Đi chợ quên mua đồ: Coi chừng mắc bệnh!
Không ít người có dấu hiệu bệnh quên của người già nhưng vì quan niệm “già nên lẫn là bình thường” nên không được chữa trị kịp thời dẫn đến chất lượng cuộc sống giảm, đồng thời là gánh nặng cho con cháu.
Chờ đến lượt tái khám tại phòng khám sa sút trí tuệ, BV Thống Nhất, TP.HCM, bà Nguyễn Thị Tuyền (65 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) cho hay bà ở với gia đình con trai và phụ việc nội trợ. Từ giữa năm 2018, bà bắt đầu có biểu hiện hay quên như đi chợ về nhà để chìa khóa ở đâu là không nhớ. Nhiều lần bà ra chợ định mua một số gia vị về làm món ăn nhưng khi đến chợ rồi không nhớ phải mua những thứ gì. Các cuộc hẹn tổ dân phố bà phải ghi vào sổ chứ không thể nhớ. Nghiêm trọng hơn, có lần bà nấu ăn nhưng lại đi sang nhà hàng xóm chơi và quên tắt bếp.
Quên cả tên con cháu mình
“Lúc đang tám chuyện với hàng xóm, tôi nghe mùi cá kho cháy khét lẹt nhưng không mảy may nghĩ gì mà nói với bà hàng xóm là ai nấu ăn mà để cháy. Không ngờ người hàng xóm phát hiện khu vực bốc khói và mùi cá cháy không đâu khác là nhà tôi thì tôi mới sực nhớ ra, tá hỏa chạy về nhà. Lúc này nồi cá đã cháy đen, không còn giọt nước, khói bốc mù trời. Lo sợ có ngày cháy nhà, tôi đến bác sĩ để khám và được phát hiện bệnh thoái hóa thần kinh Alzheimer” – bà Tuyền kể lại.
Theo bà Tuyền, từ khi đi khám và uống thuốc đều đặn, trí nhớ của bà cải thiện đáng kể. Bản thân bà trước kia làm nghề dạy học nhưng từ khi nghỉ hưu thì bà chỉ tập trung công việc bếp núc. Nay được bác sĩ căn dặn vận động trí óc để cải thiện trí nhớ, bà bắt đầu nhận dạy học vỡ lòng cho các bé trong xóm.
Không may mắn như bà Tuyền, mới đây, bà Trần Thị Chức (75 tuổi, ngụ quận Tân Bình) được người nhà đưa vào bệnh viện khám do viêm khớp cổ chân. Tại khoa Nội cơ xương khớp, các bác sĩ nghi ngờ bà bị thêm bệnh thoái hóa thần kinh Alzheimer nên chuyển chuyên khoa Nội thần kinh để chẩn đoán kết hợp điều trị. Tại đây, khai thác bệnh sử, người nhà cho biết bà bị chứng bệnh hay quên hơn hai năm nay. Biểu hiện là bà hay mất ngủ, ban đêm thường lục lọi đồ đạc và đòi đi ra ngoài. Ngoài ra, bà bắt đầu quên tên con cháu trong nhà và ăn cơm rồi nhưng nghĩ là chưa ăn, đòi ăn tiếp. Người nhà chỉ nghĩ đó là bệnh của người già và không đưa đi khám cho đến khi bà đi lại yếu, phải ngồi một chỗ và tiểu tiện tại chỗ. Các bác sĩ nhận định trường hợp bà Chức do phát hiện giai đoạn muộn nên tình trạng bệnh khó cải thiện và chỉ điều trị nhằm làm cho bệnh không trầm trọng thêm.
BS Nguyễn Thị Phương Nga đang khám cho bệnh nhân bị sa sút trí tuệ do Alzheimer. Ảnh: HL
Các biểu hiện của bệnh Alzheimer
BS CK2 Nguyễn Thị Phương Nga, Trưởng khoa Nội thần kinh, BV Thống Nhất, TP.HCM, Ủy viên Ban chấp hành Hội Alzheimer và sa sút trí tuệ Việt Nam, cho biết bệnh Alzheimer được xác định là bệnh lý thoái hóa thần kinh, ảnh hưởng lên trí nhớ và một số chức năng nhận thức khác. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng sa sút trí tuệ (chiếm 60%). 40% còn lại do nhiều nguyên nhân khác như sau chấn thương sọ não, sau tai biến mạch máu não, u não, tràn dịch não thất…
Video đang HOT
Bệnh biểu hiện ở giai đoạn đầu thường là hay quên. Ở giai đoạn nặng, bệnh ảnh hưởng toàn bộ hoạt động của cơ thể như không nhận biết được xung quanh cũng như nhận biết sự nguy hiểm, cơ nuốt, cơ hầu họng bị ảnh hưởng nên bệnh nhân dễ bị suy kiệt, suy dinh dưỡng, viêm phổi, suy giảm miễn dịch. Bệnh thường xảy ra ở người trên 60 tuổi và gia tăng tỉ lệ gấp đôi cứ sau năm năm.
BS Nga cho biết thêm, số liệu thống kê trong vòng 10 năm trở lại đây, số người mắc bệnh lý Alzheimer đang có dấu hiệu gia tăng trong cộng đồng. “Trong 10 năm trở lại đây, số lượng bệnh nhân khám và điều trị sa sút trí tuệ rất nhiều, một trong những nguyên nhân là nhận thức của người dân bắt đầu được nâng cao. So với trước đây, nhiều người có tâm lý chủ quan rằng người lớn tuổi bị lẫn (tức suy giảm trí nhớ) là chuyện bình thường nên không điều trị” – BS Nga thông tin.
Người bị Alzheimer giai đoạn nhẹ thường có biểu hiện như suy giảm về trí nhớ, quên những chuyện xảy ra gần đây trong khi những chuyện về xa xưa nhớ rất kỹ. Các biểu hiện như không nhớ những cuộc hẹn, bộ phim đã coi tối qua, quên các cuộc họp tổ dân phố mà người nhà nhắc cũng không nhớ được, hỏi tới hỏi lui một nội dung, bà nội trợ đi chợ quên mua đồ hoặc quên đồ ở chợ, khả năng tính toán suy giảm, khả năng nói chuyện, từ ngữ bị hạn chế, thường đi lạc hoặc môi trường quen thuộc trở nên lạ lẫm, khả năng quản lý công việc điều hành bị ảnh hưởng…
Không thể điều trị khỏi hoàn toàn
Đối với những trường hợp xác định Alzheimer, bác sĩ cần giải thích với người nhà và bệnh nhân đây là bệnh lý thoái hóa thần kinh, bệnh có khuynh hướng đi xuống. Bệnh không thể điều trị khỏi hoàn toàn mà cần điều trị để kéo dài thời gian bệnh nhân duy trì nhận thức, hoạt động sống, sinh hoạt và giao tiếp xã hội thường ngày. Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm, hiệu quả điều trị sẽ tốt hơn giai đoạn trung bình và nặng, khi không còn nhận biết được người thân.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang bước vào quá trình già hóa dân số với tỉ lệ người trên 65 tuổi tăng ngày càng nhanh. Kéo theo đó, các bệnh lý liên quan đến tuổi già cũng tăng lên đáng kể, trong đó có tình trạng sa sút trí tuệ. Vì vậy, mọi người cần có hiểu biết và nhận thức đúng về bệnh này.
GIA NGHI
Theo PLO
Ám ảnh căn bệnh 3 giây có một người mắc mới
Có trường hợp không nhớ nổi chồng, con, không còn tình cảm gắn kết với gia đình. Ông chồng chỉ cần trái ý là đánh, chửi ngay. Có trường hợp gia đình phải cất hết bật lửa, chuyển từ bếp ga sang bếp từ vì cứ đêm bệnh nhân đốt nến châm hương khắp nhà...
Sa sút trí tuệ ở người già là gánh nặng không chỉ cho gia đình mà cả xã hội
Đây là thông tin được nêu ra tại hội thảo phổ biến kiến thức về "Sa sút trí tuệ trong bối cảnh già hóa dân số" tại Việt Nam được Viện Sức khỏe Tâm thần- Bệnh viện Bạch Mai tổ chức vào chiều nay 9/4.
TS Trần Thị Hà An, Trưởng phòng Người già - Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết, năm 2010, tổng số người trên 65 tuổi toàn cầu ước tính vào khoảng 8% dân số và ở VN là khoảng 5,73%. Tỷ lệ này được dự đoán tăng lên gấp đôi vào năm 2050. Việt Nam đang bước vào quá trình già hóa dân số với tỷ lệ người trên 65 tuổi tăng ngày càng nhanh. Kéo theo đó, các bệnh lý liên quan đến tuổi già cũng tăng lên đáng kể, trong đó có tình trạng sa sút trí tuệ. Ước tính, mỗi 3 giây có thêm một người mắc sa sút trí tuệ và số người mắc này sẽ tăng lên gấp đôi sau mỗi 20 năm.
BS Hà An nhấn mạnh, đây là hội chứng lâm sàng được gây ra bởi tổn thương não, với đặc trưng là các biểu hiện suy giảm trí nhớ, định hướng, chú ý, ngôn ngữ, tri giác,... Ngoài ra, người bệnh sa sút trí tuệ có thể có nhiều triệu chứng rối loạn tâm lý, hành vi và suy giảm chức năng nặng nề tùy từng thể, từng giai đoạn của bệnh.
Tại Viện Sức khỏe tâm thần, bệnh nhân vào viện thường có triệu chứng bệnh Alzheimer, có những bệnh nhân sa sút trí tuệ đến mức không tự mặc được quần áo, thụ động, thậm chí có những hành vi bất thường, hoang tưởng, ảo giác, đặc biệt là mất ngủ. Rất nhiều bệnh nhân khác vào viện trong tình trạng không ăn được, nói rất ít, khó giao tiếp, đi đâu cũng phải có người thân đi theo giám sát.
Có trường hợp không nhớ nổi chồng, con, không còn tình cảm gắn kết với gia đình. Chợt vui chợt buồn, thậm chí ông chồng chỉ cần trái ý là đánh, chửi ngay. Có người thì không thể phân biệt được đêm và ngày. Ngày thì gà gật nhưng đêm lại thức. Cứ nhè nửa đêm là làm ầm ĩ cả nhà gọi các con dây nấu ăn. Thậm chí có trường hợp gia đình phải cất hết bật lửa, chuyển từ bếp ga sang bếp từ vì cứ đêm bệnh nhân đốt nến châm hương khắp nhà...
BS Hà An cho biết thêm, qa thực tiễn điều trị cho thấy, bệnh nhân mắc sa sút trí tuệ không chỉ là người già mà còn là những người có tiền sử gia đình, chấn thương sọ não, béo phì/ đái tháo đường type 2... Trong đó, nữ giới mắc bệnh nhập viện nhiều hơn. Người có trình độ học vấn cao ít mắc bệnh này hơn.
"Sa sút trí tuệ là bệnh của người già nhưng không phải tất cả người già đều mắc bệnh, cũng không phải người trẻ thì không mắc bệnh này. Mặt khác, rất ít người già chỉ mắc sa sút trí tuệ đơn thuần mà thường là mắc kèm theo các bệnh lý khác" - TS Hà An nói.
Đáng chú ý, khảo sát cũng cho thấy những người chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ hay bị ốm hơn so với người thường, số lần phải đi khám bệnh tăng, dùng nhiều thuốc hơn, nguy cơ phải nhập viện cao hơn, nguy cơ trầm cảm cao hơn. "Vì thế mới có chuyện ở Viện chúng tôi, bác sĩ chăm sóc cho người bệnh sa sút trí tuệ 1 thì cũng phải tư vấn, hỗ trợ cho người chăm sóc 2" - TS Hà An chia sẻ.
TS Trần Thị Hà An khuyến cáo, khi có 10 biểu hiện sau đây, người bệnh cần đi khám bác sĩ sớm để được tư vấn, điều trị kịp thời:
1. Giảm trí nhớ làm rối loạn cuộc sống hàng ngày.
2. Khó khăn trong việc lên kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề.
3. Khó khăn trong việc hoàn thành các nhiệm vụ quen thuộc.
4. Nhầm lẫn về thời gian và không gian.
5. Khó nhận biết về hình ảnh trực quan và mối quan hệ trong không gian.
6. Phát sinh vấn đề mới với từ ngữ khi viết/ đọc.
7. Đặt nhầm chỗ các đồ vật và mất khả năng nhớ lại các bước để tìm lại đồ.
8. Giảm khả năng phán đoán hoặc ra quyết định.
9. Thu mình khỏi công việc hoặc hoạt động xã hội.
10. Thay đổi cảm xúc và nhân cách.
Các bác sĩ nhấn mạnh, sa sút trí tuệ gây ra gánh nặng lớn cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội. Vì thế, việc quản lý, chăm sóc và điều trị người bệnh cần được tiến hành càng sớm càng tốt. Phương pháp điều trị có thể dùng thuốc, không dùng thuốc hoặc chăm sóc toàn diện sẽ giúp làm giảm triệu chứng, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
Ngoài ra, BS Hà An cũng lưu ý hiện có tình trạng lạm dụng thuốc bổ não. Khoảng 90% bệnh nhân đến viện đều lạm dụng loại thuốc này, "tôi thường khuyên người bệnh thay vì uống thuốc thì nên ra ngoài tập một bài thể dục, tăng cường vận động, giao tiếp còn hiệu quả hơn là uống thuốc", BS Hà An lưu ý.
Theo infonet
Tùy tiện dùng thuốc bổ não làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ Theo TS. Nguyễn Doãn Phương - Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) - lưu ý về tình trạng lạm dụng thuốc bổ não hiện nay. Khi có dấu hiệu suy giảm trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị Nhiều người khi thấy triệu chứng giảm trí nhớ, rối...