Đi nghỉ mát về tưởng bị nổi mẩn vì dị ứng, tá hỏa phát hiện ra giun sống dưới da
Sau khi đi nghỉ mát về, người phụ nữ thấy cơ thể mình xuất hiện nhiều nốt lạ, cô không thể ngờ rằng dưới da mình có một ổ giun ký sinh.
Một kì nghỉ mát tại vùng biển nhiệt đới Caribbean nghe có vẻ là cách tuyệt vời để tắm mình dưới ánh mặt trời và tận hưởng cuộc sống. Nhưng đó không hẳn là điều mà một người phụ nữ đến từ Pennsylvania (Mỹ) đã trải qua khi đến thăm bãi biển nơi đây. Hai tuần sau khi về nhà, cô bắt đầu bị ngứa và nổi “mẩn” ở chân.
Ban đầu, người phụ nữ 45 tuổi trên đã cho rằng những đường chỉ gợn sóng trên đầu gối mình là vô hại và phải mãi hai tuần sau cô mới đi khám bác sĩ. Cô đã vô cùng kinh sợ khi biết đó lại là một ổ giun bò lổm ngổm bên dưới da mình.
Những vệt lằn trên da chính là vết tích đào bới của loài giun móc ký sinh.
Video đang HOT
Theo lời bác sĩ Chaiya Laoteppitaks, một chuyên viên y tế khẩn cấp tại Trung tâm Y tế Albert Einstein ở Philadelphia, những vệt nổi trên da của người phụ nữ là ví dụ điển hình một loại nhiễm giun ký sinh có tên là ấu trùng di chuyển ngoài da (Cutaneous Larva Migrans).
Ấu trùng giun ký sinh đã tạo nên những vệt ngắn lượn sóng trên da của người bệnh sau khi chúng đào quanh phần thịt dưới da. Trong bản báo cáo về trường hợp của người phụ nữ trên, xuất bản vào ngày 8/4 trên Tạp chí Y tế Khẩn cấp (The Journal of Emergency Medicine), “thủ phạm” chính loài giun móc.
Có tới 740 triệu người trên thế giới bị nhiễm giun móc, theo tính toán của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (Centers for Disiease Control and Prevention, CDC). Cùng với nhiễm giun tóc và giun đũa, nhiễm giun móc là một trong số những bệnh nhiễm giun ký sinh phổ biến nhất thế giới.
Giun móc là một trong số ba loại nhiễm giun ký sinh phổ biến nhất ở người.
Giun móc thường tìm thấy ở những nơi có khí hậu nóng ẩm, Laoteppitaks nói. Thông thường, ấu trùng giun móc sẽ đào xuống bên dưới da và di chuyển khắp cơ thể, cuối cùng là chui vào ruột non, nơi chúng sẽ sinh trưởng và đẻ trứng. Những quả trứng giun sẽ được đào thải qua phân của người mắc bệnh, và vòng đời của giun sẽ được lặp lại.
Dù vậy, Laoteppitaks nói rằng loài giun móc ở trường hợp của người phụ nữ trên lại không phải là loài giun móc thường thấy. Có hai loài giun móc được cho là “thủ phạm” gây ra những vết sần trên da của cô: Ancylostoma braziliense hoặc Ancylostoma caninum, loài thường sống ký sinh trong ruột của chó hoặc mèo, chứ không phải ở người.
Loài giun ký sinh dưới da của người phụ nữ thường tìm thấy ở chó và mèo.
Điều đó có nghĩa là nếu có trường hợp nào một người bị nhiễm loài giun móc trên, chúng sẽ không có cơ hội hoàn thành vòng đời của mình mà chỉ đào ngang dọc dưới da trước khi chết đi. Vì hệ thống miễn dịch của người đó sẽ tấn công các cá thể giun, người đó sẽ cảm thấy ngứa kinh khủng, gây ra thứ mẩn được giới y học gọi là “hội chứng ban trườn do ấu trùng di trú” (creeping eruption).
Giun móc thường sẽ bò bên dưới da một thời gian trước khi tìm đường vào bên trong ruột người mắc bệnh.
Khi mắc hội chứng này, giun móc có thể di chuyển vài cm mỗi ngày, và ở một số ca bệnh, người mắc sẽ có thể nhìn thấy rõ những đường chỉ nổi lên và mở rộng ra. Khi đó, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm sinh thiết – lấy một mẫu mô và quan sát dưới kính hiển vi để tìm tế bào bất thường, mà ở đây là tìm dấu hiệu của ấu trùng giun.
Nữ bệnh nhân trên đã được điều trị bằng thuốc tẩy giun, và theo như lời bác sĩ Laoteppitaks thì cô này hiện đã hồi phục và sức khỏe bình thường.
Khánh Linh / Theo Trí Thức Trẻ