‘Đi tìm Phong’: Góc nhìn rất đỗi chân thực về người chuyển giới
Bộ phim tài liệu “Đi tìm Phong” theo chân nhân vật Lê Ánh Phong trong hành trình tìm kiếm và thay đổi bản thân, qua đó mang đến cái nhìn gần gũi về một đề tài không còn quá mới lạ.
Trailer bộ phim ‘Đi tìm Phong’ Tác phẩm tài liệu về nhân vật chuyển giới Lê Ánh Phong.
Thể loại: Tài liệu
Đạo diễn: Trần Phương Thảo, Swann Dubus
Nhân vật chính: Lê Ánh Phong
Zing.vn đánh giá: 9/10
Đi tìm Phong là bộ phim tài liệu về cô gái chuyển giới nổi tiếng Lê Ánh Phong.
Đi tìm Phong (tựa Anh: Finding Phong) là hành trình định hình và theo đuổi bản ngã của Phong – chàng trai 27 tuổi, sinh ra và lớn lên ở thành phố Quảng Ngãi.
Nhận ra rằng mình là người phụ nữ bị nhốt trong cơ thể đàn ông, Phong đã phải đấu tranh với bản thân, với gia đình, để có thể bắt đầu cuộc lột xác về mặt tâm hồn và thể xác.
Với thứ ngôn ngữ điện ảnh đầy tính chân thực và xen lẫn ngọt bùi, cuốn phim tài liệu Đi tìm Phong muốn mang đến cái nhìn đa chiều và gần gũi về cá nhân Phong, hay lớn hơn là cộng đồng LGBT đến cho khán giả.
Những thước phim đầu tiên của Đi tìm Phong được quay bởi chính nhân vật Lê Ánh Phong. Đó là căn phòng trọ của anh vào đêm giao thừa. Góc máy rất đỗi vụng về, hướng về phía bầu trời đêm đang được thắp sáng bởi những tia pháo hoa nổ đì đoàng. Thế rồi, giọng của Phong bắt đầu cất lên, buông những lời tâm sự đầy cô đơn.
Nửa đầu Đi tìm Phong toàn là những lời tâm sự giống như thế, đến từ tấm lòng của Phong và được anh dành cho mẹ mình. Mỗi cảnh quay đều bắt đầu bằng câu nói “Má ơi…” thân thương mà cũng đượm nỗi buồn.
Câu chuyện của Phong mang tính phổ quát rất cao đối với cộng đồng LGBT.
Trong chuyến hành trình đầy gian khó ấy, khi vẫn còn bị giằng xé giữa mong muốn thay đổi thân phận và cảm giác tội lỗi với gia đình, những tâm sự buồn của Phong đều được bày tỏ qua những cảnh tự quay.
Sau chuyến đi tới Bangkok, Thái Lan để tư vấn với bác sỹ, Phong trở nên vững tin và quyết tâm hơn với mong muốn thay đổi của bản thân. Tuy nhiên, anh vẫn phải tiếp tục đối diện với nhiều câu hỏi khác. Liệu Phong có thể thực sự trở thành người mà bản thân mong muốn? Và con người mới của Phong phải như thế nào thì mới được xã hội chấp nhận?
Đó là những câu hỏi không chỉ Phong, mà rất nhiều cá nhân khác trong cộng đồng LGBT phải đối mặt trước những quyết định có thể thay đổi cả cuộc đời họ và những người xung quanh.
Cái nhìn toàn diện và chân thật
Chuyến đi Bangkok đầu tiên đánh dấu sự thay đổi về mặt tâm lý và cơ thể của Phong, cũng như bầu không khí chung của toàn bộ tác phẩm. Từ đây, Đi tìm Phong không chỉ còn là cuốn nhật ký tự sự, mà còn được tô điểm thêm nhiều màu sắc khác.
Khán giả bắt đầu có cơ hội chứng kiến thêm những mối quan hệ xã hội của Phong. Bên cạnh chuyện tình cảm là mối quan hệ bạn bè, như cô nàng Hường “béo” hết sức vui nhộn; hay mối quan hệ gia đình, như với chị gái Trâm – người luôn đồng hành và động viên tinh thần Phong dù bản thân còn chưa hoàn toàn quen với con người mới của em trai thuở nào.
Toàn bộ Finding Phong rất nhẹ nhàng, nhưng để lại nhiều suy nghĩ cho khán giả sau khi theo dõi.
Không chỉ Trâm, cả gia đình Phong vẫn ở đó, luôn luôn lắng nghe, và để Phong làm điều mình thích, bằng cách này hay cách khác. Nhưng cùng lúc đó, họ cũng đang phải tự an ủi bản thân về một sự “mất mát” nào đó.
Cũng từ những cuộc trò chuyện chân thực mà nhiều lớp tính cách khác của Phong cũng bắt đầu hiện ra, thay vì hình ảnh do chính nhân vật tạo ra ở nửa đầu phim. Phong nhờ đó mà dần trở nên gần gũi hơn, như một người bạn hồn nhiên, vô cùng đáng yêu mà cũng nhiều tâm sự.
Nhìn chung, Đi tìm Phong là câu chuyện mang đậm tính riêng tư, nhưng lại vô cùng gần gũi, dễ tạo ra sự đồng cảm sâu sắc nơi người xem. Nhân vật thú vị, kỹ thuật làm phim phù hợp, cách tiếp cận đa chiều và tình cảm, bộ phim mang đến một lớp ý nghĩa mới cho chủ đề chuyển giới tưởng như không còn mới mẻ.
Cũng chính sự tử tế và nhân văn đã giúp Đi tìm Phong trở nên vô cùng đáng trân trọng.
Phim sẽ được trình chiếu dưới dạng hạn chế tại một số thành phố lớn trong thời gian tới.
Theo zing.vn
'Đi tìm Phong'- hành trình tìm lại bản thân
Bộ phim tài liệu dài 92 phút của cặp vợ chồng đạo diễn Trần Phương Thảo và Swann Dubus sau 4 năm "đi vòng quanh thế giới" để gặt hái nhiều giải thưởng tại các LHP Quốc tế, "Finding Phong" (Đi tìm Phong) đã chính thức được công chiếu tại Việt Nam từ đầu tháng 10.
Đạo diễn Trần Phương Thảo, Swann Dubus và Phong.
Bộ phim nói về một đề tài tưởng rất quen mà vô cùng xa lạ, đó là hành trình tìm kiếm lại thân xác mình, qua con đường "chuyển giới" của một chàng trai trẻ sinh năm 1988.
Trước khi chuyển giới, Phong với khuôn mặt đặc trưng nam tính cùng những nét góc cạnh trên khuôn mặt xương xương với cái tên đầy đủ cũng rất mạnh mẽ Lê Quốc Phong, là con út trong gia đình có 7 anh chị em ở Quảng Ngãi. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, Phong làm việc tại Nhà hát Múa rối Thăng Long.
Hình ảnh một thanh niên ngồi cô đơn trong căn phòng tối, trong ánh sáng le lói, ngồi giữa những con rối cũ kĩ, mốc thếch và lạnh lẽo, tỉ mẩn tô lại vệt son đỏ trên môi chú tễu, mới cảm thấy hết sự hoang vắng và trống rỗng. Hành trình đi tìm lại bản thân, bắt đầu từ những mâu thuẫn nảy sinh trong đầu Phong khi đến một ngày anh chợt nhận ra, mình khác biệt khi không dành mối quan tâm cho phụ nữ, mà lại có cảm xúc với đàn ông.
Ở nơi mà những quan niệm mộc mạc chân phương về gia đình, về trách nhiệm của người đàn ông, về những đứa con ăn sâu vào đầu óc mỗi người... thì tưởng ẩn bên trong thân hình nam tính kia là một tâm hồn phụ nữ yếu đuối lại dám vượt qua thị phi, cùng những giọt nước mắt đau đớn của mẹ, để đi tìm lại mình.
Hành trình tìm kiếm ở đây, không chỉ là cuộc chiến đấu lựa chọn khốc liệt, mà còn phải dấn thân cho việc chuyển đổi hoocmon, phẫu thuật kéo dài, chấp nhận rút ngắn tuổi thọ. Không có gì khó khăn hơn khi phải buộc bản thân làm trái lại với số phận tự nhiên, biết bỏ qua miệng tiếng người đời, để có được cơ thể nữ.
"Đi tìm Phong" dễ liên tưởng tới bộ phim tài liệu "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng", của đạo diễn Trần Thị Thắm, kể về hành trình nhiều bi kịch của người chuyển giới trong một đoàn hát Nam Bộ. Sau khi có một số giải thưởng tại các LHP Quốc tế, "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" đã được chiếu trong các rạp tại Việt Nam, và đạt được doanh thu cũng như giải Cánh diều vàng 2013.
Năm 2014, Nữ đạo diễn Trần Phương Thảo sinh năm 1977, người từng tham gia đồng hành trong quá trình làm phim "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng", đã làm một bộ phim về chuyển giới cho cá nhân mình, và cũng đi vào chi tiết với một nhân vật. Trần Phương Thảo là cử nhân Đại học Ngoại thương Hà Nội; cử nhân Viện Nghiên cứu khoa học chính trị Paris - Pháp, chuyên ngành truyền thông - báo chí; cao học chuyên ngành đạo diễn phim tài liệu sáng tác tại Đại học công Poitiers. Sau khi trở về Việt nam, Thảo tham gia tích cực vào các trại sáng tác Tài liệu hiện thực Varan.
Trong khuôn khổ hoạt động này, cô thực hiện bộ phim tài liệu đầu tay "Giấc mơ là công nhân" - năm 2006". Trong suốt 10 năm qua, cô cùng với chồng mình là đạo diễn Swann Dubus đã tìm kiếm khai thác nhiều vấn đề tâm lý tồn tại trong xã hội Việt Nam, theo một cách kể gần gũi, đi sâu vào chi tiết. Những bộ phim trước đó mà đạo diễn Trần Phương Thảo đã làm: "Giấc mơ là công nhân" (Dream's workers) năm 2007; "Trong hay ngoài tay em" (With or without me) năm 2011 (đồng đạo diễn Swann Dubus).
Đạo diễn Swann Dubus, sinh năm 1977, quốc tịch Pháp, là một thạc sĩ về Ngôn ngữ và Văn học hiện đại. Ngoài ra anh còn có bằng tiến sĩ về Nghiên cứu Phim tại Đại học Paris III. Đến năm 2000, Swann Dubus tập trung vào việc viết kịch bản phim, đạo diễn, quay và dựng phim tài liệu tại châu Á, châu Âu và châu Phi. Đến năm 2007, anh chuyển đến Việt Nam sinh sống và làm việc, hợp tác cùng đạo diễn Trần Phương Thảo.
Bộ phim "Đi tìm Phong" của hai đạo diễn Trần Phương Thảo và Swann Dubus đằng đẵng những nước mắt và đau đớn từ thể xác lẫn tinh thần của nhân vật chính tên Phong. Mà rốt cuộc sự chuyển biến ấy, là để thỏa mãn nhục dục với những người đàn ông khác với bộ dạng của nữ giới. Phong vừa lo lắng, vừa sợ hãi lại vừa thích thú khi dấn sâu vào "trò chơi" với cảm xúc tình ái, dù anh từ chối "quan hệ" khi cơ thể của mình chưa phải là nữ, và bản thân cũng rất khó khăn khi thú nhận rằng mình là người chuyển giới.
Bộ phim chân thực và không tránh né những ẩn khuất xáo trộn tâm lý trong của nhân vật chính, thái độ tiếp nhận câu chuyện "chuyển giới" với người thân trong gia đình và bạn bè của Phong. Có một số cảnh nhân vật tự quay phim, tự độc thoại với mình. Nước mắt, uất nghẹn... để thêm quyết tâm cho việc phải phẫu thuật. Hình ảnh Phong vào phòng mổ, bị gây mê, rồi được chuyển ra với đủ thứ dây dợ... thực sự ám ảnh. Người lo lắng cho anh hơn cả, vẫn là anh chị cùng chung dòng máu ruột thịt.
Đầu bộ phim là một thanh niên trai trẻ và cuối bộ phim là hình ảnh một phụ nữ tóc dài, thướt tha trong bộ váy, nhưng thân thể dù cố mềm mại mà vẫn còn vụng về lóng ngóng với bước đi vẫn còn phảng phất tính nam trong đó. Có dễ nhận ra đó là một phụ nữ chuyển giới không? Đó là câu hỏi sẽ còn vương vấn trong Phong.
Và với thân thể này, trải qua đủ cay đắng triền miên, Phong có tìm thấy hạnh phúc không? Là câu hỏi của bất kể ai ngồi trong khán phòng xem bộ phim tài liệu này
Theo daidoanket.vn
Phim về người chuyển giới "Finding Phong" tìm đường đến với khán giả NSƯT Hồng Ánh quyết định đồng hành cùng "Find Phong", định hướng và tìm lối đi cho bộ phim tài liệu về người chuyển giới ở Việt Nam. "Finding Phong" ("Đi tìm Phong") là tên gọi bộ phim tài liệu ghi lại chân thực câu chuyện về cuộc hành trình chuyển giới và tìm lại chính mình của một chàng trai. Những thước...