Đi tìm “chính mình” – Kỳ 1: Cindy Thái Tài – Không thể kết hôn
Trong khi vụ việc UBND tỉnh Bình Phước xem xét thu hồi, hủy bỏ quyết định xác định giới tính và thay đổi hộ tịch của “chị” Phạm Lê Quỳnh Trâm (tức “anh” Phạm Văn Hiệp sau khi “chuyển giới) đang gây nhiều tranh cãi, thì có một thực tế là tại VN hiện có một số trường hợp sang Thái Lan phẫu thuật chuyển đổi giới tính để “được sống là chính mình”.
Khi về nước, thực tế và các quy định hiện hành đặt ra khiến họ gặp rất nhiều khó khăn vì không thể thay đổi được họ tên, giới tính trên giấy tờ.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên Online, trường hợp “anh” Phạm Văn Hiệp không chỉ là một trường hợp cá biệt. Còn nhiều trường hợp khác đã và sẽ tìm đường sang Thái Lan phẫu thuật dù biết sẽ gặp vô vàn trắc trở trong cuộc sống sau này. Không chỉ có những “nhân vật” chính gặp lúng túng mà ngay cả những cơ quan chức năng như Bộ Tư pháp, hay Bộ Y tế cũng chưa tìm ra lời giải cho bài toán “ tìm lại chính mình”.
Không muốn giấy kết hôn ghi hai người đàn ông
Là nghệ sĩ đầu tiên công khai chuyển giới nhưng hơn 10 năm qua, giấy tờ của Cindy Thái Tài vẫn là nam. Muốn cưới xin nên “chị” (xin tạm gọi là “chị”) đã nhiều lần gõ cửa các cơ quan chức năng và cũng đã nhiều lần thất thểu ra về…
“Từ lúc có ý định chuyển giới, tôi đã nghĩ đến chuyện làm lại giấy tờ để được pháp luật công nhận giới tính đúng của mình. Từ nhỏ tôi đã nhận thức mình là một bé gái bị nhốt trong thân xác của một cậu con trai. Khó khăn lắm tôi mới được là chính mình nhưng rất tiếc là luật pháp vẫn còn chưa cụ thể cho người chuyển giới…”, Cindy Thái Tài tâm sự.
Không còn xuất hiện dày đặc trên báo chí như thời mới công khai chuyển giới nhưng qua những bài phỏng vấn của Cindy Thái Tài, những người quan tâm vẫn cảm nhận được nỗi day dứt trong lòng “chị”.
“Chị” bảo: “Tôi muốn làm một người vợ đúng nghĩa chứ không muốn kết hôn với người đàn ông mà trên giấy tờ là hai người đàn ông. Điều đó không đúng với con người tôi và bất công với người đàn ông yêu thương tôi”.
Trò chuyện với “chị” mới hay người nghệ sĩ chuyển giới này cũng đã không ít lần lân la dò hỏi về việc xin sửa đổi giới tính trong giấy tờ. “Chị” từng đến Văn phòng công chứng trên đường Pasteur, quận 3 để hỏi về thủ tục xét chuyển nhưng kết quả nhận được là… “Chưa có luật em ơi!”.
Cindy Thái Tài – Ảnh: Nhân vật cung cấp
“Tôi không có mong ước gì nhiều, chỉ mong được pháp luật chấp nhận thay đổi giấy tờ để giúp cho tôi và những người như tôi có được những quyền lợi bình đẳng như bao người khác. Người phụ nữ nào mà không muốn được lấy chồng, được làm vợ, làm mẹ trong sự công nhận của pháp luật và mọi người”, Cindy chia sẻ.
Video đang HOT
Cindy Thái Tài
Trước đó, vì quá lo lắng nên Cindy Thái Tài từng đến công an hỏi xem chuyển giới có vi phạm luật không và kết quả là “chị” đã thở phào nhẹ nhõm khi nhận được câu trả lời là “không”.
Thế nhưng, mặc dù đã 10 năm sống với hình hài một người phụ nữ, đi đâu cũng được gọi là “cô”, là “chị” thì trong lòng Cindy Thái Tài vẫn đau đáu một điều: làm sao để trở thành người vợ, người mẹ (mẹ nuôi) hợp pháp?
Nếu như Thái Tài không được chính quyền xem xét chuyển đổi giới tính thì việc làm đám cưới và thực hiện việc đăng ký kết hôn với người đàn ông mà “chị” yêu thương là không thể được. Bởi pháp luật hiện nay cũng chưa có luật cho phép hai người đồng giới cưới nhau.
Bao lần hi vọng
Khao khát đó lúc nào cũng âm ỉ trong lòng Cindy Thái Tài. Thế nhưng số phận vẫn không mỉm cười với “chị”, bao nhiêu lần hi vọng thì có bấy nhiêu lần… thất vọng.
“Cách đây vài năm, Quốc hội từng lấy tôi làm trường hợp điển hình cho việc thay đổi giấy tờ sau khi chuyển giới. Lúc đó tôi mừng không thể tả, lòng khấp khởi hi vọng. Thế nhưng sau đó chuyện này vẫn không được thông qua… Khỏi phải nói thì mọi người cũng biết tôi buồn đến cỡ nào”, Cindy kể.
Cindy Thái Tài (phải) hiện vẫn vừa đi hát, vừa lo cho studio mang tên cô – Ảnh: M.C.
Đến khi trường hợp của anh Phạm Văn Hiệp (sau đổi tên là Phạm Lê Quỳnh Trâm) được báo chí nêu, Cindy Thái Tài lại một lần nữa nhen nhóm niềm tin.
“Lúc đó, tôi rất ngạc nhiên nhưng cũng khấp khởi vui mừng vì nó mở ra hi vọng một lần nữa với tôi. Khi đó tôi còn xin được cả số điện thoại của chị ấy rồi đấy chứ nhưng do lu bu chưa kịp gọi thì báo chí lại đăng tin chị ấy bị thu hồi quyết định. Một lần nữa tôi rơi vào hụt hẫng. Buồn cho chị ấy cũng là buồn cho bản thân tôi”, Cindy Thái Tài chia sẻ.
Trước đó, Cindy Thái Tài từng được dự đám cưới của một cặp đồng tính tại Đức mà nhân vật chính không phải ai xa lạ, đó chính là em trai ruột của “chị”. “Chị” nói rằng những người bình thường hạnh phúc bao nhiêu trong ngày quan trọng của họ thì người đồng giới, chuyển giới khi được công nhận là vợ chồng hợp pháp của nhau thì niềm hạnh phúc đó nhân lên gấp trăm gấp ngàn lần.
Thế nhưng, trải qua bao nhiêu cái xuân, bao nhiêu lần hi vọng và chờ đợi, Cindy Thái Tài bảo “chị” giờ đây đã thấu hiểu một điều: “Muốn thay đổi cái gì cũng phải có thời gian”. ( còn tiếp)
Theo TNO
Vụ chuyển giới: Lẽ nào gọi chị là "anh"?
Nhiều người cho rằng, chắc chắn khi Bộ Tư pháp đã vào cuộc, chỉ đạo thì cơ sở pháp lý của thủ tục xác định lại giới tính của anh Hiệp không cần phải bàn cãi nhiều.
Quyết định có hiệu lực sau 3 năm bị yêu cầu thu hồi
Mấy ngày gần đây, dư luận khá quan tâm đến việc người chuyển giới đầu tiên sau 3 năm được xác định lại giới tính đã bị yêu cầu thu hồi lại quyết định. Vấn đề nhạy cảm này cũng đang khiến các chuyên gia pháp lý tranh luận sôi nổi, lộ nhiều bất cập trong thủ tục xác định lại giới tính cho công dân. Còn người dân thì băn khoăn, nếu pháp luật không thừa nhận anh Phạm Văn Hiệp, 39 tuổi, trú tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, đã chuyển giới thành chị Phạm Lê Quỳnh Trâm, thì chẳng nhẽ chị lại phải gọi là "anh"?
Ngày 21/1/2013, Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước đã khẳng định việc anh Hiệp được UBND huyện Chơn Thành ra quyết định, xác định lại giới tính từ nam sang nữ và lấy tên Phạm Lê Quỳnh Trâm từ năm 2009, là trái với quy định của pháp luật. Sau khi có thông tin anh Hiệp được xác định lại giới tính, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Sở Tư pháp Bình Phước kiểm tra, làm rõ. Sở Tư pháp Bình Phước đã kiểm tra hồ sơ tại Phòng Tư pháp huyện Chơn Thành và làm việc với UBND huyện Chơn Thành, Sở Y tế tỉnh và BVĐK tỉnh Bình Phước.
Anh Phạm Văn Hiệp đã được công nhận chuyển giới thành chị Quỳnh Trâm, nhưng đang bị yêu cầu thu hồi quyết định cải chính hộ tịch. Ảnh: TL
Qua đó làm rõ, BVĐK tỉnh Bình Phước không phải là đơn vị có chức năng can thiệp về giới tính. Do đó việc anh Hiệp xác nhận lại giới tính từ BVĐK tỉnh Bình Phước không phải cơ sở pháp lý. Ngoài ra, Sở Tư pháp Bình Phước cho rằng, căn cứ theo Nghị định 88/2008/NĐ-CP của Chính phủ thì anh Hiệp không nằm trong đối tượng được áp dụng xác định lại giới tính. Vì Nghị định 88 nêu rõ, chỉ những trường hợp người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được xác định rõ ràng thì mới được xem xét xác định lại giới tính. Nhưng trường hợp của anh Hiệp là người đã hoàn chỉnh về giới tính nam, khỏe mạnh bình thường từ lúc nhỏ cho tới khi đi thi ĐH, nên không có lý do để áp dụng xác định lại giới tính.
Thu hồi có hợp lý?
Theo Sở Tư pháp Bình Phước thì sau khi có quyết định thu hồi và hủy bỏ hai quyết định công nhận giới tính, các cơ quan chức năng có nghĩa vụ phục hồi lại giấy khai sinh và các giấy tờ cũ cho anh Hiệp. Chỉ những giấy tờ ghi chú, mặt trước là nam, mặt sau là nữ mà Quỳnh Trâm đang sử dụng thì cơ quan chức năng mới thu hồi lại. Trường hợp anh Hiệp không đồng ý với việc bị thu hồi quyết định và khởi kiện ra tòa thì Sở Tư pháp Bình Phước cũng sẽ thực hiện theo đúng thủ tục, quy định của pháp luật.
Hình ảnh hiện tại của Quỳnh Trâm
Trước đó, anh Phạm Văn Hiệp đã mất thời gian khá dài sang Thái Lan giải phẫu chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ. Về nước với "thân hình" con gái, anh Phạm Văn Hiệp đã gặp khá nhiều phiền phức khi hình thức một kiểu, giấy tờ một kiểu của mình. Sau một năm đi khắp nơi làm các thủ tục, đầu năm 2009 thì anh Phạm Văn Hiệp được UBND huyện Chơn Thành công nhận chuyển đổi giới tính, cho phép anh Phạm Văn Hiệp được xác định lại giới tính từ nam sang nữ, đổi tên thành chị Phạm Lê Quỳnh Trâm. Anh Phạm Văn Hiệp cũng là người chuyển giới đầu tiên trong cả nước được pháp luật thừa nhận và sự việc này đã khiến không ít người chuyển giới muốn chuyển hộ khẩu về huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước để có thể làm thủ tục xác định lại giới tính thuận tiện.
Nhiều người cho rằng, chắc chắn khi Bộ Tư pháp đã vào cuộc, chỉ đạo thì cơ sở pháp lý của thủ tục xác định lại giới tính của anh Hiệp không cần phải bàn cãi nhiều. Vấn đề ở chỗ cơ quan câp giấy chứng nhận y tế để xác định lại giới tính cho anh Hiệp là BVĐK tỉnh Bình Phước chưa được giao thẩm quyền làm việc này.
Theo Nghị định 88 thì khi một người thấy mình bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính, hoặc giới tính chưa được định hình chính xác là nam hay nữ, có thể làm hồ sơ đề nghị gửi đến cơ sở khám, chữa bệnh (được cấp phép) để kết luận. Sau đó, mới làm các thủ tục khác để cải chính hộ tịch. Trường hợp xác định lại giới tính ở nước ngoài, hoặc đã thực hiện trong nước trước ngày Nghị định 88 có hiệu lực, vẫn phải đến cơ sở khám, chữa bệnh đã được cấp phép cho xác định giới tính trong nước để được khám và xin cấp giấy chứng nhận.
Năm 2010, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 29 quy định chi tiết tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục để một cơ sở khám, chữa bệnh được cấp phép cho thực hiện kỹ thuật xác định lại giới tính.
Thế nhưng, cho đến nay chưa có cơ sở nào làm thủ tục để xin được cấp phép và các cơ quan chức năng cũng chẳng quan tâm "chỉ định" lấy một địa chỉ có chức năng làm việc này, để người dân khi cần còn biết nơi mà gõ cửa! Thành thử, việc làm của BVĐK tỉnh Bình Phước bị cho là "vượt rào"! Vấn đề ở chỗ, anh Hiệp đã chuyển giới thành chị Trâm nhưng thủ tục bị sai thì sau khi quyết định xác định lại giới tính của mình bị hủy, chị Trâm sẽ tìm đến đâu để khám và xin giấy chứng nhận, từ đó đi làm thủ tục cải sửa hộ tịch từ nam thành nữ? Chưa kể, thủ tục bị sai không phải do lỗi của chị Trâm, mà do sự hướng dẫn chưa đúng của cơ quan chức năng?
Bộ Y tế cần vào cuộc!
Nghị định số 88/2008/NĐ-CP quy định rõ thuật ngữ lưỡng giới gồm có lưỡng giới thật và lưỡng giới giả. Người lưỡng giới thật là người có bộ phận sinh dục không xác định được là nam hay nữ, tuyến sinh dục có cả tinh hoàn, buồng trứng, nhiễm sắc thể giới tính có thể là một trong các dạng XX/XY; XXX/XY; XX/XXXY. Còn khuyết tật bẩm sinh về giới tính là những bất thường ở bộ phận sinh dục của một người ngay từ khi mới sinh ra, biểu hiện ở một trong các dạng như nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật... Thế nhưng, trên thực tế, số người đã tự chuyển giới hầu hết đều chưa đi làm xét nghiệm y khoa để biết mình có thuộc trường hợp được pháp luật cho phép xác định lại giới tính hay không?
Thực tế cũng cho thấy, những người không may bị bất thường về giới tính, đều mong muốn tìm được giới tính thực sự của mình. Họ chấp nhận sự nguy hiểm, rủi ro lớn cho tính mạng, sức khỏe, thời gian thường kéo dài tới vài năm, qua nhiều đợt phẫu thuật, chi phí tốn kém... Do các cơ sở y tế trong nước chưa được cấp phép thực hiện, nên những người chuyển giới thường tự tìm ra nước ngoài, tự tìm nguồn silicone, hormone... để thực hiện mong muốn của mình, mà không quan tâm đến việc pháp luật có thừa nhận hay không!
Khiếm khuyết về giới tính là một thiệt thòi lớn cho những ai không may mắc phải. Bởi vậy, việc tìm lại giới tính thật là quyền chính đáng, cơ bản của mỗi người. Việc không cải chính hộ tịch được sẽ khiến cho những người đã chuyển giới không thể thực hiện các quyền cơ bản như học tập, tìm việc làm, cũng như tham gia các hoạt động xã hội khác. Do đó, công nhận chuyển đổi giới tính là thể hiện tính nhân văn và tôn trọng quyền con người. Việc cần làm ngay để giúp những người chuyển giới thực hiện được quyền chính đáng của mình là Bộ Y tế cần rà soát và cấp phép cho các cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện khám và cấp giấy xác nhận lại giới tính cho công dân!
Theo 24h
"Chuyển giới gặp khó, gọi tôi!" TS Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp - Bộ Tư pháp, cho biết sẵn sàng giúp đỡ những người chuyển đổi giới tính thay đổi hộ tịch để họ được sống là chính mình. Việc tỉnh Bình Phước xem xét thu hồi quyết định cho phép thay đổi hộ tịch từ "anh" Phạm Văn Hiệp thành "chị" Phạm Lê Quỳnh...