Di dời tượng đài Bác Hồ trước trụ sở UBND TPHCM: Nên hay không?
Nhiều người đồng tình với việc nên có tượng đài Bác với quy mô hơn, xứng với thành phố mang tên Người, nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng làm vậy là lãng phí.
Sáng qua 18/6, Ban Quản lý dự án (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM) đã tiến hành khảo sát, thăm dò địa chất khu vực tượng đài Bác Hồ trước trụ sở UBND TP.HCM để chuẩn bị cho việc cung thỉnh tượng Bác Hồ (cũ) về Nhà thiếu nhi TP, đồng thời thực hiện dự án xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh mới được đúc bằng hợp kim đồng và các công trình phụ trợ
Các cán bộ Ban Quản lý dự án ( Sở VHTT-DL) tiến hành đo đạc để thực hiện việc khảo sát, thăm dò địa chất tại khu vực Đài tưởng niệm Bác Hồ trước trụ sở UBND TP.HCM sáng ngày 18/6.
Ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở VHTT-DL cho biết, đây là chủ trương của TP và đã xin ý kiến Bộ Chính trị. Theo đó, trong quá trình triển khai thực hiện, sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của người dân.
Theo ông Rum, hiện có 3 việc đang triển khai thực hiện gồm: Bố trí lại tổng thể cảnh quan và kiến trúc không gian công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh như khu mặt tiền trụ sở UBND thành phố, hai bên vỉa hè và công trình kiến trúc toàn tuyến đường Nguyễn Huệ, hai ô phố của tòa nhà khách sạn Rex va trung tâm thương mại Vincom. Tiến hành cung thỉnh tượng Bác hiện hữu về Nhà thiếu nhi TP và tổ chức cuộc thi sáng tác mẫu tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo kế hoạch, tượng đài “Bác Hồ với thiếu nhi” hiện hữu sẽ được cung thỉnh về Nhà thiếu nhi TP.HCM.
Dự kiến tượng đài Bác Hồ mới đặt tại vị trí trước UBND thành phố sẽ có quy mô và bề thế hơn. Vị trí điều chỉnh cách xa mặt tiền trụ sở UBND và gần về trục chính đường Nguyễn Huệ. Sẽ có khoảng 100 cây dầu được trồng sau tượng đài và loại cây trồng phía trước 2 bên cánh mặt tiền trụ sở UBND TP có tán lá rộng trên cao, tạo điểm nhấn cho công trình.
Video đang HOT
Được biết tổng kinh phí cho toàn bộ công trình khoảng gần 30 tỉ đồng.
“TP.HCM là một thành phố lớn, được vinh dự mang tên Bác, vì thế phải có tượng đài mang nhiều ý nghĩa bao quát hơn”, vị Giám đốc Sở VHTT-DL khẳng định.
Liên quan đến việc tiếp nhận và thực hiện việc đặt tượng “Bác Hồ với thiếu nhi” tại Nhà thiếu nhi TP, bà Hồ Thị Đan Thanh, Chánh văn phòng Thành đoàn TP.HCM (đơn vị chủ đầu tư) cho biết, hiện mọi việc liên quan đang được bàn thảo. Theo kế hoạch, công trình cải tạo khuôn viên Nhà thiếu nhi TP (169 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3) sẽ tháo dỡ toàn bộ hàng rào và các công trình xung quanh tạo không gian mở. Để khi đặt tượng đài Bác, các em thiếu nhi và người dân thành phố có thể đến thăm viếng một cách thuận lợi.
Bác Nguyễn Trường Văn, một cán bộ hưu trí phường Bến Thành, quận 1 vui vẻ nói: “Nếu có tượng đài mới thì chắc chắn khu vực này sẽ càng đẹp và sang trọng thêm lên. Điều đó không chỉ riêng tôi mà người dân thành phố ai cũng mong muốn”.
Nhiều ý kiến đồng thuận với việc, tại khu trung tâm thành phố lớn nhất nước và vinh dự được mang tên Bác, nên có tượng đài của Người có ý nghĩa bao quát và bề thế hơn.
Một số bạn là sinh viên Trường đại học Kiến trúc cũng cùng quan điểm: TP.HCM vốn là thành phố lớn nhất nước và vinh dự được mang tên Bác, vì vậy việc có một tượng đài của Người với vẻ bề thế hơn, ý nghĩa bao quát hơn. Còn hình ảnh Bác với thiếu nhi được đặt ở Nhà thiếu nhi TP là rất hợp lý.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình, cũng có không ít ý kiến cho rằng đây là việc gây lãng phí trong khi tượng đài Bác Hồ hiện hữu vốn rất đẹp, rất trang trọng, gần gũi với người dân thành phố nói riêng, cả nước nói chung và bạn bè quốc tế từ hơn 23 năm qua.
Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng tượng đài Bác hiện hữu đã trở nên gần gũi, ăn sâu vào tâm thức của người dân cả nước và bạn bè quốc tế…
Bạn Trần Nguyệt Long chia sẻ: “Bức tượng “Bác Hồ với thiếu nhi” từ lâu trở thành biểu tượng của TP.HCM, không chỉ trong lòng người dân TP, mà trong lòng người dân cả nước. Bức tượng rất đẹp, phù hợp với cảnh quan xung quanh, toát lên thần thái ung dung, tình yêu thương vô bờ bến của Bác với thiếu nhi, cũng như kỳ vọng lớn lao của Bác với tương lai đất nước. Bức tượng gần như là di tích lịch sử trong quá trình phát triển của TP.HCM. Theo tôi, không nên thay đổi. Hãy dùng 30 tỉ đồng cho những công trình thiết thực khác thì tốt hơn!!!”.
Các đôi uyên ương của một lễ cưới tập thể đến tượng đài dâng hoa tưởng nhớ Bác Hồ kính yêu. (Ảnh: Lê Minh).
Du khách quốc tế thường xuyên thăm viếng, chụp ảnh kỉ niệm tại công viên tượng đài Bác Hồ trước UBND TP.HCM.
“Thành phố chúng ta đâu có thiếu chỗ trang trọng để đặt tượng Bác, vậy mà mỗi lần có tượng mới các cơ quan chức năng lại đề xuất dời đổi từ chỗ này sang chỗ khác gây lãng phí tiền tỷ. Tôi nghĩ hãy để dành số tiền đó vào việc khác như xây 1 ngôi trường cho trẻ em khuyết tật, thật sự có lợi ích hơn. Tượng Bác hiện đang đặt tại công viên trước trụ sở UBND trông rất là phù hợp cảnh quan vị trí. Nhìn tượng Người ngồi rất thư thái nhân ái, cho nên tôi nghĩ đặt tượng đứng sẽ không đẹp bằng bức tượng cũ”, bạn Dương Hữu Thái, sinh viên trường Đại học Kinh tế góp ý.
Theo vietbao
Điều công chức đến đám tang: Lãnh đạo Đà Nẵng nói gì?
Lãnh đạo Đà Nẵng đã lên tiếng về việc Văn phòng UBND TP điều hơn 60 công chức đi phục vụ đám tang.
Ngày 18/6, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Duy Khương đã trả lời báo chí rằng sẽ kiểm điểm rút kinh nghiệm việc ra văn bản điều động cán bộ phục vụ đám tang.
Sau khi báo chí phản ảnh về công văn điều động cán bộ của VP UBND TP Đà Nẵng đi phục vụ đám tang một cựu cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Ngày 18/6, ông Võ Duy Khương - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã trả lời báo chí với nội dung hoàn toàn không biết gì về văn bản điều động cán bộ của ông Chánh văn phòng UBND TP và cho rằng việc ra văn bản điều động là không phù hợp.
Ông Khương cũng cho biết việc văn bản phân công không được báo cáo, UBND thành phố sẽ nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Đồng quan điểm với Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương, ông H. một cán bộ hưu trí cho biết: "Chúng tôi rất nể phục và quý trọng chị ấy (một cán bộ trong đám tang đã đề cập) trong suốt thời gian công tác cho đến khi về hưu. Một người đáng phải được đối xử tốt cho đến lúc nhắm mắt. Nhưng cách làm của Chánh VP UBND là phản cảm".
Ông H. nói thêm: "Nghĩa tử là nghĩa tận, mình có cắt cử anh em đi phải dựa trên sự vận động tự nguyện, chứ không phải đưa ra bằng mệnh lệnh hành chính như đã làm. Thậm chí, chỉ cần vận động là nhiều anh chị em sẽ đến giúp đỡ".
"Chánh VP làm như vậy, người dân Đà Nẵng và cả nước nhìn vào sẽ nghĩ việc này như thế nào? Chức trách của công chức đâu phải để làm chuyện đó. Nếu có thì anh xin nghỉ và không cần phải mệnh lệnh mà tự nguyện.
Nhưng tiếc là sự việc lại làm bằng mệnh lệnh, văn bản đóng dấu cơ quan công quyền, trong khi lãnh đạo TP cũng không hề hay biết và không hề có chủ trương, chỉ đạo. Sự việc thật không hay chút nào và có thể làm mất uy tín của chính quyền TP, thậm chí là ảnh hưởng đến uy tín của người đã khuất", ông H cho biết.
Ông H. cho rằng, về vấn đề này báo chí đã phản ánh rất đúng đắn. Lãnh đạo làm sai thì phải sửa và cần có sự cầu thị.
Theo vietbao
Di dời tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh Tượng đài "Bác Hồ với thiếu nhi" trước trụ sở UBND TP HCM sẽ được thỉnh về đặt tại sân lễ hội trong Nhà thiếu nhi thành phố, hướng ra đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. UBND TP HCM vừa có văn bản giao Thành đoàn thành phố làm chủ đầu tư, thực hiện công trình cải tạo khuôn viên Nhà thiếu nhi thành...