Đi săn gà chín cựa
“Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” – món thách cưới độc đáo của Vua Hùng với hai chàng Sơn Tinh và Thủy Tinh vốn dĩ chỉ có trong truyền thuyết.
Ấy vậy mà, giữa vùng thâm sơn Thanh Sơn, Phú Thọ, đã từ nhiều năm nay, người ta vẫn nuôi được giống gà chín cựa quý hiếm có một không hai này.
Cũng chỉ vì tò mò, tôi đã lên tận nơi ấy, mua gà, luộc lên rồi… ăn thử. Nói không ngoa, đó quả thật là thứ thịt gà ngon nhất trong đời mà tôi được ăn. Ăn xong rồi lại cứ tiếc hùi hụi vì giống gà lạ này vẫn chưa đem lại kinh tế cho bà con dân bản.
Gà chín cựa dũng mãnh với mào rực đỏ
Trưởng bản Cỏi, xã Xuân Sơn, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ là người Dao nhưng có cái tên không hề Dao một chút nào: Đặng Vĩnh Phúc. Khi ông Phúc nói cái tên ấy ra, tôi hỏi lại mấy lần cố ý để ông giải thích về cái tên chẳng mấy ăn nhập thông thổ này. Ông Phúc thực thà: “Tổ tiên tôi vốn dĩ chẳng phải người gốc ở đây. Ông cố nội tôi sinh ra ở Nam Định, chuyên nghề đúc đồng, tuy chẳng phải bậc cự phú gì nhưng cũng có của ăn của để. Tu chí đến nửa đời người thì ông cố sa vào cờ bạc rồi nướng cả gia sản vào đấy. Nợ nần chồng chất, phẫn chí, ông cố tôi nổi lửa đốt nhà rồi đưa cả gia quyến vào vùng rừng sâu này. Ông cố tôi cải thành người Dao, sống đời sống sơn tràng và đến đời tôi thì đã coi đây là quê hương bản xứ của mình rồi. Nhưng họ tên đời sau vẫn đặt theo lối cũ trong gia phả truyền đời. Cái tên của tôi có nguyên do là vậy”.
Ông Phúc rất mẫn tiệp, nói năng khúc triết chẳng giống gì vẻ ngoài của ông. Ông là trưởng bản nhưng rất xuề xòa. Áo bộ đội nhàu, quần ga lò xo và chỉ đi chân đất. Ông Phúc nghiện thuốc lào vào dạng siêu nặng, nói chuyện được dăm câu là phải hua tay xin ngừng để nhồi thuốc vào ống điếu. Hút xong rồi ôm ngực ho sù sụ.
Có lẽ, máu thương lái bán buôn từ đời cha ông vẫn còn chảy trong huyết quản ông Phúc. Ấy là về chuyện con gà chín cựa đặc dị của đất này. Người dân tộc thiểu số nói chung và người Dao nói riêng mang nặng tư duy “tự sản – tự tiêu” từ ngàn đời rồi, tự trồng cấy, nuôi thả mà ăn chứ ít người nghĩ đến chuyện buôn bán hoặc nói cho oách là làm thương mại. Nên trang trại gà chín cựa của ông Phúc được mở ra đã là sự lạ, hoành tráng ở bản Cỏi.
Sự tích loài gà chín cựa ở Thanh Sơn cũng lắm điều thú vị. Có nhiều giai thoại và những lời đồn thổi khác nhau về gà chín cựa. Cụ Bàn Văn Trường, 80 tuổi nhớ lại: “Lúc tôi còn bé tí đã thấy trong nhà có những con gà với những cái cựa tua tủa như gai nhọn”. Cụ Trường kể rằng, ngày cụ còn bé, con gà nào có đủ chín cựa thì không bao giờ bị giết thịt và cũng chẳng thấy chúng chết. Chỉ biết rằng, đột nhiên vào một ngày nào đó, chúng biến mất và không bao giờ quay trở về nữa”.
Có người thì bảo đây là giống gà rừng nhưng thông minh và thích gần gũi với con người nên về sống với con người từ xa xưa. Có người lại nói giống gà này là gà nhà, được người Dao ở Xuân Sơn nuôi dưỡng như gia cầm, chỉ có điều sức vóc cũng như sự tinh anh đã khiến nó rất được coi trọng. Người Dao ở Xuân Sơn khẳng định gà chín cựa thông minh tới mức có thể trông nhà khi chủ đi vắng. Thực hư thế nào thì chỉ có người Dao làm bạn với gà chín cựa bao đời nay mới biết rõ nhưng tôi đã được chứng kiến tận mắt cảnh 3 thanh niên không bắt nổi chú gà tám cựa – nói gì đến chín cựa, dù đã dùng đủ mọi “mưu kế”, đưa ra nhiều mồi nhử.
Video đang HOT
Đôi chân “quái dị” của giống gà quý hiếm
Nhọc nhằn nuôi gà “bay”
Ông Phúc thì khẳng định rằng, thực ra, giống gà này cũng chỉ mới xuất hiện được khoảng 20 năm trở lại đây và bản Cõi chính là nơi xuất hiện giống gà đầu tiên. Ông Phúc cũng chính là nhân chứng được chứng kiến toàn bộ quá trình xuất hiện của giống gà này. Ông Phúc kể lại: “Khoảng 20 năm trước, trong một buổi sáng đi phát rẫy, tôi trông thấy một con gà rừng khá lạ. Lông nó màu trắng toát, tiếng gáy gần giống gà nhà và bay như chim. Đặc biệt, chân giống gà này có 9 ngón, chen chúc trên khẩu chân ngắn và rất nhỏ. Tôi ở vùng này đã lâu và đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy giống gà này. Chỉ nhìn thấy lần ấy thôi và lâu lâu không nhìn thấy chúng nữa”.
Câu chuyện cũng chẳng có gì đáng kể nếu không có một ngày ông Phúc trông thấy con gà rừng lạ kia… đạp mái với cánh gà nhà sau vườn nhà ông. Gà nhà ấp trứng nở ra giống gà có đến… tám cựa. Ông Phúc trông thấy lạ, tưởng lứa gà bị đột biến gì đó nhưng lạ thay, lứa nào cũng thế, con nào cũng vậy. Chúng ăn khỏe nhưng lớn rất chậm, con nào con nấy chỉ đến khoảng 1,5kg là dừng lại.
Giống gà này mắt sáng quắc, không hoảng ngay cả khi bị giữ chặt. Mào đỏ tươi như máu, đuôi cong vút tựa cầu vồng và rất mảnh. Riêng cặp chân thì to, chắc và mọc đều 4 cựa mỗi bên. Mỗi cựa dài, ngắn khác nhau, mọc nối theo hàng. Đặc biệt, cựa trên cùng hoàn toàn chỉ là sừng, cong vút như lưỡi câu liêm hay nanh lợn độc. Khi đủ lông đủ cánh, chúng bay như chim, bởi chân ngắn và sải cánh rất rộng. Có đận, cứ nuôi được con gà nào lớn lên là chúng bay tuốt vào rừng và không về nữa. Ông Phúc mất gà cứ ngẩn ngơ tiếc, không hiểu chuyện gì xảy ra.
Rồi ông tính đến chuyện nuôi nhốt chúng. Ông nuôi theo kiểu công nghiệp, quây chuồng, rải rơm và cho ăn theo bữa với đèn chụp hẳn hoi. Như thế được dăm ngày, đàn gà của ông cứ lần lượt lăn ra chết như là chết dịch. Là bởi, chúng ở trong chuồng trướng khí, đập cánh đòi bay, quẫy vào thành chuồng đến gãy nát cả xương mà chẳng thiết tha ăn uống gì. Cách nuôi đó rõ ràng là không ổn.
Suy đi tính lại, ông Phúc tính chuyện lập trang trại. Ông tính: “Giống này lai gà rừng, mình nuôi theo kiểu gà nhà là hỏng hết. Nó là gà lai rừng thì nuôi bán tự nhiên, sáng cho nó bay đi kiếm ăn, tối nó lại bay về như nuôi ong. Nó quen thức ăn, quen chuồng rồi thì khắc nó sẽ tự tìm về”. Ông tính tù mù thế, chẳng sách vở gì nhưng xem ra lại rất ổn. Ông lập hẳn ra một trang trại nuôi gà chín cựa theo cách của riêng mình.
Trang trại gà chín cựa giữa mênh mông rừng núi
Gọi là trang trại vậy thôi chứ thực ra nó là một rẻo đất hoang trên miệng vực, dưới vực là ngút ngàn rừng xanh để làm… sân chơi cho lũ gà. Ông cũng cất một dãy chuồng nứa lá cho gà ngủ nhưng tịnh không bao giờ chúng dùng chuồng ấy. Những con chiêm chiếp lớn lên vừa bằng nắm tay là ông thả về rừng cho gà mau lớn. Sáng chúng bay về ăn thóc ông vãi trên khoảnh đất nhỏ, ăn xong chúng ùa bay tuốt vào rừng kiếm quả chín, lá non mà ăn. Tối chúng bu về ngủ đầy trên dãy cây lồ ô gần đó. Ông Phúc chỉ có thể kiểm soát được số gà con thả về rừng chứ không bao giờ kiểm được số gà ông có trong trang trại, đếm chúng mà cứ như đếm vịt giời đang bay vậy.
Theo cách ấy, số gà thu hoạch mỗi lứa phải mất… một nửa. Một nửa còn lại thì có con bay vào rừng, rồi bị dân bản quanh vùng nhầm tưởng là gà rừng họ săn mất, có con không tự thuần được, lại thành gà rừng vĩnh viễn không về nữa, có con thì vẫn về chuồng ăn hàng ngày nhưng không tài nào bắt được chúng. Mà, cách thu hoạch gà của ông Phúc cũng lắm điều lạ.
Để bắt chúng, ông làm cái thòng lọng có dây rút thật dài. Nửa đêm về sáng, chờ lúc đàn gà về ngủ say trên cành cây lồ ô, ông nhẹ nhàng đặt thòng lọng trước mặt con gà rồi bật đèn pin chiếu thẳng vào mặt nó. Con gà giật mình và theo phản xạ tự nhiên thì rướn cổ ra phía trước. Thế là chui vào thòng lọng. Ông Phúc thít thòng lọng vào lôi xuống thật nhẹ nhàng, nếu để phát ra tiếng kêu hoặc tiếng quẫy cánh quá mạnh, đàn gà tỉnh dậy bay mất thì công toi.
Giống gà mà ông Phúc nhân giống ra gọi là gà chín cựa nhưng thực chất gà trống chỉ có tám cựa, gà mái chỉ có sáu cựa. Một lứa gà, mỗi con nuôi khéo lắm được ngót 2kg cũng mất cả năm. Chính vì thế, giá bán của nó cũng chẳng hề rẻ chút nào. Gà sáu cựa giá 300-500 ngàn đồng/kg, gà tám cựa giá phải hơn 1 triệu đồng/kg.
Trang trại gà của ông Phúc chỉ vẻn vẹn một túp lều mà gà không bao giờ ở
Gà có đầy đủ chín cựa thì hiếm vô cùng. Từ xưa đến nay, số gà có đủ chín cựa chỉ đếm được trên đầu ngón tay và nhà nào sở hữu gà chín cựa thì chả khác nào có được con gà bằng vàng ròng. Với con gà đủ chín cựa, gia chủ có thể phát giá thoải mái, đại gia nào có thú sưu tầm của lạ, sẽ sẵn sàng mua với bất kỳ giá nào. Người dưới xuôi lên đây săn tìm gà chín cựa ráo riết lắm. Họ đặt cả chục triệu cốt để tìm được một con gà đủ chín cựa. Ông bảo, có lẽ đến cả trăm triệu đồng cho một con gà người ta cũng sẵn sàng mua. Thực tế, đã có đại gia cây cảnh siêu giàu ở Việt Trì mà tôi biết đã chi 100 triệu đồng để có được một chú gà chín cựa từ tay một con buôn.
Kiếm tiền từ giống gà lạ
Bản Cỏi nằm lọt thỏm giữa Vườn Quốc gia Xuân Sơn, có vỏn vẹn có 65 hộ dân, với khoảng 350 nhân khẩu sinh sống. Chỉ vài năm trở lại đây, con đường bê tông nối vào bản mới được làm, bản Cỏi mới hết biệt lập hoang vu. Tiếng tăm loài gà đó cũng theo con đường mới lan truyền đi khắp nơi. Cũng đã có vài cuộc khảo nghiệm thực tế của các vị giáo sư, tiến sĩ nông học thuộc vài viện nông nghiệp lên tìm hiểu thực tế để nghiên cứu lịch sử giống gà, đánh giá thực trạng và tìm biện pháp bảo tồn. Thế nhưng, các vị đồng loạt lên, uống rượu, ăn thịt gà rồi chẳng thấy hồi âm gì. Nguồn gốc của giống gà lạ này cứ thế rơi vào quên lãng.
Có câu chuyện thế này, nhiều đại gia ở Việt Trì, Phú Thọ đã thực hiện giấc mơ làm giàu bằng gà chín cựa. Nhiều người đã đầu tư trang trại hàng tỉ đồng, rồi hốt nửa số gà trong bản Cỏi đem về thả, rồi cứ ao ước rằng, trăm con gà kia sẽ đẻ ra ngàn con, ngàn con sẽ đẻ ra vạn con… Cứ theo cấp số nhân mà tính, giống gà chín cựa ấy sẽ đem về cho chủ gia trang cả núi vàng. Suy cho cùng thì mơ ước của các ông chủ gia trang chẳng phải viển vông. Con gà chín cựa kia cũng chỉ ăn ngô, ăn thóc như giống gà khác, trong khi giá trị của nó thì rất lớn.
Nếu đưa ra khỏi bản Cỏi, gà chín cựa sẽ không sống được
Dù họ cũng biết gà ấy chỉ hợp với bay nhảy, dù họ cũng làm cành lá nhân tạo gần gũi với thiên nhiên nhưng lạ thay, giống gà ấy hễ ra khỏi rừng Xuân Sơn là héo hon dần và… chết. Điều này thật lạ lùng, nhưng nó cũng là lời lý giải vì sao không đâu khác, chỉ núi rừng Xuân Sơn, chỉ cái bản Cỏi heo hút giữa đại ngàn, giữa những dãy núi điệp trùng kia mới có loại gà kỳ dị.
Như vậy, bản Cỏi là nơi duy nhất có thể nhân được giống gà này. Chuyện kiếm tiền từ giống gà đặc sản, ông Phúc đã bắt đầu tính đến. Bà con trong bản cũng lác đác bắt đầu nuôi gà chín cựa. Tuy nhiên, thi thoảng mới có người dưới huyện lên mua được dăm con đãi khách. Gà nuôi ra đó, chủ yếu vẫn để… thịt ăn. Duy chỉ có ông Phúc là đang ấp ủ làm ăn lớn. Ông tính: “Ở đây rừng núi có sẵn, tôi đang tính khoanh vùng nhân giống đàn gà lên vài nghìn con, nuôi cho đã. Để cho giống gà này trở thành một thương hiệu của huyện, của tỉnh và thực sự đem lại kinh tế cho bà con”.
Tôi tin điều ông Phúc nói là thật, tôi tin dự án bề thế ông vừa nói với tôi không phải là viển vông. Nhưng, dù ông đang rất mặn chuyện và phấn chấn với dự án mới mẻ, tôi vẫn phải thật lòng mà nói với ông rằng: Con gà chín cựa biết đâu chỉ là cái mốt nhất thời của vài ba kẻ hãnh tiến miền xuôi. Nhưng khi cái mốt ấy đi qua thì hàng ngàn con gà kia, ai sẽ là người mua, ai sẽ là người bù lỗ cho bà con khi nuôi giống gà này. Trước khi làm trang trại lớn, tính chuyện nuôi đại trà, cần tính đến đầu ra, phải có kế hoạch tổng thể lâu dài chứ không nên ăn xổi vài vụ. Rồi cả những chuyện dịch bệnh trên trời giáng xuống có thể hủy diệt cả đàn gà. Những điều ấy mà không tính thì có ngày bà con trắng tay như chơi.
Ông Phúc rít hơi thuốc lào thật sâu, nhấp ngụm nước chè rồi trầm ngâm: “Có lẽ thế thật, đợt tới phải bàn với mấy cán bộ xã, cán bộ huyện xem chiến lược thế nào. Nhưng dù gì, tôi cũng làm trang trại thật lớn đấy!”.
Theo dantri
Giải mã chữ Việt cổ
Hôm qua 29-1, đông đảo các nhà khoa học, nhà ngôn ngữ học và báo giới tại Hà Nội đã được nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền giới thiệu về "Cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ" sau nửa thế kỷ gian khổ và dày công của ông, nay đã tới đích.
Một đời tìm chữ cha ông để lại
Cuốn sách "Cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ" của Nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền đã "giải mã" được chữ Việt cổ - thứ chữ của một nền văn minh rực rỡ từ thời các Vua Hùng dựng nước Văn Lang. Sau nửa thế kỷ dày công nghiên cứu, tác giả Đỗ Văn Xuyền đã đi tới đích của cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ, với hướng đi riêng là trở về với nhân dân để tìm tòi những cứ liệu lịch sử. Ông cho biết đã nhận ra vai trò to lớn của nhân dân trong việc lưu giữ và bảo tồn những di tích lịch sử của tổ tiên giúp ông hoàn thành được công trình để đời này.
Nửa thế kỷ qua, nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền đã đi không biết bao nhiêu cung đường, các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, miền núi đình, chùa, miếu mạo... "Bất cứ khi nào, nơi nào, cứ nghe thông tin có "chữ lạ" là tôi lại lên đường. Không thiếu lần trong nhiều ngày liền, tôi chỉ ăn lương khô, thậm chí cạn kiệt tiền để đi xe khách về nhà..." - nhà nghiên cứu 77 tuổi tâm sự. Và ông vui sướng vì: "Cho đến hôm nay, người Việt Nam chúng ta có thể tự hào với bè bạn rằng, đã tìm lại được bộ chữ Khoa Đẩu - bộ chữ Tổ tiên ta sáng tạo ra từ thời tiền sử mà suốt hai nghìn năm qua, tưởng đã bị thất lạc".
Tác giả đã chứng minh được, từ thời Hùng Vương, người Việt ta đã có chữ viết, được thể hiện trên Bản đồ giáo dục thời Hùng Vương, danh sách những người dạy học thời Hùng Vương, các cuốn sách chữ Việt cổ hiện còn lưu giữ tại Bảo tàng Sơn La và trên những hiện vật còn được lưu giữ ở khắp thế giới như Trống đồng của Việt Nam đang được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Paris (Pháp)...
Bộ chữ thời tiền sử
"Đông Nam Á mà chủ đạo là Việt Nam đã có một nền văn hóa tiền sử phát triển rất sớm, tiên tiến và nhanh chóng - sáng tạo và sống động chưa từng thấy ở nơi nào trên thế giới". Nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền khẳng định như vậy trước giới học giả trong buổi giao lưu chiều qua 29-1 do Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, NXB Hồng Đức và Tạp chí Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương phối hợp tổ chức. Theo nhà nghiên cứu, trước đây, người ta cho rằng cái nôi văn minh của nhân loại là vùng Lưỡng Hà có tuổi đời C14 (phương pháp xác định thời gian bằng nguyên tử carbon 14) là 7.000 năm, sau đó đến Trung Hoa và Ấn Độ.
Nhưng bất ngờ vào năm 1923, nhà nghiên cứu người Pháp Madeleine Colani phát hiện ra ở tỉnh Hòa Bình, Việt Nam những đồ đá, dấu tích động - thực vật và những đĩa gốm có khắc chữ có tuổi đời C14 là 10.000 năm làm chấn động giới nghiên cứu thế giới.
Nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền cho biết, Hội nghị quốc tế về thời tiền sử ở Viễn Đông họp tại Hà Nội năm 1923 xác nhận "Văn hóa Hòa Bình của Việt Nam trước Lưỡng Hà tới 3.000 năm". Qua các công trình khảo cổ, qua sử sách, truyền thuyết... dần dần người ta thấy thấp thoáng hiện lên những mảnh vỡ còn sót lại của một nền văn minh kỳ vĩ từ thời tiền sử của Việt Nam. Đã có những công trình nghiên cứu công phu, những dẫn chứng từ nhiều nguồn tư liệu nước ngoài và sử sách trong nước về nền văn minh này, nhưng việc dựng lại chữ viết của người Việt cổ vẫn khó thuyết phục và gặp vô vàn khó khăn.
Nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền đã chứng minh đặc điểm của bộ ký tự chữ Việt cổ là không có dấu. Theo công trình của nhà nghiên cứu người Pháp Haudricourt và qua khảo sát một số bộ tộc Việt cho thấy: "Trước Công nguyên, người Việt nói không dấu. Do không có dấu nên bộ chữ Khoa Đẩu phải dùng tới hai loại phụ âm: phụ âm cao và thấp để thể hiện các từ khác nhau".
Bộ chữ Việt cổ có đầy đủ số lượng nguyên âm, phụ âm cơ bản như chữ quốc ngữ. Những nét độc đáo trong bộ chữ chỉ có thể giải thích bằng ngôn ngữ Việt. Cách phát âm của bộ ký tự này hết sức đơn giản như cách nói của những người dân quê cổ. Các phụ âm khóa đuôi dùng chung... Cũng theo tác giả Đỗ Văn Xuyền, giới nghiên cứu trong nước và nước ngoài như Anh, Czech đã xác nhận: "Ngay từ trước Công nguyên, người Việt đã có chữ tượng thanh - loại chữ ghép chữ cái thành từ". Điều này được thể hiện trên các di chỉ khảo cổ đồ gốm, đồ đồng của thời kỳ Đông Sơn như: lưỡi cày, đặc biệt là trống đồng... cùng các hình vẽ, chữ viết trên đá cổ Sa Pa, Xín Mần, Pá Màng... theo một hệ thống nhất quán, tất cả đều thể hiện đó là những chữ viết cổ từ thời kỳ tiền văn tự, phát triển và hoàn thiện dần thành bộ chữ Khoa Đẩu. Đây là loại chữ lưu truyền từ thời Vua Hùng, có hình dáng như những con nòng nọc. Chính loại chữ Khoa Đẩu này đã được nhiều học giả trong nước khẳng định như: Giáo sư Hà Văn Tấn, Lê Trọng Khánh, Giáo sư Bửu Cầm, Giáo sư Đỗ Quang Vinh... Tuy nhiên, chưa có ai "giải mã" được chữ Việt cổ - thứ chữ đã bị mất từ sau khi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại - kỹ càng như nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền.
Gìn giữ cho con cháu
Ngược dòng lịch sử, từ năm 187 sau Công nguyên - năm thái thú Sĩ Nhiếp ra lệnh triệt hạ chữ Việt cổ và thay bằng chữ Hán, đã có bao người Việt hy sinh khi muốn phục hồi lại chữ Khoa Đẩu. "Có người bị chém ngang đường khi đang mang chữ của Tổ tiên đi cất giấu"- nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền dựng lại bối cảnh lịch sử.
Cho đến năm 1887, Tạp chí Khoa học của Hoàng gia Anh viết: "...thứ chữ tượng thanh của người An Nam đã không còn nữa". Nhưng cũng thời gian đó, cuối thế kỷ 19 J Silvestre đã tìm thấy một bộ chữ Khoa Đẩu tại làng Hưng Hóa, Tam Nông, Phú Thọ. Và chữ Khoa Đẩu khắc trên tảng đá ở xã Bắc Bình (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) cho thấy vẫn còn hàng chục quyển ngọc phả chữ Khoa Đẩu đã bị đốt đi. Sau khi chúng ta gửi đi hàng vạn tờ mẫu tự Khoa Đẩu thì không ít người đã thông báo lại: Đã tìm thấy thứ chữ này.
Tấm bản đồ chưa đầy đủ và dấu tích về những người dạy học thời Hùng Vương đã là một cơ sở vững chắc, minh chứng cho sự tồn tại việc sử dụng chữ Việt cổ trong mấy nghìn năm khi chưa có chữ Hán xâm nhập. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước như vậy, việc tìm lại dấu tích chữ Khoa Đẩu là một điều hoàn toàn logic. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một bộ chữ gốc Khoa Đẩu trong nhiều bộ chữ được nhân dân Tây Bắc bảo vệ hàng nghìn năm qua. Đó còn là bộ tài liệu "Chữ Thái Tổ Tự" được Tri châu Điện Biên Phạm Thận Duật phát hiện ra từ năm 1855-1856 được NXB Văn hóa biên tập phiên dịch và in vào năm 2000, hiện còn lưu giữ ở nhiều thư viện. "Tôi đã đối chiếu, so sánh và cân nhắc rất nhiều khi chọn bộ tài liệu này đưa vào diện thử nghiệm. Trong nhiều năm, tôi đã về các vùng quê nghiên cứu về ngôn ngữ Việt cổ, cả ngôn ngữ vùng Bách Việt cũ - để tìm cách phá bỏ lớp vỏ ngụy trang và giải mã để làm hiện nguyên hình bộ ký tự đặc biệt này. Đến nay, chúng ta đã có thể kết luận chắc chắn: Bộ chữ này là bộ chữ Việt cổ nguyên sơ" - nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền quả quyết.
Theo ANTD
Tín ngưỡng vua Hùng được đệ trình là Di sản thế giới Hồ sơ thờ cúng tín ngưỡng vua Hùng của Việt Nam sẽ được đệ trình tại hội nghị lần thứ 7 Ủy Ban liên chính phủ về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức từ ngày 3 đến 7/12 sắp tới ở Paris, Pháp. Ngày 29/11, tại trụ sở UNESCO ở Paris, bà Cécile Duvelle, thư ký...