Dị nhân 1 chân và món ăn hằng ngày là loài chuột… đã tuyệt chủng
“Chỉ cần hít mấy cái là bác ấy biết hang có chuột hay không, thậm chí biết chuột đực, chuột cái, chuột có… mang hay không nữa đó chú”.
Người Rục đi săn chuột từ này còn ở trong hang.
Xứng danh “vua chuột”
Bản của đồng bào Rục (bản Ón, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) bây giờ văn minh hơn nhiều so với trước kia, đường vào bản đang được xây dựng. Những con dốc cao chót vót được “gọt” bớt và láng nhựa, nhưng đang trong quá trình thi công nên đi lại khó khăn. Từ trung tâm xã Thượng Hóa vào các bản của người Rục đường đi không một bóng người, thi thoảng gặp lán trại của các công nhân làm đường. Nhưng có lẽ văn minh nhất ở đây là đã có sóng điện thoại.
Thấy chúng tôi lên muộn so với hẹn, “vua chuột” Cao Xuân Chuyên oang oang qua điện thoại: “Lâu rứa, quá bữa cơm chiều rồi… Thôi, anh ở đó. Tui nói thằng cu ra đón”. Mới 40 tuổi đầu nhưng “thằng cu” con trai đầu của anh đã đi bộ đội, đứa con gái sau đã đi học cấp 2 trường dân tộc nội trú huyện. Đón chúng tôi ở cửa, đã thấy anh một tay chống gậy, một tay chiếc đèn pin, có hai thằng cu khác thì đang khệ nệ ôm đống bẫy chuột đứng đợi sẵn. “Mình đi luôn nghe, đi rồi nói chuyện…”, anh nói. Vùng rừng chúng tôi vào ở gần bản Ón, thuộc 20.000 ha rừng mở rộng cho vùng quy hoạch của Di sản thiên nhiên thế giới – Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Đi cùng chúng tôi, ông Trần Xuân Tư, Trưởng bản Ón cứ băn khoăn: “Tui thấy lạ, bữa trước có mấy cán bộ lên nói mấy con chuột ri chết mô lâu lắm rồi, nhưng bọn tui lâu nay vẫn bắt ăn hàng ngày mà”. Chuyên thì cười lớn và giải thích: “Chuột ni sống đầy trong các hốc đá, bọn tui thường gọi theo tên là chuột đá, kà – nệ – kụng hoặc ninh cùng. Bọn tui ngày mô mà chả đi bắt về ăn”.
Cách đây chừng 10 năm, một phần chân trái mất đi trong một vụ tai nạn đá đè đã khiến anh thành người tàn phế. Anh nhớ lại, khi đó anh suýt bỏ mạng giữa rừng xanh vì đi săn chuột một mình, lại ở giữa vùng rừng sát đất Lào, sau may mắn có người phát hiện thấy nên đem đi cấp cứu, hậu quả là phải cưa mất một phần chân trái. Khi đó anh đã nổi tiếng với tục danh “vua chuột”. “Trong cộng đồng người Rục, anh Chuyên là thợ săn chuột có duyên, là “sát thủ” bắt chuột. Thời đó không ngóc ngách nào ở vùng núi đá nơi đây và vùng lân cận Lào mà anh không đến để bắt chuột. Đêm nào cũng vậy, tối là đi, sáng sớm anh về đủ chuột ăn thoải mái, còn cho cả bà con xung quanh. Từ sau khi bị nạn, anh ấy chỉ đi săn chuột quanh bản chứ không đi xa được nữa…”, ông Tư giải thích.
Đi với chúng tôi, anh còn dẫn thêm hai đứa cháu chừng 10 tuổi. Anh kể, hai đứa con anh đều đi xa nhà cả, với lại cũng cốt là để anh truyền nghề săn chuột cho nó. “Ở đây, săn chuột cũng là nghề mà anh” – Chuyên tự hào nói.
Chuyên giải thích: “Đi rừng ở đây chủ yếu là nhờ kinh nghiệm”. Hồi còn nhỏ, anh sống trong hang đá, từ khi mới chập chững biết đi là đã hàng đêm theo cha len lỏi ở các hốc đá săn chuột. Vì thế, với hơn 30 năm đi săn chuột, anh đã thuộc từng lùm cây, bụi cỏ, hốc đá nơi đây. Nhìn đứa cháu 10 tuổi đi cùng, anh nói vui: “Bằng tuổi nó là tui đúc rút được cơ số kinh nghiệm săn chuột rồi”. Đi bắt chuột thì người Rục xưa nay nhà mô mà chả có người đi, nhưng bắt được nhiều, hiệu quả thì phải có bí quyết riêng, đó là biết ngửi mùi, biết quan sát, tìm dấu vết và hiểu được tập quán sinh sống của chuột. Thằng cháu anh Chuyên nói với tôi: “Chỉ cần hít mấy cái là bác ấy biết hang có chuột hay không, thậm chí biết chuột đực, chuột cái, chuột có… mang hay không nữa đó chú”. Tôi tưởng thằng cu chọc chơi, ai ngờ ông Tư bảo: “Không, đó là sự thật mà”.
Bẫy chuột được làm từ cây rừng
Video đang HOT
Theo ông Tư thì ở vùng núi này có 4 loại chuột gồm: con ly, con công, kà – nệ – nhẹc, kà – nệ – kụng (còn gọi chuột đá). Vì nhiều lại dễ bắt nên người Rục từ khi còn ở trong hang đá, chuột đã trở thành thực phẩm ăn hàng ngày. Chuột đá thường sống trong các hang đá, màu đen bóng mượt, đuôi dài hơn một gang tay, tai dài, hơn đốt ngón tay, móng nhọn, hoạt động vào ban đêm xuất hiện nhiều vào mùa hè.
Chuột đá sống rất khôn, nếu đánh hơi thấy mùi người là chúng nó sẽ bỏ đi làm tổ nơi khác, không sống ở đó nữa.
Để bẫy chuột thành công, yếu tố quan trọng hàng đầu là chiếc bẫy. Từ khi bắt đầu đi bẫy chuột đến nay, anh Chuyên vẫn chỉ sử dụng cách làm bẫy truyền thống còn gọi là bẫy kẹp với các bộ phận đều từ cây rừng nên rất dẻo và dai, chuột mắc vào không thể thoát ra được. Khi đặt bẫy chuột đánh phải đặt thật nhanh đặt chỗ kín đáo để tránh chuột đánh hơi được người.
Dừng chân trước một hang đá, anh Chuyên lấy một chiếc bẫy dài chừng 1m, to bằng ngón chân cái và được uốn cong như chiếc cung. Anh nhẹ nhàng leo lên một hốc đá và đặt sâu vào trong hang. Sau đó anh dùng cành cây và lá cây vây kín hai bên bẫy để chuột đi đúng vào bẫy, cần bẫy sẽ bật lên, vòng bẫy sẽ thắt ngay vào thân hoặc cổ chuột, người đi bẫy gỡ chuột ra và… mang về. Chuyên nói thêm, do gần đây chuột đá có người mua nên người dân trong bản còn dùng thêm loại bẫy treo để cho con chuột mắc bẫy nhưng còn sống, không bị chết ngạt. “Mục đích để bán kiếm ít tiền mua gạo”, Chuyên cười.
Cứ đi qua một hốc núi, ba bác cháu lại đặt một bẫy vào hang, trong quá trình đặt kinh nghiệm cho hai đứa cháu trai: “Ngửi thấy mùi chi không? Đặt phải nhẹ nhàng, thở nhẹ hoặc nín thở nghe…” Hai đứa trẻ khuôn mặt nghiêm túc, mồm thì há hốc gật gù.
Trong vòng hơn 2 tiếng, hơn 20 cái bẫy đã được đặt vào các hang đá với các khoảng cách khác nhau. Hết số bẫy trong tay, anh nhìn chúng tôi cười: “Vậy là xong, sáng mai chỉ việc đi gom chuột nữa thôi, nhớ vị trí từng hang mà đi thu gom nghe hai đứa…”
Cần bảo tồn chuột đá
Ông Cao Yên, một trong số những cao niên trong bản kể: “Hồi xưa mỗi ngày những “cao thủ bắt chuột” như Chuyên đặt phải gần 100 bẫy, thu về cũng gần từng ấy chuột, có nhiều loại như chuột lồ ô, kà – nệ – nhẹc, kà – nệ – kụng (còn gọi chuột đá), chuột đá ít hơn vì bắt nhiều quá”. Ông Yên cho biết, chuột đá thường được người Rục nấu với ruốc, riềng, sả (còn gọi là nấu giả cầy) rồi uống rượu đoác đặc sản của người Rục. Theo “vua chuột” Cao Xuân Chuyên, anh đã bẫy được rất nhiều chuột đá ở vùng núi đá thuộc bản Ón, còn ở các khu vực khác cũng có nhưng số lượng ít hơn.
Khi được hỏi là dân bản có biết hay không việc các nhà khoa học cho rằng đây là loài chuột đã bị tuyệt chủng, ông Tư trả lời thật thà rằng, bao đời nay người dân bản vẫn thấy và bẫy chuột đem về ăn, trong đó có chuột đá. “Tuyệt chủng hay quý hiếm răng bọn tui đâu biết vì có nghe cán bộ tuyên truyền chi mô. Chứ nếu cán bộ nói bảo vệ, đừng bẫy nữa vì lợi ích khoa học thì người dân bản sẽ cố gắng làm theo ngay ấy mà…”
Người Rục được lực lượng Bộ Đội Biên phòng phát hiện ra và tìm thấy tại vùng núi phía Tây Quảng Bình vào năm 1959 trong tình trạng sống hoang dã gồm 11 bộ với 34 người. Năm 1960, Bộ Đội Biên phòng và chính quyền địa phương bắt đầu vận động người Rục rời hang đá ra sống định canh, định cư, hòa nhập với cộng đồng. Năm 2013, người Rục được quốc tế đưa vào một trong mười bộ tộc bí ẩn nhất thế giới.
Theo VNE
Phép thuật kỳ bí của tộc người Rục
Đã hơn 50 năm được tìm thấy và gia nhập cộng đồng các dân tộc Việt Nam, nhưng tộc người Rục ở xã Thượng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) vẫn mang trong mình những nét bí ẩn.
Cuối năm 1959, bộ đội Biên phòng Cà Xèng đóng tại Thượng Hóa trong một lần tuần tra đã phát hiện nhóm "người rừng" nhút nhát, không mảnh vải che thân, leo trèo vách đá, chuyền cành nhanh như thú hoang. Sau nhiều tháng tiếp cận, bộ đội đã vận động được họ rời hang đá về định cư ở thung lũng Rục Làn, xã Thượng Hóa. Từ đây tộc người Rục được biết đến như là em út trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đến đầu năm 2013, tộc người Rục được quốc tế đưa vào danh sách 10 bộ lạc còn nhiều điều bí ẩn nhất thế giới.
Một góc bản người Rục hiện nay. Ảnh: Tiền phong.
Theo ông Đinh Thanh Dự, nhà nghiên cứu văn hóa các tộc người ở Quảng Bình, gần hết một đời người bỏ công nghiên cứu nhiều tộc người trên địa bàn, nhưng với người Rục vẫn còn nhiều điều bí ẩn đối với ông và các nhà khoa học. Nay tuổi già, sức yếu không cho phép ông có những chuyến điền dã, nhưng ông vẫn luôn đau đáu về những gì còn dang dở với người Rục.
Ông Dự khẳng định, người Rục không có họ, không có tộc danh, là một tộc người chậm phát triển nên vẫn đậm nét người Việt cổ. Vì họ sinh sống ở những hang đá mà theo phương ngữ "rục" có nghĩa là hang đá có nước chảy qua nên các tộc người khác gán ghép cho họ là người Rục. Qua nghiên cứu về nhân chủng học, ngôn ngữ của người Rục, các nhà khoa học đã ghép tộc người Rục vào nhóm dân tộc Chứt ở Quảng Bình cùng với Sách, Mày, Mã Liềng, A Rem...
Trước khi rời hang đá, người Rục có 109 người, sống tách biệt, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài, gặp người lạ là trốn chạy. Cuộc sống của họ hoàn toàn dựa vào tự nhiên, chỉ quen leo trèo cây, thoăn thoắt trên các triền núi cao để săn bắt chim thú, hái lượm, đào củ ráy, củ mài. Họ không mặc quần áo, nam nữ đều búi tóc đằng sau, che mình bằng vỏ cây sui, khi màn đêm buông xuống, họ cùng nhau tìm đến hang đá trú ngụ và thường ngủ ngồi.
Đến nay, sau hơn 50 năm rời hang đá, nhưng vợ chồng ông Cao Chơn và Cao Thị Bim (hơn 80 tuổi) vẫn giữ nguyên nếp sống nguyên thủy. Mặc dù đã được nhà nước xây nhà, cấp đất trồng trọt, nhưng ông bà không ở nhà mà thường xuyên lên hang đá để ở. Hai vợ chồng già vẫn nếp cũ, ngày săn bắt hái lượm, tối về hang ngủ ngồi mặc cho con cháu, chính quyền vận động.
Trưởng bản Mò O Ồ Ồ, anh Cao Văn Đàn (39 tuổi) cho biết, không chỉ ông bà Cao Chơn mà gần 500 người Rục hiện nay thi thoảng vẫn nhớ hang đá. Mặc dù có nhà cửa, nhưng cứ đến mùa rẫy nhiều gia đình lại dắt díu nhau vào hang sinh sống có khi vài ba tháng mới về...
Vợ chồng ông Cao Chơn vẫn thích ngủ ngồi. Ảnh: Tiền phong.
Theo ông Đinh Thanh Dự, hiện trong cộng đồng người Rục còn tồn tại hai dạng phép thuật bí hiểm mà các tộc người khác không có, đó là thuật thổi thắt, thổi mở và thuật hấp hơi. Trong những lần điền dã, ông Dự từng chứng kiến sự linh nghiệm của hai phép thuật này, nhưng cố công nghiên cứu về nó thì không thể. Vì người Rục xem đó là sự linh thiêng, không thể tiết lộ cho người ngoài.
Ông Dự cho biết, thuật thổi thắt, thổi mở của người Rục là dùng bùa chú thổi vào người phụ nữ để sinh hoạt vợ chồng không có con (gọi là thổi thắt); còn khi cần có con cũng dùng bùa chú để thổi vào người phụ nữ (gọi là thổi mở). Ngoài ra, người Rục còn có thuật hấp hơi để tránh thú dữ. Mỗi khi vào rừng, người Rục chỉ cần đọc câu thần chú thì dù có hổ, báo, voi rừng cũng không dám đến gần để tấn công. Điều này qua thực tế, dù sống chốn thâm sơn cùng cốc, nhưng chưa ai ghi nhận người Rục bị mãnh thú tấn công.
Ông Dự kể, trong một lần cùng nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Võ Xuân Trang điền dã để tìm hiểu những phép thuật của người Rục, ông Trang đã suýt mất mạng do muốn thử uy lực của thuật hấp hơi. Đó là lần vào rừng với một già làng người Rục, mặc dù đã được cảnh báo là phải luôn đi trước, cách xa 5 m mà không được đi sau lưng già làng người Rục (lúc đó đã đọc thần chú sử dụng thuật hấp hơi). Nhưng bất ngờ ông Trang cố tình tụt lại sau và ngay tức thì ông ngã vật ra đất, co giật và hộc máu. Già làng người Rục phải quay lại, lẩm bẩm câu gì đó và ông Trang trở lại bình thường.
Trưởng bản Mò O Ồ Ồ, Cao Văn Đàn cho biết, những phép thuật nói trên nay không còn phổ biến trong cộng đồng người Rục, nhưng những thầy Ràng (dạng thầy Mo) vẫn còn lưu giữ. Thầy Cao Ống năm nay đã 80 tuổi, ốm yếu, không đi lại được nhưng vẫn còn khá minh mẫn. Sau một hồi thuyết phục, ông cũng đồng ý diễn lại các động tác trong thuật thổi thắt thổi mở. Những dụng cụ để ngay góc nhà, thế nhưng không ai dám đến lấy, vì sợ.
Thầy Cao Ống diễn lại thuật thổi thắt, thổi mở. Ảnh:Tiền phong.
Mãi sau ông Cao Ngọc Ên là em trai của thầy Cao Ống sang mới dám mang các dụng cụ ra và tự tay ông sắp xếp như một buổi lễ thổi thắt, thổi mở. Dụng cụ gồm: hai ống nứa, một dài (1 m), một ngắn (0,5 m), một phiến đá nhỉnh hơn hai bàn tay ghép lại, một cái bát đựng nước, một cái đựng hoa. Ông Ên nói, còn thiếu sáp ong làm nến, hương và sợi tóc, hoặc sợi chỉ để vào bát nước.
Thầy Ràng Cao Ống ngồi xổm trên giường, hai tay cầm hai ống nứa cà phần đầu nhọn vào phiến đá phát ra âm thanh trầm bổng. Cùng lúc, ông đọc thần chú có vần điệu như hát theo giai điệu từ hai ống nứa. Vừa đọc, ông vừa thổi hơi vào bát nước. Theo thông lệ, chừng 30 phút sẽ đưa bát nước có sợi tóc, hoặc sợi chỉ cho người phụ nữ muốn thắt không sinh nở uống và sẽ hiệu nghiệm.
Ông Cao Ống cho biết, thổi mở cũng ở dạng này, nhưng bài chú sẽ có nội dung khác. Ông còn có thể thổi chữa bệnh đứt tay, chân, chảy máu, rắn độc cắn... và mỗi dạng bệnh tật có những câu chú khác nhau. Ngoài thuật hấp hơi để tránh thú dữ cho riêng mình, ông có thể dùng phép thuật vẽ một vòng tròn cho nhiều người ngồi trong đó để chống lại thú dữ. Tuy nhiên, khi hỏi về nội dung các câu chú, và nhờ dịch sang tiếng phổ thông thì ông lắc đầu: "Đó là điều thiêng và tối kỵ của người Rục, không thể để người ngoài biết được".
Theo VNE
Ký ức bi hùng về Khe Thui Ở Khe Thui (xã Hoá Thanh, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) từng có 11 thanh niên xung phong của C758 thương vong trong một buổi chiều định mệnh. Tuy nhiên đến nay, nơi các anh, các chị hy sinh vẫn chưa có một tấm bia tưởng niệm... Khe Thui thuộc Km 468 đường 15A, cách Ngã ba Khe Ve (điểm khởi đầu của...