Đi qua cổng trời Hòa – Thanh
Một bên, được ví như nóc nhà của xứ Mường với những dải núi cao bao quanh lòng thung lũng mây bay lãng đãng, với cái tên nôm là Thung Mây. Danh xưng trên địa giới hành chính bây giờ của nơi ấy là Lũng Vân, huyện Tân Lạc, Hòa Bình.
Còn bên kia được mệnh danh “Một Sa Pa của xứ Thanh”, nơi ngụ cư của các bản Thái đen chót vót ở độ cao 1.200 – 1.500m so với mực nước biển. Đó là tiểu khu Son Bá Mười (hay còn gọi là Cao Sơn), thuộc xã Lũng Cao, Bá Thước. Nơi mà mùa đông sương mù lạnh giá, còn mùa hè mát mẻ, thanh bình mê hoặc lòng người.
Xứ Mường trên đỉnh mây vờn
Rời Hà Nội, chúng tôi nhằm quốc lộ 6 thẳng tiến lên miền Tây Bắc. Sau hơn 100 km, mọi người dừng chân ở ngã ba Lồ, thị trấn Mường Khến, Tân Lạc để nghỉ ngơi và định hướng hành trình. Từ ngã ba Lồ, xe bắt đầu rẽ vào con đường nhựa chạy qua cánh đồng lúa. Từ xã Địch Giáo, rồi tới xã Quyết Chiến cảnh sắc mang một nét Mường bản địa dần dần hiện hữu.
Thấp thoáng cuối ruộng lúa non xanh là mấy mái nhà sàn đơn sơ dưới chân núi đá vôi. Nhiều quả núi đá vôi còn nằm độc lập giữa đồng, nhô lên như một mầm xôi đầy đặn. Màu xanh bình yên, cuộc sống bình dị của xứ Mường mà những ai đã từng qua vùng đất Hòa Bình đều thấy thân quen. Nhiều lữ khách đã phải tốn rất nhiều dung lượng thẻ nhớ bởi các bức hình chụp phong cảnh nơi này. Từ vài nóc nhà rồi dần dần hiện ra cả bản nhà sàn, san sát nhau với mái ngả màu nâu thẫm. Có cô gái Mường vẫn vận trang phục truyền thống đi làm đồng khiến chúng tôi tò mò, ống kính máy ảnh đưa lia lịa về phía ấy!
Qua bản nhà san xã Quyết Chiến, cung đường bắt đầu xuất hiện những khúc cua đèo dốc. Dốc cứ uốn lượn theo núi rừng xanh thẳm, chẳng mấy chốc xe chúng tôi đã chạm độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Dưới xuôi vẫn đang độ nóng nực, thì lên đây, khí trời đem lại cảm giác mát mẻ khiến cho cả nhóm vô cùng thích thú, dễ chịu. Nắng đã nhạt dần để lại khung cảnh bầu trời cho những đám mây bay lững lờ.
Hai bên đường không gian vắng lặng, đưa mắt về phía xa xa mọi người quan sát thấy một số dân bản đang lặng lẽ lao động. Có người đeo gùi vào rừng lấy măng, lấy củi, người thì đang phát canh, khai hoang một vạt đồi… Dừng lại đỉnh con dốc, chúng tôi gặp được anh Hà Công Hoài để hỏi han. Anh Hoài cho biết: “Đây là địa phận Thôn Lự, xã Lũng Vân rồi đó ạ”. Nhìn từ dốc xuống là một vùng thung lũng mênh mông mà chúng tôi sau đó được anh Hoài cho biết tên là Thung Tồm – Bãi Ngô. Mùa này ngô chưa được bà con dân bản trồng nên cả thung hiện ra rất hoang sơ, quang vắng. Lẻ tẻ xa xa là mấy mái nhà sàn bình dị cùng vài gốc cổ thụ khẳng khiu bên bãi đá.
Ông Hà Văn Bích, trưởng thôn Lự cho biết, đến với Lũng Vân là mọi người đang ở nóc nhà của xứ Mường Bi (1 trong 4 Mường nổi danh Hòa Bình qua câu: “Nhất Bi, Nhì Vang, Tam Thàng, Tứ Động”). Trong đó xã Lũng Vân với dân số gần 2.000 người có đến 99% là dân tộc Mường. Nếu như các rẻo cao Tây Bắc, Đông Bắc thường là câu chuyện về người Mông ngự trị trên các đỉnh núi cao nhất, thì ở Lũng Vân lại là người Mường. Những mái nhà sàn của người Mường nằm chót vót trên đỉnh núi ngàn mây (với cái tên gọi Thung Mây) đã có từ hàng nghìn năm nay.
Phụ nữ Mường vẫn mặc váy, quấn khăn truyền thống khi đi làm ruộng.
Chúng tôi đặt chân tới khu trung tâm xã Lũng Vân – nơi có khu nhà tầng, mái ngói đỏ hiếm hoi giữa lòng chảo thung lũng. Cuộc sống bình yên với những đàn trâu, bò đang nhởn nhơ gặm cỏ, xung quanh là các giàn su su được bà con trồng xen canh với ngô. Thung lũng được bao bọc vởi các quả núi cao mang những cái tên: Núi Trâu, núi Pó, núi Tiên. Chúng tôi đến đây vào lúc gần trưa mà dường như mây vẫn chưa chịu tan hết. Mấy đứa trẻ bản Mường hồn nhiên, nhìn qua khung cửa sổ cười khúc khích với chúng tôi, rồi lại thẹn thùng chạy vào bên trong. Ông Đinh Văn Phúc, một người đã gắn bó 76 năm cuộc đời ở thôn Hượp, xã Lũng Vân mời chúng tôi vào thăm nhà, trò chuyện. Ông Phúc bảo người Mường trong các thôn, xóm xã Lũng Vân chủ yếu sống bằng phương thức tự cung tự cấp. Lúa, ngô và các loại rau xanh đều được trồng xung quanh vườn, nhiều ngọn su su còn chen nhau leo lên tận mái nhà sàn. Con gà, con lợn được dân nuôi theo hình thức thả rông, tự nhiên, rồi đến buổi chợ phiên lại đem ra trao đổi với nhau.
Ở Lũng Vân chỉ có một khu chợ phiên duy nhất họp vào thứ 3 hằng tuần. Không chỉ lợn, gà, vịt, ngô, thóc, rau… mà nhiều thứ vải vóc, thổ cẩm, hoa trái bản địa cũng được bày bán, trao đổi. Những chiếc váy đen với thắt lưng thổ cẩm thêu hoa lá diêm dúa, cùng chiếc khăn đội đầu sặc sỡ nhiều màu sắc được bày bán ở các buổi chợ phiên. Phụ nữ Mường vẫn thường mặc trang phục truyền thống hằng ngày dù là đi làm hay đi chơi.
Ở Lũng Vân, đất trồng lúa rất ít, nên bà con Mường phải tận dụng canh tác trên các sườn núi theo hình thức ruộng bậc thang. Ruộng bậc thang của người Mường ở đây thoai thoải chứ không dốc dựng đứng hùng vỹ như trên Mù Cang Chải, Y Tý, Hoàng Su Phì. Người Mường ở đây cũng phải đợi mưa xuống mới có thể ra đồng canh tác. Chính vì thế ở các thửa ruộng bậc thang ở Lũng Vân cũng chỉ trồng được 1 vụ lúa. Tuy năng suất không cao, nhưng hạt gạo nương Lũng Vân thơm ngon, thuần khiết.
Bà mế Mường này đã 84 tuổi đang ngồi khâu vá bên cửa nhà.
Trừ mùa đông tương đối rét mướt, thì thời tiết các mùa còn lại trong năm ở Lũng Vân rất tuyệt vời. Không khí trong lành, mát mẻ người dân sống một cuộc đời yên bình nơi núi cao, sử dụng các sản vật, thức ăn siêu sạch… nên vì thế đi qua những mái nhà sàn câu chuyện về các cụ ông, cụ bà sống lâu, sống thọ lại được nhắc tới. Còn thiếu thốn về vật chất, không có các đồ dùng, thiết bị hiện đại, y tế, giáo dục còn rất hạn chế… vậy mà ông Hà Văn Khuê, chủ tịch xã Lũng Vân tự hào cho biết toàn xã có 8 thôn với gần 2.000 nhân khẩu, thì hiện có hơn 10 cụ đã qua tuổi 100, còn số cụ trên 80 tuổi nhiều vô số kể. Theo tìm hiểu thêm của chúng tôi thì xóm Chiềng và xóm Bục hiện đã có 7 – 8 cụ trên 100 tuổi như cụ Đinh Thị Ón (103 tuổi) , Định Thị Trẵn (101 tuổi), Hà Thị Mây (101 tuổi)… Mọi người gọi đó là những bà mế siêu già. Kỷ lục ở người sống thọ nhất ở Lũng Vân từ xưa đến nay mà nhiều người biết đó là bà Đinh Thị Huệ (thọ 114 tuổi).
Sống thọ chỉ là một chuyện, mà điều đáng nói hơn là những cụ già U90, U100 ở đây vẫn rất minh mẫn, khỏe khoắn, ngày ngày tham gia vào các công việc. Ông Hà Văn Bách (87 tuổi) và vợ là bà Đinh Thị Mịch (86 tuổi) ở thôn Chiềng đến mùa vụ vẫn ra nương cùng con cháu thu hoạch nông sản và cuốc, làm đất, trồng trọt… Hình ảnh những bà lão 80 – 90 tuổi ngồi khâu vá mọi người có thể bắt gặp ở thôn Chiềng, thôn Hượp… Vào ngày cuối tuần tại sân bóng chuyền trước Nhà văn hóa xã, nhiều bô lão còn ra đây để chơi bóng…
Những chuyện đọng lại chốn Cao Sơn
Rời Lũng Vân sau một ngày thăm ngắm, trò chuyện với bao điều thú vị, bất ngờ, chúng tôi bắt đầu tìm đường rẽ sang mảnh đất xứ Thanh. Ông trưởng thôn Lự tận tình chỉ dẫn cho chúng tôi rẽ vào con đường đi xã Nam Sơn, Tân Lạc để vượt núi sang đất Thanh Hóa.
Buổi sáng cung đường vắng vẻ đến lạ kỳ, xe bon bon đi trên lưng chừng núi. Khi sương mù dần tan hết, bên đường là khung cảnh hoang sơ xanh thẳm của núi đồi hiện ra. Cung đường qua những mỏm núi nối Hòa Bình và Thanh Hóa nằm ở độ cao 1.000 – 1.300m so với mực nước biển ngỡ như đang đi trên cổng trời dẫn tới thiên đường. Đứng ở trên mỏm núi cao giáp ranh giữa xã Nam Sơn (Tân Lạc) và xã Lũng Cao (Bá Thước), vào những ngày trong trời chúng ta có thể nhìn thấy đỉnh Pù Luông (cao 1.704m) nhô lên giữa núi đồi trùng điệp.
Video đang HOT
Chinh chiến qua gần 10km đường núi uốn lượn, chúng tôi đặt chân tới đất Thanh Hóa với tiểu khu Son Bá Mười chào đón phía trước. Thôn Son, thôn Bá, thôn Mười thuộc xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, Thanh Hóa nằm chót vót trên đỉnh núi, tách biệt hoàn toàn với phần còn lại. Đây là vùng đất rẻo cao hẻo lánh bậc nhất xứ Thanh khi nằm giữa rải núi Pù Luông – Cúc Phương và dãy Pa Hé, Pha Chiến chạy song song nhau. Son Bá Mười nằm ở độ cao 1.200 – 1.400m so với mực nước biển, có một mùa đông lạnh giá thấu xương thịt, vô cùng khắc nghiệt. Nhưng mùa xuân đào lại bùng nở khắp đất trời, và sang hè tiết trời mát mẻ hiếm đâu có được.
Tiểu khu Son Bá Mười hay còn có tên gọi Cao Sơn hiện ra thấp thoáng những mái nhà sàn ngả màu nâu đất giữa nương ngô, đồi vầu bạt ngàn. Nhưng chủ nhân của những căn nhà sàn này là người Thái đen chứ không phải Mường như mỏm núi bên kia Lũng Vân. Chúng tôi may mắn làm quen được anh Ngân Mạnh Hùng, trưởng thôn Mười từ trước nên nhanh chóng có được cái hẹn. Anh Hùng mới 38 tuổi nhưng đã có 16 năm giữ chức trưởng thôn. Có thể nói Ngân Mạnh Hùng là thổ địa chính hiệu trên vùng cao này.
Bản nhà sàn truyền thống của người Thái giữa núi rừng, nương ngô.
Anh Hùng đưa chúng tôi chạy thẳng con đường nhựa qua 3 thôn Son Bá Mười: “Các cậu đi có thấy sướng không? Đường bây giờ thênh thang rồi, các loại xe ôtô kể cả xe tải chạy thoải mái”. Hào hứng đôi phút cùng khách, rồi anh chùng giọng kể về quá khứ. Đầu năm 2016, đường đổ bê tông từ phố Đoàn lên Son Bá Mười xong, cộng với đoạn từ xã Nam Sơn (Tân Lạc) sang đã hoàn thiện. Còn trước đó 36 năm cuộc đời của anh Hùng và mấy trăm con người trên Cao Sơn đã phải nếm đủ nỗi khổ của đường đất, của đèo dốc trơn trượt.
Anh bảo: “Ngày trước những hôm mưa, từ Cao Sơn xuống trung tâm xã Lũng Cao và ngược lại chúng tôi chỉ có nước đi bộ mà thôi. Chỉ có khoảng 15km, nhưng người dân phải đi ủng, chống gậy tìm đường rừng đi mất cả ngày trời. Những ngày đó khổ lắm”.
Cả Cao Sơn ngày trước đúng nghĩa như một ốc đảo trên cao bị cô lập với thế giới bên ngoài. Nhu yếu phẩm như xà phòng, nước mắm, bột canh, mì chính… người dân phải mua tích hàng tháng, bởi chẳng mấy khi dám đi xuống huyện, hay xã. Hệ lụy của vấn đề khó khăn đường sá đã kéo theo một câu chuyện tưởng thật như đùa đó là cả trường liên cấp 1 và 2 Cao Sơn suốt bao nhiêu năm qua không có lấy một cô giáo. Nhiều người ở đây còn nói vui, “cô giáo mà cắm bản ở đây thì chắc ế chồng mất thôi”! Thầy Trịnh Công Định, hiệu trưởng trường liên cấp Cao Sơn cho biết: “Trước đây do kinh tế còn quá khó khăn, nên học sinh hay bỏ học giữa chừng. Còn học sinh cấp 3 xuống huyện Bá Thước hoặc sang Tân Lạc học sẽ phải ở nội trú, chứ đường xá như thế sao về nổi. Nhưng bây giờ thì mọi thứ khác hơn rồi, suốt mấy năm liền toàn tiểu khu không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng nữa. Trường liên cấp Cao Sơn cũng được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang hơn cả khu nội trú giáo viên và phòng học. Suốt 3 năm nay 95% học sinh học hết lớp 9 ở Cao Sơn đã đỗ cấp 3 được đi học”.
Các thầy giáo cũng yên tâm hơn trong việc dạy học. Bản thân anh Định đã công tác ở trường 6 năm, còn kỷ lục cắm bản nơi thâm sơn cùng cốc này thuộc về thầy Vi Văn Hoan với 15 năm trao cái chữ cho trò nghèo. Nói về giáo viên nữ thì anh Định cười bảo “đến nay vẫn chưa có đâu!”, anh giải thích thêm, dù gì trên này vẫn khó khăn, giáo viên nữ sẽ được ưu tiên phân về những nơi thuận lợi hơn!
Hơn 2 năm có đường bê tông từ Phố Đoàn lên Cao Sơn khiến cho cuộc sống nơi đây đổi thay hoàn toàn. Xe máy trong các thôn, xóm ngày càng nhiều, chạy vù vù. “Giờ đây mọi người ít phải sang Tân Lạc mua sắm rồi, tuy đường hơi dốc nhưng có xe máy là bà con xuống ngay Phố Đoàn hoặc thị trấn Cành Nàng mua bán thôi” – anh Hùng nhấn mạnh.
Tiểu khu Son Bá Mười có gần 200 hộ dân với 780 nhân khẩu, trong đó có đến 97% là người Thái đen, số ít còn lại là người Mường từ Tân Lạc di cư sang. Chỉ tay về phía những quả đồi bạt ngàn vầu, rồi dưới lòng thung lũng là màu xanh của ngô, mướp đắng, anh Hùng cho biết: “Ngô, mướp đắng, vầu là những cây trồng sinh lợi chủ đạo của bà con ở đây. Đến mùa đông bà con lại trồng thêm đào cảnh để bán tăng thu nhập”. Đặc biệt cây mướp đắng phù hợp với khí hậu Cao Sơn nên cho hiệu quả cao, theo như tính toán của chính quyền xã Lũng Cao thì nó cho năng suất và thu nhập gấp 5 lần trồng lúa.
Có đường mới, các thương nhân dưới Thị trấn và khắp nơi đã đưa xe tải lên tận nơi để tiêu thụ. Các hộ người Thái đen từ chỗ chỉ nuôi trồng để tự cung, tự cấp thì giờ đã có sản phẩm bán lấy tiền mua sắm xe máy và các nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống. Có đường tốt rồi thì biết đâu du lịch sẽ phát triển trong tương lai, tại sao không nhỉ? Nơi đây được ví như “Sa Pa của xứ Thanh” hay còn gọi với mỹ từ “Thiên đường Cao Sơn” cơ mà.
Chúng tôi đi trên cung đường thanh bình qua qua tiểu khu trưa cuối hè mà vẫn còn thấy mát rười rượi. Ở dưới đồng bằng có thể lên đến 40 – 41 độ, nhưng Cao Sơn chẳng mấy khi vượt quá 28 độ dù trời đang nắng. Mùa đông đến sớm và lạnh giá, có năm cả Cao Sơn xuống dưới 0 độ và có tuyết. Nhưng chính thời tiết rất giống Sapa ấy, cộng với nét văn hóa truyền thống hấp dẫn của người Thái đen (từ trang phục sặc sỡ, đến điệu múa Khập Thái hay còn gọi hát tỏ tình quyến rũ…) thì hoàn toàn có thể giúp nơi đây kéo khách du lịch tới nghỉ dưỡng và khám phá, hoặc kiểu làm du lịch homestay.
Đi đường mà chúng tôi cứ muốn dừng lại liên tục để tận hưởng không khí mát mẻ, ngắm cảnh rừng vầu bình yên vi vu gió thổi, trên đầu những đám mây phiêu bồng lãng đãng. Âm thanh cuộc sống bỗng chậm lại, lắng đọng và đẹp đến lạ thường.
Chiều buông dần trên chốn Cao Sơn, và câu chuyện buồn hợp với cảnh vật bỗng xuất hiện trong cuộc hàn huyên. Anh Ngân Mạnh Hùng bảo, đường có rồi, trường học, trạm xá cũng khá hơn, nhưng Cao Sơn vẫn chưa có điện lưới quốc gia đâu. Điện mà chưa có thì đúng là buồn thật, vì nó là nhân tố đầu tiên (Điện – Đường – Trường – Trạm) để phục vụ cho sinh hoạt và cuộc sống con người, nhất là vùng nông thôn và miền núi. Chưa có điện bà con ở Cao Sơn phải bỏ tiền mua pin năng lượng mặt trời để sạc cho bình ắc-quy rồi chạy vài thiết bị sinh hoạt trong nhà. Ngay trường Cao Sơn các thầy ở nội trú cũng phải dùng điện bằng pin năng lượng mặt trời một cách rất hạn chế. Nhiều nhà có tiền cũng chẳng dám tủ lạnh, máy giặt… vì bình ắc-quy sao mà tải nổi.
“Có khi thiếu điện, các cháu nhà con trai tôi vẫn phải học bằng đèn dầu hoặc ánh sáng phát ra từ chiếc đèn pin tích điện” – ông Ngân Văn San cùng vợ đang ngồi trong căn nhà tranh đơn sơ nới với tôi. Anh Hùng cho biết: “Điện lưới thì dân Cao Sơn vẫn phải chờ thôi, các cấp chính quyền cũng có nói cuối năm sẽ có điện. Nhưng vấn đề là không biết cuối năm nào?”
Vậy là Cao Sơn tươi đẹp vẫn chưa hết hẳn những chuyện buồn!
Theo dantri.com
Cần gì đợi mùa tam giác mạch, đây là 7 địa danh cứ checkin là đẹp thần sầu ở Hà Giang
Nếu bạn đang có kế hoạch du lịch Hà Giang đừng quên check-in tại những địa danh hùng vĩ đẹp như trong truyền thuyết này.
1. Rừng cây hồ Noong
Rừng cây đẹp như tiên cảnh
Hồ Noong cách thành phố Hà Giang chừng 17 km, được ví như "con mắt của rừng". Với diện tích mặt nước rộng khoảng 20 ha, nằm giữa cánh rừng nguyên sinh rộng gần 100 ha bao quanh, rừng "bồng bềnh" giữa hồ Noong có cảnh sắc hoang sơ đến kỳ thú.
Cùng với thiên nhiên hoang sơ, nước hồ mênh mông chạy dài, ôm gọn lấy chân ngọn núi Noong với những gốc cây xanh tốt và gốc cây khô mọc lên từ trong lòng hồ.
Đến Hà Giang mà không check-in hồ Noong thì quả là phí cả chuyến đi
Hồ Noong có hai mùa, tạo cho du khách có hai cảm giác khác biệt. Vào mùa mưa (tháng 4 - tháng 10), nước hồ lên cao, du khách có thể cùng dân địa phương ngao du trên bè hay chiếc thuyền độc mộc lênh đênh khắp lòng hồ. Vào mùa khô (tháng 10 - tháng 4 năm sau), khi nước cạn, người dân nơi đây tận dụng phần đất khô quanh bờ hồ để trồng ngô, lạc, đậu, bí, dưa... còn phần đất phía dưới trồng rau xanh.
2. Mã Pì Lèng
Mã Pì Lèng là địa danh hấp dẫn nhiều phượt thủ
Hà Giang là một địa danh khiến rất nhiều dân đi bụi cảm thấy trầm trồ, không chỉ với những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, hay những cánh đồng hoa tam giác mạch bạt ngàn, mà còn là những con đường ngoằn nghèo, uốn lượn giữa các ngọn núi, trong đó có Mã Pì Lèng.
Mã Pì Lèng - tên tiếng Mông là Sống Mũi Ngựa - con đèo cao, hiểm trở bậc nhất miền Bắc với cảnh sắc tuyệt vời nằm trên cung đường Hạnh Phúc nối Đồng Văn và Mèo Vạc là một trong những điểm đáng chinh phục nhất ở Hà Giang.
3. Thác Tiên Đèo Gió
Thác Tiên đẹp như tranh vẽ
Thác Tiên Đèo Gió -một trong những danh thắng bậc nhất huyện Xín Mần là một trong những địa điểm không thể bỏ qua khi du lịch đến Hà Giang .
Để đến Thác Tiên du khách phải vượt qua khoảng 17 km từ trung tâm thị trấn Cốc Pài. Thác nằm giữa rừng nguyên sinh Đèo Gió thuộc địa phận xã Nấm Dẩn.
Nhìn từ xa, Thác Tiên đẹp dịu dàng và đầy thơ mộng giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Đổ xuống từ độ cao 70m giữa rừng già kỳ vĩ, thác Tiên không ầm ào, hung dữ mà mềm mại, réo rắt, mang đến bầu không khí mát lành nhờ những hạt nước li ti lan tỏa theo làn gió thổi quanh chân thác. Bởi thế thác Tiên ngoài tên gọi Táng Tinh (theo tiếng Nùng) còn được gọi là thác Gió.
4. Hoàng Su Phì
Những thửa ruộng bậc thang đẹp mê hồn ở Hoàng Su Phì
Hoàng Su Phì là huyện vùng cao giáp biên giới, nằm phía Tây của tỉnh Hà Giang, tập trung nhiều dân tộc sinh sống như Dao, Mông, La Chí, Tày, Nùng... Khung cảnh thiên nhiên ở Hoàng Su Phì luôn làm say lòng những người đam mê du lịch, khám phá. Phượt Hoàng Su Phì luôn là lựa chọn của các phượt thủ mỗi khi thu về, những ruộng bậc thang kỳ vĩ uốn lượn phủ một màu vàng tạo nên một vẻ đẹp ngỡ ngàng.
5. Dinh thự họ Vương
Dinh thự họ Vương là điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến Hà Giang
Khu Dinh thự họ Vương tọa lạc dưới thung lũng Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Khu dinh thự được bao quanh bởi những núi đá vôi và che khuất trong những hàng cây sa mộc, là điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến Hà Giang.
Toàn bộ dinh thự họ Vương có diện tích gần 3.000 m2, được khởi công vào năm 1919 và hoàn thành năm 1928. Quá trình xây dựng tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng ngày nay.
Dinh thự 150 tỷ của dòng họ Vương giữa vùng cao nguyên Hà Giang
Ngày 23/7/1993, khu dinh thự đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp vào hạng di tích quốc gia. Hiện tại, bên trong dinh thự còn lưu giữ được nhiều hiện vật gốc như cối đá, bếp sưởi, bàn ghế gỗ tiếp khách, chậu tắm làm bằng đá... Du khách muốn vào tham quan phải mua vé từ ngoài cổng.
6. Nhà của Pao
Nơi ở của Pao là ngôi nhà tường đất, mái ngói cổ, chân tường và cột nhà được làm bằng đá.
"Nhà của Pao" nằm ở thôn Lũng Cẩm, thuộc xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Đây là ngôi nhà của ông Mua Súa Páo, người dân tộc Mông.
Ngôi nhà "tứ đại đồng đường" đã được đạo diễn Ngô Quang Hải chọn làm bối cảnh quay phim "Chuyện của Pao", chuyển thể từ tác phẩm "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá" của nhà văn Đỗ Bích Thủy. Nhờ những khung cảnh mộc mạc, bình dị mà bộ phim đã đạt nhiều giải tại Cánh diều vàng 2005 của Hội điện ảnh Việt Nam.
Sau thành công của bộ phim, trên tường nhà vẫn treo khung ảnh của diễn viên Đỗ Thị Hải Yến vai Pao và một số diễn viên phụ khác. Nhà của Pao bây giờ trở thành một điểm du lịch không thể bỏ qua đối với du khách mỗi lần đến Đồng Văn (Hà Giang).
7. Cột cờ Lũng Cú
Cột cờ Lũng Cú hiên ngang giữa đỉnh núi
Đến Lũng Cú, đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay nơi địa đầu Tổ quốc, chắc chắn, chúng ta đều sẽ có những cảm xúc thiêng liêng khó tả.
Đây sẽ là một trải nghiệm đặc biệt, đi để khám phá, để hiểu được tiếng nói của cha ông, của những thế hệ đi trước đã bảo vệ và gìn giữ sông núi ngày nay. Từ cột cờ Lũng Cú bạn sẽ được ngắm toàn cảnh đời sống, ruộng nương, bản làng của đồng bào các dân tộc thiểu số giản dị, mộc mạc.
Theo Danviet.vn
Cô học trò nghèo xứ Mường trở thành Thủ khoa Học viện Quản lý giáo dục Cai kêt co hâu, lam sang bưng tương lai cua cô hoc tro ngheo xư Mương, Hà Thị Nhung, khi Nhung đon nhân tin vui tư Hoc viên Quan ly giao duc, em đa đô thu khoa toan Hoc viên va nhân đươc nhiêu tai trơ hoc tâp. Bài viết về thí sinh Hà Thị Nhung đăng trên Dân trí với tựa đề:...