Đi xa bảo toàn lợi ích
Trong chuyến thăm vừa kết thúc hôm qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công khai ủng hộ Anh tiếp tục là thành viên EU.
Thủ tướng Anh David Cameron (trái) tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại London ngày 5.5.2016Reuters
Cũng như Tổng thống Mỹ Barack Obama trước đó, ông Abe cất công đi xa thể hiện sự hậu thuẫn chính trị dành cho cá nhân Thủ tướng Anh David Cameron trong canh bạc mạo hiểm này.
Bản thân chủ trương không ly khai EU nhưng ông Cameron vẫn quyết định cho tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 23.6 về việc có ở lại với EU hay không. Nếu cử tri Anh không quyết định rời EU thì vị thủ tướng này sẽ thắng lớn khi vừa thể hiện coi trọng ý nguyện nhân dân, giành được sự ủng hộ của cử tri vừa bẻ gãy sự chống đối của những lực lượng dân tộc chủ nghĩa và trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền. Nhưng nếu kết quả ngược lại thì ông Cameron sẽ không còn tương lai chính trị gì nữa ở Anh.
Thủ tướng Abe thăm Anh trong tư cách người đứng đầu chính phủ Nhật lẫn chủ tịch đương nhiệm của G7. Vì thế, việc ông Abe ủng hộ ông Cameron còn hàm ý cả thái độ chung của nhóm này.
Cả Tổng thống Mỹ lẫn Thủ tướng Nhật đều đi Anh để bàn chuyện của người Anh. Khác với ông Obama, ông Abe không phải lo nguy cơ lợi bất cập hại và phản tác dụng khi công khai thể hiện quan điểm trong vấn đề này. London không quan trọng với Tokyo như với Washington, nhưng cả Nhật và Mỹ đều có lợi ích lâu dài và không khác biệt cơ bản nếu Anh tiếp tục là thành viên EU. Cho nên cả hai mới tìm cách tác động trực tiếp tới tâm lý cử tri Anh. Họ đi xa bàn chuyện người để bảo toàn chính lợi ích ấy.
Video đang HOT
La Phù
Theo Thanhnien
Tổng thống Obama cảnh báo Anh không nên rời khỏi EU
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 22.4 cảnh báo nếu Anh rời khỏi Liên minh châu Âu thì London sẽ phải "xếp hàng phía sau" nếu muốn ký kết các thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại thủ đô London - Ảnh: Reuters
Tổng thống Obama đưa ra cảnh báo trong buổi họp báo chung với Thủ tướng Anh David Cameron, trước khi Anh tiến hành bỏ phiếu trưng cầu dân ý (do ông Cameron khởi xướng) ngày 23.6 về việc Anh rời khỏi EU, theo AFP.
Khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu Anh bỏ phiếu rời khỏi EU, Tổng thống Obama nói "có lẽ vào một thời điểm nào đó" Anh có thể đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ, nhưng điều này "không thể xảy ra sớm".
"Anh sẽ phải xếp hàng ở phía sau", bởi vì Washington ưu tiên ký kết thỏa thuận thương mại với khối lớn hơn như EU, hơn là một nước Anh riêng lẻ, ông Obama nói.
Ông Obama đồng thời ca ngợi "mối quan hệ đặc biệt" giữa Anh và Mỹ và bác bỏ những chỉ trích cho rằng ông can dự vào vấn đề nội bộ của London.
Về phần mình, Thủ tướng Cameron cho hay Anh nên lắng nghe những người bạn và ông không thể nghĩ ra bất kỳ đồng minh thân cận nào của London muốn Anh rời khỏi EU.
Trong bài viết đăng trên tờ The Daily Telegraph (Anh) trước thềm chuyến thăm Anh bốn ngày, ông Obama viết rằng sức ảnh hưởng của Anh trên thế giới sẽ "được mở rộng" nếu Anh vẫn là thành viên của EU.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron trong buổi họp báo chung tại thủ đô London, Anh Reuters
Những nhà vận động chống EU, như thị trưởng London Boris Johnson, đã lên tiếng chỉ trích phát ngôn của ông Obama là "đạo đức giả".
Lãnh đạo đảng Độc lập Anh Nigel Farage cũng chỉ trích ông Obama, cho biết "thỏa thuận thương mại tất nhiên là phục vụ lợi ích các quốc gia liên quan" chứ không liên quan đến việc Anh có là thành viên của EU hay không.
Giáo sư Richard Whitman, chuyên ngành chính trị và quan hệ quốc tế thuộc Đại học Kent (Anh), nhận định ông Obama rõ ràng đưa ra lời kêu gọi "rất mạnh mẽ và chân thật" về việc Anh nên ở lại EU.
Một cuộc khảo sát của kênh truyền hình Sky News (Anh) cho hay 57% dân Anh cho hay việc Obama can thiệp vào vấn đề nội bộ Anh sẽ không ảnh hưởng đến việc bỏ phiếu của họ.
Reuters dẫn lại kết quả các cuộc khảo sát dân ý gần đây cho thấy người dân Anh vẫn còn chia rẽ, nhiều người lưỡng lự chưa thể quyết định.
Vào tháng 11.2015, Thủ tướng Anh David Cameron cảnh báo Anh có thể rời khỏi EU nếu EU không cải tổ theo những yêu cầu của Anh.
Trong thư gửi chủ tịch EU, ông Cameron đưa ra 4 lĩnh vực lớn yêu cầu EU cải tổ: người di cư đến EU phải cống hiến trong vòng 4 năm mới được đòi hỏi các quyền lợi, đảm bảo công bằng giữa các quốc gia thành viên EU tham gia và không tham gia khối đồng tiền chung euro (Eurozone), yêu cầu EU trao cho Anh quyền không tham gia bản tuyên bố thắt chặt quan hệ trong khối, và EU phải cho phép Quốc hội những nước thành viên có quyền cùng họp bàn để phản đối những dự luật mới.
Anh gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu vào năm 1973, và khi EU được thành lập năm 1993, thì Cộng đồng Kinh tế châu Âu biến đổi thành Cộng đồng châu Âu, trở thành một trong 3 trụ cột của EU. Nhưng Anh không dùng đồng euro khi đồng tiền chung của EU được đưa vào sử dụng vào năm 2002.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Tổng thống Mỹ B.Obama thăm Anh: Ngăn chặn kịch bản Brexit Bên cạnh các vấn đề kinh tế toàn cầu, cuộc chiến chống khủng bố, nhiệm vụ lớn nhất trong chuyến thăm Xứ sở sương mù của Tổng thống Mỹ Barack Obama là thuyết phục Thủ tướng David Cameron gia tăng những nỗ lực để ngăn chặn kịch bản nước Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn được gọi là Brexit....