Đi tìm “chính mình” – Kỳ 2: Mặc dèm pha, vẫn lạc quan chờ đợi
Mong ước của những người chuyển giới như Cindy Thái Tài, Hương Giang Idol, nhà thiết kế Franky Nguyễn là hoàn toàn chính đáng. Thế nhưng, khi những quy định còn chưa được sát với thực tế cuộc sống thì những người chuyển giới vẫn phải chờ đợi và hi vọng về một sự thay đổi trong tương lai.
Phải đánh đổi
“Lúc mới chuyển giới tôi cũng run lắm chứ. Đi qua cửa khẩu, thấy gương mặt tôi không giống hình trên giấy tờ, mấy anh nhân viên ở đó cũng hỏi nhưng nhờ báo chí mà họ biết tôi, nên cũng không làm khó dễ gì. Những lần sau còn được ưu tiên nữa. Làm việc gì liên quan tới giấy tờ cũng vậy, người ta biết đến mình, có khi còn khen xinh gái nữa chứ không gây khó khăn gì”, Cindy Thái Tài kể.
Là nhà thiết kế chuyển giới được nhắc đến nhiều trên báo chí trong thời gian gần đây, Franky Nguyễn cho biết: “Có lẽ vì quan niệm mình cứ cởi mở với mọi người thì mọi người sẽ cởi mở với mình nên dù giấy tờ chưa được thay đổi nhưng đi đến đâu, người ta cũng nhận ra và ưu ái cho tôi hơn. Vậy là vui rồi”.
Franky Nguyễn cho biết: “Khi tỉnh lại sau cuộc phẫu thuật lớn, tôi đau đớn đến nỗi không có từ nào để diễn tả được. Thân thể bầm đen, tôi cũng phải tập đi lại từ đầu. Bạn thử tưởng tượng đi, cách đây 4 – 5 năm, tôi nặng 90 kg, là một thằng con trai khá to lớn, giờ thì sức khỏe của tôi đã giảm, sức đề kháng giảm nhiều”.
Nhà thiết kế chuyển giới Franky Nguyễn – Ảnh: Nhân vật cung cấp
Franky bảo bao lần cô đã mơ thấy mình được mặc áo cưới, được ký tên vào giấy kết hôn, rồi nhận được sự chúc phúc của mọi người. Niềm hạnh phúc đó không biết khi nào sẽ thực hiện được.
Gặp Hương Giang, thí sinh “đình đám” của Vietnam Idol 2012, cô cho biết trước nay mình khá may mắn khi chưa gặp phải rắc rối trong các thủ tục liên quan đến giấy tờ.
“Có lẽ do tôi may mắn được nhiều người biết đến nên điều đó giúp tôi dễ dàng hơn với những thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, về lâu dài, tôi vẫn mong được pháp luật công nhận để có thể kết hôn như bao người phụ nữ thật sự khác…”.
Thí sinh chuyển giới Hương Giang (phải) từng khiến nhiều người xúc động trong cuộc thi Vietnam Idol 2012 – Ảnh: BTC Vietnam Idol
Sau khi chuyển giới, người thì tiếp tục với nghề như Cindy Thái Tài, người thì rời xa làng giải trí để tập trung cho gia đình như chuyên gia trang điểm Lê Duy, người thì tìm cuộc sống mới ở nước ngoài như Cát Tuyền, Di Yến Quỳnh, Ái Xuân…
Video đang HOT
Bị cô lập trong xã hội
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mới đây, Vụ Pháp chế và Vụ Sức khỏe – Bà mẹ – Trẻ em đã tham mưu cho Bộ Y tế trả lời một trường hợp ở tỉnh Thừa Thiên-Huế xin xác định lại giới tính làm cơ sở để thay đổi hộ tịch. Đó là trường hợp của anh N.A.Q (Thừa Thiên-Huế).
Theo trình bày, anh N.A.Q., đã phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để sang Thái Lan phẫu thuật chuyển giới tính với mong muốn “được sống là chính mình”. Khi trở về nước, anh đã làm đơn gửi Sở Y tế Thừa Thiên-Huế xin xác định lại giới tính.
Và từ đây đã vỡ lở một câu chuyện: ngành y tế VN bấy lâu nay vẫn chưa có một cơ sở nào đủ điều kiện để kiểm tra và cấp giấy chứng nhận y tế về xác định lại giới tính.
Trong văn bản vừa được gửi tới Sở Y tế Thừa Thiên-Huế, Bộ Y tế cho biết đến nay Bộ Y tế và sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chưa nhận được yêu cầu thẩm định của cơ sở khám chữa bệnh đề nghị công nhận cơ sở đủ điều kiện can thiệp y tế để xác định lại giới tính. Do không có cơ sở chữa bệnh nào đủ thẩm quyền cấp giấy chứng nhận y tế về xác định lại giới tính nên ngành y tế không đủ cơ sở pháp lý để can thiệp.
Theo một lãnh đạo Vụ Sức khỏe – Bà mẹ – Trẻ em (Bộ Y tế), để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nếu anh N.A.Q có giấy xác nhận đã xác định lại giới tính của cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp tại Thái Lan thì Bộ Y tế sẽ xem xét chỉ định một cơ sở kiểm tra và cấp giấy chứng nhận y tế về xác định lại giới tính.
Trường hợp anh N.A.Q đã hoàn thiện về giới tính nhưng vẫn sang Thái Lan phẫu thuật chuyển đổi giới tính sẽ không được xem xét chấp nhận bởi pháp luật hiện hành cấm điều này. Việc này cũng có thể áp dụng tương tự với trường hợp của anh Phạm Văn Hiệp. Tuy nhiên, đây là điều hết sức khó.
Hàng chục trường hợp được nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) tiếp xúc cho biết họ bị mọi người xung quanh dè bỉu, trêu chọc nên thường không dám ra ngoài vào ban ngày. Họ gặp phải sự kỳ thị từ trong gia đình đến nhà trường nên không ít người đã phải bỏ nhà đi sống lang thang khắp nơi.
Cát Thy (tên trên diễn đàn mạng, đang sống ở TP.HCM) cho biết mọi cố gắng của cha mẹ không ngăn được khát khao “được sống là chính mình” của cô. Cát Thy đã phải bỏ nhà ra đi, lang thang khắp đầu đường xó chợ và tìm mọi cách để được chuyển từ hình hài nam giới sang thành nữ giới. Sau một thời gian tự điều trị thông qua việc bơm silicon, uống thuốc nâng mông, nở ngực, Cát Thy đã có hình hài khá giống một cô gái. Điều đó cũng khiến Thy không thể nào thực hiện được các giao dịch dân sự khi giấy tờ tùy thân vẫn mang tên con trai.
Rất nhiều người trong nghiên cứu của iSEE cho biết không thể kiếm nổi vài trăm triệu sang Thái Lan phẫu thuật nên vẫn đang phải tự mày mò điều trị với những bất trắc khó lường.
Theo ông Lương Thế Huy, cán bộ pháp lý của Trung tâm ICS (tổ chức vì quyền lợi người đồng tính, song tính và chuyển giới tại VN), người chuyển giới có cảm nhận về giới tính mong muốn của mình không trùng với giới tính sinh học họ đang có. Một người sinh ra có cơ thể sinh học là nam/nữ nhưng trong suy nghĩ, sở thích, cảm nhận của họ luôn thuộc về giới tính ngược lại. Điều này thúc đẩy họ thay đổi hình hài để được sống với chính thể xác và tâm hồn của mình.
Một cuộc nghiên cứu được ICS tiến hành mới đây cho thấy người chuyển giới đang bị cô lập trong xã hội. Họ cố gắng tham gia vào “sân chơi” của những người đồng tính nhưng cũng bị nhóm này ruồng rẫy, lên án. ( còn tiếp)
Theo TNO
Đi tìm "chính mình" - Kỳ 1: Cindy Thái Tài - Không thể kết hôn
Trong khi vụ việc UBND tỉnh Bình Phước xem xét thu hồi, hủy bỏ quyết định xác định giới tính và thay đổi hộ tịch của "chị" Phạm Lê Quỳnh Trâm (tức "anh" Phạm Văn Hiệp sau khi "chuyển giới) đang gây nhiều tranh cãi, thì có một thực tế là tại VN hiện có một số trường hợp sang Thái Lan phẫu thuật chuyển đổi giới tính để "được sống là chính mình".
Khi về nước, thực tế và các quy định hiện hành đặt ra khiến họ gặp rất nhiều khó khăn vì không thể thay đổi được họ tên, giới tính trên giấy tờ.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên Online, trường hợp "anh" Phạm Văn Hiệp không chỉ là một trường hợp cá biệt. Còn nhiều trường hợp khác đã và sẽ tìm đường sang Thái Lan phẫu thuật dù biết sẽ gặp vô vàn trắc trở trong cuộc sống sau này. Không chỉ có những "nhân vật" chính gặp lúng túng mà ngay cả những cơ quan chức năng như Bộ Tư pháp, hay Bộ Y tế cũng chưa tìm ra lời giải cho bài toán "tìm lại chính mình".
Không muốn giấy kết hôn ghi hai người đàn ông
Là nghệ sĩ đầu tiên công khai chuyển giới nhưng hơn 10 năm qua, giấy tờ của Cindy Thái Tài vẫn là nam. Muốn cưới xin nên "chị" (xin tạm gọi là "chị") đã nhiều lần gõ cửa các cơ quan chức năng và cũng đã nhiều lần thất thểu ra về...
"Từ lúc có ý định chuyển giới, tôi đã nghĩ đến chuyện làm lại giấy tờ để được pháp luật công nhận giới tính đúng của mình. Từ nhỏ tôi đã nhận thức mình là một bé gái bị nhốt trong thân xác của một cậu con trai. Khó khăn lắm tôi mới được là chính mình nhưng rất tiếc là luật pháp vẫn còn chưa cụ thể cho người chuyển giới...", Cindy Thái Tài tâm sự.
Không còn xuất hiện dày đặc trên báo chí như thời mới công khai chuyển giới nhưng qua những bài phỏng vấn của Cindy Thái Tài, những người quan tâm vẫn cảm nhận được nỗi day dứt trong lòng "chị".
"Chị" bảo: "Tôi muốn làm một người vợ đúng nghĩa chứ không muốn kết hôn với người đàn ông mà trên giấy tờ là hai người đàn ông. Điều đó không đúng với con người tôi và bất công với người đàn ông yêu thương tôi".
Trò chuyện với "chị" mới hay người nghệ sĩ chuyển giới này cũng đã không ít lần lân la dò hỏi về việc xin sửa đổi giới tính trong giấy tờ. "Chị" từng đến Văn phòng công chứng trên đường Pasteur, quận 3 để hỏi về thủ tục xét chuyển nhưng kết quả nhận được là... "Chưa có luật em ơi!".
Cindy Thái Tài - Ảnh: Nhân vật cung cấp
"Tôi không có mong ước gì nhiều, chỉ mong được pháp luật chấp nhận thay đổi giấy tờ để giúp cho tôi và những người như tôi có được những quyền lợi bình đẳng như bao người khác. Người phụ nữ nào mà không muốn được lấy chồng, được làm vợ, làm mẹ trong sự công nhận của pháp luật và mọi người", Cindy chia sẻ.
Cindy Thái Tài
Trước đó, vì quá lo lắng nên Cindy Thái Tài từng đến công an hỏi xem chuyển giới có vi phạm luật không và kết quả là "chị" đã thở phào nhẹ nhõm khi nhận được câu trả lời là "không".
Thế nhưng, mặc dù đã 10 năm sống với hình hài một người phụ nữ, đi đâu cũng được gọi là "cô", là "chị" thì trong lòng Cindy Thái Tài vẫn đau đáu một điều: làm sao để trở thành người vợ, người mẹ (mẹ nuôi) hợp pháp?
Nếu như Thái Tài không được chính quyền xem xét chuyển đổi giới tính thì việc làm đám cưới và thực hiện việc đăng ký kết hôn với người đàn ông mà "chị" yêu thương là không thể được. Bởi pháp luật hiện nay cũng chưa có luật cho phép hai người đồng giới cưới nhau.
Bao lần hi vọng
Khao khát đó lúc nào cũng âm ỉ trong lòng Cindy Thái Tài. Thế nhưng số phận vẫn không mỉm cười với "chị", bao nhiêu lần hi vọng thì có bấy nhiêu lần... thất vọng.
"Cách đây vài năm, Quốc hội từng lấy tôi làm trường hợp điển hình cho việc thay đổi giấy tờ sau khi chuyển giới. Lúc đó tôi mừng không thể tả, lòng khấp khởi hi vọng. Thế nhưng sau đó chuyện này vẫn không được thông qua... Khỏi phải nói thì mọi người cũng biết tôi buồn đến cỡ nào", Cindy kể.
Cindy Thái Tài (phải) hiện vẫn vừa đi hát, vừa lo cho studio mang tên cô - Ảnh: M.C.
Đến khi trường hợp của anh Phạm Văn Hiệp (sau đổi tên là Phạm Lê Quỳnh Trâm) được báo chí nêu, Cindy Thái Tài lại một lần nữa nhen nhóm niềm tin.
"Lúc đó, tôi rất ngạc nhiên nhưng cũng khấp khởi vui mừng vì nó mở ra hi vọng một lần nữa với tôi. Khi đó tôi còn xin được cả số điện thoại của chị ấy rồi đấy chứ nhưng do lu bu chưa kịp gọi thì báo chí lại đăng tin chị ấy bị thu hồi quyết định. Một lần nữa tôi rơi vào hụt hẫng. Buồn cho chị ấy cũng là buồn cho bản thân tôi", Cindy Thái Tài chia sẻ.
Trước đó, Cindy Thái Tài từng được dự đám cưới của một cặp đồng tính tại Đức mà nhân vật chính không phải ai xa lạ, đó chính là em trai ruột của "chị". "Chị" nói rằng những người bình thường hạnh phúc bao nhiêu trong ngày quan trọng của họ thì người đồng giới, chuyển giới khi được công nhận là vợ chồng hợp pháp của nhau thì niềm hạnh phúc đó nhân lên gấp trăm gấp ngàn lần.
Thế nhưng, trải qua bao nhiêu cái xuân, bao nhiêu lần hi vọng và chờ đợi, Cindy Thái Tài bảo "chị" giờ đây đã thấu hiểu một điều: "Muốn thay đổi cái gì cũng phải có thời gian". ( còn tiếp)
Theo TNO
"Chuyển giới gặp khó, gọi tôi!" TS Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp - Bộ Tư pháp, cho biết sẵn sàng giúp đỡ những người chuyển đổi giới tính thay đổi hộ tịch để họ được sống là chính mình. Việc tỉnh Bình Phước xem xét thu hồi quyết định cho phép thay đổi hộ tịch từ "anh" Phạm Văn Hiệp thành "chị" Phạm Lê Quỳnh...