Đi cho khuất mắt tôi!
Thay vì “biến đi” hay “cút đi”, những người phụ nữ tỉnh táo và khôn ngoan sẽ nói “Đi cho khuất mắt tôi” với ngữ điệu hơi cao một chút và kéo dài một chút ở phía cuối câu.
ảnh minh họa
Như thế là đủ quyền năng để người đàn ông của cô ta sợ, vừa đủ đe dọa để người đàn ông của cô ta biến đi nhưng không khuất khỏi tầm mắt, đặc biệt là đủ dịu dàng để không khiến gã đàn ông đó nổi máu điên và cho cô ta vài cái bạt tai.
Video đang HOT
Thường thì khi cãi nhau đến đoạn cao trào, máu huyết dồn lên mặt nóng phừng phừng đố ai mà nghĩ được gì khác ngoài việc khao khát được động thủ để giải phóng bức bối. Vì thế mà trong nhiều cuộc cãi cọ, thế nào cũng có kẻ, thường là đàn ông, giậm chân thình thịch bỏ ra ngoài đóng sầm cửa lại và văng vẳng bên tai là tiếng lải nhải của người đàn bà. Cũng có khi hăng máu, người đàn ông gần như quên mất mình là đàn ông đích thực, khí huyết sôi sục chuẩn bị động thủ đến nơi. Những lúc như thế, người đàn bà khôn ngoan sẽ nói: “Đi cho khuất mắt tôi”. Rõ ràng là người đàn bà vừa được lớn mặt đuổi chồng để thể hiện thế thượng phong, vừa “giải tán quốc hội” một cách an toàn.
Tôi không dám chắc lắm về tâm trạng của người đàn ông khi bị đuổi ra khỏi nhà, bởi tôi là đàn bà, vả lại tôi cũng chưa bao giờ bị chồng đuổi cả. Kỳ thực tôi cũng chả mấy khi chứng kiến chị em nào bị chồng đuổi, hoặc là vì đàn ông bao dung độ lượng hơn nhiều, hoặc là họ không có thẩm quyền nhiều như đàn bà. Mà thôi, đấy là việc của họ. Việc của chúng ta là đang nói đến những người phụ nữ khôn ngoan luôn biết nói câu “Đi cho khuất mắt tôi” đúng lúc và đúng chỗ.
Thường chị em không cần phải thêm vài mở ngoặc sau câu nói đó thì tất cả đám đàn ông cả chân chính lẫn hư hỏng, cả nhạy cảm lẫn ngờ nghệch, đều hiểu rằng anh ta chẳng nên đi đâu xa cả. Nhưng vì anh ta là người đàn ông rất chi phong thái, nên anh ta sẽ không thèm đôi co với ả đàn bà lắm mồm rằng: “Đây là nhà tôi, sao tôi phải đi đâu?”. Hoặc anh ta là người cực kỳ tự lực tự cường, cứ việc khảng khái tay trắng ra đi, sợ gì giữa chốn đất trời bao la này không có chỗ dung thân. Nhưng chắc chắn, cách trừng trị thích đáng nhất với một người đàn bà dám lớn tiếng đuổi chồng là anh ta cứ việc nguẩy mông đi thẳng, hoặc tỏ ra nguy hiểm hơn bằng cách thay một bộ quần áo đẹp, xức nước hoa thơm tho, xịt keo tóc bỏng bẩy, rồi xách ba lô lên và đi.
Dám chắc, khi anh ta chỉ vừa ra đến đầu ngõ, người đàn bà to mồm kia sẽ tràn trề hối hận, rồi trí tưởng tượng phong phú sẽ có cơ hội phát huy và hành hạ ả. Hắn ta có thể đi đâu được chứ nếu không phải là vác xác đến chỗ ả tình cũ có vòng một phì nhiêu một cách thừa thãi, hay le ve bên cạnh những ả tóc vàng cả chân ngắn lẫn chân dài đang đứng đầy đường rất mời gọi. Và dù dạ rối như tơ vò, người đàn bà lớn tiếng đuổi chồng cũng sẽ cố gắng tỏ ra kiêu ngạo trong khoảng thời gian dài nhất có thể để không chộp lấy chiếc điện thoại và gọi hắn về. Vậy đấy, tình huống này sẽ khiến cô ta nhớ đến một câu thơ rất nặng mùi sến súa: “Em bảo anh đi đi, sao anh không đứng lại…”. Và cô ta bắt đầu nhấc điện thoại lên, nén cơn sĩ diện, bấm nút gọi hoặc nhắn tin bằng những lời lẽ vẫn tỏ ra cực kỳ oai phong: “Anh đang ở đâu, có về không thì bảo” hoặc “Về ngay không tôi khóa cửa”, đại loại thế, trong khi đó lòng dạ đầy hoang mang.
Rất may là chỉ sau vài phút của cuộc gọi, hầu hết mọi gã đàn ông bị vợ đuổi đều đã có mặt ở nhà. Không biết là do anh ta chẳng có chỗ nào để đi, hoặc là anh ta thừa biết thế nào cũng được gọi về, nên ngồi chờ sẵn ở quán trà đá đầu phố. Nhưng chắc chắn một điều, anh ta sẽ không bao giờ có cơ hội được ra đi mãi mãi khi người đàn bà của anh ta kéo dài ngữ điệu một cách rất chuyên nghiệp: “Đi cho khuất mắt tôi!”.
Theo Afamily
Đơn giản thôi mà...
"Lớn đầu rồi mà chuyện gì cũng chạy về méc mẹ là sao? Hãy tập giải quyết chuyện của mình vì mẹ chẳng sống đời để mà lo lắng mãi cho con...". Câu nói của ba nửa như trách móc nửa như khuyên răn khiến em bỗng thấy buồn. Mẹ đang bệnh, thế mà em cứ mang chuyện giận hờn của tụi mình ra khóc kể...
Mà nghĩ cho kỹ thì có chuyện gì đâu! Vợ chồng cãi nhau chỉ vì anh thích ăn cá kho, còn em thì thích chiên giòn. Mâm cơm dọn lên, nói qua, nói lại riết rồi quy thành quan điểm, nhận thức, thế là giận hờn, bỏ cơm, chạy về nhà mẹ. Những lần trước, mẹ nghe rồi tỉ tê khuyên giải. Em biết mình đúng chỗ nào, sai chỗ nào, phải hóa giải ra sao... Cứ như vậy mà em không chịu lớn lên cùng với cuộc hôn nhân của mình.
Lấy chồng 2 năm nhưng chưa bao giờ em có cảm giác mình là một bà chủ trong gia đình. Thậm chí, em chẳng nghĩ đến chuyện phải sinh con vì sợ phải bầu bì, mang nặng đẻ đau rồi xấu xí. Em nghĩ lấy chồng cũng giống như ăn cơm, uống nước. Nghĩa là đến một độ tuổi nào đó thì phải lấy chồng. Chính vì vậy mà em không hình dung được những vấn đề phức tạp của hôn nhân khi hai con người phải sống cùng nhau, phải ngày ngày chứng kiến và chấp nhận những sự khác biệt.
Đôi lúc em tự hỏi tại sao khi yêu nhau, em chẳng nhận ra anh có những tật xấu rất khó chấp nhận? Còn anh cũng không thấy em có những điều khó ưa đến đáng ghét? Chúng mình chẳng kịp nhìn thấy rõ nhau thì đã đòi cưới xin, chồng vợ. Phải chi được làm lại từ đầu, em sẽ chờ thêm vài năm nữa để mình thật sự trưởng thành, thật sự sẵn sàng cho một cuộc sống "độc lập, tự do"...
Nói gì thì nói, từ giây phút này, em sẽ "tự giải quyết" những vấn đề giữa chúng ta, sẽ bắt đầu suy nghĩ "từ chính tổ ấm" của mình. Đơn giản thôi mà, từ nay, trên mâm cơm sẽ có cả cá kho và cá chiên giòn. Thế là ổn chứ gì, phải không chồng?
Theo VNE
Có cái gọi là "cung cô độc", "tướng ế chồng"? Trước đây tôi không tin vào tướng số nhưng nay thì đã nhìn nhận lại từ kinh nghiệm của chính bản thân. Năm nay tôi đã ngoài bốn mươi, ngoại hình khá, nếu không nói là cũng khá xinh đẹp. Thế nhưng đến giờ tôi vẫn "phòng không chiếc bóng". Tết vừa rồi, tôi đi xem bói, thầy phán rằng, tôi cao số,...