Di chúc của Bác mang giá trị trường tồn
Thấm nhuần, thực hiện tư tưởng đoàn kết theo Di chúc của Bác mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM đã đoàn kết vượt qua khó khăn để xây dựng, phát triển TP lớn mạnh
Sáng 29-6, Thành ủy TP HCM tổ chức hội thảo khoa học 50 năm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội thảo.
Giá trị lớn lao của Di chúc
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các đại biểu phân tích sâu những vấn đề quan tâm đối với quá trình 50 năm TP HCM thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Những nội dung Bác viết, những định hướng đã được nhân dân cả nước nói chung và đặc biệt đồng bào, Đảng bộ TP vận dụng sáng tạo, noi theo, thực hiện như thế nào trong 50 năm qua? Vấn đề gì Bác nêu trong Di chúc qua thời gian lịch sử 50 năm vẫn còn nguyên giá trị?” – Bí thư Nguyễn Thiện Nhân gợi ý.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu
Theo Bí thư Thành ủy TP HCM, Di chúc của Bác có 13 nhóm nội dung lớn, trong đó Bác nói về Đảng, về sự đoàn kết, phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân. Bác khẳng định đoàn kết là yếu tố có tính chất quyết định thắng lợi của cách mạng. Bác nói thực hành dân chủ rộng rãi thường xuyên thông qua phê bình và tự phê bình, đó là cách tốt nhất để củng cố phát triển đoàn kết…
Trong Di chúc, Bác khẳng định toàn Đảng, toàn dân đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Được mời trình bày tham luận đầu tiên, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải điểm lại những thành tựu của Đảng bộ và nhân dân TP HCM đạt được sau 50 năm thực hiện Di chúc của Bác. Ông Lê Thanh Hải khẳng định kinh tế TP không ngừng phát triển trong nhiều thập kỷ qua. TP luôn gắn tăng trưởng kinh tế với nâng cao chất lượng sống, phát triển văn hóa, xây dựng và phát triển con người.
Video đang HOT
Theo ông Lê Thanh Hải, thực hiện Di chúc của Bác, bài học mà Đảng bộ TP đúc kết được là phát huy sức mạnh tổng hợp, tính năng động, sáng tạo. Tính năng động, sáng tạo làm cho TP luôn thích ứng với mặt tích cực của cơ chế thị trường; thúc đẩy con người TP quan tâm đến chất lượng, hiệu quả công việc, nhạy bén trong hoạt động, đổi mới trong công việc.
Cũng theo ông Lê Thanh Hải, nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng bộ TP trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải là gương sáng về phẩm chất cách mạng, không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực trong nội bộ và trong xã hội…
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết
Ông Huỳnh Đảm – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam – cho biết điều ông tâm đắc nhất trong Di chúc của Bác là đại đoàn kết. Bác đã chỉ ra phải đoàn kết trong Đảng vì Đảng là người lãnh đạo, là hạt nhân của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Nhờ phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo thể hiện thông qua thực hiện Di chúc của Bác về đoàn kết mà Đảng ta lãnh đạo và phát huy sức mạnh đại đoàn kết của cả dân tộc, đoàn kết quốc tế.
Ông Huỳnh Đảm khẳng định cũng chính vì việc thấm nhuần, thực hiện tư tưởng đoàn kết theo Di chúc của Bác mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM đã đoàn kết vượt qua muôn vàn khó khăn để xây dựng, phát triển TP lớn mạnh. Thành tựu của TP đã đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước qua hơn 30 năm đổi mới cũng nhờ đoàn kết, từ đó thúc đẩy, khơi dậy sức mạnh của cả TP.
Tham gia thảo luận, về nội dung TP HCM thực hiện Di chúc của Bác, nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo cho rằng TP cần phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo trong việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội, cùng với 7 chương trình đột phá và các đề án xây dựng TP thông minh, đô thị sáng tạo… Bàn thêm về giải pháp, bà Phạm Phương Thảo cho rằng trong các vấn đề quan tâm của TP HCM, cần tập trung cải cách hành chính, tiếp tục kiên trì đề xuất trung ương tháo gỡ những ràng buộc về cơ chế, thể chế, cần thiết có thể đề xuất những chính sách thí điểm cho TP HCM mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, việc tiếp tục đề xuất để TP HCM xây dựng chính quyền đô thị cho phù hợp với sự phát triển tăng tốc của TP HCM.
Giải pháp thúc đẩy TP HCM phát triển
Hội thảo tập hợp hơn 80 tham luận, trong đó ban tổ chức đã chọn lựa 62 tham luận in thành sách. Phát biểu tổng kết hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê nhận xét nội dung các tham luận tập trung phân tích những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP đạt được. Từ những nội dung phong phú của hội thảo, từng địa phương, đơn vị và từng vị trí công tác sẽ tìm được giải pháp, góp phần tích cực vào việc tiếp tục thúc đẩy quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập của TP HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Bài và ảnh: Trường Hoàng
Theo nld.com.vn
Kiều bào hiến kế xây dựng đô thị sáng tạo
Nếu tháo gỡ được những vướng mắc về cơ chế, dòng tiền đầu tư đổ về TP HCM sẽ như nước chảy chỗ trũng
Phát biểu chào mừng hội nghị Gặp mặt giữa lãnh đạo TP và chuyên gia trí thức, doanh nhân kiều bào vào ngày 6-4, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng trở thành đô thị sáng tạo và trung tâm tài chính của khu vực không chỉ là tham vọng mà còn là kế hoạch cần triển khai của TP, bởi một nền tài chính phát triển khỏe mạnh, một trung tâm tài chính có sức hấp dẫn cao sẽ mang lại tăng trưởng cho doanh nghiệp (DN), thúc đẩy kế hoạch xây dựng đô thị sáng tạo, là nền tảng quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu của TP.
Kết nối 3 chân vạc
Góp ý vào chủ đề "Xây dựng khu đô thị sáng tạo", TS Ngô Viết Nam Sơn (Việt kiều Mỹ) cho rằng TP cần trả lời 3 câu hỏi: Làm sao để tổ chức khu vực phía Đông (các quận 2, 9, Thủ Đức) thành khu đô thị sáng tạo? Kinh phí ở đâu? Làm sao thu hút người dân về sinh sống?
Theo ông Sơn, TP đang đi đúng hướng trong xây dựng đô thị thông minh nhưng cần có sự kết nối, bao gồm kết nối vùng, kết nối các dự án, kết nối hạ tầng với nhau để tạo ra tiện ích lớn nhất, cùng khai thác tốt tiềm năng, cùng phát triển. Ông phân tích TP cần tạo 3 động lực chính cho đô thị thông minh là: Khu đô thị mới Thủ Thiêm (chức năng tài chính, đô thị mới); khu ĐHQG TP HCM, Khu Công nghệ cao và khu vực cảng Cát Lái. "Đây là 3 động lực, 3 chân vạc, 3 cộng đồng có bản sắc khác nhau. Trong quy hoạch cần liên kết với nhau và kết nối với khu dân cư hiện hữu, không nên tách rời. Mỗi khu vực, mỗi cộng đồng có yêu cầu khác nhau về hạ tầng, nếu TP đáp ứng được thì sẽ thu hút được người về ở. Khi đó, câu chuyện về nguồn tiền để xây dựng đô thị thông minh là không khó" - ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thành Phong (phải), Chủ tịch UBND TP HCM, trao đổi với đại biểu bên lề hội nghị Ảnh: QUANG LIÊM
Quan tâm đến xây dựng trung tâm tài chính, ông Peter Hồng (kiều bào Úc), Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, cho rằng vướng mắc nằm ở cơ chế. "Tôi tham gia làm Khu Kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) 18 năm trước, chưa có một cơ chế chính thức chuẩn bị cho khu kinh tế mở này. Bây giờ cũng vậy, cơ chế nào để làm trung tâm tài chính? Nhìn lại các quốc gia trong khu vực, chúng ta đứng ở đâu? Về thuế, nhà nước cho mở tới đâu? Xây dựng trung tâm tài chính thì mời đơn vị nào về cùng tham dự? Chuẩn bị về con người ra sao" - ông Peter Hồng nêu hàng loạt câu hỏi.
Đặc biệt, về dòng tiền, ông Peter Hồng chỉ rõ quy luật "nước chảy chỗ trũng". TP HCM chưa tạo được "chỗ trũng" thì dòng tiền chưa chảy tới. "Các nhà đầu tư đang chạy đi đâu, TP HCM có hấp dẫn được họ hay không? Đây là những câu chuyện lớn. Rất nhiều kiều bào có kiến thức, trình độ đủ để hợp tác với TP. Chỉ cần TP đưa yêu cầu cụ thể, có định chế đàng hoàng thì anh em chúng tôi cùng về, cùng làm với TP HCM" - ông Peter Hồng bày tỏ.
Thừa nhận vướng mắc cơ chế là vấn đề lớn nhất cần tháo gỡ, ông Nguyễn Thành Phong nói TP sẽ từng bước khắc phục các bất cập để trở thành TP có chất lượng sống tốt, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân, trong đó có kiều bào.
Giải bài toán con người
Hoan nghênh sự góp mặt của hơn 40 kiều bào tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh TP đang tập trung xây dựng khu đô thị sáng tạo và trung tâm tài chính nên rất cần nguồn lực. Trong đó, sự đóng góp ý kiến của các kiều bào là vô cùng cần thiết.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, TP HCM chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước nhưng đóng góp 24% GDP và 27% thu ngân sách quốc gia; kiều hối và lượng khách du lịch chiếm gần 1/2 so cả nước; năng suất lao động bằng 2,9 lần năng suất lao động chung toàn quốc. Vì thế, thảo luận về xây dựng đô thị sáng tạo, trung tâm tài chính là giúp TP có nguồn lực lâu dài hơn để phát triển, giữ vững vị trí quan trọng của cả nước.
Trao đổi cụ thể hơn về chiến lược của TP, Bí thư Thành ủy cho hay TP nhận thức rõ nền kinh tế của TP là kinh tế đô thị với sự đóng góp của dịch vụ và công nghiệp lên đến 99%. Do đó, trong năm nay, TP phải khởi công xây dựng khu công nghiệp mới với ý nghĩa là nơi tiếp nhận đầu tư lớn ở nước ngoài. Đồng thời, rà soát lại quy hoạch hạ tầng phục vụ phát triển dịch vụ một cách tốt nhất. Dự kiến, đầu năm 2021, TP chạy thử tuyến Metro 1; các tuyến metro khác và các tuyến đường vành đai cũng đang được triển khai. Ngoài ra, từ năm 2020 trở đi, TP có các ngành đạt trình độ quốc tế như du lịch, y tế.
Người ở đâu để làm khu đô thị sáng tạo cũng là câu hỏi khiến người đứng đầu Đảng bộ TP băn khoăn. Nêu một trong những hướng ra, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nhân lực nằm ở các đối tác nước ngoài hoặc chính người Việt ở nước ngoài về tham gia thực hiện. Nói cách khác, cần chú trọng liên kết, hợp tác quốc tế. "Bây giờ đóng cửa là thua. Đợi họ (đối tác nước ngoài - PV) đến cũng không được, mà TP phải chủ động cùng liên kết, cùng làm. Những đơn vị tư vấn tuy là người Việt Nam nhưng đằng sau đều là công ty nước ngoài, không có quốc tế không làm được" - Bí thư nhấn mạnh.
Về xây dựng trung tâm tài chính, Bí thư Thành ủy TP HCM khẳng định TP sẽ làm nhanh hơn nữa. Thực tế, dù kinh tế TP HCM chiếm 24% cả nước, kiều hối chiếm gần 50% và huy động vốn cho vay cũng lớn nhất cả nước, song vẫn chưa thực sự đúng tầm. Chức năng của trung tâm tài chính phải đi liền với hạ tầng viễn thông cực mạnh, an toàn thông tin tốt. Nhà nước và DN phải cùng làm với nhau từ khâu quy hoạch đến khâu kế hoạch và triển khai. Còn tiền ở đâu? Làm tốt thì DN sẽ mang tiền đến, đó là bài học của Hà Lan khi làm các công trình hạ tầng công cộng đa chức năng" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.
Thu hút người có năng lực trí tuệ cao nhất
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết với 300 năm lịch sử, TP HCM là TP đa dân tộc, đa tôn giáo, đa văn hóa; có đóng góp lớn về mặt kinh tế của cả nước. Do đó, TP phải là cái nôi của sáng tạo. Tuy nhiên, với áp lực dân số, TP đang gặp những vấn đề về ách tắc giao thông, nhà ở, rác thải... Chọn khu vực gồm các quận 2, 9 và Thủ Đức để xây dựng khu đô thị sáng tạo, Bí thư Thành ủy cho rằng đây là sản phẩm của tri thức mới, ứng dụng mới, thu hút người có năng lực trí tuệ cao nhất, từ đó lan tỏa ra 10 triệu dân của TP.
Theo Nguoilaodong
Ông Phan Nguyễn Như Khuê làm trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM Phó đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê vừa được phân công, bổ nhiệm giữ chức trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Sáng nay 24/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã trao quyết định phân công thành ủy viên, bổ nhiệm ông Phan Nguyễn Như Khuê...