp đi mua sắm chuẩn bị đón năm mới. Dọc quanh tuyến phố cổ: Hàng Mã, Hàng Chiếu, Hàng Bông, Hàng Lược, Hàng Than, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào, trước cổng chợ Đồng Xuân… tấp nập dòng người qua lại chuẩn bị đồ đón Tết với mong ước một năm mới an vui, đủ đầy.
Cũng dịp này, cả gia đình tôi sẽ đi sắm Tết. Thường thì mẹ hay để ý nhiều đến những gian hàng thực phẩm dùng cho 3 ngày Tết. Mẹ tôi là người phụ nữ Hà Nội gốc. Mẹ nhẹ nhàng, nền nã, đảm đang và khéo léo. Niềm vui và hạnh phúc của mẹ là chuẩn bị cho ba bố con tôi những bữa cơm ngon, an toàn, bổ dưỡng và ngập tràn tiếng cười. Bố tôi thường chậm rãi chắp tay sau lưng đi bộ len vào từng góc phố, cẩn thận chọn lựa thật kỹ một vài đồ trang trí và đồ thờ cúng cho ngày Tết.
Video đang HOT
Đứa em tôi thì không thể rời mắt khỏi những gian hàng thời trang đủ các loại mốt, đủ chủng loại quần áo sặc sỡ đang “sale off”, giảm giá “sập sàn” khắp nơi. Riêng tôi, tôi được giao nhiệm vụ lựa một cành đào và một chậu quất đem về trưng Tết. Theo con mắt “thẩm mỹ” của tôi, một cây quất đẹp không cần quá to, quá nhiều quả nhưng cần có “thế” và phải hội đủ 5 yếu tố: Nụ, hoa, quả xanh, quả chín và lộc non. Còn về đào, cả gia đình tôi đều thích mua một cành đào về cắm trong chiếc bình men gốm cổ được ông bà tôi để lại từ thời trước, thay vì mua một cây đào.
Với tôi, đào đẹp phải có cánh kép to, đều, thắm màu. Tán đào tròn, cành mập, thẳng, các nhánh phân bổ đều. Và cũng như quất, đào phải có lộc non và nhiều nụ. Mười mấy mùa xuân kể từ ngày tôi lớn, cũng là từng ấy lần tôi được giao nhiệm vụ đi rước “cả mùa xuân” về nhà.
Tôi nhớ mâm cơm chiều 30 Tết. Gác lại những lo toan, bộn bề thường ngày, chiều 30 Tết, gia đình tôi lại háo hức sửa soạn mâm cỗ cúng gia tiên, mời tổ tiên, ông bà về ăn Tết cùng gia đình, đồng thời cũng là đón ông Công, ông Táo về lại cai quản việc bếp núc trong nhà. Thế nên mâm cỗ phải thật tươm tất và thịnh soạn hơn ngày thường. Mẹ tôi bày biện mâm cỗ cẩn thận lắm.
Với đầy đủ thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh, giò lụa, thịt đông, nem rán, gà luộc, xôi nếp cái hoa vàng…và dĩ nhiên là không thể thiếu bát canh măng nấu với thịt chân giò nóng hổi, thơm phức phả mùi từ đầu ngõ. Một mâm cỗ truyền thống rất đỗi thân thuộc của người Tràng An mỗi độ Tết đến xuân về. Đây cũng là bữa cơm sum họp của các thành viên trong gia đình, sau một năm xa cách. Nghĩ đến thôi đã thấy lòng xốn sang khó tả. Và chỉ ước được về nhà, ngắm nụ cười dịu dàng của mẹ, quây quần bên gia đình, cùng nhau thưởng thức những món ăn thật Hà Nội. Để rồi năm sau khi bắt đầu một hành trình mới, tôi sẽ kể cho những người bạn của tôi, với một câu chuyện đầy tự hào: “Mày biết không, đấy chính là cái Tết của tao, Tết của người Hà Nội…”
Tôi nhớ không khí đêm giao thừa. Không còn tiếng xe cộ ồn ào nào nhiệt, chỉ có hơi thở của mùa xuân và cờ hoa rực rỡ, của những bước chân tươi vui rộn ràng và những nụ cười rạng rỡ của người Hà Nội đi đón xuân. Hà Nội của tôi nhẹ nhành, thanh tao, quyến rũ đến nao lòng.
Chao ôi, nhớ. Nhớ sao mà da diết đến thế!
Ở phương xa, nằm thao thức nghe đài báo thời tiết, Hà Nội đêm nay có mưa, những hạt mưa phùn mang theo bao kỷ niệm khắc khoải, trằn trọc, bâng khuâng. Không biết giờ này ở nhà Tết đã về qua ngõ?. Tôi nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ cố hương.
Ngày mai tôi sẽ trở về. Tôi về với nơi nương náu yêu thương của cuộc đời mình. Ở đó có những người tôi yêu thương nhất đang mong ngóng và đợi chờ tôi sau những ngày tháng bôn ba giữa dòng đời xuôi ngược. Dù đi xa thế nào, đi xa bao lâu, chỉ cần có một nơi để trở về, chỉ bấy nhiêu thôi, cũng thấy lòng bình yên đến lạ!
Gia đình vẫn luôn bên ta, là điểm tựa cho ta trên mỗi bước đường đời. Hãy trở về nhà vì ở đó luôn có tình yêu thương bao la của mẹ cha, có những ngóng chờ và sẽ là nơi giúp ta gột sạch những mệt mỏi, lo toan.
Ngoài kia, những chậu quất sai quả mọng, những cành đào đỏ thắm và con phố nhỏ của tôi đang đợi tôi về.
Nghỉ ngơi thôi, mùa xuân đã về…
Song Thu
Theo laodongthudo.vn
Chồng từ quê ra vẫn chu đáo chuẩn bị quà Valentine cho vợ, cô vừa nhìn thấy chỉ biết bật cười
Vừa từ quê lên, Phú đã ôm theo một hộp quà to được gói cẩn thận, đẹp đẽ và bảo Hường: "Tặng vợ, quà Valentine sớm đây! Định ém hàng chờ đúng ngày nhưng hồi hộp quá!".
Hường và Phú đám cưới được gần 1 năm, hiện giờ cô đang mang thai tháng thứ 8. Tuy sống chung với bố mẹ chồng trên Hà Nội nhưng vì mẹ tâm lý, khá hiền, Hường lại khéo léo, đảm đang nên cuộc sống vẫn êm ấm.
Bố mẹ chồng của Hường đều là người quê gốc ở tỉnh, sau lên Hà Nội làm ăn khấm khá liền mua nhà, đón 2 con lên học hành. Tới giờ, cả gia đình đều sống ở thủ đô nhưng mỗi dịp Tết vẫn đều về quê gần gũi với bà con, làng xóm.
Chính vì thế, ngay từ ngày 30 Tết, bố chồng cô đã đánh xe ô tô chở cả gia đình về, chỉ còn lại vợ chồng Hường và Phú. Hường cũng là con gái tỉnh lẻ, cô chẳng ngại gì chuyện bếp núc, cỗ bàn ở quê nhưng vì cô bị say xe nặng, hiện giờ lại đang mang thai nên không uống thuốc được. Do đó, Tết này 2 vợ chồng đành ngậm ngùi ở lại Hà Nội trông nhà cho đại gia đình về quê.
(Ảnh minh họa)
Cứ nghĩ bố mẹ đi rồi, hai vợ chồng ở nhà sẽ thoải mái nhưng lại khiến Hường thấy buồn tủi nhiều hơn. Đây là cái Tết đầu tiên cô đi làm dâu, những tưởng dù ít nhưng sẽ được về thăm mẹ đẻ nào ngờ không thể gặp luôn. Phú cũng thương vợ, toàn bày trò cho cô vui. Những ngày Tết, hai vợ chồng rong ruổi đi xem phim, hát hò tẹt ga, nhờ thế Hường cũng nguôi ngoại phần nào.
Nhưng ngày mùng 6 Tết là đại thọ của ông nội Phú, do đó anh không thể vắng mặt. Phú biết Hường buồn, dỗ dành:
- Thôi, chồng đi có 1 ngày 1 đêm, vợ ở nhà tự nấu nướng rồi uống thuốc bổ đúng giờ. Mà cũng chả cần nấu gì đâu, thịt đông, nem rán, giò bê chồng để cả trong tủ lạnh. Vợ muốn ăn bỏ vào nem vào lò vi sóng quay lại chút là được.
Hường cũng cố cười cho chồng yên tâm. Thế mà lúc tiễn chồng ra cửa, Hường suýt khóc:
- Chồng đi cẩn thận nhé, đừng uống nhiều rượu, ăn xong nghỉ ngơi 1 chút rồi chiều về với vợ và con luôn nhé!
Phú cười, ra hôn vào bụng vợ 1 cái rồi phi xe đi mất dạng. Tới lúc trở về, Hường không ngờ Phú lại mang theo 1 thứ bất ngờ làm quà Valentine.
Chiều ấy, Hường mang ghế tựa ra cửa ngồi hóng nắng, hóng gió và đọc sách, phần cô cũng muốn đón chồng. Phú về tới, anh lao tới ôm vợ. Sau đó, rút từ quay ra xe ôm 1 hộp quà to, có vẻ nặng, hào hứng bảo Hường:
- Tặng vợ, quà Valentine sớm đây! Định ém hàng chờ đúng ngày nhưng hồi hộp quá!
(Ảnh minh họa)
Hường hí hửng, đón lấy và đòi mở ngay. Nhưng khi vừa mở nắp hộp ra, cô điếng người khi thấy mấy chiếc bánh chưng dài có, vuông có. Quay sang nhìn chồng, Phú lại hớn hở bảo:
- Đấy, biết vợ không về quê được kiểu gì cũng thèm bánh chưng mẹ gói. Chồng phi sang nhà ngoại lấy bánh lên cho vợ đấy.
Nghe chồng nói, Hường vừa tức vừa buồn cười. Cô dậm chân bình bịch, bảo:
- Thế đây là quà mẹ em chứ phải của anh đâu? Không chịu đâu! Mà sao đàn ông bọn anh khô khan thế hả giời, ai đời đi tặng quà Valentine cho vợ là bánh chưng bao giờ?
Phú gãi gãi đầu:
- Ơ, thế vợ không thích à? Thế chồng lấy lại nhé!
Hường lườm 1 cái cháy mặt, ôm thùng bánh chưng rồi bảo:
- Thôi có còn hơn không.
Mặc dù nói thế nhưng cô vẫn rất vui. Ít nhất, điều đó cho thấy chồng cô thật lòng quan tâm tới vợ, lo lắng cho vợ.
Theo docbao.vn
Vừa đầu năm, người yêu đòi chia tay vì... bốc quẻ không hợp Quá nhớ người yêu, tôi đã trốn đi chúc Tết với bố mẹ, phóng xe máy hơn 100 cây số lên Hà Nội gặp người yêu. Nào ngờ... Nấn ná lại thủ đô tới tận 30 Tết mới về quê, nhưng trước khi tiễn tôi ra bến xe, Thanh, người yêu tôi vẫn sụt sùi: "Nhanh thu xếp việc nhà ra với em...