Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Kết tinh tư tưởng và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân
Chia sẻ những nội dung cốt lõi và giá trị Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS.TS Hoàng Chí Bảo, giảng viên cao cấp của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, đây là văn kiện lịch sử vô cùng quý giá, kết tinh tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân suốt đời phấn đấu, hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại.
Bản Di chúc của Bác chỉ có 1.000 từ, nhưng Bác để công sức trong 4 -5 năm để viết và sửa chữa.
Hôm nay (8/5), tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị Báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương tháng 5/2019 bằng hình thức trực tuyến tại hơn 400 điểm cầu trên cả nước.
Các báo cáo viên đã nghe Giáo sư Hoàng Chí Bảo, Giảng viên cao cấp của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thông tin về “Ý nghĩa lịch sử và giá trị trường tồn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; những kết quả nổi bật sau 50 năm thực hiện Di chúc của Người”.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo đã khái quát hoàn cảnh ra đời, nội dung cốt lõi và giá trị của Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời khẳng định, sau 50 năm những tư tưởng cao quý của Bác trong Di chúc càng trở nên sáng rõ không chỉ đối với đồng bào trong nước mà còn trong lòng bạn bè quốc tế.
Bản Di chúc của Bác chỉ có 1.000 từ, nhưng Bác để công sức trong 4 -5 năm để viết và sửa chữa. Bác viết Di chúc từ ngày 10/5/1965, đến ngày 15/5/1965 thì hoàn thành và Bác tự tay đánh máy. Năm nào Bác cũng sửa chữa, bản sửa chữa lần cuối cùng là vào tháng 5/1969. Mỗi một lần sửa, Bác đều nói là “tôi đọc lại những lời này thì tôi thấy cần sự bổ sung thêm vì tình hình đã có nhiều biến đổi”. Đó là bối cảnh Bác nói năm 1968- năm có Tổng tiến công Mậu Thân.
Video đang HOT
Có thể nói, những nội dung về đoàn kết, thống nhất trong Đảng; quan tâm chăm lo xây dựng đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về nhân dân lao động… luôn được xem là những trọng điểm để các cấp, các ngành, địa phương quyết tâm thực hiện trong suốt 50 năm qua.
Năm 2019, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm 50 năm ngày Bác mất và 50 năm thực hiện Di chúc của Người cũng là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức Đảng tự soi rọi lại mình, phấn đấu xây dựng đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh như di nguyện của Người.
Định hướng công tác tuyên truyền, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng đề nghị, các báo cáo viên cần khẳng định ý nghĩa, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh trong bản Di chúc, nhất là về Đảng cầm quyền, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, chăm lo đời sống nhân dân và phát huy tinh thần đoàn kết quốc tế; đồng thời nêu bật tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trí tuệ và trách nhiệm vô cùng lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Tổ quốc và nhân dân.
Qua tuyên truyền, các báo cáo viên tôn vinh và tri ân sâu sắc công lao, cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; khẳng định cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh luôn sống mãi trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, soi đường dẫn dắt sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước đi đến thắng lợi.
Đây cũng là dịp tuyên truyền những thành tựu to lớn, bài học rút ra qua 50 năm thực hiện Di chúc; làm rõ những kết quả đạt được sau ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và ba năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; khẳng định toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Di chúc thiêng liêng và con đường cách mạng mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Vân Thanh
Theo ANTD
Đảng ủy cơ quan Sở Tư pháp: Học Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân
Đảng ủy cơ quan Sở Tư pháp TP Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị học tập chuyên đề năm 2019: "Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" đến toàn thể đảng viên thuộc Đảng bộ.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quán Phú - Báo cáo viên cao cấp của Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết cho biết, năm 2019 là năm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019), kỷ niệm 70 năm Bác viết tác phẩm Dân vận (1949-2019); kỷ niệm 50 năm tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" (1969-2019). Việc thực hiện có hiệu quả chủ đề xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân trong năm 2019 và các năm tiếp theo là thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thông tin những nội dung cơ bản của Chuyên đề đến Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quán Phú cho biết: "Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân là nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo động lực to lớn cho công cuộc đổi mới, đồng thời là giải pháp quan trọng, cấp bách trong xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị giai đoạn hiện nay".
Trong đó, tôn trọng nhân dân trước hết phải có thái độ đánh giá cao vai trò, vị trí của nhân dân. Theo Người, "nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng... Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta".
Đảng viên Đảng bộ cơ quan Sở Tư pháp học tập chuyên đề "Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". (Ảnh: T.Hải)
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, tôn trọng nhân dân có nhiều cách: "Không phải ở chỗ chào hỏi kính thưa có lễ phép mà đủ. Không được phung phí nhân lực, vật lực của dân. Khi huy động nên vừa phải, không nên nhiều quá lãng phí vô ích. Phải khôn khéo tránh điều gì có hại cho đời sống nhân dân. Biết giúp đỡ nhân dân cũng là biết tôn trọng dân".
Trên cơ sở nhận thức "nước lấy dân làm gốc", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ 6 điều không nên làm và 6 điều nên làm với dân. Trong 6 điều không nên làm, có những điều liên quan đến cuộc sống hàng ngày của nhân dân như tín ngưỡng, phong tục, đáng chú ý là "không bao giờ sai lời hứa"... Những điều nên làm cũng liên quan đến công việc thực tế hàng ngày, đặc biệt là "Làm cho dân nhận thấy mình là người đứng đắn, chăm công việc, trọng kỷ luật". Làm được như vậy thì dân tin, gốc vững.
Về "phát huy dân chủ", theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đây là một khía cạnh biểu hiện ý thức tôn trọng nhân dân. Mối quan tâm hàng đầu của Người là làm cho mọi người dân hiểu Nhà nước mới, chế độ mới khác nhà nước cũ, chế độ cũ ở điều quan trọng nhất là giá trị dân chủ. Dân chủ tức là nhân dân có quyền làm chủ. Nước dân chủ, chế độ dân chủ thì bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều ở nơi dân.
Phát huy dân chủ là phát huy tài dân bởi theo Người "dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra". Muốn vậy thì phải chịu khó nghe dân, gặp dân, hiểu dân, học dân, hỏi dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh "không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân".
Về "chăm lo đời sống, Nhân dân", theo báo cáo viên tư tưởng Hồ Chí Minh là vì con người, do con người, trước hết là vì dân và do dân. Người nói rằng, "tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".
Người nhấn mạnh, "muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh". "Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay: Làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành". Trong Di chúc, Người cũng căn dặn "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".
Theo báo cáo viên Nguyễn Quán Phú, từ những tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thì hiện nay Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp quan trọng trong việc xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân. Trong đó, nêu bật mỗi cán bộ, đảng viên phải: 1."Gương mẫu trong thực hiện, tuyên truyền và bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và của nhân dân"; 2. Về đạo đức, lối sống, tác phong phải: "Nêu gương về đức khiêm tốn, giản dị; tác phong sâu sát thực tế, gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng, trước hết trong tổ chức, cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú"; 3. Về quan hệ với nhân dân phải: "Nêu cao ý thức phục vụ nhân dân; làm việc với thái độ khách quan, công tâm, tập trung sức giải quyết những lợi ích chính đáng của nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, chủ động đối thoại với nhân dân và cán bộ dưới quyền. Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiên hà nhân dân".
Việc học tập chuyên đề nhằm tăng cường xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên. Từ đó tạo động lực to lớn cho công cuộc đổi mới, góp phần đẩy mạnh xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, củng cố hệ thống chính trị trong giai đoạn hiện nay.
Thanh Hải
Theo Phapluat&xahoi
90 cán bộ được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về công tác Tuyên giáo Sau một tuần học tập nghiêm túc, Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về công tác Tuyên giáo năm 2018 do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp tổ chức đã hoàn thành chương trình và bế giảng chiều 7/12, tại Hà Nội. Dự Lễ bế giảng có các đồng...