Đi nước ngoài buôn chuột thành tỷ phú?
“Đại gia” nhờ chuột.
Người ta nhìn thấy chuột trong cống hoặc kêu trên mái nhà sẽ thấy sợ hãi nhưng đối với nhiều người lại là nguồn sống.
Ở 1 số địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thịt chuột đồng là món ăn được một số người yêu thích, hoặc được dùng làm thức ăn cho một số loài như trăn, rắn, cá…
Chính vì thế, chuột đồng là 1 mặt hàng được nhiều người kinh doanh buôn bán và nhiều người cũng có công việc từ loại hàng đặc biệt này. Chuột đồng không chỉ được bắt tại Việt Nam mà còn được… nhập khẩu từ Campuchia.
1 điểm tập kết, 3 tấn chuột vào Việt Nam mỗi ngày
Biên giới giữa cửa khẩu Khánh Bình (thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) và Campuchia là một con sông khá rộng. Muốn qua được bên kia biên giới thì phải đi phà, hoặc đò.
Video đang HOT
Chuột sống được nhốt trong lồng tập kết lên xe chở đến các điểm sơ chế.
Có mặt tại cửa khẩu Khánh Bình sáng 25.7, chúng tôi chờ cho đến hơn 9 giờ sáng nhưng vẫn không thấy một phương tiện chở chuột nào xuất hiện. Giả làm người đi mua chuột, hỏi một người dân bán quán cà phê ngay cạnh cửa khẩu, ông này cho chúng tôi biết, trước đây cứ khoảng 8 giờ sáng hằng ngày sẽ có 2 – 3 xe tải cùng nhiều xe gắn máy khác xuống phà qua bên kia lấy chuột chở về. Nhưng cách đây một tuần thì phía Cơ quan Hải quan cửa khẩu Khánh Bình không cho phép chở chuột nữa, vì vậy dân buôn nhập chuột về Việt Nam qua đường khác.
Dạo một vài vòng dọc theo bờ sông, thì chúng tôi mới phát hiện các phương tiện xe tải, xe gắn máy này đang đậu gần dưới bờ sông cách cửa khẩu vài trăm mét đang chờ chuẩn bị nhập chuột bằng các con đường tiểu ngạch này.
Theo tìm hiểu, chuột sau khi được phía bên Campuchia bắt và bỏ vào các lồng sẽ được chuyển đến tập trung tại gần 1 điểm bờ sông bên kia biên giới. Trước đây, thương lái mua cho xe trực tiếp qua để lấy về. Sau khi bị cấm thì đậu xe ở bên này, sẽ có người phía Campuchia dùng thuyền chở các lồng đựng chuột sang.
Chuột được cho vào một cái lồng hình vuông dài hơn 1m, ngang khoảng 0,8m, mỗi lồng chứa khoảng 20 – 30kg chuột sống. Những người Campchia bán cho thương lái người Việt giá khoảng 25 ngàn đồng/kg chuột sống.
Tại nơi tập kết giáp biên này, sau khi cân các lồng chuột, các thương lái Việt Nam sẽ chất những lồng này lên xe tải, hoặc buộc 2 – 3 lồng sau xe gắn máy để chở về.
Theo tìm hiểu của phóng viên Đời sống & Pháp luật, chỉ riêng tại cửa khẩu này, mỗi ngày đã có khoảng 500kg – 1 tấn chuột được nhập khẩu vào Việt Nam. Thời gian cao điểm, số lượng này có thể lên đến 3 tấn. Một thương lái cho biết: “Nguồn cung hầu như không khi nào cạn vì giống chuột đồng này đẻ nhiều và lớn rất nhanh”.
Công phu thịt chuột
Huyện An Phú, tỉnh An Giang có nhiều điểm tập kết chuột. Sau khi chuột từ biên giới nước bạn Campuchia nhập vào sẽ được tập kết tại các cơ sở sơ chế rải rác khắp tỉnh.
Chỉ riêng tại ấp Bình Chánh (xã Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đã có hơn 10 hộ gia đình chuyên sống bằng nghề kinh doanh chuột. Những hộ gia đình làm nghề này tập trung tại một khu vực trong ấp, kéo dài trên quãng đường khoảng 200m. Tại đây, chuột sẽ được làm thịt sơ chế đông lạnh để bán cho các cơ sở tiêu thụ hoặc bán chuột sống tại đây nếu ai có nhu cầu mua.
Có mặt tại khu vực vào giờ nghỉ trưa, chúng tôi nhận thấy không khí làm việc tại đây vẫn rất nhộn nhịp. Anh Tuyên, chủ 1 cơ sở kinh doanh cho biết “Mỗi ngày nhập tôi nhập gần 1 tấn chuột, chủ yếu là phân phối lại cho các hộ làm chuột trong xóm”.
Theo anh Tuyên, vào buổi sáng sẽ có một vài chuyến xe đi nhập chuột ở biên giới về và phân phối cho các hộ làm thịt. Từ 12h trưa cho đến 9 – 10h tối, cả xóm chỉ có mỗi việc làm thịt chuột. Các công đoạn làm thịt chuột như sau: Trước tiên có một người bắt chuột trong lồng ra, đập đầu cho chết; rồi chuyển sang cho người kế tiếp chặt đầu, chặt đuôi.
Tiếp đó có người sẽ mổ một phần bụng rồi lột da. Cuối cùng là rửa sạch chuột đã sơ chế và sắp xếp chuột vào thùng đựng. Thùng đựng chuột cũng thuộc loại “chuyên dụng”: trong thùng có đặt bao nilon chứa đá lạnh, chuột được đặt giữa các bao nilon này để thịt chuột được tươi lâu hơn.
Người mua thịt chuột sẽ tìm đến mua hàng tại các cơ sở sơ chế này. Chuột làm sẵn được chia làm 2 loại, loại 1 giá 50 ngàn đồng/kg, loại 2 giá 40 ngàn đồng/kg. Các cơ sở này cũng bán lại chuột còn sống giá 35 ngàn đồng/kg (loại lớn) và 28 ngàn đồng/kg (loại chuột nhỏ, chuyên cho trăn ăn).
Chuột thịt chỉ lấy nguyên con bỏ đầu, da, ruột, đuôi và chân. Tuy nhiên các phụ phẩm này sẽ được các hộ nuôi cá mua với giá từ 1 – 3 ngàn đồng/kg, còn máu chuột được dùng nấu cho heo ăn.
Thời điểm sôi động nhất ở xóm chuột là khoảng 3h chiều, vì thời gian này sẽ có 2-3 xe tải và nhiều xe máy khác tiếp tục chở chuột từ biên giới về. Trung bình mỗi ngày, các cơ sở sơ chế chuột tiếp nhận khoảng trên dưới 1,5 tấn sống, trung bình mỗi hộ lột da khoảng 400 – 500 kg chuột sống/ ngày.
Khoảng 9h tối hàng ngày, thịt chuột sau khi cho vào bao có ướp nước đá sẽ được chuyển xuống thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang). Từ đây, thương lái khắp nơi từ Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang, Đồng Tháp… đổ về lấy thịt chuột về bán ở các chợ, các nhà hàng, kinh doanh ăn uống.
Sống nhờ chuột
Việc nhập khẩu, mua bán, sơ chế chuột ở 1 số khu vực thuộc huyện An Phú giới Campuchia đã tạo công việc cho nhiều lao động nông nhàn địa phương.
Đa phần người làm thịt chuột là các em gái. Mỗi nhân công sẽ được trả từ 30 – 40 ngàn đồng/buổi làm (chủ yếu là buổi chiều). Em Nguyễn Thị Bé (ngụ ấp Bình Chánh, xã Bình Long) cho biết, “Em đã làm công việc này từ hơn 1 năm nay để kiếm thêm phụ giúp cho gia đình. Chuột được các chủ hàng mua và nhập về hàng ngày nên không khi nào sợ thiếu việc”.
Thấy chuột được tìm mua, nhiều người dân địa phương khi rảnh rỗi cũng đi bắt chuột kiếm thêm thu nhập. Em Nguyễn Minh Tư, 12 tuổi, đã có “thâm niên” bắt chuột 3 năm cho biết “Thông thường, người ta dùng mồi nướng lên cho thơm, rồi đặt mồi trong rập (cái lồng) để bẫy chuột. Khoảng chiều tối đi bẫy thì mờ sáng có thể thu bẫy về. Đặt bẫy cách này thường bắt được chuột lớn cỡ 3 – 4 con/kg. Nếu vào thời điểm lúa vừa cắt xong, người ta sẽ giăng lưới trên đồng lùa chuột chạy vào. Mỗi buổi đuổi chuột như thế, sau khi bán chuột mỗi người có thể được chia từ 80 – 150 ngàn”.
Một cách bẫy khác công phu hơn là: trước ngày sạ lúa, chọn vài khoảnh đất trống trồng loại lúa nếp thơm, xung quanh những khoảnh đất đó rào lại bằng mành mành. Bốn góc trổ 4 cửa và phía trong đặt 4 cái lồng làm hom. Khi lúa trổ thì nếp thơm đã chín trước, chuột nghe mùi lúa thơm tìm vào các cửa rào và mắc bẫy. Bắt cách này sẽ bẫy được cả “gia đình” nhà chuột, cũng như bảo vệ được nguyên khu ruộng còn lại.
Ở Đồng bằng sông Cửu Long, chuột đồng làm đồ ăn gồm hai loại: chuột cơm và chuột cống nhum. Chuột cơm nhỏ con, trọng lượng 4-5 con/kg, lông màu vàng, đượm màu lúa chín. Chuột cống nhum to con hơn, lông đen, trọng lượng nặng gấp 3-4 lần so với chuột cơm. Thịt chuột đồng có thể chế biến thành nhiều món khác nhau. Đơn giản, dễ làm nhất là chuột muối sả chiên, chuột xào lá cách. Chế biến cầu kỳ hơn là rô ti, xào lăn, xé phay, chuột khìa nước dừa. Công phu hơn chút nữa là chuột nhồi (tức lột da, lấy thịt băm lẫn thịt heo, trộn thêm nấm mèo, bún tàu, đậu phộng rồi dồn ngược vào trong lớp da chuột). Đặc biệt nhất là món chuột con hấp cơm, chuột nhúng dấm…
Theo ĐS&PL