Đi học an toàn trong mùa dịch
Giới y khoa ủng hộ việc học sinh trở lại trường trong thời điểm này nhưng đi kèm những lưu ý quan trọng cho người lớn
Khi trường học khắp Việt Nam đang chuẩn bị để đón học sinh, cũng là lúc chị Minh Anh (35 tuổi; quận Tân Bình, TP HCM) lo âu đi hỏi ý kiến gần như tất cả bác sĩ (BS) mình quen. “Tôi ước gì được nghỉ học nguyên năm, dịch bệnh thế này lo quá. Nhưng cháu năm nay lớp 9, năm tới chuyển cấp, trường học lại thì tôi không dám cho nghỉ”.
Nguy cơ lây bệnh chủ yếu do người lớn
Trong khi đó, chị A.N (37 tuổi; ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) lại mong đến ngày con gái tuổi tiểu học được trở lại trường: “Con tôi mới lớp 2 nên chưa đi học lại nhưng cháu đã háo hức xếp cặp để sẵn cả tuần. Nghỉ dịch không phải như nghỉ hè, cháu không được đi chơi, không thể về quê… và cha mẹ vẫn phải đi làm. Bức bí cũng khiến cho tính tình cháu thay đổi. Tôi nghĩ phải an toàn nhà nước mới cho đi học lại nên không quá lo”.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết việc đi học lại của trẻ sẽ đủ an toàn nếu người lớn có ý thức. Các khảo sát dịch tễ từ đầu mùa dịch cho thấy trẻ em khó bị nhiễm hơn người lớn, nếu lỡ nhiễm cũng khó nặng và khó lây hơn. Hơn nữa, nguy cơ bị nhiễm của trẻ em còn thấp hơn vì dù đi học thì trẻ em vẫn ít tiếp xúc người lạ, ít di chuyển nhiều nơi như người lớn đi làm, đi chơi.
Vì vậy, nên hiểu trẻ em bị nhiễm bệnh chủ yếu từ chính gia đình, từ cha mẹ, khả năng đó cao hơn nhiều lần so với nguy cơ lây từ bạn học. Muốn trường học được an toàn, phụ huynh phải tuân thủ các khuyến cáo ( khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách, tránh tụ tập…).
Học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Văn Phú, quận 11, TP HCM đi học trở lại vào sáng 4-5; học sinh đeo khẩu trang và được bố trí ngồi có khoảng cách trong lớp học (Ảnh: TẤN THẠNH)
Còn theo BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), ngoài những biện pháp kiểm soát học sinh, nhà trường rất cần kiểm soát không để người lạ bước vào khuôn viên trường học. Trẻ chỉ nên tiếp xúc thầy cô dạy mình, nhân viên y tế và người lớn trong gia đình và những người lớn này cũng cần tuân thủ quy định phòng dịch, khai báo y tế…
Nghỉ học là giải pháp tạm thời
Video đang HOT
Theo BS Nguyễn Minh Tiến, quyết định cho trẻ em đi học lại khi dịch tạm ổn là cần thiết vì trẻ em ở suốt trong nhà quá lâu làm nảy sinh các vấn đề về tâm lý. BS Trương Hữu Khanh khuyên người lớn nên làm gương: “Người lớn cho rằng mình có ý thức, biết đeo khẩu trang nhưng đeo sai rất nhiều. Việc rửa tay cũng vậy, tôi thấy các bé rửa tay tốt hơn người lớn nhiều. Tuy nhiên, để duy trì thói quen tốt đó, phụ huynh phải làm gương. Cô giáo dạy rửa tay, đeo khẩu trang, bé đang làm tốt nhưng về nhà thấy cha mẹ không làm thì bé sẽ dần dần lười làm theo”.
Các BS đều đồng tình với việc lựa chọn khẩu trang vải cho trẻ em, mỗi ngày vài chiếc. Bởi khẩu trang y tế thường khó thở, dễ dẫn đến việc người dùng thỉnh thoảng tháo ra. “Khẩu trang y tế phải tiết kiệm, không thể thay nhiều và như thế sẽ kém hiệu quả bởi trẻ em hay chảy nước miếng, mau ướt khẩu trang. Phụ huynh nên chuẩn bị cho con vài cái khẩu trang vải mang theo, bé cứ thấy dơ, ướt là thay. Dặn bé khi thay khẩu trang tìm chỗ vắng, không nói chuyện trong lúc thay là được” – BS Nguyễn Minh Tiến nói.
BS Trương Hữu Khanh hướng dẫn phụ huynh nên chuẩn bị cho bé 2 túi zip, 1 túi để khẩu trang sạch, 1 túi để khẩu trang dơ. Người lớn cũng có thể làm theo cách này khi đi làm. Khẩu trang vải khi dơ cần giặt xà bông, phơi nắng, ủi… như đối với quần áo, có thể sử dụng lại.
Cần thêm thùng rác, bồn rửa tay
Theo các chuyên gia, ngoài kiểm tra y tế bằng đo thân nhiệt, khai báo y tế, các trường học nên chuẩn bị nhiều bồn rửa tay, để sẵn xà bông vì rửa tay bằng xà bông và nước luôn là lựa chọn an toàn nhất. Rửa tay thường xuyên, không chỉ Covid-19 mà các bệnh trẻ em hay gặp trong mùa hè như tay chân miệng, tiêu chảy hay các dạng viêm đường hô hấp khác cũng bị đẩy lùi. Trang bị thêm nhiều thùng rác để các em bỏ khẩu trang y tế, khăn giấy đúng nơi quy định.
Bác sĩ khuyên người dân cần ghi lại nhật ký tiếp xúc
Khi nới lỏng cách ly, mỗi người cần ghi lại nhật ký tiếp xúc hằng ngày để lỡ sau này có ca bệnh thì dễ khoanh vùng đối tượng cần tìm.
Từ ngày 23-4, TP.HCM và một số địa phương đang từng bước có những giải pháp nới lỏng giãn cách xã hội vì được đưa ra khỏi nhóm có nguy cơ cao nhiễm COVID-19 sau 21 ngày thực hiện chỉ thị cách ly toàn xã hội của Thủ tướng Chính phủ.
Các chuyên gia dịch tễ học nhận định nới lỏng giãn cách ly xã hội có thể đi kèm với nguy cơ người mắc COVID-19 gia tăng.
Tuy nhiên, cân nhắc với các lợi ích phát triển kinh tế-xã hội, các giải pháp nới lỏng giãn cách xã hội cũng phải được tiến hành. Do vậy, rất cần sự thận trọng và đồng lòng, đoàn kết của tất cả người dân thì mới mong đẩy lùi hoàn toàn dịch bệnh.
Có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực điều trị bệnh truyền nhiễm, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm - thần kinh, BV Nhi đồng 1, nhận định có hai kịch bản xảy ra.
Một là nếu chủ quan, lơ là, virus có thể lây lan tùm lum, nhiều bệnh nhân mắc thì hệ thống y tế sẽ quá tải, không đủ thiết bị điều trị và sẽ có ca tử vong. Các nước Nhật và Singapore khi nới lỏng giãn cách xã hội đã và đang gánh hậu quả. Hai là người dân cùng đồng lòng, tuân thủ các biện pháp phòng hộ thì dịch bệnh sẽ được đẩy lùi.
Người dân đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM) phải thực hiện quy trình kiểm tra thân nhiệt và điền phiếu khai báo y tế. Ảnh: HOÀNG GIANG
Theo BS Khanh, nhìn lại các ca mắc bệnh cho thấy nguyên nhân chủ yếu là do không tuân thủ phòng hộ tốt khi tiếp xúc gần với người mắc bệnh.
Đặc biệt, có những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân nhưng không biết người đó là ai, như ca bệnh là nhân viên của hãng Điện Máy Xanh ở Đà Nẵng hoặc các ca bệnh do cùng tham dự buổi sinh hoạt tôn giáo chung, cùng ở trong bệnh viện, căn tin. Tiếp theo, những người này lại tiếp tục lây cho gia đình, hàng xóm.
Do đó, BS Khanh cho rằng bên cạnh giải pháp tối ưu nhất là kiên quyết mang khẩu trang thì mỗi người cần biết được địa chỉ, tiền sử, nguy cơ mắc bệnh của những người mình tiếp xúc, ăn uống cùng để ghi lại cụ thể lịch trình tiếp xúc mỗi ngày.
Từ đó giúp cho cơ quan y tế dễ dàng xác định được những đối tượng F1, F2 khi chẳng may bản thân là F0, F1.
"Bản thân mỗi người phải biết mình đi đâu về đâu, nếu có tình huống thì sẽ khai báo nhanh hơn, chính xác hơn. Lịch trình đi về từ nhà đến công ty mỗi ngày thì không cần ghi lại vì dễ nhớ. Tuy nhiên, các lịch trình bất thường khác hằng ngày ngoài công việc như đi tới quán ăn, ăn cùng ai đó, gặp gỡ người nào đó... phải nên được mỗi người ghi lại hết.
Mỗi người cần ghi lại lịch trình của mình như vậy để khi xảy ra tình huống phát hiện F0 thì nhớ lại chính xác. Tránh phải khai báo sai, truy lòng vòng sẽ rất tốn công, tăng thêm công việc cho người đi điều tra.
Nếu tất cả chúng ta cùng làm cho tốt thì lỡ có người mắc bệnh cũng sẽ bao vây, chặn dịch được kịp thời" - BS Khanh phân tích.
Ngoài ra, theo BS Khanh, trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp, mỗi người nên ý thức hạn chế đến nơi đông người bởi rất dễ mắc bệnh, chờ ổn định tình hình dịch bệnh trong nước và xung quanh rồi đi cũng không muộn.
BS Khanh khuyên mỗi người khi đi tới quán ăn phải giữ khoảng cách, ngồi ngoài trời cho thoáng.
Khi ăn uống thì bắt buộc phải tháo khẩu trang ra nên phải xác định được người mình ăn cùng ở đâu, có tiền sử, nguy cơ mắc bệnh không. Nếu không rõ tiền sử thì không nên ngồi ăn chung.
Không nên có tâm lý cứ thoải mái đi
Khi nới lỏng giãn cách, ở các công ty, công trường vẫn phải tiếp tục khai báo y tế. Mỗi người đều phải cùng làm, càng nới lỏng càng phải quyết liệt, không cho ca bệnh F0 thành F1 mà mình không biết.
Chúng ta không nên có tâm lý hãy thoải mái đi vì có gì hệ thống y tế, cơ quan điều tra dịch tễ lo, mà mỗi người phải ý thức được trách nhiệm của mình. Các bệnh viện khoan nới lỏng người thăm khám, ra vào bệnh viện.
Càng phát hiện các ca bệnh chậm thì khả năng phát tán của virus sẽ ngày càng xa. Lúc này mọi người phải đoàn kết, đồng lòng, không có cách nào khác.
Bác sĩ TRƯƠNG HỮU KHANH
HOÀNG LAN
Nới lỏng cách ly xã hội, nguy cơ nhiễm Covid-19 sẽ cao hơn Dịch Covid-19 đã giảm nhanh, Chính phủ đã quyết định nới lỏng cách ly xã hội. Tuy nhiên, khi nới lỏng cách ly, mọi người đều có nguy cơ nhiễm bệnh ở mức cao hơn, tuyệt đối không lơ là chống dịch. Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 sẽ cao hơn Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã bùng phát dữ dội trên...