Đi rừng săn nấm linh chi đen, hái chổi tre: Thú vui kiếm tiền triệu
Nếu may mắn, một người đi rừng có thể kiếm được cả triệu đồng nhờ săn nấm linh chi đen hay chổi tre. Đi rừng không chỉ là thú vui mà còn trở thành nghề hái “lộc rừng” của nhiều người dân ở các huyện Lộc Bình, Cao Lộc ( Lạng Sơn).
Vào mùa khô, nhiều người dân lại rủ nhau vào rừng săn sản vật. Với những gia đình quanh năm sống bằng nghề này, bất cứ thứ gì của rừng cũng đều có giá trị, nhưng mang lại một cuộc sống đủ đầy nhất phải kể đến nấm linh chi đen và chổi tre, những loài cây mọc tự nhiên, hoang dại.
Nấm linh chi đen được người dân bán giá cao vì hiếm có.
Mặc dù được thu hái quanh năm, nhưng thời điểm thuận lợi nhất để đi săn sản vật rừng là từ tháng 7 đến tháng 9. Dọc theo các chợ phiên trên tuyến quốc lộ 4B như chợ: Bản Ngà, chợ Lộc Bình… ngày nào cũng thấy cảnh những chiếc xe máy chở đầy sản vật rừng đứng chờ thương lái.
Người ít cũng vài ba lạng nấm linh chi đen, vài chiếc chổi tre, trong khi người nhiều có 2 – 3 kg nấm linh chi đen, 30 – 40 chiếc chổi tre được chất đầy hai bên thành xe.
Đang đứng chờ thương lái đến mua, chị Triệu Thị Múi ở thôn Khuổi Tẳng, xã Mẫu Sơn(Lộc Bình) cho biết: Chổi tre được hình thành từ 15-20 cây Khoang Lài (là 1 loại cây họ tre) – là thứ cây dại, mọc ven các khe suối, triền núi đặc biệt là những nơi có đất màu.
Vào mùa hè cây Khoang Lài già, đồng bào chúng tôi lại hái về làm chổi để quét nhà, quét sân. Mấy năm gần đây, mỗi cái chổi từ 25 – 30 ngàn nên nhiều người trong xã có thu nhập cao từ loại cây dại này”.
Video đang HOT
Đi rừng hái Khoang Lài làm chổi tre để bán.
Từ trước đó khoảng 4 tháng, đi theo các ngọn núi trên đỉnh Mẫu Sơn, không khó để bắt gặp những cây Khoang Lài có thân còn non và xanh ngắt, chỉ cần một vài tháng sau, thân cây Khoang Lài đã chuyển sang cứng cáp và màu vàng óng, có thể dùng để làm chổi.
Theo chị Múi, trung bình mỗi ngày đi rừng, một người khỏe và mau mắn gặp bãi có nhiều cây Khoang Lài thì cũng hái được 30-40 chiếc chổi tre, với giá bán 25 – 30 ngàn đồng/chiếc, cho thu nhập trên dưới 1 triệu đồng. Chính vì vậy, cứ vào dịp nghỉ hè, nhiều học sinh cũng rủ nhau theo cha mẹ đi rừng hái “lộc rừng” về bán.
Ngoài chổi tre, bà con còn đi kiếm bộn tiền nhờ nấm linh chi đen. Từ lâu loại nấm này đã được đồng bào các dân tộc trong và ngoài tỉnh Lạng Sơn sử dụng như một bài thuốc để chữa bệnh.
Anh Dương Trùng Chòi – một người chuyên lên rừng tìm nấm linh chi đen ở thôn Pác Đây, xã Công Sơn (Cao Lộc) cho biết: Nấm linh chi thường mọc trên những cây cổ thụ trong rừng sâu, mỗi cây nấm linh chi bé chỉ nặng vài hoa, cây to khoảng 500g. Mỗi ngày, nếu may mắn kiếm được từ 2 – 3 kg nấm linh chi, loại bé nhất bán 500 – 600 ngàn đồng/kg, loại to bán giá từ 1,2 – 1,5 triệu đồng/kg.
Nếu gặp khách còn có thể bán được giá cao hơn. Đối với thanh niên trai tráng, có ngày gặp may bỏ túi 2 – 3 triệu đồng, ít cũng được 300 – 500 ngàn.
Chợ chổi tre ở Lộc Bình
Phần lớn nấm linh chi đen thu hái về đều được bán tươi cho thương lái, sau khi được rửa sạch, được đem phơi khô. Nấm sấy khô có mùi thơm đặc trưng, ngâm với rượu cao độ, cho ra một loại rượu có màu vàng tươi, giống màu rượu ngoại, uống thơm và có hỗ trợ điều trị nhiều bệnh: bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tắc mạch máu não, chứng táo bón hiệu quả, ung thư và hạn chế tình trạng xơ cứng động mạch, giải độc cơ thể, phòng ngừa bệnh tim mạch, tăng tuổi thọ cao…
Loại nấm này được các thương thu mua và đem đi tiêu thụ ở các địa phương khác, hoặc sang Trung Quốc .
Tuy kiếm được tiền, nhưng nghề “hái lộc rừng” này cũng đầy rẫy những nguy hiểm. Bởi vì, để hái được chổi tre và nấm linh chi, người dân nơi đây phải vào rừng sâu để trèo lên những cây cổ thụ cao chót vót để lấy được nấm linh chi, hay trèo lên những ngọn núi cao để hái chổi tre, nếu chẳng may có thể sẩy chân rơi xuống. Ngoài ra, họ còn thường xuyên bị muối, rắn, rết cắn…
Chia tay những người gắn bó với nghề hái chổi tre và nấm linh chi, mong rằng nguồn thu từ rừng ấy sẽ không bao giờ cạn để người dân nơi đây có thêm thu nhập, cuộc sống thêm ấm no.
Theo Hoàng Văn Hương (Nông nghiêp Viêt Nam)
Trồng khoai lang nghệ trái vụ, củ vừa to đẹp vừa bán được giá
Khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân ở huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đã chuyển diện tích đất cát và đất pha cát sang trồng cây khoai nghệ trái vụ. Do hợp đất, cây khoai nghệ ở đây vừa sai củ, lại thơm ngon nên bán được giá cao.
Do hợp đất và khí hậu nên khoai nghệ Lộc Bình có được vẻ ngoài tròn đều, đẹp mắt và có vị thơm ngon đặc biệt, từ lâu đã nổi tiếng là loại khoai ngon của Lạng Sơn. Năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể Khoai nghệ Lộc Bình. Vì thế, khoai nghệ Lộc Bình lại càng được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh biết đến hơn và tìm mua bằng được để ăn, khiến cung không đủ cầu.
Cây khoai nghệ trồng trái vụ cho năng suất cao không kém trồng chính vụ
Trước đây, khoai nghệ chỉ được người dân trong huyện trồng một vụ vào tháng 9, đến tháng 11 cho thu hoạch. Nhận thấy nhu cầu lớn, khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở các xã Tú Đoạn, Khuất Xá, Lục Thôn, Yên Khoái, Tú Mịch... của huyện Lộc Bình đã chuyển nhiều diện tích đất cát và đất pha cát sang trồng khoai nghệ trái vụ, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.
Chị Hoàng Thị Yên, ở thôn Pắc Mạ, xã Yên Khoái cho biết: "Gia đình tôi năm nay trồng gần 3 sào khoai nghệ trái vụ, do thời tiết thuận lợi nên cây khoai phát triển tốt, cho củ to, đẹp. Vừa qua, gia đình tôi thu hoạch được gần 2 tấn khoai, với giá bán tại nhà 15.000 đồng/kg, mang lại khoản thu nhập gần 30 triệu đồng cho gia đình".
Cũng như chị Yên, anh Hoàng Văn Hanh, ở thôn Bản Chu, xã Tú Đoạn cũng có thu nhập khá từ việc trồng khoai nghệ trái vụ, cho biết: "Nhà tôi có 2 sào đất cát ven sông nên gia đình đã tận dụng dây khoai lang của vụ trước để trồng khoai trái vụ. Không ngờ trồng trái vụ mà cây khoai nghệ phát triển tốt, năng suất cao không kém trồng chính vụ, lại bán được giá cao nữa. Vừa rồi, thương lái đến nhà mua, với 2 sào khoai tôi thu được gần 1,5 tấn, mang lại thu nhập trên 20 triệu đồng, cao hơn so với trồng các loại cây khác trên cùng một diện tích. Sang năm, gia đình tôi vẫn sẽ duy trì và mở rộng trồng khoai nghệ trái vụ".
Khoai lang Lộc Bình đã được Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể
Theo bà con nông dân nơi đây cho biết, trồng khoai nghệ trái vụ cũng không khác gì trồng chính vụ, chỉ cần là đất cát hoặc đất pha cát. Tuy nhiên, vì trồng trái vụ nên phải ra đồng kiểm tra thường xuyên giúp phát hiện các loại bệnh thường gặp trên cây khoai để có biện pháp phòng trừ hợp lý.
Cây khoai nghệ sau khi trồng khoảng 80 ngày sẽ tiến hành thu hoạch. Trung bình mỗi sào (360m2) cho thu hoạch khoảng 700 kg củ, với giá bán trên 15.000 đồng/kg, lãi trên 10 triệu đồng/sào.
Tuy diện tích trồng khoai trái vụ tại huyện Lộc Bình còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát nhưng bước đầu đã cho thấy được hiệu quả kinh tế mang lại. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, chính quyền địa phương cần nghiên cứu và tuyên truyền cho người dân nơi đây kỹ thuật trồng cây khoai nghệ trái vụ, để người dân yên tẩm sản xuất và có thu nhập cao hơn nữa từ loại cây trồng này.
Theo Hoàng Văn Hương (Trung tâm Khuyến nông quốc gia)
Đùm cơm đi mót loài hoa thơm lừng ở các cánh rừng Lạng Sơn Thời điểm này, khi các chủ rừng ở xã Bằng Khánh, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) thu hoạch xong hoa hồi cũng là khi những người đi mót hoa hồi bắt đầu vào mùa làm ăn. Lấy công sinh lời, mỗi ngày họ dậy từ sáng sớm, mang theo cơm đùm, cơm nắm rong ruổi khắp các cánh rừng, triền đồi để mót...