‘Đi đâu hay làm gì đều hỏi anh Hoài Linh’
“Anh Linh không quan trọng là kiếm được bao nhiêu tiền, có tài sản gì mà lúc nào cũng nghĩ đến người khác trước hết”, Trường Giang chia sẻ về người anh trong nghề.
- Ai là người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp và tạo nên cái tên Trường Giang của ngày hôm nay?
- Khi tôi vừa bị đuổi ra khỏi trường Đại học SKĐA TP.HCM lần thứ 2 và đầu quân vào sân khấu Nụ cười mới, chính anh Hữu Lộc là người phát hiện và tạo cho tôi có cơ hội được diễn nhiều. Còn người chắp cánh cho tôi có được ngày hôm nay, giúp tôi từ một diễn viên quần chúng có vị trí khác chính là anh Hoài Linh.
Anh Hữu Lộc qua đời cũng là lúc sân khấu Nụ cười mới bị lấy lại mặt bằng, anh em hoang mang và bơ vơ lắm, nhưng lúc đó anh Linh vẫn ở đó nên chúng tôi tin mọi chuyện cũng sẽ đâu vào đó. Sau đó, sân khấu dời về nhà hát Hòa Bình và sắp tới sẽ thay đổi về đường Điện Biên Phủ. Mỗi lần như vậy, mọi thứ gần như phải bắt đầu lại. Nhưng may mắn là chúng tôi vẫn có anh Hoài Linh, một tay anh hy sinh không đi show để ở nhà gầy dựng từ đầu từ việc tìm địa điểm, thu hút lượng khán giả mới.
- Ít ai biết bằng Hoài Linh chính là người tạo điều kiện để anh có vai diễn cũng như hoàn thành kịch bản đầu tiên ghi dấu ấn lớn trong lòng khán giả là vai Mười Khó trong vở “Khó”. Có bao giờ anh tìm nguyên nhân vì sao mình lại được tin tưởng đến như vậy khi thời điểm trước đó chỉ là gương mặt chưa có chút tiếng tăm?
- Đây chính xác là một “ca khó”, tôi cũng không biết lý do và cũng chưa từng hỏi vì sao lúc đó anh Hoài Linh lại tin và giao cho tôi công việc quá quan trọng như vậy.
Anh Linh cho tôi được diễn chung khi anh là một ngôi sao còn tôi vẫn chỉ là một người quá mới. Nhưng tôi nghĩ khi một người đã quá thành công và có chỗ đứng như vậy ra bất cứ quyết định nào, thì mình cũng phải tin thôi. Sau này tôi mới nhận ra anh Linh có cái rất hay là đụng vào ai, người đó nổi tiếng ngay.
Kể từ vở Khó, tôi dần được anh Linh tin tưởng giao viết nhiều các kịch bản khác để hai anh em diễn. Thậm chí, từng nước đi trong nghề hay quyết định mua cái này, làm cái kia tôi đều thông qua ý kiến anh Linh rồi mới làm.
Ông Mười Khó là vai diễn tạo nên tên tuổi cho Trường Giang.
Video đang HOT
- Hoài Linh nói gì về những kịch bản của anh?
- Cuộc đời làm nghệ thuật làm sao có ai giỏi hết toàn vẹn? Có kịch hay, cũng phải có kịch dở, có kịch quá hay thì cũng sẽ có kịch rất dở, chưa kể còn có những vở bình thường. Mỗi lần cần thêm thắt hay điều chỉnh gì, anh Linh đều góp ý ngay trong buổi tập để tôi biết chỗ nào cần phải sửa. Đôi khi chỉ cần anh thay đổi một vài tình tiết, vở kịch đã được chuyển hướng hoàn toàn khác.
Ngày xưa tôi từng viết cho nhiều chương trình nhưng sau này chỉ dành thời gian để tập trung dựng kịch bản cho tôi và anh Hoài Linh. Viết cho mình không đủ làm thì làm sao viết cho những chương trình khác?
- Nhiều cặp khi diễn với nhau rất ăn ý, nhưng khi tách riêng lại không thể thành công vì cái bóng của người còn lại quá lớn. Anh nghĩ sao nếu mọi người chỉ mãi nhớ đến mình khi ghép đôi với Hoài Linh?
- Tôi không hề lo nghĩ gì vì cái bóng này to quá, mát quá thì chỉ cần ở trong đó thì tôi cũng đủ khỏe. Được khán giả nhớ đến một cặp cũng chứng tỏ phần nào đó sự thành công, rằng chúng tôi đã có phối hợp ăn ý. Nhưng tôi tin khi diễn với anh Linh, mình vẫn có nét riêng và được khán giả nhớ mặt, gọi tên.
Ngày xưa, nhắc đến Hoài Linh người ta nhớ ngay đến Chí Tài, nay tôi lại được đứng bên anh Linh thì vui lắm. Anh em hiểu nhau, nhiều khi anh chưa cần nói là tôi đã hiểu ý, hay như tôi vừa đẩy ra một mảng miếng nào đó là anh chụp được ngay. Nhiều khi hai anh em tự đứng cười trên sân khấu cũng vì quá hiểu nhau như vậy.
- Ngoài công việc, cái tên Hoài Linh ảnh hưởng đến cuộc sống của anh như thế nào?
- Anh Linh không bắt tôi phải làm bất cứ điều gì, thỉnh thoảng chỉ tâm sự: “Thôi sống đơn giản đi em”. Bản thân tôi khi nhìn cách sống của ảnh cũng tự cảm nhận được và làm theo. Điều thú vị là hai anh em cũng có nhiều cái giống nhau, từ việc thích ăn mắm ăn khô cho đến thói quen thích đi nghỉ ngơi ở những nơi có phong cảnh non nước hữu tình.
Lâu quá không gặp nhau, tôi gọi điện thoại hỏi thăm “Anh Linh, em nhớ anh quá” là anh lại hỏi: “Mày khóc nữa hả?”, vì người tôi dám làm điều đó trước mặt chỉ có anh Linh. Tôi nghĩ nhiều khi yêu một người thì chỉ cần trong vòng một tuần cũng có thể muốn lấy nhau, nên niềm tin là thứ quan trọng lắm. Giữa tôi và anh Linh, niềm tin là tuyệt đối và không ai có thể qua được anh Linh trong lòng tôi.
- Điều gì ở bậc đàn anh này khiến anh học hỏi nhiều nhất?
- Thử hỏi làm gì có người có đường sự nghiệp hài dài bằng anh Linh, bao nhiêu chục năm vẫn tồn tại và đứng trên đỉnh, có lẽ Tổ nghiệp nhìn thấy được cách ảnh sống và đối xử với mọi người tốt như thế nào. Anh Linh có cái mà ít người làm được là không quan trọng là kiếm được bao nhiêu tiền, có tài sản gì mà lúc nào cũng nghĩ đến những người khác trước hết.
Ví dụ như có những người lên tiếng mời: “Anh ơi xuất hiện dùm em, nếu không thì em chết”, anh Linh nhiều lần từ chối vì không có thời gian tập, nhưng người ta năn nỉ dữ quá thì anh lại nhận. Anh em đặt anh biệt danh là “nhân hậu tiên sinh” cũng vì lý do này. Tôi nhiều lần nói khéo anh Linh nhận ít show lại để có thời gian tập kỹ cũng như dưỡng sức, thì ảnh lại trả lời: “Tội nó mày ơi”.
Dù ít hay nhiều, tôi nghĩ mình chỉ cần đi theo con đường này thôi cũng đã đủ. Anh Linh hay dặn: “Càng cao danh vọng thì càng nhiều gian nan, nhưng sống phải nhớ chỉ cần có cái Tâm là được”. Tôi sống tư nhiên, bình thường chứ không cần phải sân si hay chạy theo những điều phù phiếm, ai hiểu thì mình vui, ai không hiểu thì từ từ họ sẽ hiểu. Ở dưới sân khấu những chuyện tranh giành đố kỵ, tôi không cần biết, lên sân khấu phải hết mình. Khán giả thấy được điều đó sẽ yêu mình dài lâu, sẽ mua vé mình hoài.
“Cái bóng này to quá, mát quá thì chỉ cần ở trong đó thì tôi cũng đủ khỏe”.
- Nhìn lại sự nghiệp của mình, anh cảm giác ra sao khi mọi thứ dường như thay đổi quá nhanh?
- Vai ông Mười Khó trong vở Khó diễn ra vào năm 2001, nhưng 1 năm sau mới phát hành DVD và phải mất thêm gần 1 năm nữa mới bắt đầu tạo hiệu ứng, được lượng lớn khán giả tìm xem và chia sẻ cho nhau. Nên cuộc đời tôi chỉ thay đổi trong khoảng gần 2 năm trở lại đây, show bắt đầu nhiều hơn trước. Trước đó tôi thậm chí từng tự hỏi đời mình sẽ đi đâu về đâu, vậy mà đùng một cái, mọi chuyện lại diễn ra quá nhanh. Tôi có được may mắn được làm việc với những người chuyên nghiệp. Họ biết tôi sở hữu tố chất gì trong người hay đang đứng ở vị trí nào. Có những thứ tôi không thấy được, nhưng anh Linh lại thấy và giúp tôi dần khai phá ra những khả năng của mình.
- Đường học 2 lần bị ngắt quãng, anh bao giờ nghĩ nếu ngày xưa cố gắng học đến nơi đến chốn thì giờ này Trường Giang sẽ đi đến đâu và làm gì?
- Không thể nói điều đó được vì sự học là chuyện phải làm hằng ngày, làm suốt đời. Hiện giờ tôi vẫn đang phải học từ những người xung quanh, từ đạo diễn, đồng nghiệp cho đến cả những người làm các công việc khác. Trong trường, thầy cô cũng chỉ dạy những kiến thức mang tính lý thuyết căn bản, còn cái học ngoài đời ghê gớm hơn nhiều. Hai anh em chúng tôi có chung những ông thầy rất giỏi, khi làm việc chung, đó là lúc chúng tôi học từ những mảng miếng vì sao phải đứng chỗ này chứ không phải vị trí kia, vì sao phải đợi hết câu nhạc mới được nói lời thoại… Có đi diễn thực tế mới thu thập được những kinh nghiệm này.
- Cuộc sống của một người nổi tiếng mang lại cho anh những thay đổi nào?
- Tôi có ăn có mặc có thu nhập ổn định chứ không có thay đổi đáng kể. Nhưng thích một chỗ được khán giả biết đến mình nhiều. Làm scandal cũng được nhiều người biết vậy, nhưng rồi thì dần dần mọi thứ cũng sẽ đi vào quên lãng thôi.
Cách đây 1 năm rưỡi, tôi vẫn còn vất vả và chật vật lắm. Nhưng tôi quan niệm cứ cố gắng, phấn đấu, cứ cày cứ bừa, sống tốt rồi chuyện gì cũng được hết. Ngày xưa, khi vào sân khấu Nụ cười mới, tôi vẫn chỉ dừng lại ở mức thích diễn vậy thôi, nhưng bây giờ nó đã là cái nghiệp rồi, có muốn nhích ra cũng không được. Ngoài công việc, tôi chỉ muốn một cuộc sống bình lặng nhất có thể, chuyện nhà cửa, xe cộ, tiền bạc đừng bao giờ xuất hiện trên mặt báo.
“Làm scandal cũng được nhiều người biết vậy, nhưng rồi thì dần dần mọi thứ cũng sẽ đi vào quên lãng thôi”.
- Một người nghệ sĩ khi cuộc sống đầy đủ, trọn vẹn liệu có còn đủ cảm xúc để vào những vai khắc khổ, bình dân – vốn là sở trường của anh?
- Tôi có biết một câu nói rất hay: “Không thể làm một diễn viên tốt nếu trong tim không có những tan nát, vụn vỡ, vì chính từ những đau khổ đó, mỗi người mới có thể cảm nhận được chính trái tim của mình”. Ngay cả nhạc sĩ cũng vậy, phải có những bứt rứt trong tâm hồn mới có thể sáng tác ra những bài đỉnh. Tôi không phủ nhận điều này sai, nhưng cũng không hoàn toàn chính xác, vì có những người họ có thể vay mượn cảm xúc.
Thật ra tôi nhiều khi vui cười ở ngoài chứ về nhà một mình rồi lại buồn, cũng có nhiều điều bứt rứt lắm chứ, làm sao ai biết được? Nhưng tôi quan niệm đơn giản, khi mình vui thì chuyện chia sẻ với người khác là bình thường, nhưng khi buồn thì người khác có tội tình gì đâu mà phải gánh chung với mình? Nên khi buồn thì đợi đến khi về nhà rồi buồn một mình hoặc cùng lắm là tâm sự với một vài người thân thiết, bạn bè.
- Đây có phải là thiệt thòi và cái giá phải trả của người của công chúng?
- Không có thiệt thòi gì cả. Khi lên sân khấu, được bao quanh bởi ánh hào quang và tiếng vỗ tay reo hò của khán giả, thì ở hậu trường cũng phải có những vết đau, nỗi buồn. Đây là quy luật bù trừ của cuộc sống. Ông Trời không bao giờ cho ai tất cả. Có những lúc thăng hoa, được ví như một ngội sao để mọi người hâm mộ, thì chắc chắn cũng phải có nỗi đau và mình phải cam chịu chuyện đó.
Bi kịch nhất là buồn mà phải diễn hài, nhưng đó là cái nghề cái nghiệp của mình, nên phải làm thôi.
Theo Zing