Đi chợ giữa biển Hoàng Sa (Kỳ 3): Chữ tín quan trọng hơn tiền
Nếu không đi biển, chắc không ai có thể hình dung được tại sao giữa biển khơi mênh mông, con người lại tìm được nhau mà mua bán. Nhưng với ngư dân, đây chỉ là một buổi chợ đặc biệt vì quãng đường dài cả trăm km và đôi khi mua bán không dùng đến tiền chi trả mà chỉ có niềm tin và chữ tín mà thôi.
Điểm hẹn giữa biển khơi
Tàu hậu cần của chúng tôi cứ mua hàng ở tọa độ này xong lại di chuyển tới tọa độ khác. Trên biển, tầm nhìn xa lúc nào cũng hơn 10km, tôi ngồi ngoài khoang tàu phóng hết tầm mắt mà chẳng thấy tàu đánh bắt nào. Tờ mờ sáng, những chiếc tàu đánh bắt như độn thổ từ dưới biển lên, xuất hiện ngay trước mũi tàu hậu cần, nhẹ nhàng cặp vào nhau để bán hàng. Mang điều khó hiểu này hỏi anh Lê Văn Tý – thuyền trưởng, anh Tý cười rồi giải thích: “Nhìn mênh mông thế nhưng trên biển cũng như trên bờ, đều có đường. Ở dưới nước không phải chỗ nào cũng có cá, mà con cá cũng cần phải sống gần nhau, vì đây là một chuỗi thức ăn cộng sinh, những con cá kiếm ăn vào ban ngày sẽ bắt con cá kiếm ăn vào ban đêm, và ngược lại, con kiếm ăn ban đêm sẽ biến con cá hoạt động ban ngày thành mồi. Dưới biển cũng có những gò, những đồi; cá thường quần tụ với nhau ở những gò này, vì áp suất nước nhỏ cá thở và bơi dễ dàng. Những điểm cá hay quần tụ đã được đánh dấu trên tọa độ đánh bắt của bà con ngư dân, vì hầu như những thuyền trưởng lâu năm đều có những cuốn nhật ký được coi là bảo bối về những luồng bãi cá”.
Chuyển cá từ tàu đánh bắt sang tàu hậu cần. Ảnh: G.T
Mấy chuyến ni, tàu bạn đánh bắt được ít, mình trả tiền luôn cho bạn phấn khởi, chứ nếu mỗi mẻ hàng chục tấn, mình không mang đủ tiền mặt thì chỉ cần xin số tài khoản rồi vào bờ chuyển khoản là xong. Làm ăn với nhau lâu năm, chỉ cần chữ tín là được. Hơn nữa, người đi biển cần phải có cái tâm thanh thản mới tránh được những rủi ro khi gặp thiên tai bất chắc trên biển”. Thuyền trưởng Lê Văn Tý
Anh Tý chia sẻ thêm: “Để tìm được nhau trên biển, thường tàu đánh bắt sẽ lên sóng ngắn bằng máy bộ đàm, sóng này trong phạm vi khoảng 60 hải lý có thể bắt được nhau, nghe rõ. Tất nhiên, mỗi tàu có 1 kênh riêng để gọi, chỉ việc nói tọa độ của nhau ở kinh độ, vĩ độ nào là tìm được hết, kể cả trời tối, vì hiện nay ban đêm các tàu đều có hệ thống đèn led nhấp nháy phát sáng rồi nên tìm rất đơn giản”.
Do đã hoạt động trên ngư trường Hoàng Sa hơn 30 năm, anh Tý đã thuộc từng tọa độ như lòng bàn tay của mình. Chỉ cần ở đâu nhận được tín hiệu từ bộ đàm là anh và những người trong đội tàu hậu cần có thể tìm đến thu mua cá cho bà con ngư dân. Tôi được biết, với tàu hậu cần có nhiều điều bất thành văn. Tàu bạn gọi là phải tới, là phải mua cá cho họ, không thể thoái thác. “Chính vì vậy, có những chuyến chở cá từ ngoài khơi về đến bờ, gặp sự cố dân không ăn nữa đành chịu lỗ, phải chấp nhận. Có những tàu cá mình làm ăn với họ đã hơn 20 năm, từ đời ông, đời bố còn đi biển, đến giờ truyền cho con làm chủ, vẫn trung thành với nhau, nên dù biển có gió bão, hay khu vực thu mua thường xuyên bị nước ngoài ngăn cản, nhưng cứ gọi nhau trên biển được là phải tìm cách gặp nhau mà chở hàng của họ về bờ”- anh Tý cho biết.
Tri ân trên biển
Video đang HOT
Do dư chấn của cơn say sóng dài bất tận, tôi nằm vật vã trong khoang tàu, chỉ nghe tiếng máy nổ lúc gằn lên lúc nhả ra. Với kinh nghiệm của những lần đi biển trước, tôi biết kiểu nhấn ga này là lúc tàu sắp cặp mạn với tàu khác, liền vùng dậy, vơ đồ nghề ngó ra cửa. Trên mũi tàu, anh Nguyễn Văn Khôi (47 tuổi) cầm sợi dây chuẩn bị ném sang tàu QT 96099. Đây là tàu cá của tỉnh Quảng Trị, nhìn sang bên sàn tàu của bạn là cả một sàn mực cơm. Bác Nguyễn Văn Lăng – phụ trách công tác bán hàng của tàu QT96099 nói: “Mẻ mực cơm này vừa mới đánh xong lúc 4 giờ sáng”. Nhìn những con mực ở bên trên còn giật giật, bác Lăng phát giá 140.000 đồng/két (bà con đi biển không ai dùng cân để tính, mà tính cá bằng két -là những khay nhựa – tính ra khoảng 15 – 20kg mỗi két, nhưng nếu đựng đầy có thể lên tới 25kg tùy từng loại).
Thư ký của tàu hậu cần và tàu đánh bắt thanh toán tiền sau khi bán hàng. Ảnh: G.T
Ngồi trên cabin nhìn xuống, anh Tý trả giá 200.000 đồng/két nhưng đong đầy. Nhìn một sàn mực ngồn ngộn, bác Lăng nhất trí, thế là hai bên chuyển cá sang nhau. Nếu không đi biển, không có ai hình dung ra cảnh bán cá trên sóng này. Mỗi bên cử một người làm thư ký, ở dưới cứ việc xúc cá đầy két, còn thư ký thì ghi, chỉ 15 phút sau đống mực đã được đong thành 61 két, khoảng 1.500kg, quy ra tiền hơn 12 triệu đồng, cộng với hơn chục két cá nục, 3 két cá hố và nhiều loại cá nữa, tổng cộng một đêm đánh bắt của tàu bác Lăng bán được 21,5 triệu đồng. Hai bên thanh toán với nhau xong, đợi tàu sang bơm nước ngọt, bác Lăng cho biết: “Mùa này chưa phải vào vụ cá nam nên đi biển đánh bắt cũng có hôm được hôm thua. Một đêm mà đánh được khoảng 20 triệu đồng thế này cũng gọi là tạm được, chứ không phải nhiều”.
Cách đây 2 năm đã có mẻ lưới chỉ một đêm, tàu bác Lãng trúng mánh bán được 360 triệu đồng, đầy nguyên một chuyến tàu hậu cần 60 tấn.
Nhìn những người làm công việc chuyển cá trên biển chẳng khác gì những nghệ sĩ làm xiếc. Đứng trên chiếc tàu chòng chành theo mỗi con sóng, thỉnh thoảng 2 con tàu lại va vào nhau huỳnh huỵch, như đụng sừng trâu chiến mà họ cứ tung và bắt két cá khoảng 30kg nhẹ như không, gọn gàng, nhịp nhàng như tung gạch, rồi xếp gọn xuống hầm tàu, đâu vào đó. Đợi xong mẻ thu mua, tôi hỏi Nhật – người được phân công đón những két cá mà tàu bạn tung sang thì được biết: “Ngoài việc quen phải đứng vững, khi đón cá cũng phải có nghệ thuật. Lúc két cá ở trên cao không được túm, mà đợi nó rơi xuống mới mượn đà chụp lại rồi đặt nhẹ xuống tàu là xong. Mùa này còn phải chuyển hàng ít, chứ có những lần trong một buổi sáng chuyển tới 30 tấn hàng vẫn bình thường”.
Đếm trả tiền cho tàu bạn xong, anh Tý nói thêm với tôi: “Mấy chuyến ni, tàu bạn đánh bắt được ít, mình trả tiền luôn cho bạn phấn khởi, chứ nếu mỗi mẻ hàng chục tấn, mình không mang đủ tiền mặt thì chỉ cần xin số tài khoản rồi vào bờ chuyển khoản là xong. Làm ăn với nhau lâu năm, chỉ cần chữ tín là được. Biến rộng vậy thôi, nhưng đều biết mặt biết tên nhau hết, chẳng ai lừa hay xù nợ được ai bao giờ. Hơn nữa, người đi biển cần phải có cái tâm thanh thản mới tránh được những rủi ro khi gặp thiên tai bất chắc trên biển”.
Khi tiền cá đã thanh toán xong, dù mua được nhiều hay ít, như một sự tri ân, bao giờ tàu hậu cần cũng tặng lại tàu bán cá một bọc rau tươi, 10kg thịt lợn và 1 thùng bia. Món quà đó ở trên biển có trị giá vài triệu đồng, nhưng đối với những người đi biển với nhau, đó chỉ là tình cảm để nhớ về nhau khi gặp và buôn bán với nhau trên biển, ngoài lợi nhuận họ còn giúp nhau một cách hết sức vô tư và nhiệt tình.
Theo Danviet
Đi chợ giữa biển Hoàng Sa (Kỳ 2): Những màn phô diễn công nghệ
Đã gắn bó với ngư dân cả chục năm nay, tôi phát hiện được rằng, ngày nay ngoài những kinh nghiệm nhìn trời, nhìn nước để bủa lưới giăng câu, việc đưa máy móc, thiết bị hiện đại, cùng với nâng công suất tàu cá xa bờ giúp ngư dân đỡ vất vả hơn và cũng an toàn hơn khi lênh đênh trên biển.
Hợp tác thắp đèn
Tàu hậu cần ĐNa 90444 của chúng tôi chạy liên tục hai ngày một đêm thì ra tới ngư trường, tính ra quãng đường phải vượt cũng hơn trăm hải lý. Tôi bị những cơn sóng hành mất một ngày, không ăn không ngủ được, đầu đau như búa bổ, nhưng vẫn thấy mình khá hơn người bạn đồng hành là Nguyễn Văn Huy (24 tuổi). Huy kể: "Em làm đầu bếp, phụ trách món Âu ở một khách sạn tại Đà Nẵng, nhưng vô cùng ham mê câu cá". Huy quen anh Sang - chủ tàu nên xin đi một một chuyến để khám phá nghề câu cá đại dương. Từ khi tàu chạy, Huy chỉ dậy ăn được một bữa cơm, còn nằm nguyên một chỗ vì say sóng, thỉnh thoảng anh em phải vào lay gọi xem sức khỏe của Huy ra sao. Đôi lúc mới thấy Huy ngóc đầu dậy uống nước, vừa uống vừa thều thào: "Em say đủ thứ rồi, nhưng chưa bao giờ thấy khủng khiếp như say sóng thế này".
Công nghệ thắp đèn nhử cá vào lưới của ngư dân trên biển Hoàng Sa. Ảnh: G.T
Đến đêm thứ 2 trên biển, bắt đầu có lệnh hạ dòm, thả neo của thuyền trưởng Lê Văn Tý. Từ trên cabin anh nói vọng xuống: "Tới nơi rồi, cả nhà dậy chuẩn bị làm việc đi!". Cả 8 người trên tàu chẳng ai bảo ai, mỗi người vào một việc. Máy phát điện được khởi động, 2 dàn đèn cao áp với 60 bóng 2.000W bật sáng, khiến cho một vùng biển tối có một điểm sáng hơn cả ban ngày.
Đã nhiều lần đi theo ngư dân nhưng tôi vẫn thắc mắc và hỏi anh Tý: Tàu mình không thả lưới vậy thắp đèn làm gì? Anh Tý cười tít mắt nói: "Tàu mình không đánh cá nhưng phải thắp đèn để cho tàu bạn đánh cá". Chỉ tay về hướng Nam cách đó chừng 3 hải lý cũng thấy một điểm sáng rực như tàu mình, anh Tý nói: "Theo nguyên tắc, tàu thắp đèn dụ cá như thế này, tàu bạn phải chia cho 30% số cá đánh được, nhưng tàu mình chỉ thắp đèn không công, đợi tàu bạn đánh được bao nhiêu thì xin mua hết của họ".
Thuyền trưởng Mai Đức Huy nói về con tàu hiện đại của mình. Ảnh: G.T
Chúng tôi chập chờn ngủ đến 3 giờ sáng thì nghe từ máy Icom của tàu bạn gọi, bảo chuẩn bị tắt đèn đi. Nhìn sang tàu bạn, một chiếc thuyền thúng được hạ xuống, trong đó có một chiếc máy phát điện, kéo theo một chiếc bè thắp điện sáng trưng. Tàu hậu cần chúng tôi ở bên này tắt dàn đèn cao áp. Anh Nhật - một thành viên trên tàu giải thích: "Cả đêm tàu mình thắp đèn, giờ họ hạ bè xuống để gọi cá theo đèn, rồi hạ lưới quây lại. Kiểu này đến khoảng 6 giờ sáng là mình có thể mua được cá của tàu bạn. Từ ngày trên biển gọi nhau thắp đèn chung thế này, tàu bạn đánh được nhiều cá hơn, tàu mình cũng mua được nhiều hàng hơn".
Máy móc hiện đại
Trước kia những tàu cá vươn khơi chỉ có duy nhất một chiếc máy định vị, và máy bộ đàm Icom, ngư dân phải kéo lưới bằng tay là chủ yếu, đồ ăn thì đa số là thực phẩm khô, với các loại củ. Bây giờ những con tàu cá vươn khơi không chỉ to lớn về công suất và trọng tải mà máy móc trang bị để làm nghề cá cũng hiện đại giống như những ngôi nhà công nghệ trên biển.
Trước kia tàu cá chỉ trang bị các loại máy tầm ngư, đơn giản là dò tìm xem ở dưới biển có đàn cá hay không. Nhưng giờ tàu có thế hệ máy mới giá lên đến nửa tỉ đồng mỗi chiếc, có thể đếm được số lượng cá trong đàn, đo được tốc độ cá bơi, nước chảy, độ sâu của vùng biển...".
Anh Mai Đức Huy - Thuyền trưởng tàu BT 091258ts
Để được tận mắt thấy sự hiện đại của những con tàu thế hệ ngư dân mới, tranh thủ lúc tàu cập mạn bán cá, tôi sang thăm tàu BT 091258TS do anh Mai Đức Huy (40 tuổi, quê Quảng Bình) làm thuyền trưởng. Anh Huy hồ hởi khoe: "Tàu của tôi được đóng theo chính sách của Nghị định 67 nên trang bị cũng thuộc loại đầy đủ. Trước kia tàu cá chỉ trang bị các loại máy tầm ngư, đơn giản là dò tìm xem ở dưới biển có đàn cá hay không. Nhưng giờ tàu có thế hệ máy mới giá lên đến nửa tỷ đồng mỗi chiếc, có thể đếm được số lượng cá trong đàn, đo được tốc độ cá bơi, nước chảy, độ sâu của vùng biển. Mỗi lần thả lưới mất vài tiếng đồng hồ, tốn rất nhiều công, nếu đàn cá bé quá và số lượng ít thì không nên thả lưới đỡ mất công".
Nếu như tất cả các loại tàu cá ra khơi đều được trang bị máy tầm ngư để tăng hiệu quả đánh bắt, thì giờ đây những tàu cá mới đã trang bị thêm radar. Anh Huy bật mí: "Radar vô vùng đắt đỏ, đầu tư cả tỷ đồng, nhưng biết sử dụng vô cùng hiệu quả. Mình chỉ cần bật radar lên quét, cứ thấy nhóm tàu bạn ở đâu cùng nhau khoảng 2 ngày là biết nơi đó đang có cá, nên có thể tới tham gia đánh bắt cùng. Nhưng hiện nay, ở Nhật Bản đã chế tạo ra loại radar tìm chim trên biển, nghe có vẻ vô lý nhưng chỉ những người đi biển mới biết". Ở đâu có chim kiếm ăn ở đó có cá, nên sắp tới anh Huy sẽ nghiên cứu đầu tư thêm radar tìm chim để chủ động trong công tác tìm đàn cá.
Cũng liên quan đến công nghệ trên tàu, hiện nay những tàu thế hệ mới đã trang bị máy tàu với hệ thống kim phun điện tử, tuy đầu tư đắt nhưng lại tiết kiệm được 30% lượng dầu so với những loại máy cũ. Trong những phí tổn đi biển, dầu bao giờ cũng chiếm quá nửa, chỉ cần đầu tư máy mới 1 năm là huề vốn, còn từ năm thứ 2 trở đi là có lãi. Ngoài những thứ máy móc cơ bản ra, hiện nay công nghệ kéo lưới bằng máy cũng được các tàu lưới sử dụng, giải phóng được khá nhiều sức kéo bằng tay cho ngư dân. Tổng kết lại con tàu "67" được trang bị khá hiện đại của mình, anh Huy chia sẻ: "Năm vừa qua làm biển khá hiệu quả, cuộc sống của ngư dân an toàn và thuận tiện hơn. Năm qua đã trả lãi đúng hạn cho nhà nước với số tiền hơn 203 triệu đồng, và 23 lao động trên tàu thu nhập bình quân 60 triệu đồng/người/năm".
Theo Danviet
Đem "lộc biển" Hoàng Sa về bờ "Trở về đất liền rồi bà con ơi, bán cá xong là mình đón tết muộn với gia đình, bạn bè, người thân thôi. Mồng 7 chưa phải là hết tết...". Những tiếng hò reo của ngư dân sau chuyến biển ở Hoàng Sa trở về đất liền với đầy ắp cá làm rộn ràng khu cảng ở xã Tam Quang, huyện Núi...