Di sản nào của ông Trump về Trung Đông sẽ sống sót dưới thời tân Tổng thống Joe Biden
Trong 4 năm tại vị, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đảo ngược các chính sách về Trung Đông của Mỹ tồn tài hàng thập niên. Mặc dù tân Tổng thống Joe Biden muốn thay đổi những chính sách đó trong nhiệm kỳ của mình nhưng điều đó có thể gặp nhiều khó khăn.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái), Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) và Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed Al-Nahyan tại lễ ký Hiệp định Abraham tại Nhà Trắng ngày 15/9/2020. Ảnh: GETTY IMAGES
Theo hãng tin Reuters, tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện ngày 19/1, ứng viên cho chức Ngoại trưởng Mỹ của Tổng thống Biden, ông Antony Blinken đã ngầm phát tín hiệu việc đối đầu với Iran sẽ là trung tâm trong nghị sự Trung Đông của chính quyền mới.
Ứng viên Blinken cho biết Mỹ còn một “chặng đường dài” để tái gia nhập hiệp ước hạt nhân ký với Iran nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran.
Biden và đội ngũ của ông cho biết họ sẽ khôi phục quan hệ với người Palestine nối lại viện trợ và từ chối các hành động đơn phương, chẳng hạn như xây dựng các khu định cư của Israel trên vùng lãnh thổ này.
Tuy nhiên, ứng viên Ngoại trưởng Blinken cũng khẳng định Đại sứ quán Mỹ tại Israel sẽ vẫn duy trì ở Jerusalem, nơi mà chính quyền Tổng thống Trump công nhận là thủ đô của Israel.
Bốn thỏa thuận ngoại giao do cựu Tổng thống Trump làm trung gian giữa Israel và các quốc gia Arab cũng có khả năng sẽ tiếp tục duy trì do các thỏa thuận này có sự ủng hộ của lưỡng đảng và đem lại sự tái cơ cấu chiến lược của các nước Trung Đông khi đối phó với Iran.
Video đang HOT
Thách thức của tân Tổng thống Biden hiện nay sẽ là làm thế nào để đảo ngược chính sách thời Tổng thống Trump mà không bị cáo buộc là rút lui hoàn toàn khỏi cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
Michele Dunne, Giám đốc Chương trình Trung Đông tại Viện nghiên cứu quốc tế Carnegie Endowment có trụ sở tại Mỹ, nhận định: “Ông ấy sẽ tìm cách xây dựng một hình ảnh về sự công bằng và cân bằng. Việc các chính sách thời Tổng thống Biden khác biệt với thời cựu Tổng thống Trump là điều không còn nghi ngờ gì nữa, song câu hỏi được đặt ra ở đây là chúng sẽ khác biệt như thế nào so với chính sách thời cựu Tổng thống Barack Obama”.
Đồng minh thân cận Israel
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (giữa) cùng Ngoại trưởng Israel Gabi Ashkenazi (phải, hàng trên) thị sát vùng núi Bental trên Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng, gần biên giới Syria ngày 19/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Không thể phủ nhận một điều là cựu Tổng thống Trump đã có những bước đột phá về chính sách Trung Đông với đồng minh thân cận nhất của ông trong khu vực, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Cùng với việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và khẳng định chủ quyền của nước này đối với Cao nguyên Golan, cựu Tổng thống Trump ủng hộ viêc Israel xây các khu định cư của ở Bờ Tây, vùng lãnh thổ tranh chấp với người Palestine.
Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp, ngân sách đầu tư của Israel vào các khu định cư ở Bờ Tây trong giai đoạn 2017-2019 đã tăng gần một nửa so với ba năm cuối năm quyền của cựu Tổng thống Barack Obama.
Một ngày trước lễ nhậm chức của tân Tổng thống Biden, Israel phê duyệt xây gần 800 nhà định cư mới ở Bờ Tây.
Quan hệ của Mỹ và Palestine đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên sau khi cựu Tổng thống Trump cắt khoản viện trợ hàng năm trị giá 360 triệu USD cho UNRWA, cơ quan của Liên hợp quốc giải quyết người tị nạn Palestine, giảm các khoản viện trợ khác cho người Palestine và đóng cửa văn phòng Tổ chức Giải phóng Palestine ở thủ đô Washington D.C.
Tại phiên điều trần 19/1, ứng viên Ngoại trưởng Blinken khẳng định sẽ đưa quan hệ Mỹ và Palestine trở về chuẩn mực ngoại giao trước thời cựu Tổng thống Trump. Nhà chức trách nói: “Cách duy nhất để đảm bảo tương lai của Israel với tư cách là một nhà nước Do Thái dân chủ và trao cho người Palestine một nhà nước là thông qua cái gọi là giải pháp hai nhà nước. Tuy nhiên, việc đó khó có thể thực hiện trong ngắn hạn”.
Tại Dải Gaza, Tổng ủy viên UNRWA Philippe Lazzarini bày tỏ sự lạc quan về những thay đổi trong chính quyền Mỹ mới. “Chúng tôi thực sự có những liên hệ không chính thức với chính quyền mới. Chúng tôi đã được đảm bảo với câu trả lời rằng họ có ý định nối lại quan hệ đối tác”, ông Philippe trả lời hãng tin Reuters.
LHQ kêu gọi Israel chấm dứt xây khu định cơ mới tại Bờ Tây
Ngày 18/1, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã hối thúc Israel dừng và hủy bỏ quyết định xây gần 800 nhà định cư mới tại khu Bờ Tây bị chiếm đóng.
Công trường xây dựng khu định cư Ramat Shlomo của Israel tại Jerusalem, ngày 18/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong tuyên bố, Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh quyết định trên của Israel là trở ngại lớn đối với việc đạt được giải pháp hai nhà nước, cũng như nền hòa bình công bằng, lâu dài và toàn diện tại Trung Đông. Ông nêu rõ việc thành lập các khu định cư của Israel tại vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng kể từ năm 1967, bao gồm Đông Jerusalem, không có giá trị pháp lý và là hành động vi phạm rõ ràng theo luật quốc tế.
Ngày 17/1 vừa qua, Israel đã phê duyệt xây dựng 780 nhà định cư mới tại Bờ Tây. Ước tính có khoảng 450.000 người định cư Israel sống tại Bờ Tây cùng khoảng 2,8 triệu người Palestine. Phần lớn cộng đồng quốc tế coi các khu định cư Do thái tại Bờ Tây là bất hợp pháp. Vấn đề này là một trong những trở ngại lớn khiến các cuộc hòa đàm giữa Palestine và Israel luôn rơi vào bế tắc.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh cho rằng việc Israel nhanh chóng quyết định xây thêm hàng trăm nhà định cư mới tại Bờ Tây cho thấy Chính phủ Israel đang chạy đua với thời gian để xây thêm khu định cư trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hết nhiệm kỳ và Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức. Do đó, ông Shtayyeh kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối các khu định cư của Israel đồng thời chia sẻ trách nhiệm bảo vệ giải pháp hai nhà nước.
Liên quan đến các cuộc bầu cử của Palestine, Thủ tướng Shtayyeh yêu cầu Israel tuân thủ các thỏa thuận, theo đó cho phép người Palestine ở Đông Jerusalem tham gia bầu cử, bao gồm cả hoạt động ứng cử và bỏ phiếu. Ông cũng để nghị Liên minh châu Âu (EU) cử quan sát viên tới giám sát các cuộc bầu cử sắp tới của Palestine, đặc biệt tại khu vực Đông Jerusalem.
Ngày 15/1 vừa qua, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã ban hành một sắc lệnh ấn định tổ chức bầu cử cơ quan lập pháp các vùng lãnh thổ Palestine vào ngày 22/5 tới và bầu cử tổng thống vào ngày 31/7. Phong trào Hồi giáo Hamas hiện kiểm soát Dải Gaza đã hoan nghênh sắc lệnh này. Các cuộc bầu cử này được cho là đánh dấu một bước tiến lớn hướng tới hòa giải giữa phong trào Fatah của Tổng thống Abbas hiện hoạt động tại vùng Bờ Tây và phong trào Hamas.
Israel lâu nay phản đối hoạt động của Chính quyền Palestine tại Đông Jerusalem. Cuối năm 2019, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã từ chối ra sắc lệnh tổ chức bầu cử trước khi Israel bảo đảm người Palestine tại Đông Jerusalem được đi bỏ phiếu.
Lần gần đây nhất Palestine tiến hành bầu cử cơ quan lập pháp là vào năm 2006, trong đó Hamas giành số ghế áp đảo. Cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất của Palestine diễn ra vào tháng 1/2005, sau khi nhà lãnh đạo Yasser Arafat qua đời vào tháng 11/2004. Ông Abbas đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này.
Iran cảnh báo B-52 Mỹ Ngoại trưởng Javad Zarif khẳng định Iran không ngần ngại "nghiền nát kẻ gây hấn" khi Mỹ triển khai oanh tạc cơ B-52 tuần tra Trung Đông. "Nếu các chuyến 'Tuần tra Hiện diện' bằng B-52H của các ông nhằm đe dọa hoặc cảnh báo Iran, các ông nên dành hàng tỷ USD đó cho sức khỏe người dân. Dù Iran chưa khơi...