Đi tìm “chính mình” – Kỳ 3: Luật không theo kịp
TS Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp, Bộ Tư pháp – Ảnh Thái Sơn
Các cơ quan như Bộ Tư pháp, Bộ Y tế hiện nay đều lâm vào tình trạng lúng túng khi giải quyết những trường hợp như Cindy Thái Tài, “anh” Phạm Văn Hiệp hay anh Q. (Thừa Thiên-Huế)… Câu trả lời từ các cơ quan này mà Thanh Niên Online ghi nhận được cho thấy luật đã không còn theo kịp thực tế cuộc sống.
Nên xây dựng lại khái niệm
Trao đổi với phóng viên, TS Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính – Tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết ông vẫn giữ quan điểm như có lần từng phát biểu trong hội thảo dành cho người đồng tính, chuyển giới. Đó là phải xem xét lại các quy định để bảo vệ quyền lợi của nhóm yếu thế trong xã hội, trong đó có người chuyển giới.
TS Trần Thất cho rằng những nhà làm luật khi tiến hành xây dựng, sửa đổi luật Dân sự, luật Hộ tịch, luật Hôn nhân và gia đình tới đây cần chú ý, xem xét lại việc có nên bóc tách thành hai khái niệm “xác định lại giới tính” và “chuyển giới” hay không.
Ông Thất cho rằng chỉ tồn tại một khái niệm là “xác định lại giới tính” và cơ quan chức năng cần xem xét cho phép những người đã sang Thái Lan phẫu thuật hay điều trị trong nước được xác định lại hộ tịch.
Một cán bộ Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết người đồng tính, chuyển giới, song tính đáng được đảm bảo công bằng về quyền lợi trước pháp luật.
“Trên thế giới đã xuất hiện tình trạng chuyển đổi giới tính để vi phạm pháp luật, trốn chạy truy nã. Ai dám chắc nếu chúng ta chấp nhận chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính thì việc đó sẽ không xảy ra?”, vị cán bộ này đặt vấn đề.
Nhiều trường hợp đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính như Cindy Thái Tài vẫn chưa thể được công nhận chính thức – Ảnh: M.C
Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) cho biết: “Chúng tôi đã tiếp xúc với những người đã lập gia đình nhưng không thể nào đi đăng ký kết hôn, xin phép đăng ký kinh doanh, đi lại bằng máy bay, tàu hỏa,… bởi hình hài một đằng, thông tin trên giấy tờ tùy thân một nẻo”, ông Bình nói.
Nhiều người chuyển giới đã phẫu thuật (tự thực hiện chui ở trong nước hoặc sang Thái Lan) đến nay rất khó để tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tìm kiếm việc làm,… và cũng khiến công tác quản lý Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn.
Để góp phần giải quyết một phần vấn đề trên, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết đang tiến hành rà soát một số bệnh viện, cơ sở y tế trên khắp cả nước có đủ điều kiện xác định lại giới tính để trình Bộ Y tế phê duyệt trong thời gian sắp tới.
Phải sửa sớm, triệt để
Video đang HOT
Từ vụ việc cụ thể của “anh” Phạm Văn Hiệp, TS Trần Thất đã có cuộc trao đổi thẳng thắng với Thanh Niên Online về quan điểm của ông cũng như gợi ý cách giải quyết các trường hợp tương tự đang bị “ách lại”.
* Anh Hiệp sống 39 năm là con trai, nhưng trong suy nghĩ, khát khao của anh ấy luôn là con gái. Ông có nghĩ việc anh ấy sang Thái Lan thực chất là “xác định lại giới tính” chứ không phải “phẫu thuật chuyển đổi giới tính”?
- TS Trần Thất: Dân gian thì hiểu là một nhưng trong Bộ luật Dân sự thì dùng hai khái niệm khác nhau. Họ dùng khái niệm “xác định lại” có nghĩa là trước đây xác định sai giờ xác định lại cho đúng. Còn “chuyển đổi giới tính” thì hiểu rằng từ cái đúng này sang cái đúng kia. Trong Bộ luật Dân sự có nói về quyền của những người này nhưng bó hẹp quá. Những người như anh Hiệp được quyền thay đổi giới tính nhưng các điều kiện quá hẹp, quá cứng nhắc, không phù hợp với thực tiễn. Hiện nay các cơ quan liên quan cũng đang tiến hành sửa Bộ luật Dân sự nhưng đi vào vấn đề cụ thể như thế này thì cũng chưa bàn luận.
Tôi nghĩ rằng pháp luật đã cho phép người liên giới tính phẫu thuật, xác định lại giới tính thì cũng nên cho phép người chuyển giới phẫu thuật, thay đổi lại giới tính phù hợp tâm hồn mình
Ông Lê Quang Bình - Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE)
* Không chỉ người chuyển giới mà người đồng tính, song tính cũng thuộc nhóm yếu thế trong xã hội và đang rất cần được luật pháp bảo vệ quyền lợi?
- TS Trần Thất: Tôi rất hoan nghênh những đề xuất gần đây về việc phải đưa quy định bảo vệ nhóm người yếu thế vào Hiến pháp sắp tới. Hôm trước họp sửa đổi luật Hôn nhân gia đình vấn đề hôn nhân đồng giới cũng được nêu ra nhưng để thuyết phục được Quốc hội chắc sẽ còn mất thời gian. Riêng việc xác định lại giới tính thì tôi cho rằng có thể thuyết phục được, dễ hơn việc chấp nhận hôn nhân đồng tính. Luật Hộ tịch cũng có quy định liên quan, khi thay đổi cải chính giới tính.
* Qua những thông tin nắm được, ông có thấy nên giữ nguyên việc thay đổi hộ tịch của anh Phạm Văn Hiệp?
- TS Trần Thất: Tôi chưa xem cụ thể nhưng trên báo cáo của Sở Tư pháp Bình Phước chúng tôi có thể sẽ làm việc trực tiếp với anh Hiệp. Nếu thấy hợp lý thì sẽ chúng tôi sẽ kiến nghị giữ nguyên việc thay đổi hộ tịch đó để cuộc sống của anh ấy tốt hơn. Cái này trên quan điểm, như anh Nguyễn Bá Thanh từng nói ở Đà Nẵng: cái gì có lợi cho dân thì phải làm. Luật do mình đặt ra chứ còn ai đặt ra nữa.
* Nhưng làm thế có sợ trái Nghị định 88?
- TS Trần Thất: Cái gì quá trái thì không nói. Nhưng có những cái là thực tế, nghị định nào cũng phải phù hợp với thực tế. Pháp luật phải trên cơ sở thực tế, quy định cứng nhắc thì không thể bắt người dân sống phi thực tế để qua luật được.
* Với những trường hợp tương tự anh Hiệp, cũng đi phẫu thuật chuyển đổi giới tính về nhưng khó khăn trong việc xác định lại thông tin hộ tịch, ông có sẵn sàng giúp đỡ?
- TS Trần Thất: Thông qua các bạn, nếu trường hợp nào gặp khó khăn do địa phương không giải quyết, hãy bảo họ chụp hồ sơ gửi cho chúng tôi hoặc lãnh đạo Bộ Tư pháp để chúng tôi có cách giải quyết cụ thể.
* Xin cảm ơn ông!
Việc xác định lại giới tính là một quyền nhân thân được quy định tại Điều 36 Bộ luật Dân sự năm 2005 và sau đó được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định 88/2008 của Chính phủ về xác định lại giới tính, áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó chỉ áp dụng việc xác định lại giới tính đối với người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác, trên nguyên tắc bảo đảm mỗi người được sống theo đúng giới tính của mình.
Tiêu chuẩn y tế xác định khuyết tật bẩm sinh về giới tính gồm có: Nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ và lưỡng giới thật. Tuy nhiên tiêu chuẩn y tế xác định giới tính chưa được định hình chính xác: Nhiễm sắc thể giới tính có thể giống như trường hợp nữ lưỡng giới giả nam hoặc nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật nhưng bộ phận sinh dục chưa được biệt hóa hoàn toàn và không thể xác định chính xác là nam hay nữ.
Theo TNO
Đi tìm "chính mình" - Kỳ 2: Mặc dèm pha, vẫn lạc quan chờ đợi
Mong ước của những người chuyển giới như Cindy Thái Tài, Hương Giang Idol, nhà thiết kế Franky Nguyễn là hoàn toàn chính đáng. Thế nhưng, khi những quy định còn chưa được sát với thực tế cuộc sống thì những người chuyển giới vẫn phải chờ đợi và hi vọng về một sự thay đổi trong tương lai.
Phải đánh đổi
"Lúc mới chuyển giới tôi cũng run lắm chứ. Đi qua cửa khẩu, thấy gương mặt tôi không giống hình trên giấy tờ, mấy anh nhân viên ở đó cũng hỏi nhưng nhờ báo chí mà họ biết tôi, nên cũng không làm khó dễ gì. Những lần sau còn được ưu tiên nữa. Làm việc gì liên quan tới giấy tờ cũng vậy, người ta biết đến mình, có khi còn khen xinh gái nữa chứ không gây khó khăn gì", Cindy Thái Tài kể.
Là nhà thiết kế chuyển giới được nhắc đến nhiều trên báo chí trong thời gian gần đây, Franky Nguyễn cho biết: "Có lẽ vì quan niệm mình cứ cởi mở với mọi người thì mọi người sẽ cởi mở với mình nên dù giấy tờ chưa được thay đổi nhưng đi đến đâu, người ta cũng nhận ra và ưu ái cho tôi hơn. Vậy là vui rồi".
Franky Nguyễn cho biết: "Khi tỉnh lại sau cuộc phẫu thuật lớn, tôi đau đớn đến nỗi không có từ nào để diễn tả được. Thân thể bầm đen, tôi cũng phải tập đi lại từ đầu. Bạn thử tưởng tượng đi, cách đây 4 - 5 năm, tôi nặng 90 kg, là một thằng con trai khá to lớn, giờ thì sức khỏe của tôi đã giảm, sức đề kháng giảm nhiều".
Nhà thiết kế chuyển giới Franky Nguyễn - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Franky bảo bao lần cô đã mơ thấy mình được mặc áo cưới, được ký tên vào giấy kết hôn, rồi nhận được sự chúc phúc của mọi người. Niềm hạnh phúc đó không biết khi nào sẽ thực hiện được.
Gặp Hương Giang, thí sinh "đình đám" của Vietnam Idol 2012, cô cho biết trước nay mình khá may mắn khi chưa gặp phải rắc rối trong các thủ tục liên quan đến giấy tờ.
"Có lẽ do tôi may mắn được nhiều người biết đến nên điều đó giúp tôi dễ dàng hơn với những thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, về lâu dài, tôi vẫn mong được pháp luật công nhận để có thể kết hôn như bao người phụ nữ thật sự khác...".
Thí sinh chuyển giới Hương Giang (phải) từng khiến nhiều người xúc động trong cuộc thi Vietnam Idol 2012 - Ảnh: BTC Vietnam Idol
Sau khi chuyển giới, người thì tiếp tục với nghề như Cindy Thái Tài, người thì rời xa làng giải trí để tập trung cho gia đình như chuyên gia trang điểm Lê Duy, người thì tìm cuộc sống mới ở nước ngoài như Cát Tuyền, Di Yến Quỳnh, Ái Xuân...
Bị cô lập trong xã hội
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mới đây, Vụ Pháp chế và Vụ Sức khỏe - Bà mẹ - Trẻ em đã tham mưu cho Bộ Y tế trả lời một trường hợp ở tỉnh Thừa Thiên-Huế xin xác định lại giới tính làm cơ sở để thay đổi hộ tịch. Đó là trường hợp của anh N.A.Q (Thừa Thiên-Huế).
Theo trình bày, anh N.A.Q., đã phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để sang Thái Lan phẫu thuật chuyển giới tính với mong muốn "được sống là chính mình". Khi trở về nước, anh đã làm đơn gửi Sở Y tế Thừa Thiên-Huế xin xác định lại giới tính.
Và từ đây đã vỡ lở một câu chuyện: ngành y tế VN bấy lâu nay vẫn chưa có một cơ sở nào đủ điều kiện để kiểm tra và cấp giấy chứng nhận y tế về xác định lại giới tính.
Trong văn bản vừa được gửi tới Sở Y tế Thừa Thiên-Huế, Bộ Y tế cho biết đến nay Bộ Y tế và sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chưa nhận được yêu cầu thẩm định của cơ sở khám chữa bệnh đề nghị công nhận cơ sở đủ điều kiện can thiệp y tế để xác định lại giới tính. Do không có cơ sở chữa bệnh nào đủ thẩm quyền cấp giấy chứng nhận y tế về xác định lại giới tính nên ngành y tế không đủ cơ sở pháp lý để can thiệp.
Theo một lãnh đạo Vụ Sức khỏe - Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nếu anh N.A.Q có giấy xác nhận đã xác định lại giới tính của cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp tại Thái Lan thì Bộ Y tế sẽ xem xét chỉ định một cơ sở kiểm tra và cấp giấy chứng nhận y tế về xác định lại giới tính.
Trường hợp anh N.A.Q đã hoàn thiện về giới tính nhưng vẫn sang Thái Lan phẫu thuật chuyển đổi giới tính sẽ không được xem xét chấp nhận bởi pháp luật hiện hành cấm điều này. Việc này cũng có thể áp dụng tương tự với trường hợp của anh Phạm Văn Hiệp. Tuy nhiên, đây là điều hết sức khó.
Hàng chục trường hợp được nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) tiếp xúc cho biết họ bị mọi người xung quanh dè bỉu, trêu chọc nên thường không dám ra ngoài vào ban ngày. Họ gặp phải sự kỳ thị từ trong gia đình đến nhà trường nên không ít người đã phải bỏ nhà đi sống lang thang khắp nơi.
Cát Thy (tên trên diễn đàn mạng, đang sống ở TP.HCM) cho biết mọi cố gắng của cha mẹ không ngăn được khát khao "được sống là chính mình" của cô. Cát Thy đã phải bỏ nhà ra đi, lang thang khắp đầu đường xó chợ và tìm mọi cách để được chuyển từ hình hài nam giới sang thành nữ giới. Sau một thời gian tự điều trị thông qua việc bơm silicon, uống thuốc nâng mông, nở ngực, Cát Thy đã có hình hài khá giống một cô gái. Điều đó cũng khiến Thy không thể nào thực hiện được các giao dịch dân sự khi giấy tờ tùy thân vẫn mang tên con trai.
Rất nhiều người trong nghiên cứu của iSEE cho biết không thể kiếm nổi vài trăm triệu sang Thái Lan phẫu thuật nên vẫn đang phải tự mày mò điều trị với những bất trắc khó lường.
Theo ông Lương Thế Huy, cán bộ pháp lý của Trung tâm ICS (tổ chức vì quyền lợi người đồng tính, song tính và chuyển giới tại VN), người chuyển giới có cảm nhận về giới tính mong muốn của mình không trùng với giới tính sinh học họ đang có. Một người sinh ra có cơ thể sinh học là nam/nữ nhưng trong suy nghĩ, sở thích, cảm nhận của họ luôn thuộc về giới tính ngược lại. Điều này thúc đẩy họ thay đổi hình hài để được sống với chính thể xác và tâm hồn của mình.
Một cuộc nghiên cứu được ICS tiến hành mới đây cho thấy người chuyển giới đang bị cô lập trong xã hội. Họ cố gắng tham gia vào "sân chơi" của những người đồng tính nhưng cũng bị nhóm này ruồng rẫy, lên án. ( còn tiếp)
Theo TNO
Đi tìm "chính mình" - Kỳ 1: Cindy Thái Tài - Không thể kết hôn Trong khi vụ việc UBND tỉnh Bình Phước xem xét thu hồi, hủy bỏ quyết định xác định giới tính và thay đổi hộ tịch của "chị" Phạm Lê Quỳnh Trâm (tức "anh" Phạm Văn Hiệp sau khi "chuyển giới) đang gây nhiều tranh cãi, thì có một thực tế là tại VN hiện có một số trường hợp sang Thái Lan phẫu...