Di dân phố cổ Hà Nội: Ở thì khổ, đi thì khó
Theo kế hoạch, Ban quản lý phố cổ và quận Hoàng Kiếm sẽ trình UBND thành phố Hà Nội xem xét phê duyệt Đề án di dân phố cổ Hà Nội trong tháng 8 năm 2011. Tuy nhiên, khi nói đến chuyện di dời khỏi phố cổ, nhiều người dân vẫn tỏ ra không mấy “mặn mà” .
Ở thì khổ, đi thì khó
Con ngõ vào số nhà 53 Hàng Buồm chỉ cao khoảng 2m, rộng chừng hơn 1m nên hai người cùng đi vào thì phải nghiêng người tránh mới lách qua được.
Mật độ dân số quá lớn là nguyên nhân chính gây nên sự quá tải và xuống cấp trầm trọng về môi trường sống đô thị của khu phố cổ. (Ảnh: VĐ)
Con ngõ này là nơi sinh sống của 50 hộ dân với gần 200 nhân khẩu, nhà nào ít thì 3 khẩu, nhà nào nhiều thì 5 đến 6 khẩu nên việc sinh hoạt, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn và bất tiện. Có hộ chỉ hơn 10m2 mà có tới 4 đến 5 người cùng ở, phải kê giường tầng và cầu thang dựng đứng, thậm chí con ngõ vào hẹp chỉ hơn 1m cũng được các hộ tận dụng làm nơi nấu ăn.
“Mọi sinh hoạt đều bất tiện, nhưng không ở thì biết ở đâu, đồ đạc đã được hạn chế đến mức tối thiểu để đỡ chiếm diện tích. Khổ nhất là đi vệ sinh, nhiều lúc đông quá phải đợi đến lượt mới được nên khó chịu lắm”, một người dân trong số nhà 53 nói.
Khi nghe chúng tội hỏi về kế hoạch di dời, một hộ dân ở sống trong số nhà 53 bức xúc: “Cứ nghe đài báo nói là di dời sang khu đô thị Việt Hưng, nhưng bên đó lấy đâu ra nhà để mà chuyển, chỉ thấy đất bỏ hoang cỏ mọc um tùm. Chúng tôi nghe nhiều chán rồi nên không muốn nói nữa”.
Con ngõ hẹp tại số nhà 53 Hàng Buồm là nới ra vào của 50 hộ dân với gần 200 nhân khẩu. (Ảnh: VĐ).
Video đang HOT
Nói về kế hoạch di dời, bà Nguyễn Thị Sáu, một trong 8 hộ ở số nhà 47 Hàng Đường cũng tỏ ra không mấy mặn mà, vì theo bà Sáu chuyển cũng được, không chuyển cũng được, điều quan trọng là nơi chuyển tới điều kiện sống có đảm bảo đủ các điều kiện cơ sở hạ tang như đường, trường, trạm, chợ… hay không thì mới di dời được.
“Trước khi di chuyển chính quyền nên tổ chức cho các hộ dân chúng tôi đi thăm quan nơi đến trước. Nếu nơi đến đảm bảo điều kiện sống tốt hơn chỗ hiện tại thì chúng tôi sẽ đi, còn nếu không thì chúng tôi vẫn ở lại”, bà Sau nói.
“Chuyển đi biết làm gì để sống”
Không “dễ” tính như bà Sáu, bà Hồng, sống trong số nhà 69 Hàng Buồm khi được hỏi về kế hoạch di dân phố cổ, bà tỏ ra kiên quyết: “Nếu được lựa chọn, tôi sẽ không đi đâu cả. Nhà tôi rộng, 3 tầng mỗi tầng có 50 m2 với 6 nhân khẩu thì sống thoải mái nên ai đi thì đi chứ nhà tôi nhất quyết không đi đâu hết”.
Cũng theo bà Hồng, hiện tại hàng ngày bà ngồi bán nước ngay trước ngõ cũng có đồng ra đồng vào để nuôi bản thân, chứ chuyển đến nơi ở mới bà không biết phải làm gì để sống, đó là chưa kể ảnh hưởng đến sinh hoạt của con cháu bà.
Bà Hồng kiên quyết không di dời khỏi phố cổ vì sợ không biết chuyển đến nơi ở mới bà sẽ làm gì để sống, trong khi với quán chè đá ngay trước nhà bà vẫn có thể kiếm sống nuôi bản thân được (Ảnh: VĐ)
Cũng bảo lưu quan điểm quyết bám trụ phố cổ như bà Hồng, chị Trang chủ cửa hàng thời trang trong ngõ Gia Ngư cho biết cửa hàng nhỏ của chị là nguồn thu nhập chính nuôi cả gia đình, giờ chuyển nơi ở mới thì gia đình không biết làm gì để sống.
Chị Trang còn cho biết thêm: Sống ở phố cổ không chỉ thuận tiện nhiều thứ, mà với hộ khẩu phố cổ, muốn đi đâu, xin gì cũng dễ hơn, như việc xin học cho con ở các trường công lập chẳng hạn, với hộ khẩu phố cố dù sao cũng được ưu tiên hơn các khu vực khác.
Nhiều người dân phố cổ dù phải sống chật hẹp, khó khăn về sinh hoạt hàng ngày, nhưng vì lợi ích kinh tế khi chỉ vài mét vuông có thể nuôi sống cả gia đình nên họ vẫn muốn bám trụ lại.
Trong khi đó, những người mong muốn di chuyển đa phần là người còn trẻ, có việc làm và mức thu nhập ổn định. Do không chịu được cảnh sống quá chật chội, gia đình đông người nên họ mong muốn có nơi ở mới, rộng rãi hơn.
Đang hoàn thiện đề án
Theo kế hoạch, Ban quản lý phố cổ và quận Hoàn Kiếm sẽ trình UBND thành phố Hà Nội xem xét phê duyệt Đề án di dân phố cổ Hà Nội vào tháng 8 này. Bà Lê Quỳnh Anh, Phó trưởng Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: “Hiện ban quản lý đang làm việc với các Sở ngành của thành phố để hoàn thiện đề án, và trình thành phố phê duyệt. Tuy nhiên việc hoàn thiện đề án còn phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan nên chưa nói được gì nhiều”.
Hiện nay, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đã tiếp nhận bàn giao hơn 11 ha đất sạch tại khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội), đợi thành phố phê duyệt thì sẽ tiến hành xây dựng từng bước.
Phố cổ đang ngày càng chật chội (Ảnh: VĐ)
Đề án giãn dân khu phố cổ được chia làm nhiều giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 sẽ di chuyển khoảng 1.800 hộ dân với khoảng 7.200 nhân khẩu. Hiện có hơn 1.000 hộ đồng thuận đăng ký di chuyển trong giai đoạn 1. Trong giai đoạn này, sẽ di chuyển các hộ đang sống trong các di tích, trường học, công sở, số nhà đông hộ và các hộ dân tự nguyện di chuyển sang định cư.
Trước đó, quận Hoàn Kiếm kiến nghị Thành phố sớm xem xét phê duyệt Đề án giãn dân phố cổ để UBND quận có cơ sở triển khai, đồng thời đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù, như chính sách ưu đãi về nhà ở, về giá bán nhà, cơ chế kiểm soát và ngăn ngừa khả năng tăng dân số trở lại, cơ chế ưu đãi với các nhà đầu tư…
Khu phố cổ Hà Nội hiện có diện tích khoảng 81 ha, nằm trên địa bàn 10 phường của quận Hoàn Kiếm. Theo đề án giãn dân phố cổ, sẽ phải di chuyển 26.200 người dân để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của khu phố cổ.
Theo thống kê từ năm 2009, mật độ dân cư trong khu phố cổ khoảng 82.300 người/km2, trong khi quy hoạch đến năm 2020 mật độ dân cư ở đây là khoảng 50.000 người/km2. Trong quá trình lập đề án di dân phố cổ, UBND Quận Hoàn Kiếm đã lấy ý kiến người dân, trong số 953 hộ dân được hỏi, chỉ có 255 hộ dân đồng ý di chuyển (chiếm khoảng 26%).
Theo VietNamNet
Hai người chết do ảnh hưởng của bão Nock-ten
Sau khi đổ bộ vào Thanh Hóa- Nghệ An, bão Nock-ten tan nhanh. Hôm nay, các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ vẫn có mưa, nhưng cường độ giảm dần.
Theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương, chiều tối 30/7, bão Nock-ten đã đổ bộ vào hai huyện Tĩnh Gia và Quỳnh Lưu (giáp ranh của Thanh Hóa và Nghệ An) với sức gió lúc cập bờ cấp 9.
Sau khi bão đổ bộ, mưa cũng giảm dần. Trước đó, hoàn lưu bão đã gây một số điểm mưa lớn như thành phố Vinh 200 mm, Hòn Ngư (Nghệ An) 240 mm, Linh Cảm (Hà Tĩnh) 170 mm, Tuyên Hóa (Quảng Bình) 100 mm...
Thành phố Vinh ngập lụt trong cơn mưa lớn ngày 30/7. Ảnh: Nguyên Khoa.
Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương cho hay, ảnh hưởng của bão đã làm 2 người chết. Ngoài trường hợp ông Phạm Xuân Tứ (68 tuổi, xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) bị điện giật vào hồi 11h ngày 30/7, lúc 5h cùng ngày, tại xã Chiềng Cang (huyện Sông Mã, Sơn La), trong cơn dông, ông Cà Văn Biến (60 tuổi) bị sét đánh.
Mưa lớn ở Nghệ An cũng khiến hơn 1.600 ha lúa và trên 1.900 ha hoa màu bị ngập. Trước đó, khi hoành hành trên biển ngày 27/7, bão Nock-ten đã đánh một tàu cá Quảng Ngãi của thuyền trưởng Nguyễn Văn Pho cùng 11 thuyền viên. Cả 12 người đều được tàu Philippines cứu vớt. Hiện Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đang làm việc với phía Philippines để giải quyết cho các ngư dân sớm về nước.
Theo nhận định của Ban chỉ đạo, ngoài sự chuẩn bị đón bão kỹ càng, nguyên nhân khiến cơn bão để lại ít thiệt hại là do bão cập bờ với cường độ không mạnh, di chuyển nhanh và lượng mưa không nhiều.
Trong hôm nay, dư âm của cơn bão tiếp tục gây mưa rào và dông rải rác cho các tỉnh Bắc Bộ, đặc biệt là Bắc Trung Bộ. Sang ngày 1/8, thời tiết ổn định trở lại. Nhiệt độ ở các khu vực này này dao động trong khoảng 23-35 độ C, riêng Hà Nội 26-34 độ C.
Theo VNExpress
Bão Nock-ten khiến biển động mạnh Chiều 30/7, ảnh hưởng của bão Nock-ten, bãi biển Đồ Sơn (Hải Phòng) gió giật mạnh, những cột sóng cao hàng chục mét ập vào đất liền. Nhiều tuyến đường ven biển bị ngập nặng. Do ảnh hưởng của bão Nock-ten, tại khu vực bãi biển Đồ Sơn (Hải Phòng) trưa và chiều nay có mưa, gió mạnh và sóng biển dữ dội....