Dị ứng thức ăn có thể gây tử vong?
Mấy ngày qua dư luận xôn sao việc một bệnh nhân sau khi ăn hải sản, thịt bò, bánh tránh trộn, uống trà sữa… bị nổi mẩn, ngứa phải nhập viện cấp cứu và tử vong do sốc phản vệ.
Mọi người đều có thể bị dị ứng thức ăn ít nhất là một lần trong đời
ẢNH: DUY TÍNH
Bệnh viện và các cơ quan chức năng đang làm rõ nguyên nhân tử vong của bệnh nhân là tử vong do sốc phản vệ thức ăn hay sốc thuốc cấp cứu.
Bài viết này không bàn về chuyên môn, mà chỉ cung cấp cho bạn đọc thông tin về vấn đề sốc do dị ứng thức ăn hay không dung nạp thức ăn, các dấu hiệu nhận biết nó và cấp cứu ra sao… Đặc biệt, trong những ngày nghỉ lễ, mọi người thường hay tụ họp ăn uống nên có lẽ cần biết những thông tin này để phòng ngừa.
TS- BS Bùi Minh Trạng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115(TP.HCM), cho biết trong cuộc sống, vào một thời điểm nào đó ai cũng có khả năng bị phản ứng với một loại thức ăn, nhưng trong phần lớn các trường hợp thì đó là sự không dung nạp thức ăn chứ không phải phản ứng dị ứng thật sự.
Các triệu chứng của dị ứng và không dung nạp thực phẩm giống nhau nhưng tình trạng dị ứng thì nguy hiểm hơn, nặng nề hơn. Thường thì người ta chỉ nói chung chung là không hợp với thức ăn này hay thức ăn kia mà không để ý là bị dị ứng hay không dung nạp thực phẩm. Người bị dị ứng với thực phẩm thường có nguy cơ cao bị đe dọa tính mạng, phải tự nhận biết và chuẩn bị sẵn sàng để đối phó khi xảy ra.
Phân biệt, nhận biết giữa dị ứng và không dung nạp thức ăn
Theo TS-BS Trạng, phần lớn mọi người đều bị ảnh ưởng bởi dị ứng thực phẩm hoặc không dung nạp thực phẩm trong một số giai đoạn của cuộc sống. Mọi người cũng không ai muốn gặp phản ứng này và rất muốn biết thực phẩm nào gây ra dị ứng cho mình. Điều may mắn là dị ứng thực phẩm hiếm khi xảy ra và chỉ khoảng 2% dân số nói chung bị phản ứng dị ứng với một hoặc vài loại thực phẩm.
Nhiều người nói rằng họ bị dị ứng với vài chất nhưng thực tế chỉ là sự nhạy cảm hoặc không dung nạp. Có sự khác nhau giữa dị ứng và sự nhạy cảm hoặc không dung nạp thực phẩm tùy theo cách mà cơ thể chúng ta phản ứng lại với các chất lạ. Sự dị ứng liên quan đến hệ thống miễn dịch, ngược lại trong trường hợp nhạy cảm hoặc không dung nạp thì phản ứng khởi phát chính ở hệ thống đường tiêu hóa.
Phản ứng dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận diện một protein trong thức ăn, xem như một vật lạ xâm nhập và đáp ứng bằng một phản ứng liên quan đến miễn dịch. Loại thường gặp nhất là phản ứng liên quan đến Immunoglobulin E (IgE) theo sau sự giải phóng các hóa chất như histamin từ đại thực bào.
Video đang HOT
Trong trường hợp nặng thì phản ứng dị ứng gây ra phản ứng phản vệ làm hạ huyết áp và co thắt đường thở, tình trạng này sẽ gây tử vong nếu không được xử lý kịp thời. Phản ứng phản vệ có thể được điều trị với thuốc tiêm epinephrine
Dấu hiệu dị ứng thực phẩm và không dung nạp thực phẩm
Theo TS-BS Trạng, dị ứng thực phẩm hường xảy ra nhanh, đột ngột khi mới chỉ ăn vào cơ thể một lượng nhỏ và xảy ra mỗi khi ăn thực phẩm đó. Nó có thể đe dọa đến tính mạng.
Còn không dung nạp thực phẩm thường xảy ra từ từ khi ăn một lượng lớn thực phẩm. Có thể chỉ xảy ra nếu ăn thực phẩm đó thường xuyên và không nguy hiểm tính mạng.
Triệu chứng giống nhau giữa dị ứng và không dung nạp thực phẩm: buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, ói mửa.
Triệu chứng phân biệt: khi thức ăn kích thích dạ dày hoặc cơ thể không thể tiêu hóa được thì nó không dung nạp. Người ăn sẽ gặp một số triệu chứng sau: đầy hơi, chuột rút, nặng ngực, đau đầu, kích thích hoặc lo lắng.
Phản ứng dị ứng thức ăn xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng với thức ăn đó một cách quá mức, nó gây tác động toàn cơ thể không chỉ ở đường tiêu hóa, triệu chứng gồm: nổi mẩn, phát ban, ngứa, thở nông, đau ngực, đột ngột giảm huyết áp, nuốt khó hoặc khó thở… cần phải được cấp cứu ngay.
Hải sản cũng là nhóm thực phẩm dễ gây dị ứng ẢNH: DUY TÍNH
Nhận biết thực phẩm gây dị ứng và xử lý cấp cứu nếu mắc phải
Phần lớn tình trạng dị ứng là từ 8 nhóm thực phẩm sau: đậu phộng; hạt cây (quả óc chó, hồ đào, quả hạnh); cá; sò, tôm, cua; sữa; trứng; đậu nành; lúa mì.
Xử lý tình huống bị dị ứng hoặc không dung nạp thực phẩm ra sao?
Theo TS-BS Trạng, nếu bạn bị dị ứng hoặc không dung nạp loại thức ăn nào thì cần phải ngưng ngay việc sử dụng thức ăn đó. Người không dung nạp lactose thì phải tìm sữa không lactose để dùng hoặc bổ sung men lactase.
Với dị ứng thức ăn có thể xảy ra phản ứng phản vệ, một phản ứng nguy hiểm tính mạng, bạn cần phải trao đổi với bác sĩ để được trang bị bút Epi (chứa epinephrine) để tự cấp cứu cho mình khi triệu chứng xảy ra. Thường người có tiền sử dị ứng nặng với thực phẩm luôn mang theo bên người 2 cây bút Epi. Người bệnh phải luôn nhớ rõ loại thực phẩm nào gây ra dị ứng hoặc không dung nạp để tránh. Phải đọc kỹ nhãn của các loại thực phẩm đóng bao bì để xem có chứa chất mình bị dị ứng hoặc không dung nạp hay không. Khi đến nơi nào ăn uống, cần phải hỏi người phục vụ chuẩn bị thức ăn về thông tin các chất mà mình có thể dị ứng hoặc không dung nạp.
Dị ứng với chất bảo quản thức ăn
Theo TS-BS Trạng, cách đây nhiều thế kỷ, Romans đã khám phá ra chất sulphite (dùng bảo quản thức ăn). Sulphite sẽ giải phóng chất khí sulphur dioxide, nó gây ra tình trạng kích ứng đường hô hấp và co thắt. Có ít hơn 2% dân số được cho là nhạy cảm với sulphite nhưng ở người bị hen suyễn thì tỉ lệ này cao hơn (5 – 13%).Tại Anh, sulphite được xem như chất dị ứng tiềm tàng và phải được ghi trên nhãn thực phẩm hoặc thức uống nếu có chứa trong thành phần. Ở Nam Phi, sulphur dioxide thường được dùng trong bảo quản trái cây khô. Sulphite cũng được dùng rộng rãi trong rượu vang, bia và thức uống có cồn. Thuốc và mỹ phẩm cũng có chứa sulphite.Những loại thực thẩm thường chứa sulphite bao gồm: các loại bánh, nước trái cây, nước uống và rau quả đóng hộp, dưa món, khoai tây chiên… Các loại sulphite thường được đưa vào thực phẩm: sulphur dioxide, potassium bisulphate, potassium metabisulphate, sodium bisulphite, sodium dithionite, sodium metabisulphite, sodium sulphite and sulphurous acid.Một nghiên cứu năm 2009 về tác động lâm sàng của chất bảo quản sulphite cho thấy có rất nhiều triệu chứng: viêm da, nổi mề đay, nổi mẩn đỏ, giảm huyết áp, đau bụng, tiêu chảy, phản ứng suyễn (phần lớn các nghiên cứu tường trình tỉ lệ 3-10% sự nhạy cảm trong nhóm người bị hen suyễn sau khi ăn thực phẩm chứa sulphite) và phản ứng phản vệ. Theo các chuyên gia thì ngoài triệu chứng cấp tính biểu hiện, sulphite còn có thể gây tác động lâu dài như tình trạng bệnh mãn ở ngoài da và hệ hô hấp. Có một số giả thuyết đặt ra nhưng vẫn chưa rõ ràng khi xác định nguyên nhân thật sự của sự nhạy cảm sulphate là gì…
Theo thanhnien.vn
Vụ 'bệnh nhân chết sau 3 mũi chích': Sở Y tế TP.HCM yêu cầu bệnh viện báo cáo
Ngay sau khi Tuổi Trẻ Online phản ánh trường hợp "nữ bệnh nhân chết bất thường sau khi chích thuốc chữa dị ứng", Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu bệnh viện An Sinh khẩn trương báo cáo.
Người nhà của chị T. đau lòng khi nhắc đến cái chết của chị sau khi vào bệnh viện khám vì ngứa, nổi mề đay - Ảnh: HOÀNG LỘC
Ngày 22-4, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã yêu cầu bệnh viện An Sinh (P.12, Q.Phú Nhuận) khẩn trương báo cáo nhanh về chẩn đoán và điều trị của bệnh viện đối với bệnh nhân L.N.T (30 tuổi, ngụ Q.9), người điều trị ngứa tại bệnh viện này bị tử vong sau 3 mũi chích.
Theo Sở Y tế, sau khi thu thập thông tin qua báo cáo của bệnh viện Nhân Dân 115 và bệnh viện An Sinh, đơn vị sẽ ra quyết định thành lập hội đồng chuyên môn và tổ chức họp để xác định nguyên nhân tử vong của bệnh nhân.
Kết quả xét nghiệm tầm soát chất độc trong máu và nước tiểu của Trung tâm Pháp Y TP khẳng định có sự hiện diện của hai biệt dược gồm Chlorphenamine (giảm ngứa) và diazepam (an thần) - Ảnh: HOÀNG LỘC
Sở Y tế cho biết ngày 20-4 đơn vị nhận được báo cáo nhanh của bệnh viện Nhân Dân 115 về trường hợp tử vong như Tuổi Trẻ Online đưa tin.
Theo báo cáo, bệnh nhân L. N. T được bệnh viện An Sinh chuyển đến bệnh viện Nhân Dân 115 trong tình trạng suy hô hấp, tuần hoàn. Sau khi cấp cứu, hồi sức, hỏi bệnh sử và thăm khám lâm sàng, bệnh viện chẩn đoán bệnh nhân bị ngưng hô hấp tuần hoàn, sốc phản vệ, tổn thương đa cơ quan, viêm phổi, phù phổi tổn thương.
Khi khai thác bệnh sử, bệnh viện ghi nhận trước khi nhập viện bệnh viện An Sinh một ngày, chị T., có ăn thịt bò, bánh tráng trộn, uống trà sữa. Sau đó, chị T., bị nổi mề đay khắp người, biểu hiện ngày càng tăng và đến bệnh viện để điều trị. Ngoài ra, bệnh viện cũng ghi nhận bệnh nhân có tiền sử dị ứng không rõ nguyên nhân.
Nhắc về sự ra đi đột ngột của em dâu chị Thanh không kìm được nước mắt - Ảnh: HOÀNG LỘC
Theo lời kể của người nhà người bệnh, sau tiêm 3 liều thuốc chị T., bị nôn ói, khó thở, trào bọt hồng qua miệng, ngưng hô hấp tuần hoàn và được bệnh viện An Sinh cấp cứu hồi sức tim phổi sau đó chuyển đến bệnh viện Nhân Dân 115.
Tại khoa hồi sức tích cực, chống độc của bệnh viện Nhân Dân 115 chị T., được các y bác sĩ điều trị hồi sức tích cực nội khoa theo hướng sốc phản vệ và đã hội chẩn với các bác sĩ khoa hồi sức tích cực,chống độc của Bệnh viện Chợ Rẫy. Tuy nhiên, bệnh diễn tiến nặng không hồi phục và tử vong.
Kết quả xét nghiệm tầm soát chất độc của Trung tâm Pháp Y TP khẳng định có sự hiện diện của hai biệt dược gồm Chlorphenamine (giảm ngứa) và diazepam (an thần) trong máu và nước tiểu của chị T.
Ngày 21-4, trao đổi với Tuổi Trẻ Online về vụ việc nêu trên, đại diện bệnh viện An Sinh cho biết có nghe báo cáo nguyên nhân sốc thuốc ban đầu là do cơ địa của bệnh nhân, có thể dị ứng do ăn phải cá biển.
Theo đại diện bệnh viện, chị T. vào bệnh viện bị dị ứng phù nề. Do đó, bệnh viện đã cứu bệnh nhân thoát khỏi dị ứng cấp và bệnh nhân đã tỉnh táo. Tuy nhiên, sau đó không hiểu vì sao lại rơi vào hôn mê.
"Bây giờ thông tin đang ngược nhau do đó phải làm việc để xác định, quan điểm của bệnh viện là đều cố gắng cứu chữa hết sức mình", đại diện bệnh viện nói. Về vấn đề chuyên môn, đại diện bệnh viện hẹn đầu tuần sẽ có trả lời chính thức.
Gia đình người bệnh tử vong cho biết, chị T., là nhân viên ngân hàng, có trình độ thạc sĩ. Gia đình chị T., có hai con, gồm con gái 3 tuổi và trai 1 tuổi.
"Loại thuốc bệnh viện tiêm là gì? Tại sao em tôi lại sốc thuốc tử vong? Gia đình tôi muốn được làm rõ để không còn những trường hợp đau lòng tương tự", đại diện gia đình chị T. đề nghị.
Theo tuoitre.vn
40% nam giới tuổi trung niên bị rối loạn cương dương Ngoài những nguyên nhân tâm lý, rối loạn cương được chứng minh bị chi phối bởi các bệnh lý khác. Khoảng 40% nam giới tuổi trung niên và trên 60% tuổi lão niên bị bệnh "trên bảo dưới không nghe". Thông tin trên được công bố trong hội nghị: "Giải pháp đột phá trong điều trị rối loạn cương dương" tổ chức tại...