Đi tìm cao thủ Thiếu Lâm Việt Nam (kỳ 4): Kỳ nhân luyện võ
Là con trai của một trong những võ sư đầu tiên đưa môn võ Thiếu Lâm vào Việt Nam, thế nên để nêu gương, võ sư Nguyễn Hồng Quân lại càng phải cố gắng gấp bội các môn sinh khác của cha. Nghe ông kể lại chuyện luyện võ hồi thơ ấu, người ta mới biết con đường đến danh hiệu cao thủ võ lâm vất vả như thế nào.
Võ sư Nguyễn Hồng Quân, Trưởng môn phái Thiếu Lâm tự Hà Nội.
Tự biến mình thành… bao cát
Võ sư Nguyễn Hồng Quân kể lại: “Năm 6 tuổi tôi đã được theo cha luyện võ. Ngày ấy cuộc sống còn khó khăn, một buổi đi học, một buổi làm nghề mưu sinh, tối mới có thời gian tập luyện. Thời ấy, chính quyền cũ không cho dạy và học võ nên cha con tôi phải đợi đến khi hàng xóm ngủ say mới dám luyện. Lúc ấy vì nhỏ quá ham ngủ, nhiều khi đứng tấn còn ngủ gật, ngã xước xác cả đầu. Nhà có 5 chị em nhưng có mỗi mình là con trai nên được mẹ cưng chiều, nhiều lần học lộn nhào, xoạc mà bị thương mẹ tôi xót con, không cho tập. Tuy nhiên, cha tôi quyết tâm cho tôi tập bằng được môn võ thuật này để sau này nối nghiệp cha”.
Chúng tôi gặp võ sư Quân trong ngôi nhà, nép mình trên một con ngõ nhỏ đường Tôn Đức Thắng (Đống Đa, Hà Nội). Võ sư Nguyễn Hồng Quân sinh năm 1963, là con trai duy nhất của sư ông Nguyễn Văn Tiến, một võ sư Thiếu Lâm nổi tiếng đất Hà Thành. Được biết, để luyện thành công môn võ này đã khó khăn nhưng để trở thành một võ sư Thiếu Lâm tự thì con đường tập luyện phải gian nan vất vả hơn nhiều. Những ngày đầu võ sư Quân tập luyện, để luyện sức khoẻ, mỗi buổi sáng sớm, ông thường phải chạy bộ hàng giờ đồng hồ ngoài đường phố. Để luyện quyền chân, ông thường buộc những viên đá nặng vào chân rồi chạy, nhảy. Võ sư Quân tâm sự: “Đây là một bài tập luyện đúng bài bản của Thiếu Lâm tự. Khi buộc đá vào chân di chuyển nghe vẻ rất nặng nề nhưng khi đã luyện thành thạo, tháo đá ra khỏi chân, tôi chạy mà cảm tưởng mình đang bay. Hơn nữa, cú đá cũng có sức nặng hơn nhiều”.
Video đang HOT
Một cách tập luyện của võ sư Quân cũng khiến cho nhiều người ngạc nhiên. Ngày ấy, chưa có vật dụng để luyện tay, ngoài việc sử dụng cây làm bao cát, cha của võ sư Quân thường bắt ông tự đánh hai tay vào nhau hoặc tự đấm vào người. Nghe có vẻ lạ và “bất bình thường” nhưng đây là một phương pháp tập luyện được người học võ cho là “nhất cử lưỡng tiện”. “Khi tự đấm vào người, mình vừa luyện được quyền tay vừa rèn luyện khả năng chịu đựng. Lúc đầu tập luyện còn cảm thấy đau chứ một thời gian sau khi đã quen rồi thì không thấy hề hấn gì. Đến bây giờ đi dạy võ, tôi thường đứng yên cho đệ tử đấm đá vào người thoải mái”, võ sư Quân vừa nói chuyện với chúng tôi vừa đấm vào người như mình chứng cho lời ông nói.
Với người học võ, việc luyện tấn là đặc biệt quan trọng. Đây cũng chính là bài học đầu tiên mà người học võ ái ngại nhất. Nhớ lại những ngày đầu học tấn, võ sư Quân kể: “Ngày ấy tôi 15 tuổi, trong đám học trò của bố, tôi là người có khả năng đứng tấn lâu nhất. Một hôm, bố tôi mang về một hòn đá nặng khoảng 30kg và bắt tôi ôm hòn đá ấy đứng tấn đến khi nén nhang cháy hết trong khi đó ông vào giường nằm ngủ. Lúc đầu chưa quen, tấn khoảng 20 phút chân tay tôi mỏi rã rời tưởng chừng như không thể đứng được nữa. Tôi cứ cố gắng đứng thêm được chút nào hay chút ấy, thế rồi tôi cũng chịu đựng được đến lúc cháy hết một nén nhang. Lúc ấy, tôi mệt đến nỗi mặt mày tái ngắt, nằm ngay xuống sân và không đứng được dậy. Bố tôi chạy ra đỡ tôi dậy, nhìn thấy ánh mắt của ông, tôi thấy sự tự hào. Đến bây giờ nhiều huynh đệ trong lò võ của cha tôi vẫn nhắc đến câu chuyện đó như một kỳ tích”.
Ngày ấy, việc học võ được thực hiện vào ban đêm. Để tránh phát ra tiếng động, cứ tầm 11 – 12h đêm, hai cha con võ sư Quân thường đốt đèn ra cánh đồng gần nhà luyện võ. Chính vì thế, những năm đó, ở khu vực võ sư Quân sinh sống có chuyện, dân làng kháo nhau về việc có ma ngoài đốt đuốc ở cánh đồng. Ban đêm không ai dám bén mảng đi qua khu vực đó. Võ sư Quân cho biết, để luyện cho cơ thể chống chọi được với sự khắc nghiệt của thời tiết, giữa trưa mùa hè bị bắt ra “phơi” nắng hay buổi tối mùa đông cởi trần đứng tấn hoặc nhảy xuống ao hồ ngâm mình là chuyện hết sức bình thường.
Đốt dây cao su làm đèn dạy võ
Tính đến thời điểm này, võ sư Quân đã hơn nửa đời người dạy võ. Vị võ sư Thiếu Lâm này cũng không thể nhớ bao nhiêu lứa học trò đã qua tay mình. Năm 1985, ông bắt đầu công việc dạy võ Thiếu Lâm. Năm ấy, vẫn chưa có điện nên hàng ngày, mỗi học trò đến lớp đều phải mang theo một chiếc dây cao su để đốt lấy ánh sáng tập võ. Thầy trò cùng nhau tập luyện trong thứ ánh sáng nhạt nhạt của “ngọn đuốc” từ những chiếc dây cao su mùi khét lẹt. Những ánh lửa ấy có thể bị gió thổi tắt nhưng ánh lửa trong trái tim, ánh lửa của tinh thần thượng võ thì không có gì dập tắt được, nó cháy mãi trong ông và những đệ tử đang theo học môn võ Phật chân truyền. “Ngày ấy, cứ trời mưa là lò võ của chúng tôi nước lại lênh láng trên nền nhà vì mái nhà bị dột. Ngoài trời mưa sấm chớp, tiếng ếch nhái kêu ồm ộp vang trời nhưng thầy trò vẫn mải mê tập luyện. Chính những ngày khắc khổ như thế, các học trò mới thấy được sự gian khổ của các bậc tôn sư khi luyện những tuyệt chiêu võ Thiếu Lâm và tăng thêm ý chí rèn luyện thành tài”.
Kế thừa truyền thống môn phái Thiếu Lâm của người cha đã quá cố, võ sư Nguyễn Hồng Quân đã duy trì và phát triển môn phái. Năm 1988, đánh dấu bước tiến trong cuộc đời võ thuật khi ông được Liên đoàn Võ Hà Nội công nhận đẳng cấp võ sư. Võ sư Quân đã đào tạo được nhiều vận động viên, huấn luyện viên có thành tích cao. Gần 30 năm qua môn phái Thiếu Lâm tự đã tham gia với Hội võ thuật Hà Nội trong những hội diễn và đạt được nhiều thành tích cao. Kể từ năm 1995 đến 2000, môn phái Thiếu Lâm do võ sư Quân làm huấn luyện viên đã đạt được nhiều huy chương trong các hội thi võ cổ truyền trên toàn quốc.
Hiện nhiều học trò của võ sư Quân đã mở lò luyện võ Thiếu Lâm tự tại các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương và Hà Nội. Được biết những năm đầu mở lò luyện võ ở Hải Phòng, vùng đất mà chưa có môn phái nào có thể trụ được lâu dài, có rất nhiều môn phái khác đến thách đấu nhưng ông đều khéo từ chối. Vì đối với vị võ sư này, học võ không phải là để đánh nhau, không phải để phân tài cao thấp. Ông tâm niệm rằng, học võ để rèn luyện sức khoẻ và bảo vệ chân lý. Hơn nữa, môn phái mà ông đang theo học là Thiếu Lâm – võ nhà Phật nên tránh việc động thủ. Võ sư Hoài nói vui: “Nếu động thủ mình bại thì mình đi viện, mà mình thắng thì mình đi tù. Tốt nhất là dĩ hoà vi quý”. Chính vì sự điềm đạm của ông khiến cho nhiều trưởng môn của các môn phái khác nể trọng.
Chia tay chúng tôi, võ sư Quân tâm huyết: “Tôi rất mừng vì tôi đã nối nghiệp được tinh thần thượng võ cũng như niềm tâm đắc của cha tôi. Hiện nay, tôi và các huynh đệ trong môn phái đang cố gắng truyền bá những tinh hoa Thiếu Lâm tự đến cả nước. Sau này khi đôi chân tôi đã mỏi, tôi sẽ truyền lại chức Trưởng môn nhân cho một học trò đủ đức đủ tài”.
Theo ĐS&PL
Đi tìm cao thủ Thiếu Lâm Việt Nam (Kỳ 3) Nữ võ sư Thiếu Lâm duy nhất Việt Nam
Nữ võ sư Thiếu Lâm duy nhất Việt Nam
Nhắc đến võ Thiếu lâm là nói đến sự tu luyện gian khổ, vất vả hàng chục năm trời mới đạt đến trình độ võ công thượng thừa. Để tập luyện môn võ này, sức vóc của đàn ông đã vô cùng khó khăn chứ chưa nói gì đến phụ nữ. Thế nhưng, vào thập niên 90 của thế kỷ trước, Hà Nội xuất hiện một nữ cao thủ Thiếu Lâm nổi tiếng khiến nhiều người ngưỡng mộ. Bà là Nguyễn Kim Thành (SN 1960, ngụ phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội), nữ võ sư Thiếu Lâm duy nhất Việt Nam.
"Không qua lửa, không thành thép" Cũng như nhiều người khác theo nghiệp võ vì truyền thống "cha truyền con nối", võ sư Thành theo học Thiếu Lâm từ nhỏ và sư phụ của bà cũng chính là người cha: cụ Nguyễn Văn Tiến (cụ cả Tiền), một tiền bối võ thuật có tiếng tại Hà Nội. Nhà có 4 người con gái, nhưng chỉ duy nhất cô bé Thành theo học võ vì theo lời bà: "Thấy tôi có "tướng" đàn ông nên cụ quyết định truyền võ cho tôi". Năm lên 8 tuổi, cô bé Thành đã bắt đầu làm quen với quyền cước. Ban ngày đi học văn hóa, đến tối sư phụ lại bắt đứng tấn hàng giờ đồng hồ mới cho nghỉ. Sau này khi bố mẹ cô sinh thêm được 1 em trai, lúc ấy cô có thêm một sư đệ cùng nhau tập luyện. Những ngày đầu học võ, bài học đầu tiên mà cô bé Thành là buộc dây chun vào chân rồi đá hàng trăm lượt mới nghỉ. Để luyện tay, bà phải tự đấm vào thân cây đến mức thân bưởi trước nhà đổ gục... Học võ Thiếu Lâm, việc đứng tấn là vô cùng quan trọng, là bước khởi đầu, bước nhập môn. Không phân biệt mùa đông hay mùa hè, cụ Tiền thường thắp một nén hương ngoài sân và bắt người con gái của mình đội sương luyện "trung bình tấn" đến khi nén nhang cháy hết. Lần đầu tập đứng tấn hết 1 nén nhang, bà bị cảm, chân mỏi đến mức mấy ngày sau không di chuyển được. Đúng như lời tâm sự của võ sư Thành: "Không qua lửa, không thành thép". Hi sinh hạnh phúc riêng
Nữ võ sư Nguyễn Kim Thành.
Năm 21 tuổi, bà lập gia đình với một đệ tử của cha mình. Trước đó, hai người thường xuyên đi theo cụ Tiền "phiêu bạt giang hồ" để biểu diễn võ Thiếu lâm. Ngày ấy, khi đi biểu diễn ở các tỉnh xa, nhiều người cảm thấy ngạc nhiên vì bà là phụ nữ lại biểu diễn võ thuật đạt đến độ thượng thừa.Năm 1982, vừa mới sinh con được 2 tháng, Sở Thể dục Thể thao Hà Nội (TDTT) có tổ chức buổi biểu diễn võ thuật ở công viên Lê Nin (nay là công viên Thống Nhất). Đến gần thời gian biểu diễn, một võ sư đã đăng kí tiết mục biểu diễn nhưng bận việc đột xuất nên không thể tham gia. "Lúc ấy một cán bộ công tác tại Sở, cũng là đệ tử của cha tôi đến nhà năn nỉ tôi tham gia biểu diễn. Tôi phân vân mãi vì con lúc ấy còn đang bú. Nhưng rồi nể quá, hơn nữa đang "ngứa nghề" nên tôi quyết định lên đài biểu diễn", bà Thành kể lại.
Không ai ngờ tiết mục của người biểu diễn "chữa cháy" lại trở thành tiết mục "đinh". Bà biểu diễn liền một lúc hai bài là "Đại đao" và "Song kiếm". Đây được coi là hai bài khá khó trong các bài tập binh khí thuộc môn phái Thiếu Lâm tự. Võ sư Thành tâm sự: "Lúc ấy vừa sinh con, sữa còn đầy nên khi biểu diễn phải nén khí, sữa chảy ra ròng ròng ướt cả áo. Lúc tôi đang biểu diễn, nhiều người tưởng tôi do căng thẳng quá chảy mồ hôi ướt áo. Khi Ban tổ chức giới thiệu tôi vừa sinh con được hai tháng, tất cả mọi người đều đứng dậy vỗ tay thán phục. Biểu diễn xong, tôi chạy thẳng một mạch về nhà cho con bú".
Sau lần đó, giới võ lâm Hà Nội truyền tai về câu chuyện của bà như một giai thoại về tinh thần thượng võ.
Sau tiếng vang từ buổi biểu diễn tại công viên Lê Nin, võ sư Thành được mời về công tác tại Sở TDTT Hà Nội. "Hữu xã tự nhiên hương", liên tục nhiều tỉnh mời bà về địa phương dạy võ. Niềm đam mê muốn cho môn phái Thiếu Lâm nổi danh hơn nữa nên những chuyến công tác xa nhà kéo bà đi liên miên. Bà buồn bã: "Lúc đó tôi đã có hai con nhỏ, nhưng vì phải đi dạy võ ở các tỉnh xa nên bỏ bê công việc, trách nhiệm của người phụ nữ. Rồi đến năm 1990, tôi và chồng chia tay nhau".
Nỗi niềm riêng phụ nữ theo nghiệp võ
Sau gần 30 năm dạy võ Thiếu Lâm, võ sư Thành đã giảng dạy cho hàng vạn đệ tử. Bà được Hội võ thuật Hà Nội cấp giấy chứng nhận đẳng cấp Võ sư năm 1990, là nữ võ sư Thiếu Lâm duy nhất ở miền Bắc. "Năm 1982, Sở TDTT Hà Nội mời tôi vào công tác. Nhiệm vụ của tôi lúc đó dạy võ Thiếu Lâm tại Cung văn hóa Việt - Lào. Sau đó, tôi được Sở cho đi học luật và cử sang huấn luyện bộ môn Pencak Silat. Đến năm 2005, tôi xin nghỉ về mở quán phở kinh doanh cho đỡ buồn". Được biết, hiện nhiều học trò của võ sư Thành mở những lò luyện võ tại Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận. Khi nào gặp những động tác khó, những học trò này lại tìm về để nhờ võ sư Thành chỉ dạy. Đến lúc ấy, khách ăn phở mới biết người đàn bà tay dao tay thớt đang chế biến đồ ăn lại chính là nữ võ sư từng một thời vang danh.
Nghề võ với phụ nữ này gắn liền với rất nhiều kỉ niệm, đặc biệt bà thường gặp không ít "đấng mày râu" vì tò mò nên đòi tỉ thí. Năm 1986, bà được mời lên Cao Bằng dạy võ. Nghe tiếng, một thanh niên tên Kỳ "đen" vào xin học. Trước đó, người này đã từng theo học rất nhiều môn phái, không biết sợ một ai và chưa từng có đối thủ. "Có lẽ cậu ta đến với mục đích muốn thử trình độ của mình như thế nào nên đòi thi đấu", bà Thành nhớ lại. Bà quyết định lên đài để "dạy dỗ" cho cậu ta một bài học. Võ sư Thành cười nhớ lại: "Cậu ta múa rất nhiều thế võ của nhiều trường phái còn tôi thì đứng im. Cứ mỗi khi cậu ta chuẩn bị tấn công, tôi nhích người lên tung một cú đá lại khiến đối thủ ngã lăn ra sàn. Sau 4 lần như vậy, cậu ta đầu hàng và nhận tôi làm sư phụ, dẫn thêm hơn chục người đến xin học võ Thiếu Lâm".Hay một lần ở Hải Phòng, thấy phụ nữ đi dạy võ, một thanh niên đến cười nhếch mép: "Tôi rất thích học võ Thiếu Lâm nhưng liệu bà có đánh được tôi không mà đòi làm thầy". Cậu thanh niên này mời võ sư Thành tỉ thí "phân tài cao thấp". Bà càng từ chối thì thanh niên kia càng buông những lời thô tục để hạ thấp bà. Võ sư Thành quyết định lên đài và chỉ sau 2 cú đá, đối thủ đã gục ngã. "Cậu ta muốn bái tôi làm sư phụ nhưng tôi quyết không nhận vì tính cách của người này quá ngỗ ngược, học võ cũng chỉ đi hại người", bà nhớ lại.
Được biết, trong những năm đi dạy võ ở các tỉnh xa, đã nhiều lần võ sư Thành bị người của một số môn phái khác đến quấy rối, ngăn cản việc giảng dạy. Tuy nhiên, người phụ nữ này luôn khéo léo xử lí để tránh phải động thủ, gây mất đoàn kết với các môn phái khác.
Đến nay, các học trò của võ sư Thành vẫn còn nhắc về vụ một mình bà "đo ván" 3 môn đệ của một môn phái khác. Một lần bà đi làm về ban đêm, đến đoạn vắng thấy 3 bóng áo đen xuất hiện. Một tên định đánh lén từ phía sau, võ sư Thành né đòn sang bên trái quay người tung quyền chân đúng vào bụng đối thủ khiến cho hắn gục xuống. Hai tên khác cùng lao vào, nhanh như cắt bà nhảy lên đạp thẳng hai chân vào ngực đối thủ. Sau khi ăn đòn, mấy đối tượng đánh lén lê lết chạy đi.
Theo ĐSPL
Đi tìm cao thủ Thiếu Lâm Việt Nam (Kỳ 2) Gặp người Việt từng khổ luyện ở chùa tổ Thiếu Lâm Gặp người Việt từng khổ luyện ở chùa tổ Thiếu Lâm Võ sư Hoài biểu diễn đao thuật (Nguồn internet) Từ hàng chục năm nay, giới võ lâm Việt Nam hâm mộ võ sư Vũ Đăng Hoài không chỉ vì ông là một "cánh chim đầu đàn" của thời phục hưng võ thuật vào những năm 1980 mà người ta còn cảm phục...