Đi Chợ Sừng Ở Xứ Mười Hai Tầng Núi
Quãng đường từ trung tâm huyện Phong Thổ vượt dốc lên đỉnh Dào San, chỉ 30 km, thêm chừng 40km nữa là đến Sì Lở Lầu.
Khu vực tám xã biên giới Bắc Dào San thuộc huyện Phong Thổ, Lai Châu là một khu vực đặc biệt cao trên 1900m với cộng đồng ba dân tộc chính sinh sống là Mông, Dao đỏ và Hà Nhì. Trong đó, hai xã Sì Lở Lầu và Ma Li Chải là hai xã xa nhất, điểm mút của góc biên giới, cư dân hầu hết là người Dao đỏ. Vượt qua tầng tầng lớp lớp núi non nơi mút mùa heo hút biên cương, chúng tôi gặp một phiên chợ đặc biệt của người Dao đỏ ở Sì Lở Lầu, gọi là “Chợ Sừng”…
Chợ “sừng”, chợ lùi, tại sao?
Chúng tôi dừng chân ở hàng ăn của ông Tẩn Phủ Cuổi và được ông cho biết, khu vực này có 3 chợ. Chợ thứ nhất là chợ Dền Suối Thàng, họp vào thứ bảy hàng tuần. Chợ thứ hai là chợ đường biên, giáp cột mốc số 70, họp vào thứ tư và chợ Sừng Gia Khâu này. Theo ông, chợ sừng họp đã hàng trăm năm nay, từ hồi ông còn bé, hỏi ông nội ông, cũng không biết là từ bao giờ, người Dao hai bên biên giới Việt – Trung qua lại rất đông.
Gọi là chợ Sừng, là bởi chợ họp vào ngày hai con có sừng trong 12 con giáp là con Dê (ngày Mùi) và con trâu (ngày Sửu). Vậy là cứ 6 ngày chợ họp một lần. Nếu tính theo tuần, thì chợ họp lùi ngày, ví dụ tuần trước họp chủ nhật, thì tuần sau họp vào thứ bảy, rồi lại thứ sáu tuần sau nữa, lùi vòng quanh như thế, rất dễ nhớ. Sau mùa thảo quả, khoảng từ tháng 8 âm lịch trở đi, là chợ họp đông đúc cho đến tận tháng Giêng, tháng hai âm.
Ở xã Dào San trước đây cũng họp “chợ sừng” như thế, nhưng bây giờ để tiện lợi cho việc quản lý, chính quyền ở đây đã quy định chợ họp vào chủ nhật hàng tuần. Thế là hai phiên “chợ sừng” hiếm hoi trong cả nước thì đã mất “bản sắc” một phiên, còn lại duy nhất chợ Sừng Gia Khâu vẫn họp đều đặn theo phong tục như thế!
Con suối phân thùy biên giới Việt Trung
Vừa bán hàng vừa tâm tình
Bản sắc vẹn nguyên…
Khoảng 7h sáng, trên con đường vào chợ, nằm giữa trung tâm bản Gia Khâu, cách đường biên 3km, đã ken đặc người và xe máy trong sương sớm mờ mờ. Người Mông, người Hà Nhì từ Dào San, Vàng Ma Chải, Pa Vây Sử lên.
Người Dao đỏ ở bên Sì Lở Xuân sang. Đúng là ở trên đất người Dao đỏ có khác, tràn ngập sắc đỏ rực rỡ (tông đỏ – lam trên nền đen) từ hoa văn quần áo của các bà, các cô đi chợ trong vòng một cây số. Phụ nữ Dao đỏ ăn mặc áo đen, có diềm vạt hoa văn đỏ đính bông ngù đỏ, quần cũng đặc hoa văn đỏ, hai ống tay áo và yếm trước bụng phối mầu lam thêu hoa văn đỏ rất khéo. Trên đầu tóc chuốt sáp ong rồi quấn ngược lên, bọc một chiếc khăn hình chóp nhọn hoắt rồi chụp lên một chiếc khâu có gài trâm bạc.
Một số bà già còn buộc khăn mầu đỏ lên cái chóp đặc trưng này. Người phụ nữ Dao không thích trang sức bằng vàng, chỉ thích tích trữ trang sức bạc và tiền Đông Dương cũ (đồng bạc trắng hoa xòe). Có người ở bản Lản Nhì Thàng, trồng được nhiều thảo quả, có lắm tiền, một lần đi chợ sắm hàng chục triệu tiền đồ bạc trắng…
Chợ sừng rực rỡ sắc màu với đồng bào Đao đỏ
Từng đi nhiều vùng ở miền núi Tây Bắc nước ta, tôi thấy rằng hình như ở những chốn càng thâm sơn cùng cốc, ít có khách du lịch tới, ít bị thương mại hóa thì bản sắc dân tộc trong văn hóa, tập tục ở những nơi đó càng được bảo tồn tự nhiên nguyên vẹn.
Cùng một cung địa lý so với bên Lào Cai. Nhưng người Dao đỏ, người Mông ở Sa Pa so với người cùng chủng tộc ở đây đã khác nhiều lắm, mà đánh giá rằng hay rằng dở thật khó. Chỉ thấy nơi này gần như không có khách du lịch, trên bản đồ dân “phượt” cả Tây cả ta cũng chưa thấy. Đại bộ phận người Dao đi chợ ở đây nói tiếng Dao pha Quan Hỏa, rất nhiều người không nói được tiếng Kinh. Tiền giao dịch ở chợ cùng lúc dùng hai loại tiền nhân dân tệ và tiền ta (nhưng họ vẫn chuộng tiêu tiền tệ hơn).
Bà con đi chợ ngày phiên, vừa để mua bán, vừa để giao lưu gặp gỡ thăm hỏi nhau từ các bản xa. Cánh thanh niên gặp nhau thì đãi nhau chân gà nướng, bánh rán bột mỳ. Người già gặp nhau thì mải tâm sự, quên cả bán hàng… Ngoài những hàng hóa mang từ Trung Quốc sang và hàng hóa gia dụng đem dưới xuôi lên, có rất nhiều loại lâm thổ sản, hoa quả rừng, có loại trông giống quả dâu da, hoặc quả ớt kỳ hình dị dạng, tên gọi không dịch ra được tiếng Việt.
Có cả những loại đậu phụ lên men (đậu phụ “nhự” hay đậu phụ “thối”) theo cách cổ truyền của người Dao mà các chiến sĩ biên phòng gọi đùa là trông giống… cục phân chó. Nhưng nếu ăn quen được thì rất ngon và tốt cho tiêu hóa…
Video đang HOT
Các sản vật của đồng bào được bày bán tại chợ.
Đi chơi chợ một hồi, mỏi chân, đói bụng, chúng tôi tạt vào một hàng chân gà nướng và bánh rán bột mỳ ăn. Một đồng rưỡi (tệ) một cái chân gà, ba đồng một cái bánh rán. Thiếu phụ bán hàng khá xinh đẹp, tên là Lý Tả Mẩy, hỏi gì cũng cười. Người bạn đi cùng tôi ngạc nhiên là sao từ nãy giờ hỏi tên phụ nữ Dao, ai cũng xưng tên là Mẩy thế. Nghe giải thích hóa ra phụ nữ Dao ở đây ai cũng tên là…
Mẩy hết. Chỉ phân biệt theo họ và thứ tự sinh ra là Tả, Lở, San, Sử, Ú, Lụ… (nhất, nhị, tam, tứ, ngũ lục…). Ví dụ Lý Tả Mẩy là cô con gái cả họ Lý, Tẩn San Mẩy là cô gái thứ ba nhà họ Tẩn. À ra thế, bạn tôi bảo, thì cũng như dưới xuôi mình gọi là gái, hay nữ chứ gì. Khác nhau là khác nhau về cách gọi, còn con người thì ở đâu chẳng như nhau. Biết là để biết thêm sự phong phú khác biệt. Mà giờ, để biết thêm những sự khác biệt kỳ thú ấy, ngày càng phải đi xa…
TTXTĐTTM & DU LỊCH LAI CHÂU
Theodulich.petrotimes.vn
Vẻ đẹp bất tận non nước Hà Giang vào chớm thu
Tiết trời chớm thu, khi những đồi lúa ở Hoàng Su Phì đổi màu vàng ươm và hoa tam giác mạch bung nở trắng xóa dọc đường đi Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc cũng là lúc dân phượt khắp mọi miền kéo về Hà Giang.
Trong cái se lạnh vùng cao, vén làn mây mù mờ ảo, Hà Giang hiện ra đích thực là một bức tranh thủy mặc hùng vĩ cùng nền văn hóa đa sắc màu.
Một lần đến với Hà Giang để đặt chân lên cột cờ Lũng Cú - nơi địa đầu nước Việt - chắc chắn là trải nghiệm thiêng liêng mà ai cũng muốn có trong đời.
Choáng ngợp trước mảnh đất địa đầu
Sau một đêm nằm xe từ Hà Nội, sáng bảnh mắt đã thấy mình giữa TP Hà Giang trong cái lạnh chớm thu. Lạ cảnh lạ người, bất giác lòng chộn rộn háo hức. Ghé thuê một chiếc xe máy, nai nịt lại hành trang, vậy là bạn đã sẵn sàng lên đường khám phá mảnh đất địa đầu Tổ quốc rồi đó!
TP Hà Giang như dải lụa uốn quanh dòng sông Lô - Ảnh: TẤN LỰC
Phóng xe theo quốc lộ 4C chừng 30km, dốc Bắc Sum đã xuất hiện sau mây mù. Leo xe lên tới đỉnh dốc rồi quay đầu nhìn xuống bên dưới những nếp nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa mây núi nhấp nhô. Nhìn triền ngô, ruộng lúa xếp lớp hai bên đường xen lẫn đồi thông cao vót, khách bộ hành khẽ mỉm cười, lòng chắc mẩm một chuyến đi tuyệt vời.
Nhưng đừng vội thỏa mãn sớm hỡi du khách. Bởi so với những thắng cảnh trên toàn hành trình, cái đẹp trong biển mây của dốc Bắc Sum chỉ một khởi đầu nhẹ nhàng.
Du khách Tây - Ta ngắm cảnh trên cổng trời Quản Bạ - Ảnh: TẤN LỰC
Thẳng tiến chừng 30 phút nữa, khách phượt đã đặt chân lên cổng trời Quản Bạ. Cảm giác đứng trên cổng trời cao vót nhìn ra trập trùng núi đồi mấp mô vô tận, nhấp ly cà phê ấm nóng bốc khói trên tay chắc hẳn sẽ làm khách phương xa mê mệt.
Sau khi ghé thăm núi đôi Cô Tiên - đôi gò bông đào tuyệt đẹp của tạo hóa tại thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ), phượt thủ xuôi về gần thị trấn Yên Minh để mãn nhãn với vạc ruộng bậc thang đang độ chín vàng Lao Và Chải.
Địa danh núi đôi Cô Tiên nổi tiếng - Ảnh: TẤN LỰC
Chớ có ngại ngùng nếu bạn là kẻ lữ hành đơn độc. Vì suốt hành trình bạn sẽ bắt gặp vô số bạn đường cùng chí hướng. Giữa rừng núi bao la, những kẻ xa lạ dễ kết bạn làm thân cùng nhau chinh phục vùng đất hiểm.
Khách tham quan cột cờ Lũng Cú - Ảnh: TẤN LỰC
Phượt Hà Giang sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc tới cao nguyên đá Đồng Văn và con đèo Mã Pì Lèng. Dong xe đi giữa triền núi đá tai mèo lởm chởm, nhìn lên ngôi nhà dựng bằng đá người Mông vắt vẻo một bên đèo cao, bên kia vực thẳm để cảm nhận hết cái vô tận của tự nhiên cũng như cái khắc nghiệt của cuộc sống đồng bào miền biên viễn.
Ngôi nhà người Mông dựng bằng đá chênh vênh trên cao nguyên đá - Ảnh: TẤN LỰC
Hãy một lần đến với Hà Giang để thấy những ngôi nhà cheo leo giữa đá núi, nhìn những bắp ngô, cây đậu nành trồng trong từng vạt đất nhỏ chắt chiu moi ra từ đá và gương mặt lấm lem luôn nở nụ cười hồn nhiên của những em bé Mông, Dao, Tày phong phanh trong tà áo mỏng giữa cái buốt lạnh núi đá để thấy cuộc đời còn cần lắm thật nhiều yêu thương.
Nụ cười hồn nhiên của các em nhỏ vùng cao trên đường vào thị trấn Yên Minh - Ảnh: TẤN LỰC
Ghé Mã Pì Lèng - con đèo đẹp và hiểm trở bậc nhất Việt Nam, men theo những khúc cua tay áo nhìn ra núi non điệp trùng. Dưới chân, dòng sông Nho Quế nhỏ xíu nước xanh ngắt trôi lặng lờ uốn lượn theo sắp đặt của bàn tay tạo hóa.
Dừng xe, đứng giữa đỉnh đèo phóng tầm mắt bao quanh vạn vật và hít vào căng lồng ngực khí trời tươi mát mùi cây cỏ để thấy vùng đất biên viễn Tổ quốc đẹp biết chừng nào!
Sông Nho Quế chảy dưới chân Mã Pì Lèng, một trong tứ đại đèo của Việt Nam - Ảnh: TẤN LỰC
Trải nghiệm nền văn hóa đa sắc màu
Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, Hà Giang còn là mảnh đất văn hóa lâu đời của nhiều dân tộc bản địa.
Đồng bào người Mông cư trú trên địa bàn rộng lớn ở những vùng đồi núi cao nhất và để lại dấu ấn đậm nét trong đời sống văn hóa.
Làng văn hóa Lũng Cẩm, bối cảnh trong bộ phim nổi tiếng Chuyện của Pao - Ảnh: TẤN LỰC
Hãy một lần trú lại trong ngôi nhà Mông có hàng rào đá độc đáo, tường làm bằng lớp đất sét dày ấm áp. Bên bếp than hồng, tay nâng chén rưụ ngô, ngồi xếp bằng trên ván gỗ lắc lư thả hồn theo nhịp câu chuyện kể của gia chủ về dân tộc mình để cảm nhận hết cái đặc sắc của văn hóa vùng cao.
Dốc chữ M, điểm hẹn ưa thích của dân phượt khi đến Hà Giang - Ảnh: TẤN LỰC
Trên cung đường đến phố cổ Đồng Văn, hiếm phượt thủ nào lơ đễnh đến mức bỏ qua dinh thự vua Mèo Vương Chính Đức. Trên gò đất rộng dưới thung lũng Sà Phìn, dinh vua Mèo lẩn khuất giữa những tán cây sa mộc cao vút chỉa thẳng vào trời xanh. Bước chân vào tham quan, ai ai cũng sẽ choáng ngợp trước vẻ hoành tráng của dinh thự này.
Thung lũng Sà Phìn với những cây sa mộc che chắn dinh vua Mèo - Ảnh: TẤN LỰC
Tòa dinh thự được xây hoàn toàn bằng gỗ quý, mái lợp ngói âm dương được chia thành tiền, trung và hậu dinh vô cùng bề thế với lối kiến trúc pha trộn ảnh hưởng Mông, Pháp, Hoa.
Đứng giữa tòa dinh thự trăm tuổi, nghe câu chuyện về cuộc đời của một lãnh chúa người Mông từng tung hoành khắp xứ Đồng Văn, giao thiệp với các thế lực Pháp, Thanh đủ khiến khách phương xa trầm trồ thán phục.
Vẻ đẹp cổ kính bên trong dinh vua Mèo Vương Chính Đức - Ảnh: TẤN LỰC
Nếu muốn cảm nhận rõ hơn sự giao thoa văn hóa ở vùng đất này, du khách hãy ghé lại phố cổ Đồng Văn. Giữa bốn bề núi quây kín, dãy phố chừng 40 nếp nhà cổ xếp hình chữ U ngay trung tâm huyện lỵ Đồng Văn sầm uất.
Tại đây, người Mông, Tày, Hoa... sống đan xen chan hòa từ bao đời trong những ngôi nhà đậm màu thời gian. Sáng sớm, người mua kẻ bán khắp nơi kéo về chợ Đồng Văn trao đổi những rau củ quả và sản vật địa phương bằng nhiều loại ngôn ngữ trong không khí nhộn nhịp.
Phố cổ Đồng Văn trong nắng sớm - Ảnh: TẤN LỰC
Ngồi trong dãy hàng quán giữa trung tâm phố cổ nhấp ngụm trà shan tuyết, đưa tay cắn miếng bánh tam giác mạch giòn giòn rồi thu mình co ro trong hơi lạnh để ngắm nhìn dòng người qua lại, khách phương xa thấy lòng chộn rộn như tết đang về.
Xuôi Mèo Vạc về Mậu Duệ, khách phượt có thể rẽ về ngã Du Già để ngắm nhìn những bản làng người Dao giữa đồng lúa chín.
Bản Dao yên bình giữa ruộng lúa - Ảnh: TẤN LỰC
Ở vùng núi thấp không quá lạnh, những ngôi nhà sàn người Dao nhỏ xinh được dựng bằng ván gỗ hài hòa với cảnh sắc xung quanh. Dưới cái nắng trong veo chớm thu, những bông lúa trĩu nặng ửng vàng bao bọc như muốn nhộm nốt mấy nóc nhà ở giữa.
Phía xa trên triền đồi nơi ruộng lúa chín đầu tiên, những người đàn ông, phụ nữ Dao cặm cụi cùng nhau gặt, đập hạt thóc đầu mùa. Người lữ khách dừng bước đảo mắt nhìn xa xăm, lòng mơn man trước cái đẹp quê hương nước Việt.
Nhóm phượt trẻ dừng nghỉ trong hành trình khám phá Hà Giang - Ảnh: TẤN LỰC
Tấn Lực
Theo tuoitre.vn
Na Hang: Sắc nước hương trời Thuyền chạy trên mặt hồ. Một vùng trời nước Na Hang mênh mang trong tầm mắt. Những dải rừng xanh nối nhau. 99 ngọn núi gần xa nhấp nhô tạo cảm giác về một "Hạ Long xanh" trên vùng đất này. Trước mắt chúng tôi là núi Cọc Vài (tiếng Tày nghĩa là "Cọc buộc trâu"), tách ra giữa lòng hồ như một...