Đi khám thai mùa dịch, bác sĩ sản khoa nhắc mẹ bầu 4 nguyên tắc phải ghi nhớ
Bác sĩ Trần Trung Đạo khuyến cáo mẹ bầu ngoài lúc đi khám thai nên ở nhà nhiều nhất có thể để hạn chế tối đa sự tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm bệnh dịch ngoài cộng đồng.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 hết sức phức tạp, ở Việt Nam cũng ghi nhận những trường hợp nhiễm bệnh, mẹ bầu và gia đình sẽ không tránh khỏi lo lắng. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, “ở yên trong nhà” là một trong những biện pháp cơ bản và hữu hiệu để phòng dịch. Vậy nhưng nhiều mẹ bầu lại đặt ra câu hỏi: “ Vậy có nên đi khám thai theo đúng lịch đã được chỉ định, cần làm gì để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm khi đi ra ngoài khám thai?”.
Mới đây, bác sĩ Trần Trung Đạo ( bệnh viện Phụ Sản Hà Nội) đã đưa ra những lời khuyên cho mẹ bầu về vấn đề đi khám thai mùa dịch và những biện pháp phòng tránh dịch COVID-19 cho bà bầu.
COVID-19 ảnh hưởng đến bà bầu và thai nhi thế nào?
Trước tiên, bác sĩ Đạo khẳng định chưa có nghiên cứu khoa học riêng biệt và rõ ràng nào về ảnh hưởng của Covid-19 đến đối tượng phụ nữ mang thai. Theo quan sát của bác sĩ về những ca bệnh ở Việt Nam và trên thế giới, bà bầu bị nhiễm bệnh về cơ bản không có gì khác so với những đối tượng khác.
“Cũng chưa có nghiên cứu rõ ràng nào để trả lời câu hỏi Covid-19 có ảnh hưởng đến thai nhi không nhưng đã có một số báo cáo về việc có thể tăng nguy cơ sinh con”, bác sĩ Đạo cho biết.
Hiện tại chưa có nghiên cứu cụ thể về ảnh hưởng riêng biệt của COVID-19 đối với bà bầu và thai nhi. (Ảnh minh họa)
Bà bầu cần làm gì để đề phòng COVID-19?
Để đề phòng nguy cơ nhiễm Covid-19, bác sĩ khuyến cáo thai phụ cũng cần đảm bảo các nguyên tắc chống dịch như những đối tượng khác, bao gồm:
- Ở nhà nhiều nhất có thể;
- Rửa tay bằng xà phòng, ít nhất 20 giây/lần hoặc rửa tay bằng nước sát khuẩn đạt chuẩn khi tiếp xúc với vật dụng;
- Không đưa tay lên chạm mắt, mũi, miệng;
Video đang HOT
- Giữ khoảng cách với người khác ít nhất 2m khi ra ngoài;
- Tránh tiếp xúc người đang bệnh;
- Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.
Ngoài ra, bác sĩ khuyên mẹ bầu nên xây dựng cho mình một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, hãy chú trọng tới việc nghỉ dưỡng và thư giãn tinh thần để có được một sức khỏe tốt nhất – đây chính là liều thuốc tối ưu giúp cơ thể chống lại mọi bệnh tật.
Mẹ bầu nên ở nhà nhiều nhất có thể và đảm bảo đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc gần với người khác khi đi khám thai.
Nguyên tắc khi đi khám thai cho bà bầu trong mùa dịch
Tuy cần đảm bảo hạn chế ra ngoài nhưng bà bầu vẫn nên đảm bảo khám thai đầy đủ và đúng lịch. Theo bác sĩ Đạo, khi đi khám thai trong mùa dịch, các bà bầu nên tuân thủ những nguyên tắc sau đây:
1. Gọi điện báo trước cho các bác sĩ để sắp xếp lịch hẹn cũng như có sự chuẩn bị.
2. Trong trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc có tiếp xúc với người bệnh, cần báo trước cho bác sĩ để được hướng dẫn và sắp xếp nếu đến khám.
Đồng thời, hãy gọi đường dây nóng cơ quan y tế địa phương hoặc của Bộ Y tế (1900 3223 hoặc 1900 9095) để được tư vấn thêm và lưu ý với họ rằng bạn đang mang thai.
3. Trong quá trình di chuyển đi khám nên sử dụng phương tiện riêng để tránh lây nhiễm chéo.
4. Khi đến khám cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2m với người khác và sát khuẩn tay liên tục. Luôn chuẩn bị sẵn và mang theo khăn giấy, nước rửa tay và khẩu trang bên mình.
Ngọc Linh
Bộ Y tế khuyến cáo: Nếu không phải trường hợp cấp cứu thì nên khám bệnh tại y tế cơ sở
Theo Bộ Y tế, tất cả các bệnh nhân đến khám sẽ được coi như bệnh nhân nghi lây nhiễm Covid-19 và được phân luồng điều tra dịch tễ và xét nghiệm.
Ảnh minh họa
Đại dịch Covid-19 đã lan ra toàn thế giới, tại Việt Nam đã ghi nhận 245 người nhiễm bệnh, đứng thứ 96 trên thế giới về số ca nhiễm và là 1 trong 3 nước có trên 200 ca nhiễm chưa có người tử vong.
Dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Bộ Y tế đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế và thuốc trong trường hợp dịch xảy ra theo chiều hướng xấu hơn, đủ hậu cần cung cấp cho hàng chục ngàn bệnh nhân; sản xuất được khẩu trang và đồ chống dịch từ nguyên liệu trong nước.
Đối với máy thở, Bộ Y tế đã phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu sản xuất máy thở xâm nhập và không xâm nhập để thay thế những máy thở ngoại nhập.
Bộ Y tế cũng đã có công văn 1898 ngày 06/4/2020 gửi các cơ sở y tế trên toàn quốc về việc khuyến cáo tăng cường nâng cấp mức độ phòng chống bệnh dịch ngay từ cửa ra vào.
Các bệnh nhân đến khám sẽ được coi như bệnh nhân nghi lây nhiễm Covid-19 và được phân luồng điều tra dịch tễ và xét nghiệm.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân ngoại trừ những trường hợp cấp cứu cần tới bệnh viện. Các trường hợp tái khám và khám bệnh thông thường nên sử dụng các dịch vụ hệ thống y tế cơ sở.
Đặc biệt khi đến thăm khám nên đặt lịch hẹn để thực hiện đúng tinh thần giãn cách xã hội của Thủ tướng Chính phủ và đảm bảo an toàn cho người dân khi khám bệnh.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương thành lập các tổ chủ động thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng: "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, phát hiện từng đối tượng", theo phương châm phát hiện và cách ly.
Duy trì tổ mỗi tổ tối thiểu 2 người, thành phần gồm công an (cảnh sát khu vực) và y tế cơ sở, đại diện của Mặt trận Tổ quốc, bí thư tổ chức Đảng, trưởng thôn khu phố.
Mỗi tổ có nhiệm vụ lập danh sách theo dõi, sáng lọc chặt chẽ những ai có biểu hiện sốt ho khó thở đặc biệt là những người đi về từ vùng dịch, những người đến các cơ sở y tế, những người đang lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ; những đối tượng lang thang ngoài xã hội (nghiện ma túy; có tệ nạn xã hội) và báo ngay cho y tế cơ sở để kịp thời xử lý y tế.
Bộ Y tế đưa ra 10 biện pháp đơn giản để phòng, chống dịch hiệu quả như sau:
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế đẫ đưa ra 10 biện pháp đơn giản để phòng, chống dịch hiệu quả như sau:
1. Không đi ra ngoài khi không thật sự cần thiết. Không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng.
2. Luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài kể cả khi làm việc; luôn đứng cách xa người khác 2 mét.
3. Luôn rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc bằng dung dịch sát khuẩn nhất là sau khi sờ tay vào bất cứ vật dụng nào và sau khi gặp, nói chuyện với người khác và khi về nhà.
4. Không bắt tay khi gặp người khác, không đưa tay lên mắt, mũi miệng.
5. Thường xuyên súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng; giữ ấm vùng ngực cổ, uống nước ấm. Thay quần áo khi về nhà và quần áo thay ra cần được ngâm với xà phòng.
6. Ăn uống đủ chất, ăn chín, uống chín, tập luyện thể thao phù hợp, sinh hoạt lành mạnh. Thường xuyên vệ sinh, giữ thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.
7. Nếu phải cách ly thì phải ở nhà, hạn chế gặp người trong nhà, thực hiện theo các hướng dẫn cách ly của cơ quan y tế.
8. Không nên đến cơ sở y tế nếu không phải cấp cứu. Hãy hỏi cán bộ y tế bằng điện thoại hoặc qua mạng trước khi muốn đi khám bệnh.
9. Khai báo y tế qua ứng dụng (https://ncovi.vn) cho mình và cho người thân trong nhà; theo dõi sức khỏe hàng ngày và báo ngay cho cơ quan y tế hoặc trên ứng dụng NCOVI.
10. Không mời khách đến nhà và cũng không nên đến nhà người khác. Cuộc sống sẽ còn nhiều dịp để gặp nhau.
Ngọc Minh
10 điều người dân cần 'nằm lòng' để phòng chống COVID-19 Bộ Y tế đưa ra 10 khuyến cáo phòng chống COVID-19. Đến sáng nay 6-4, nước ta ghi nhận 241 ca nhiễm, 91 ca đã được công bố khỏi bệnh và ra viện. Đồ họa: VIỆT THÁI