Đi tìm số ca tử vong Covid-19 thực tế toàn cầu
Toàn cầu ghi nhận hơn 4,4 triệu ca tử vong vì Covid-19 nhưng một nghiên cứu gần đây đặt nghi ngờ về cách tính toán thiệt hại thực tế.
Theo báo cáo công bố hồi cuối tháng 6 của nhóm nghiên cứu Đại học Hebrew tại Israel, ước tính thực tế có tới 10 triệu ca tử vong trên toàn cầu do Covid-19, chứ không phải hơn 4,4 triệu ca như hiện nay.
Để tính toán số người chết ngoài thống kê, nhóm nghiên cứu so sánh tổng số người chết ở một quốc gia trong thời gian xảy ra một sự kiện như đại dịch với dữ liệu tử vong trung bình những năm trước. Họ xây dựng cơ sở dữ liệu gọi là Bộ Dữ liệu tử vong Covid-19, bao gồm thông tin về số ca tử vong do mọi nguyên nhân thu thập từ 103 quốc gia.
Chôn cất nạn nhân Covid-19 tại nghĩa trang ở Bekasi, Indonesia, ngày 6/8. Ảnh: AFP
Từ đó, họ phát hiện tại một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất như Peru, Ecuador, Bolivia và Mexico, con số tử vong thực tế cao hơn 50% so với dự kiến trong thời kỳ đại dịch. Còn những quốc gia như Australia và New Zealand, số ca tử vong lại ít hơn bình thường, có thể do ảnh hưởng của các biện pháp giãn cách xã hội đã làm giảm số ca tử vong của các bệnh truyền nhiễm khác như cúm.
Nhiều quốc gia báo cáo chính xác số ca tử vong do Covid-19 nhưng một số quốc gia lại báo cáo ít hơn. Số ca tử vong do Covid-19 thực tế ở những nước này nhiều hơn ít nhất 1,4 lần so với công bố, tương đương hơn một triệu ca tử vong.
Giáo sư Leo Yee Sin, giám đốc điều hành Trung tâm Quốc gia về bệnh truyền nhiễm Singapore, cho hay “con số tử vong vượt thống kê là một cách khác để đánh giá tác động thực sự của dịch bệnh mà không thể tranh cãi, rằng chết là chết, là hậu quả nghiêm trọng nhất”.
“Ngoài tìm hiểu đặc điểm và nguồn gốc của mầm bệnh, cần giải thích và áp dụng cách tính toán và số liệu này trong hoàn cảnh phù hợp”, Leo nói. “Số tử vong vượt mức phản ánh số ca chết do Covid-19 được ghi nhận, cũng như các trường hợp không được chẩn đoán và chết do nguyên nhân khác là hệ quả của Covid-19″.
Giáo sư John Middleton, chủ tịch Hiệp hội các trường y tế công khu vực châu Âu (Aspher), đã tổng kết những rủi ro của việc không thống kê đầy đủ số ca tử vong do Covid-19.
“Khi ta đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch, nó sẽ ảnh hưởng tới cách một quốc gia kiểm soát đại dịch”, đồng thời gây khó khăn cho việc xác định liệu chiến lược kiểm soát phù hợp, Middleton nói.
“Về cơ bản, mọi sinh mệnh, bao gồm người chết, đều rất quan trọng, thiếu thống kê chính xác con số thực tế là bất công với người chưa được thống kê”, Tarik Jasarevic, phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ.
Jasarevic cho rằng đảm bảo con số chính xác rất quan trọng để đánh giá thành bại của những phản ứng được đưa, đồng thời đóng vai trò then chốt trong việc phát triển các chiến lược giảm thiểu tử vong tùy từng hoàn cảnh và trong tương lai.
“Khi thế giới thúc đẩy tăng cường công bằng trong tiếp cận vaccine, nhu cầu phản ánh tác động của đại dịch bằng dữ liệu kịp thời và đáng tin cậy là rất quan trọng”, ông nói.
Tiến sĩ Henrique Lopes, điều phối viên khoa học của dự án nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng tại Đại học Công giáo Bồ Đào Nha, nhắc tới nước Nga như một ví dụ về khả năng kháng vaccine cao do số liệu Covid-19 không chính xác.
Video đang HOT
“Tôi đoán rằng khoảng 70% dân số Nga từ chối tiêm chủng. Khi người dân hiểu được mối đe dọa và lợi ích bảo vệ của vaccine, thì số lượng người tiêm sẽ bùng nổ. Khi bạn không cho người ta xem bức tranh toàn cảnh, thì họ khó mà hiểu được đầy đủ tình hình”, Lopes nói.
Ông cũng chỉ ra những tin tức giả đang lan truyền rộng rãi đã làm giảm tính quan trọng của chương trình trình vaccine là hậu quả từ việc tính toán thấp con số tử vong thực tế do Covid-19.
Số ca tử vong do Covid-19 ước tính thực tế tại một số quốc gia tính đến 19h ngày 22/8 theo dữ liệu tổng hợp của Straits Times. Đồ họa: Straits Times
Lopes cho hay số ca tử vong vượt mức trong đại dịch có thể do những nguyên nhân như không đủ năng lực xét nghiệm Covid-19, chi phí xét nghiệm cao ngăn cản người dân ở những nước nghèo hơn đi xét nghiệm, tử vong do bệnh khác ở những người không thể hoặc không muốn tới bệnh viện do quá tải và những vấn đề hành vi khác như lạm dụng chất kích thích hay bạo lực gia đình.
“Nếu con số tử vong chính thức ghi nhận khoảng 4 triệu, thì con số thực có lẽ khoảng 10 triệu”, Lopes nói.
Vậy làm thế nào để đánh giá chính xác số liệu về Covid-19. Theo giáo sư Leo, việc giám sát cả chủ động và bị động, thường được sử dụng để đánh giá tình hình và theo dõi một cách có hệ thống theo thời gian để quan sát xu hướng. Giám sát thụ động dựa vào báo cáo, còn giám sát chủ động dựa vào chủ động tìm kiếm thông tin.
Bà cho hay những quốc gia có thể đã tính thiếu con số tử vong như Ấn Độ nên thống kê nhờ kết hợp hai chiến lược. “Covid-19 có hàng loạt biểu hiện lâm sàng, từ không có triệu chứng tới bệnh nặng và tử vong. Giám sát thụ động dựa theo xét nghiệm và báo cáo lâm sàng, đa số ghi nhận những người có xét nghiệm. Vì vậy, về thực tế, phương pháp này ghi nhận được đa số ca nhiễm có triệu chứng”, bà giải thích.
“Tuy nhiên, giám sát chủ động có thể áp dụng vào xét nghiệm tỉ lệ nhiễm trên cụm dân cư trong thời điểm cố định, giúp ghi nhận đầy đủ các biểu hiện lâm sàng, bao gồm cả ca nhiễm không triệu chứng. Từ đó, người ta có thể ước tính tỷ lệ nhiễm chưa báo cáo”, bà nói.
COVID-19 tại ASEAN hết ngày 18/8: Toàn khối trên 195.000 ca tử vong; Malaysia ca mắc mới nhiều chưa từng thấy
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 18/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm trên 82.400 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 195.700 người.
Chôn cất thi thể bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Bekasi, Indonesia, ngày 8/8/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 9 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Myanmar, Philippines, Singapore, Timor Leste và Việt Nam. Đông Nam Á tiếp tục là điểm dịch nóng nhất châu Á.
Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại "quốc gia vạn đảo" ngày càng nghiêm trọng, số ca mắc mới và ca tử vong tiếp tục tăng mạnh trong nhiều ngày liên tiếp. Trong 1 ngày qua, Indonesia là nước có số ca tử vong và mắc mới cao nhất châu Á. Song số ca mắc mới tại nước này bắt đầu xu thế giảm dần so với mấy ngày trước đây.
Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Tuy nhiên, Philippines tiếp tục chứng kiến xu thế số ca mắc mới giảm, báo hiệu dịch có dấu hiệu chững lại ở quốc gia này. Trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận 161 ca tử vong.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 7/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Malaysia tình hình dịch bệnh đang ngày càng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động. Trong 24 giờ qua, Malaysia có số ca mắc mới cao nhất khu vực.
Ngày 18/8, số ca tử vong vì dịch bệnh tại Malaysia cũng ở mức đáng ngại với 225 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ tư trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia tiếp tục gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua số liệu ca mới và tử vong vì dịch COVID-19 tiếp tục ở mức cao, sau nhiều ngày không công bố số liệu dịch bệnh. Myanmar ngày 18/8 có tới 2.878 ca bệnh mới và 163 ca tử vong.
Người dân xếp hàng chờ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN
Thái Lan cũng là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch, lùi ngày mở cửa du lịch. "Xứ sở chùa Phật Ngọc" trong ngày 18/8 ghi nhận thêm trên 20.515 ca bệnh mới (nhiều thứ ba khu vực), trong khi số ca tử vong là 312 người.
Đã nhiều ngày liên tiếp Thái Lan ghi nhận ca mắc mới ở mốc trên 20.000 ca/ngày. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng mạnh, số ca tử vong cũng ở mức cao một cách đáng ngại. Thủ đô Bangkok tiếp tục bị áp lệnh giới nghiêm.
Campuchia dịch bệnh cũng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 593 bệnh nhân mới và 12 ca tử vong trong một ngày qua. Tuy nhiên, Campuchia đang dần đi qua giai đoạn đỉnh hịch và số ca mắc mới cũng như tử vong vì COVID-19 tại nước này đang tiếp đà thuyên giảm. Thủ đô Phnom Penh hiện là điểm dịch nặng nhất của Campuchia.
Singapore ngày 18/8 cũng ghi nhận 53 ca COVID-19 mới và 1 ca tử vong.
Khu vực điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 195.735 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 2.302 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 8.963.991 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 7.597.632 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 11/11 nước thành viên còn lại trong ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới.
Diễn biến dịch COVID-19 tại Đông Nam Á ngày 18/8:
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia, ngày 14/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Malaysia ghi nhận số ca mắc mới cao chưa từng thấy
Ngày 18/8, Malaysia thông báo ghi nhận thêm 22.242 ca mắc mới COVID-19 - mức cao nhất kể từ trước đến nay. Như vậy, cho đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 1.466.512 ca mắc COVID-19.
Trong số 13 bang, vùng lãnh thổ, 9 địa phương ghi nhận số ca mắc mới ở mức 4 chữ số và bang Selangor tiếp tục đứng đầu với 6.858 trường hợp. Bang miền Đông Sabah và bang công nghiệp miền Bắc Penang ghi nhận kỷ lục mới khi lần lượt có thêm 2.413 ca và 1.867 ca.
Trước đó, giới chức y tế Malaysia cảnh báo biến thể Delta đang chiếm ưu thế tại quốc gia Đông Nam Á này.
Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: THX/TTXVN
Campuchia nỗ lực tách riêng các ca nhiễm biến thể Delta
Ngày 18/8, Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Bộ Y tế nước này cho rằng cần xem tất cả lao động di cư về nước như các ca nhiễm biến thể Delta, vì vậy phải nâng cao cảnh giác tại các chốt an ninh và điểm kiểm tra y tế tại biên giới nhằm chia tách các ca nhiễm biến thể nguy hiểm này. Tất cả các mẫu xét nghiệm phải gửi về Viện Pasteur để kiểm tra biến thể Delta.
Tại Phnom Penh, từ nhiều ngày nay, chính quyền thủ đô liên tục phong tỏa các khu vực có ca nhiễm biến thể Delta. Ngày 18/8, thêm hai khu vực tại Phnom Penh bị phong tỏa trong 14 ngày là khu nhà Usanna thuộc làng Samrong Teav và Prey Moul, phường Kraing Thnong, quận Sen Sok.
Phát biểu tại buổi lễ phát động chiến dịch quốc gia ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan diễn ra đầu tuần này, người phát ngôn Bộ Y tế đồng thời là người đứng đầu Ủy ban quốc gia về tiêm phòng COVID-19 của Campuchia, Or Vandine, cho rằng việc tiêm mũi thứ 3 vaccine ngừa COVID-19 không phải là "tấm khiên" bảo vệ người dân hoàn toàn khỏi dịch bệnh, nếu không tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng dịch khác.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Yala, Thái Lan ngày 28/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Số ca tử vong vì COVID-19 tại Thái Lan tăng cao
Tại Thái Lan, số người tử vong do COVID-19 theo ngày tại Thái Lan lần đầu tiên vượt ngưỡng 300 ca, với 312 trường hợp được ghi nhận sáng 18/8, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi từ đầu dịch tới nay lên 8.285 người.
Cùng ngày, Bộ Y tế Thái Lan thông báo nước này có thêm 20.515 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc từ trước tới nay lên 968.957 ca, trong đó có 753.119 bệnh nhân đã bình phục.
Trước đó, Nội các Thái Lan ngày 17/8 đã thông qua ngân sách 9,3 tỷ baht (280 triệu USD) để chi trả cho hợp đồng mới ký mua 20 triệu liều vaccine của Pfizer, đồng thời xem xét đề xuất mua thêm 10 triệu liều vaccine cũng của hãng này.
Phát biểu sau cuộc họp Nội các, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết các dự án mua sắm nói trên là một phần trong kế hoạch mua tổng cộng 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của Thái Lan vào cuối năm nay.
Mai táng các bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bekasi, Indonesia, ngày 10/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia Nadiem Makarim cho biết ưu tiên hàng đầu hiện nay của chính phủ là đưa học sinh quay lại học trực tiếp tại trường sau gần 1 năm rưỡi phải học trực tuyến do dịch COVID-19.
Phát biểu tại một hội thảo trực tuyến, Bộ trưởng Nadiem cho rằng nỗ lực trên nhằm giảm thiểu tình trạng giáo dục tụt hậu do học tập từ xa, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu đưa trẻ em quay trở lại trường học một cách an toàn nhất với các giao thức y tế.
Ông đánh giá rằng việc dạy và học trực tuyến trong đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến năng lực lẫn tâm lý của học sinh và điều này không chỉ ở Indonesia mà tại hầu hết các nước trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hiện Bộ Giáo dục Indonesia vẫn chưa thể xác định hoặc đo lường mức độ ảnh hưởng này.
COVID-19 tại ASEAN hết 15/8: Thái Lan vượt Indonesia ca mắc mới; Philippines phát hiện biến thể Lambda Trong ngày 15/8, các nước ASEAN ghi nhận thêm trên 91.000 ca nhiễm mới và trên 2.500 ca tử vong. Thái Lan đã vượt Indonesia về ca nhiễm mới, trong khi Philippines phát hiện ca nhiễm biến thể Lambda đầu tiên. Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tới nhà xác bệnh viện Thammasat ở tỉnh Pathum Thani, Thái Lan...